1551-1555
1551. Đâu đó ở giữa bộ não có những trung tâm sướng-khổ. Mỗi lần bạn khuấy động cảm giác vui thích, tất cả những trung tâm đau quanh đó cũng tham gia vào để bù trừ lẫn nhau. Mỗi lần bạn khuấy động cảm giác đau thì những trung tâm vui thích lại cũng vào cuộc. Cả hai cái đó luôn trộn lẫn với nhau. Nó là một cảm giác hết sức phức tạp.
Giả sử bạn bị vấp ngón chân: bạn thấy đau, nhưng các trung tâm vui thích đúng lúc đó cũng bắt đầu hoạt động để chiến thắng cái đau. Và bạn cảm thấy vui khi hết đau – cái vui tiếp tục đọng lại. Nói cách khác, cái đau đã tan biến và các trung tâm đau lúc này tạm yên ắng.
Nhưng các trung tâm vui thích thì phải một lúc nữa mới yên ắng, vì chúng được khuấy động sau một chút, vậy là cái này biến thành cái khác. Giống như thế, cảm giác sợ với cảm giác an toàn cũng là cái này chuyển thành cái kia.
1552. Quá trình trở nên phức tạp hơn bởi do ta đưa từ ngữ vào, nói rằng “thế này gọi là sướng, thế kia gọi là khổ”. Ta đã bày ra cách để bảo rằng mọi sự việc hoặc là đáng vui, hoặc là đáng buồn. Nói cái gì đó không sướng tức là hàm ý rằng nó có thể khổ. Hoặc nếu bạn mất đi một niềm vui, thì việc đó hẳn có hàm ý một sự mất mát – một nỗi đau.
Mặt khác, nếu bạn cho rằng nỗi đau đã qua đi thì hẳn bạn phải vui mừng vì điều đó. Do đó mà cái vui trực tiếp hàm chứa cái khổ, và cái khổ lại hàm chứa cái vui. Bạn không thể tách rời hai cái ấy ra được, dù ở cấp độ hóa học hay ở cấp độ trí tuệ, hoặc ở bất kì cấp độ nào khác.
1553. Việc tìm kiếm một niềm vui không dứt ắt phải thất bại, vì những trung tâm vui thích được dùng nhiều rồi cũng bị nhàm đi. Những trung tâm đau lúc này được kích thích để cân bằng lại với những trung tâm kia, và thế là chúng bắt đầu ồ ạt vào cuộc. Vậy là chẳng có cách gì có được một niềm vui không dứt. Nếu bạn cứ cố chấp làm điều đó thì bạn hẳn sẽ khám phá ra rằng rồi nó sẽ biến thành nỗi đau. Vui sướng luôn chỉ là một hiện tượng quá độ.
1554. Phản ứng sướng-khổ nói chung chỉ thích hợp đối với động vật, chứ đối với tư duy thì bạn có thể thấy là không. Tiêu chuẩn đối với tư duy mạch lạc đó là nó phải đúng và thật. Nhưng nếu nhờ vào tư duy mà bạn có thể thấy sướng hay thấy khổ thì như vậy là tư duy mạch lạc đã không còn hoạt động nữa.
Nói đúng hơn, tiêu chuẩn ở đây phải là, thứ tư duy nào “mang lại được niềm vui hoặc nỗi khổ thì đó là thứ tư duy đã trở thành tư duy tiêu cực. Nếu tư duy có thể được xác định bằng niềm vui hay nỗi khổ, thì đó đã là sự mở màn cho không biết bao nhiêu điều rắc rối. Và chúng ta bị điều kiện hóa bởi điều đó.
1555. Nếu xem cái toàn thể đủ lớn thì nó là mạch lạc. Tức là, vũ trụ xét như một toàn thể thì nó là mạch lạc, và nếu nhìn theo cách đó thì tất cả những gì không mạch lạc mà chúng ta đang làm cũng đều là những bộ phận nằm trong sự mạch lạc của vũ trụ cả, thậm chí mặc dầu nếu làm gì đó ngu xuẩn thì ta vẫn sẽ nhận được một kết quả mà ta không muốn.
Bạn có quyền bảo rằng vũ trụ xét như một toàn thể thì chẳng có lí do gì để nói là ở đó có sự không mạch lạc. Nhưng với cấu trúc riêng biệt của mình thì chúng ta lại không mạch lạc. Và một giống loài nào không “mạch lạc hoặc với chính nó hoặc với môi trường của nó thì làm sao mà sống sót được. Đó chính là một cái không mạch lạc của vũ trụ. Chính xác là như vậy bởi vì vũ trụ nếu là mạch lạc thì một giống loài không mạch lạc phải không sống sót được ở đó.