BẠN SẼ THOÁT KHỎI ĐAU KHỔ NHƯNG KHÔNG PHẢI BẰNG CÁCH NÉ TRÁNH ĐAU KHỔ MÀ LÀ CHẤP NHẬN NÓ.

CHUYỆN VỀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐAU KHỔ.

Có một người đàn ông đau khổ vì mình đã gây ra một chuyện lớn. Nhiều ngày ông sợ hãi và lo lắng mỗi khi có tiếng gỡ cửa trong sự hoảng hốt, rằng ai đó sẽ tìm tới bắt mình trả giá. Ông không biết phải làm thế nào cả.

Cả ngày lẫn đêm ông giận dữ, cáu bẩn, đổ lỗi và vin vào bất cứ lý do có thể để giải thích sai lầm và chạy trốn khỏi khổ đau. Dù đã làm mọi cách có thể, nhưng ông vẫn bị khổ đau bám như một quả báo. Cho đến khi những người xung quanh thông cảm và động viên thì ông mới dần dần quên đi nỗi khổ đau đó, dù nó vẫn âm ỷ nhưng do chính ông bị những mặc cảm, hổ thẹn đó chi phối ý niệm mình.

Một thời gian sau, con trai ông cũng mắc sai lầm tương tự. Nhưng nó hèn nhát khi chạy trốn khỏi sai lầm nó đã gây ra. Người ta tìm đến ông và trút lên ông sự giận dữ vì tội lỗi của con trai. Cơn đau khổ khi trước vẫn chưa nguôi ngoai thì bây giờ lại tồi tệ hơn. Nhưng lần này, ông đã tìm được cách để loại bỏ khổ đau của mình. Ông trút sự khổ đau của mình bằng lời nói và hành động mang sự khổ đau lên bất cứ ai xung quanh mà ông biết mình có thể làm thế đối với họ.

Người đàn ông này có thể là bạn, là tôi hay bất cứ ai trong chúng ta và câu chuyện là hình ảnh rất thường ngày, khi bạn hoặc tôi trút bỏ sự đau khổ của mình bằng cách tạo ra đau khổ cho người khác dưới bất cứ hành động nào. Đồng thời ngay chính bản thân chúng ta, cũng bị sự đau khổ đó dày vò cả tinh thần lẫn thể xác khi không tìm ra cách tốt hơn.

Chuyện trưởng phòng của bạn bị sếp lớn mắng vì lý do nào đó và sau đó hậm hực tìm bạn và nặng lời một cách vô lý, nhưng bạn không biết tại sao và làm thế nào để không cảm thấy tổn thương và đau khổ vì chuyện mình không biết.

Hay trong gia đình, bố mẹ cãi nhau về chuyện cơm áo, rồi đổ áp lực tiêu cực đó anh của bạn và anh của bạn lại tìm đến bạn để cằn nhằn về sự bực bội đó. Cả hai đều đau khổ khi mà đau khổ xuất phát từ bố hay mẹ, thậm chí chính sự đau khổ của bố mẹ bạn lại xuất phát từ sự đau khổ của người khác và bạn phải chịu đựng sự đau khổ đó.

Câu hỏi ở đây là có cách nào để né tránh đau khổ hay đối với nó không? Có.

Vậy cách đó thể tìm kiếm ở đâu, qua tôn giáo, sách vở, sự thực hành nào có thể giúp chúng ta không phải đau khổ? Có, nhưng không dễ làm theo.

Tại sao không dễ làm theo? Vì mọi người sẽ không chọn nó.

Nhưng trước hết chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem tại sao khổ đau lại luôn xuất hiện nhiều như thế và chúng ta lại dễ dàng tạo ra đau khổ cho nhau dễ như thế.

NGÀY NÀO CŨNG CÓ NỖI KHỔ CỦA NGÀY ĐÓ.

Nguyên nhân của đau khổ là một điều khi lý giải có thể vô cùng vô tận, có thể viết cả nghìn cuốn sách cũng không nói hết được đau khổ bắt đầu từ đâu. Đối với một người bình thường, việc tìm kiếm cội nguồn của khổ có lẽ xuất phát từ ý niệm và mục tiêu trong cuộc sống này. Một ý niệm muốn có một cuộc đời tốt đẹp là một điều hết sức bình thường, và mục tiêu để đạt được cuộc sống đó là kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu như trong quá trình thực hiện đó bạn không đạt được mục tiêu kiếm được số tiền bạn mong muốn, hoặc con đường chẳng được êm xuôi tốt đẹp thì sẽ tạo ra rất nhiều suy nghĩ và hành động tiêu cực, từ những tiêu cực này thì đau khổ bắt đầu xuất hiện và nó sẽ lan nhanh và bộc phát ra ngoài mà bạn không thể kiểm soát được.

Nếu con người là một sản phẩm của một ngôn ngữ lập trình cao cấp nhưng không hoàn hảo, thì dù muốn hay không chúng ta đều mang trong mình đoạn mã bị lỗi và từ đoạn mã này có lẽ đã sinh ra khổ đau.

Chúng ta vừa là sinh vật thông minh nhất nhưng cũng nhạy cảm nhất khi có thể nhận biết đau khổ chỉ qua ánh mắt, lời nói, tiếng còi xe đầy khó chịu và những câu chuyện tiêu cực trên internet. Bạn không chỉ dễ dàng cảm nhận được đau khổ đến từ bất cứ lý do nào, đồng thời cũng có khả năng tạo ra đau khổ và đưa nó đến với người khác. Thậm chí trong 30 phút lướt facebook, bạn sẽ thấy đa số những thông tin tiêu cực và đau khổ hiện diện trong hình ảnh và cả những chia sẻ ngắn ngủi.

Nhưng đi kèm với trải nghiệm của đau khổ sẽ giúp bạn phát nguyện lòng yêu thương dễ dàng hơn, đem đến cho bạn một cuộc sống có ý nghĩa hơn thì bạn có thấy mâu thuẫn không?

Nếu có ai đó nói bạn phải từ bỏ vài thứ, phài chịu đựng đau khổ và hãy tha thứ cho bất cứ ai gây ra đau khổ cho bạn, thì bạn sẽ không cảm thấy đau khổ khi nó đến thì bạn có đồng ý không? Đây hẳn là một điều kiện vô cùng đòi hỏi mà bạn chưa chắc là nó sẽ hiệu quả.

Đổi lại bạn cũng một phương án dễ dàng hơn để thoát khỏi đau khổ : Trút bỏ nó cho người khác và không quan tâm người khác sẽ làm gì với đau khổ bạn tạo ra. Rồi người đó cũng lập lại điều đó với bạn và bất cứ ai khác. Như vậy đau khổ chưa bao giờ biến mất cả, nhưng nó không chỉ tạo ra một đau khổ mà là rất nhiều đau khổ.

Thực tế có những cách mà chúng ta thường đưa ra để nhanh chóng giải quyết nỗi khổ đau mà không cần bất cứ sự cố gắng nào cả gồm :

– Trút nỗi đau lên người khác, lên hoàn cảnh, số phận…
– Âm thầm chịu đựng đau khổ đến mức có thể.
– Kể lể về đau khổ với bất cứ ai và trên các mạng xã hội.
– Coi đau khổ là một vấn đề cần chính phủ, tôn giáo, xã hội giải quyết chứ mỗi bản thân mình là không đủ.
– Và rất nhiều lý do khác nữa.

Nhưng cách dễ dàng nhất vẫn là đem đau khổ tới cho người khác. Phật Thích Ca gọi đó là mũi tên thứ nhất bạn bắn vào người khác. Từ khổ đau này tạo ra mũi tên thứ hai – đau khổ của người khác, và cứ thế sẽ liên tiếp tạo ra những đau khổ không hồi dứt.

Có thể nói rằng, thứ bạn có thể cảm nhận thấy nhiều nhất trong thực tại này là đau khổ. Đây không phải là một sự cường điệu hay nghiêm trọng hoá, đây là thực tế và là kết quả trong một cuộc sống khi đa số nhìn nhận chỉ có một chiều – Chống lại đau khổ bằng cách tạo ra đau khổ bằng sự vô thức hay cố tình ra xung quanh. Và đau khổ lại càng chồng chất hơn khi cách thức nhiều người trong chúng ta chọn đã làm cho mọi chuyện trở nên không thể kiểm soát.

Nguyên nhân của đau khổ có phần không nhỏ đến từ việc trong ý niệm nhiều người muốn theo đuổi vật chất, dục vọng, quyền lực, khẳng định giá trị của bản thân bằng bất cứ biện pháp nào có thể. Điều này còn được văn hoá, xã hội, môi trường học tập và làm việc cổ vũ bằng cách khích lệ bạn đối phó với đau khổ bằng cách kiếm càng nhiều tiền càng tốt, vị trí trong xã hội càng cao thì việc tránh được khổ đau sẽ khả thi. Chúng ta cho rằng đau khổ trong thời đại này phần lớn xuất phát từ việc không đạt được mong muốn có nhiều vật chất và sự công nhận cũa xã hội. Điều này nhìn ra có vẻ đúng và là động lực tốt đẹp của con người, nhưng xin bạn hãy dừng lại một phút để nhìn nhận rằng ngay từ khi tạo ra những động lực để thoả mãn cái tôi của mình, bạn đã vô tình khởi tạo sự đau khổ dù nó mới chỉ nhỏ bé như hạt cải.

Trong một cuộc sống ganh đua với áp lực cao như bây giờ, việc ai đó cũng muốn thể hiện khả năng của mình, không chấp nhận chia sẻ sự cảm thông thì việc khởi tạo vô số đau khổ để thúc đẩy bản thân là điều chúng ta sẽ không thể kiểm soát được. Chúng ta vì muốn thể hiện mình tốt hơn để khi có vấn đề xảy ra, thì người bị sếp khiển trách sẽ không phải mình. Điều này là tốt cho bạn, nhưng trong nó vô tình tạo ra ít nhất hai đau khổ : bạn mong muốn người bị mắng không phải là mình và cố gắng hết sức có thể để chuyện đó không xảy ra bằng nỗ lực của bản thân.

Để giải thoát bản thân khỏi những đau khổ thì việc chúng ta tìm đến tôn giáo – suối nguồn tinh khiết sẽ gội rửa được tâm hồn và là giải pháp nhất tốt nhất hay không mất phí nhất để thanh tẩy tâm hồn. Nhưng chúng ta lại chỉ coi những hoạt động tôn giáo là tấm vé 1 chiều, là nơi chúng ta nghĩ có thể dùng vật chất để mua vài quá trình trị liệu tương tự những buổi tư vấn tâm lý, tham dự những buổi lễ cuối tuần, các buổi thiền, đi làm từ thiện trong ngày nghỉ với mong muốn mọi đau khổ sẽ được trút bỏ nhanh chóng và chúng ta lại sớm quay lại với cuộc sống hàng ngày.

Tất nhiên, các hoạt động đó có sự cải thiện nhất định, nhưng hiệu ứng của những bạn cho là nhanh nhất để giải quyết vấn đề cũng sẽ đi nhanh như thế và bỏ lại bạn với vô số đau khổ mỗi phát sinh mỗi ngày. Chuyện này dễ hiểu thôi, nhiều người trong chúng ta chỉ coi tôn giáo hay những hoạt động chữa lành tinh thần là liệu pháp chữa cháy chứ không phải là lập lại những hành động cầu nguyện, thiền định, chịu đựng và yêu thương mỗi ngày như việc nhận thức rằng đau khổ luôn được tạo ra trong ngày mai, chứ không biến mất ngay khi bạn chiến thắng nó trong hôm nay.

Có một điều chúng ta có thể đang không ý thức rằng, bạn và tôi không xem trọng những cách thức chữa lành đau khổ nhưng nhìn nhận đau khổ là môt vấn đề trong cuộc sống. Và lý do nằm ở việc diệt trừ đau khổ không phải là một bản năng có sẵn trong mỗi chúng ta, và trên mức thang đánh giá của nhiều xã hội văn minh nhất, nó xếp sau những cái mà “Bạn có thể chấp nhận đau khổ để nhận được những vật chất cụ thể hơn”.

Trên hết, việc bạn có thể bước qua đau khổ thì đó lại là một quá trình cần đến sự nhận biết và hành động. Cả hai điều này đều không đơn giản dù cho những tôn giáo đã hứa hẹn rất nhiều về lợi ích của chúng.

MUỐN KHÔNG PHẢI ĐAU KHỔ THÌ ĐỪNG TẠO RA ĐAU KHỔ.

Trong Kinh Thánh, phần Tân Ước có một dụ ngôn nói về cách loại bỏ đau khổ, nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ một điều hết sức quan trọng và có liên hệ mật thiết với bài viết này. Dụ ngôn đó như sau.

Phê rô – Peter hỏi Chúa Jesus rằng “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm ( tạo ra đau khổ cho bạn) đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Vì thế, Nước Trời (sự giải thoát đau khổ) cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ.

Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”

Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.

Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.

Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng dụ ngôn nói đến việc chống lại khổ đau thông qua tha thứ, và Chúa – tôn giáo luôn có nhân hậu với bất cứ món nợ – đau khổ của con người dù nhiều như 10 vạn nén vàng (1 nén vàng tương đương 6000 quan tiền). Nhưng ngay khi thoát khỏi khổ đau của chính mình, chúng ta lại tạo ra khổ đau cho người (hành động của kẻ được tha món nợ 10 vạn nén vàng với người mắc nợ 100 quan tiền) và để rồi chính chúng ta lại tích tụ đau khổ sau khi đã được thanh tẩy khỏi chúng.

Và đồng thời bạn cũng tìm thấy cách hai cách để loại bỏ đau khổ là yêu thương và tha thứ. Rất đơn giản phải không, nhưng để có thể liên tục tái lập hai hành vi vượt trên cả chuẩn mực đạo đức và bản thân này lại rất khó. Trong một xã hội ganh đua và đề cao cái tôi, thì việc yêu thương chỉ được tính trên phạm trù những mối quan hệ mật thiết của vạn, còn tha thứ bạn sẽ hiếm khi bỏ qua được lỗi lầm của đa số người khác quá 1 lần.

Không phải bạn là hẹp hòi hay ích kỷ, nhưng bạn đang sống trong một thế giới không chấp nhận 1 cá nhân có lòng vị tha vô biên giới (vì việc này bạn sẽ là người phải chịu thiệt, phải nhận lấy đau khổ) và coi sự răn dạy của tôn giáo có giá trị chỉ hơn truyện cổ tích một chút. Việc bạn thành thạo một kỹ năng để kiếm sống, hay chơi thể thao chỉ đòi hỏi bạn sự tập trung và thời gian. Còn việc vượt lên khỏi đau khổ sẽ yêu cầu thêm bạn 1 điều còn khó hơn cả điều kia – từ bỏ cái tôi, từ bỏ bản ngã. Đây mà mấu chốt khiến việc vượt qua đau khổ trở thành 1 con đường khó đi với rất nhiều người.

Bạn đang sống trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang lên cao hơn bao giờ hết. Khi bạn đã coi mình là 1 ngôi sao trên bầu trời thì việc chậm lại một chút để thấu hiểu, cảm thông và tha thứ cho người khác cần rất nhiều nhận biết vượt khỏi trí tuệ thông thường. Để giải thoát con người khỏi đau khổ, Phật đã giảng về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, nói về thiền định sẽ sản sinh ra Từ, Bi, Hỷ, Xả (Tứ vô lượng tâm) mà chỉ riêng mỗi Pháp này cũng đều đòi hỏi sự tập trung và nhận biết rất nhiều,mới hiểu được rằng tại sao chỉ bằng sự yêu thương thì mới thoát khỏi khổ đau.

Thông qua các kinh sách, các ẩn dụ và các Pháp thì việc thực hành là một nửa của câu trả lời cho việc giải trừ đau khổ. Mọi phương tiện và hành động như thiền định, cầu nguyện, tha thứ, bao dung… và với tất cả hành động này sẽ xoá bỏ cái tôi, bản ngã và dẫn bạn đến một nhận biết “Bạn sẽ không đau khổ khi chính bản thân ngừng tạo ra nó”. Và khi bạn đã không tạo ra đau khổ, bạn đã biết cách yêu thương và khi bạn đã biết yêu thương bạn sẽ dễ dàng tha thứ.

Tất cả các hành động và suy nghĩ sản sinh chánh niệm này bạn hãy thực hành mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc chứ không chỉ là một thời gian hay một khoá học từ tôn giáo hay những người giảng dạy. Rất khó nhưng hãy tin tôi, việc này đáng để bạn làm như vậy.

YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC CŨNG CHÍNH LÀ YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH

“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.
Đừng kết án thì khỏi bị kết án.
Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ
Hãy cho đi thì sẽ được cho lại”.

Trích trong sách Tin mừng của Thánh Luca- Luke.

Nhận biết đau khổ và yêu thương người khác đều phát từ ý niệm chứ không phải hoàn cảnh hay vật chất đã là một sự chuyển biến lớn để thoát khỏi đau khổ, và cũng chính là cách bạn đang yêu thương mình.

Đây chẳng phải là phát hiện gì mới nhưng chúng ta lại ít khi hay không muốn hành động như thế. Những định kiến cùng giá trị mà xã hội, văn hoá, môi trường làm việc lại khuyến khích việc tạo ra cái tôi vĩ đại hơn là sự từ bi. Sự tử tế và yêu thương luôn được coi sự yếu đuối và không phù hợp với thời đại.

Marcus Aurelius, triết gia Khắc kỷ và là hoàng đế La Mã viết trong cuốn Suy tưởng rằng “Hãy bắt đầu một ngày mới bằng việc nói với bản thân mình hôm nay bạn sẽ gặp những người thô lỗ, kiêu căng, tráo trở, lừa dối… tất cả họ đều phạm phải sai lầm vì không thể tự mình nhận ra đúng hay sai. Nhưng bạn biết quy luật của Tự nhiên, sự thanh thảnh khi bạn đang làm điều đúng, và nỗi lo sợ bất an khi làm điều sai, nên bạn cũng không lo cho mình bị ảnh hưởng bởi họ. Nhưng, bạn cũng đừng tức giận, khinh thường và ghét bỏ họ, những người anh em của bạn trên thế giới này. Họ với bạn như chân,tay, mắt, mũi của một thân thể, chỉ có thể hoà thuận chứ không phải chống đống nhau. Vì các bộ phận cơ thể chống đối nhau là trái với Tự nhiên”.

Thậm chí Aurelius còn khuyên rằng cách đối phó với 1 người khó chịu, xấu xa nhất và có hành động gây hại với bạn là hãy đối xử hắn thật tử tế, chân thành và nhẹ nhàng và kín đáo chỉ cho hẳn biết cái sai của mình. Đây có thể là một hành động ngu ngốc và tốn thời gian trong guồng quay thờ đại bây giờ. Nó đi quá cả giới hạn đạo đức mong muốn bạn thể hiện, đồng thời hạ thấp cái tôi của bạn.

Nhưng hãy thật tỉnh táo, hãy nhớ điều bạn đang muốn là không tạo ra đau khổ và bị đau khổ hành hạ thì phải có sự thờ ơ trước những thứ không thực sự ảnh hưởng đến bạn. Dù đó là hành động hay lời nói xuất phát từ ý niệm của người khác vô tình hay cố tình gieo hạt giống đau khổ cho bạn. Càng để ý tới những biểu hiện bên ngoài, bạn càng khó kiểm soát đối với cuộc sống của chính mình. Và, bạn biết rồi đấy, khi bạn bị các ngoại lực tác động thì tự khắc đau khổ sẽ xuất hiện.

Để thoát khỏi đau khổ không cần thiết phải trở thành một thiền sư hay tu sĩ, hoặc từ bỏ thế gian, đi sâu vào trong rừng núi xa lánh mọi khổ đau. Bạn chỉ nhận biết rằng mỗi ngày đều có vô số đau khổ mới được tạo ra và ập đến bạn. Thông qua những hành động tốt, kiểm soát suy nghĩ, thực hành các phương pháp sản sinh chánh niệm như cầu nguyện, thiền, mong muốn người khác luôn nhận được những sự tốt đẹp và ý thức rằng những hành động và suy nghĩ đúng đắn này đồng thời sẽ đem đến cho bạn một sự nhân từ với ngay cả chính bản thân mình, khi nó đến từ tận bên trong bạn.

“Đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”. Chúa Jesus nói.

Hãy chấp nhận một ngày luôn có đau khổ, nhưng cách bạn nhận biết và kiểm soát ý niệm, hành động của mình thì đau khổ sẽ không tác động đến bạn, cũng như chính bạn cũng không khởi tạo thêm đau khổ nào cả.
Hãy làm hết sức mình, rồi Trời sẽ giúp.
Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Photo : Tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ sầu bi (Pieta) của Michelangelo.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân