BỎ TIỀN UỐNG MỘT LY CÀ PHÊ MỖI NGÀY ĐÃ CHO MÌNH THẤY NHỮNG GÌ?

TỪ CỐC STARBUCKS HƠN 100 NGHÌN ĐẾN TIỀN GỬI XE 3 NGHÌN MỖI NGÀY

Vào tháng 10 hoặc năm 2014, khi Starbucks mở một lúc ba cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, thì trong một lần đi bộ với mẹ nuôi (là dì ruột của mình) mình có kể là gần đây người dân, đa số là thanh thiếu niên lũ lượt kéo nhau xếp hàng để mua những cốc cà phê có giá từ 60 tới hơn 100 nghìn một cốc.

Mẹ nuôi mình là một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu hơn mười anh chị em thì bài học mẹ nuôi mình được ông bà dạy dỗ thuộc nằm lòng rồi cho tới khi mẹ cưới chồng, sinh con và bây giờ vẫn thì luôn đem bài học trước đây ông bà dạy mình thì nhắc nhở các con “Làm gì thì làm, nhưng phải quý trọng công sức lao động và chi tiêu thật tiết kiệm”. Vì thế đối với mẹ mình thì việc bỏ ra hơn 100 nghìn để uống một cốc cà phê là hết sức đắt đỏ và lãng phí vô cùng.

Mẹ mình lúc đó về mặt tài chính đã ổn định từ lâu, kể cả uống Starbucks có bán tới 200 hoặc 300 nghìn thì đó không phải là vấn đề với túi tiền của mẹ. Vấn đề ở đây không phải là tiền bạc mà là trong tư duy và thế giới của mẹ mình thì cảm thấy cái giá đó quá phi lý và không xứng đáng. Nhưng chưa hết, khi mình tiếp tục kể rằng giá đắt là một chuyện, mà còn ít chỗ ngồi, phải cầm mang về uống, còn nếu ngồi ở đó thì phải tự phục vụ từ khâu lấy đồ cho tới việc tự thu dọn cốc tách, bằng nhựa rồi cho vào thùng rác. Nói đến đây thì mọi thứ đã vượt ra khỏi sự tưởng tượng của mẹ mình. Mẹ lắc đầu thay lời muốn nói đừng-hòng-đưa-mẹ-tới-chỗ-đó-uống-dù-là-mày-mời-mẹ.

“Đã mất nhiều tiền thế thì mình phải được phục vụ đến nơi đến chốn nữa. Chỗ ngồi thì không có, rồi được ngồi thì lại tự phục vụ, thế thì nó là bố tướng, cưỡi lên đầu lên cổ mình luôn đi cho xong”.

Mình nghĩ rằng đây cũng là tư duy và cái nhìn của đa số những người thuộc thế hệ như mẹ nuôi mình: bỏ tiền đi ăn hay đi cà phê thì phải được phục vụ tận rằng. Phải được chào hỏi tử tế và chấp nhận sự chê bai, góp ý nếu như đồ ăn hay thức uống hôm đó không được. Quan trọng nhất là cảm giác thoải mái và xứng đáng khi tiêu những đồng tiền mình kiếm được ở những chỗ bên ngoài xã hội là nơi ăn hay uống đều không quan trọng bằng việc mình có tiền để tới chỗ này, chỗ kia như những người khác.

Mẹ mình và những người cùng thế hệ có tư duy như thế là không sai, nhưng điều đó chỉ đúng với trước đây còn bây giờ thì cần có một sự thay đổi và đổi mới hơn. Giờ đây những quán cà phê nói chung và Starbucks là riêng không chỉ đơn thuần câu chuyên là nơi để tiêu tiền và tận hưởng cảm giác mình được phục vụ mà còn giúp cho những người xung quanh nhìn nhận bạn là ai, bạn được giáo dục như thế nào, con người bạn ra sao ngoài tiền bạc.

Cùng thời điểm đó, mình vẫn hài lòng với một cốc cà phê 15 nghìn ở mặt đường phố Nguyễn Du đối diện hồ Thiền Quang, ngày ngày đi làm ở trên tầng ba thuộc một ngôi nhà lớn nằm ngay mặt đường phố Nguyên Hồng. Khi ấy tầng một và vỉa hè chỗ đỗ xe của ngôi nhà lại thuộc về món cửa hàng thời trang. Ban đầu anh em trong công ty mỗi người gửi một nơi với giá từ 5 tới 10 nghìn một ngày. Sau đó tất cả đề nghị sếp thu xếp một chỗ để xe cố định và hỗ trợ anh em tiền gửi xe. Vì thế anh sếp bảo mình đi quanh khu Nguyên hồng để tìm một chỗ có thể gửi được 25 tới 30 xe. Ngay lập tức mình đã quay lại nói chuyện với hai vợ chồng bác chủ bãi xe thuộc một khu tập thể gần đó để thương lượng. Bãi xe có cả xe của người sống ở tập thể, người ở công ty và cửa hàng đồ ăn, quần áo xung quanh khác. Hai bác đồng ý với giá 5 nghìn gửi từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối với điều kiện là ít nhất 10 xe. Như thế là xong vấn đề gửi xe ở đâu và giá thế nào.

Trong khoảng 6,7 tháng tiếp đó thì mình vẫn gửi và lấy xe để đi về khi một ngày làm việc kết thú cho đến một ngày thì có một chuyện khiến mình ngạc nhiên và bối rối.

Buổi sáng thứ Hai hôm ấy mình đến sớm nhưng vẫn thấy bác trai chủ bãi xe tỏ ra khá bực bội khi phải xếp lại hơn chục chiếc xe máy các loại về đúng vị trí quy định. Mình đợi cho tới khi bác xếp xong thì mới dắt xe vào vị trí mà hơn nửa năm nay mình vẫn để. Khi mình chuẩn bị bước ra khỏi bãi xe thì bác chủ lớn giọng gọi mình lại nói “Mày là đứa duy nhất ở đây đi xe số mà luôn về more mỗi khi đến đấy. Ngày nào cũng như ngày nào mới hay chứ. Bác thì gần sáu mươi rồi, sức cũng có hạn thôi, mà cả ngày cứ phải dắt với xếp mà một đống xe chưa về số thế này thì cầm 5 nghìn của các anh các chị cũng không bõ con ạ”.

Bác vỗ vai mình cười cười rồi rít một hơi thuốc tiếp tục nói “Cũng là 5 nghìn như nhau mà ý thức khác hẳn. Nhiều đứa có thái độ bỏ tiền gửi xe mà như bố như mẹ bác ấy. Thôi, bây giờ bác lấy con 3 nghìn một ngày, ưu tiên mày nhất đấy nhé”.

Khi ấy mình cảm thấy ngạc nhiên và bối rối nhiều hơn là tự hào vì việc về số, về more đối với mình đó chỉ là thói quen mà thôi. Bản thân mình cũng rất khó chịu khi phải dắt hoặc dịch chuyển những chiếc xe số chưa về số, nó tốn thời gian và gây bực mình. Vì thế ít nhất mình cũng không muốn người khác phải chịu đựng sự khó chịu đó ngay cả khi mình mất tiền. mỗi ngày để gửi và việc họ phải dắt hay về số cũng đã nằm trong thoả thuận.

Tất nhiên sự ý thức này không phải là thứ có sẵn trong mình, chỉ đơn giản là mình muốn bản thân tốt hơn, dù chỉ một chút cũng được, và để đưa chính mình tốt hơn ngày hôm qua thì nên bắt đầu từ những việc nhỏ và dễ dàng nhất. Cái này không ai dạy mình cả. Qua những tháng ngày sống và làm việc bên ngoài nhiều hơn ở nhà đã chỉ bảo cho mình cách làm thế nào để vượt lên chính bản thân mình. Điều này tốt cho mình. Điều này đem lại sự dễ chịu và thiện cảm với người khác. Ngay cả khi mình không có nhiều tiền hay chẳng thành công như người khác thì chỉ cần mình biết rằng mình đã có tiến bộ. Thế là đủ.

Còn bây giờ thì chúng ta sẽ quay lại câu chuyện xung quanh ngoài bỏ tiền ra để uống cà phê sang chảnh thì còn cái gì nữa hay không?

RA QUÁN CÀ PHÊ ĐỂ THẤY NHIỀU THỨ CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ NGỒI UỐNG CÀ PHÊ

Khi ấy để kiếm tiền khởi nghiệp,  mình đã làm việc fulltime cho hai công ty, một offline và một online. Cộng với nhuận bút viết báo, viết truyện thì việc mỗi ngày uống một ly Starbucks đối với mình rất đơn giản. Lúc đó, mình cũng đã đọc xong cuốn Dốc hết trái tim do chính Howard Schultz – CEO của Starbucks viết. Nhưng phải mãi tới giữa năm 2015 thì mình mới đi vào Startbucks cùng với bạn cùng bạn của bạn mình cả thảy là ba đứa. Nếu cô ấy không rủ thì có lẽ mình cũng còn lâu mới ghé Starbucks. Đây cũng là lần đầu tiên ba đứa 25,26 tuổi đi Starbucks với nhau.

Hôm đó trước khi đến Starbucks Bà Triệu thì cô bạn nhắn tin cho mình nói rằng thấy hơi ngượng vì nghe nói ở Starbucks có cách gọi size đồ uống (Gọi là short, tall, grande, venti và trenta) khác hẳn mấy chỗ khác. Vài người bạn của cô ấy đã đến trước và lần nào cũng nhầm size này với size kia dù nhân viên đã tư vấn.

“Tất nhiên là nếu không biết thì hỏi nhân viên cũng không sao. Nhưng em nghĩ là mình biết trước thì bớt quê anh ạ”.

Mình nói rằng cái đó mình biết nên cứ để mình gọi, hai bạn chỉ cần chọn loại đồ uống, topping theo kèm cũng như size cốc là cỡ nhỏ, vừa và lớn mà thôi. Trước khi đi, mình tra lại Google và trong sách một lần nữa thì mới yên tâm tới chỗ hẹn. Mọi chuyện diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Đứa nào cũng hài lòng khi gọi được đồ uống và bánh đúng theo ý muốn.

Bọn mình ngồi chưa được 5,10 phút thì hai anh trai mặc áo polo, quần âu và đi giày da ở bàn bên cạnh tru tréo gọi nhân viên chỉ thẳng hỏi về phía bọn mình thắc mác “Ơ, sao mấy đứa này đến sau bọn anh mà lại có đồ trước là thế nào. Mà quán kiểu gì mà Menu cũng không có?”.

Nhân viên nhẹ nhàng giải thích và nói với hai anh trai là phải gọi đồ ở quầy và thanh toán trước thì bất ngờ một trong hai người đứng dậy sửng cồ nói “Sợ quịt à mà phải thanh toán trước. Cà phê kiểu gì thế không biết. Thôi ra hàng khác ngồi, tốn cả tiền gửi ô tô”.

Cả ba bọn mình cùng những người ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì vừa diễn ra. Chẳng lẽ mọi thứ bùng phát chỉ vì một lý do đơn giản là ra quầy-gọi đồ-tính tiền hay sao? Về cơ bản mọi thứ nên diễn ra như vậy. Nhưng hai anh trai kia cũng không hẳn là sai, chỉ là họ quá cố chấp khi không cởi mở trước những thay đổi khi mà một nền văn hoá cà phê mới du nhập vào trong nước.

Đến tận bây giờ, dù gần 8 năm đã trôi qua mà  vừa mới hôm qua thôi khi mình ngồi ở The Coffee House cũng vẫn có người ngạc nhiên khi nhân viên ra mời mình tới quầy gọi đồ và thanh toán trước. Điều này làm mình phải công nhận rằng dù nhiều quán cà phê với kiểu văn hoá mới có mở nhiều đến đâu, có phổ biến đến đâu thì cũng chẳng là gì so với tư duy và suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức và cách sống của rất nhiều người.

Nhưng kể cả việc có chấp nhận cách gọi đồ và trả tiền trước ở quầy khi đến Starbucks hay The Coffee House hoặc cả mô hình chuỗi cà phê, đồ uống khác thì vẫn còn đó vài vấn đề mà những vấn đề này lại nằm ngoà tư duy lẫn suy nghĩ: đó là phong thái và cách sống của chúng ta đối với những người xung quanh như thế nào. Điều này thú vị và công bằng ở chỗ này thì dù bạn sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ thì cũng chỉ nhận được một dịch vụ và thái độ phục vụ y như ai đó chỉ có vài triệu trong tài khoản. Nếu có khác thì chỉ là kích cỡ cốc cà phê hay trà đào bạn gọi mà thôi.

Và khi tiền không phải thước đo khi ra ngoài xã hội nữa thì bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra có nhiều cách và dấu hiệu để biết được sự giáo dục, nhân cách và thai độ của một con người.

Mình đã ngồi hơn 5 năm liên tục ở những chuỗi cà phê, nhiều nhất vẫn là The Coffee House, thi thoảng thì là Starbucks. Nhờ khoảng thời gian nửa thập kỷ này đã cho mình thấy hàng nghìn con người cả nam, cả nữ thành đạt, ăn mặc sành điệu, dùng iPhone đời mới nhất, đeo đồng hồ Rolex và Patek Phillippe lẫn những con người rất bình thường với áo phông Uniqlo và quần thể thao mặc thường ngày.

Đôi bên là khác biệt hoàn toàn khi so về sự thành công hay tiền bạc trong cuộc sống. Có lẽ có nhiều người giàu có ăn mặc giản dị mà mình không nhận ra, nhưng về cách thể hiện ra bên ngoài thì cả đôi bên đều mắc những lỗi rất cơ bản khi giao tiếp và ở trong một cộng đồng khép kín mà một quán cà phê là điển hình như thản nhiên vứt hoá đơn, giấy bọc ống hút xuống sàn nhà, nói chuyện ầm ỹ làm phiền những người xung quanh, mang rất nhiều đồ ăn có mùi khó chịu như bánh cuốn, xôi xéo vào quán ăn, để con cháu mình chạy nhảy khắp nơi gây ảnh hưởng đến khác, bắt lỗi nhân viên một cách nhỏ mọn và có cả những người cả lôi thuốc lá hay xì-gà ra hút cho tới khi nhân viên chạy tới nhắc khẽ.

Nhưng chưa hết. Thậm chí có những người với bộ suits hay váy hàng hiệu không chế được vào đâu thản nhiên bước ra khỏi nhà vệ sinh mà không ý thức “những gì mình để lại” gây phiền toái với người vào sau đến thế nào. Giấy vệ sinh ném tứ tung trên dưới sàn, sàn toa let thì ướt nhẹp nước và kinh hoàng nhất là chất thải thì chưa xả hết. Có thể người vào lúc trước hoảng quá khi toa let bị tắc nên không biết phải làm. Nhưng cũng có thể họ cho rằng đây là việc của nhân viên quán chứ không còn là của mình nữa. Bản thân mình đã gặp rất rất nhiều trường hợp như thế (và đây là cách giải quyết của mình, mở bệ chứa nước phía sau ra, nếu nút xã nước bị kẹt thì gạt nó lên, nếu nước không chảy chậm thì dùng xịt xả nước vào cho tới khi bệ đầy rồi ấn mạnh nút xả cho đến khi nước rút cạn khỏi bể. 1,2 lần như thế thì bom mìn kinh khủng thế nào cũng sẽ được cuốn trôi hết).

Gerald Ford – cựu tổng thống Mỹ nổi tiếng là một người yêu chó khi đi nghỉ ở Colorado ông cũng mang theo một con chó cưng của mình. Nhưng con chó này không biết cách cư xử đúng mực, nó ị đầy sàn nhà trong phòng hạng nhất dành cho tổng thống. Khi nhân viên khách hàng định dùng khăn bốc phân chó thì Ford nhào tới giật lấy chiếc khăn trong tay anh ta và nói

“Để tôi làm. Không một người đàn ông nào phải bốc cức của con chó mà họ không phải là chủ của nó cả”.

Sau này W.Bush và Barack Obama cũng đã phải trải nghiệm việc tự tay bốc phân do chó của mình thải ra trong chính Nhà Trắng.

Đó là lý do tại sao họ lại là tổng thống, ít nhất thì cả ba người đó đều nhận lấy trách nhiệm mình nên làm dù cho người khác được trả tiền để làm thay họ.

Lần này mình cũng phải nhắc lại rằng mình học cách xử lý cấp tốc hay tình huống trớ trêu đó không phải vì người khác mà là vì chính mình. Mình bị một nỗi sợ vô hình là nếu mở cửa bước vào toalet mà nhìn thấy chất thải rồi bước ra ngay sau đó gặp ai đấy, thì người đó sẽ nghĩ mình chính là thủ phạm chứ không phải là người đã ghé thăm trước mình. Vì thế khi bị đặt vào tình huống ấy, dù chẳng phải là tránh nhiệm của mình thì nếu có thể thì mình cũng muốn làm cái gì đó để thoát khỏi tình cảnh trớ trêu này.

Đầu tiên là tốt cho mình. Thứ hai là tốt cho vài nhân viên ở quán. Thứ ba là giúp người tiếp theo bước vào toalet trong sự sạch sẽ, và có thể là nhiều người khác nữa.

Nhưng cũng có nhiều người lịch sự luôn nói lời cảm ơn với nhân viên, với bảo vệ và điểm tĩnh ngay cả gặp sự cố hay vấn đề. Họ vui vẻ nhận đồ dù nhân viên order nhầm, sẵn sàng chia sẻ bàn với người khác, cho người lạ mượn sạc điện thoại và laptop. Thậm chí có một lần mình chứng kiến laptop của một cô gái bị kéo rơi xuống mặt đất vì bị người khác sơ ý vướng phải dây sạc. Cô gái rất bình tĩnh, cầm laptop lên xem xét thật kỹ rồi nói với người kia rằng chỉ bị móp một, hai vết thôi chắc không có vấn đề gì đâu. Anh cho em xin số rồi anh cứ về đi ạ. Nếu laptop có làm sao thì em sẽ gọi cho anh.

Đó là thứ khiến mình phải thán phục và ngầm khen ngợi cô gái trong lòng. Đó là thứ giá trị của một nhân cách được giáo dục tốt mà tiền bạc chẳng có tiếng nói gì trong đó hết. Và đó chính sự tự chủ và ý thức về kiểm soát sự việc không đi quá giới hạn sẽ giúp cho cả đôi bên dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.

Và đó cũng là những gì tốt đẹp mà chúng ta có thể làm được với nhau, dù là những kẻ xa lạ với nhau.

CƯ XỬ TỐT Ở BÊN NGOÀI THÌ BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Dựa trên trải nghiệm và kết quả của chính bản thân thì mình có thể khẳng định là rất nhiều.

Mình được nhân viên phục vụ ân cần hơn khi luôn nói lời cảm ơn liên tục. Hàng ngày mình cũng nhận được lời chào hỏi từ các anh bảo vệ vì bản thân mình luôn làm điều đó với họ.Thậm chí có những hôm quên rút chìa khoá thì mấy anh bảo vệ đều cầm lên đưa cho mình dù có hộp đựng đồ thất lạc của khách ở bên dưới.

Cà phê thì mất tiền mua. Còn lời nói thì không, vì thế cứ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Cách đây 2 năm, mình quên điện thoại ở CFH Bà Triệu và chỉ nhớ ra sau đó gần ba giờ đồng hồ. Mình cam đoan là mất rồi nhưng vẫn gọi vào số xem sau thì đầu dây bên kia có giọng quen thuộc của nhân viên bên Bà Triệu nói “Anh Nhân à. Chiều anh quên điện thoại bọn em đã cất cho anh rồi ạ. Khi nào anh lên lấy cũng được anh nhé”. Một lần khác thì mình ra về, cất hết đồ đạc vào ba lô nhưng lại quên mất ví thì M là bạn trưởng cửa hàng cầm ví chạy ra bên ngoài thét gọi tên mình vì khi ấy đã phóng xe đi được một đoạn.

Gần đây nhất thì mình tình cờ gặp lại M cửa hàng trưởng bên Bà Triệu ở CFH Hai Bà Trưng. Dù cơ sở bên Bà Triệu đã đóng cửa vài tháng, M chuyển sang làm chỗ khác nhưng khi gặp lại cả mình lẫn M đều rất vui và hào hứng kể những chuyện vừa qua cho nhau nghe như hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại nhau. Cuối buổi trò chuyện, M nói rằng sẽ rủ một, hai bạn nữa cà phê hay đi ăn cái gì đó với mình như một buổi tụ tập giữa những người thân quen đã từng gặp nhau hàng ngày trong vài năm nay.

Khi bạn cư xử tốt với thế giới bên ngoài không chỉ là cách bạn cho tất cả thấy bạn là ai, bạn được giáo dục như thế nào, bạn biết sống với thế giới xung quanh ra sao khi tiền bạc không còn là kẻ chi phối cuộc chơi thì bạn không chỉ khiến mọi thứ tốt đẹp hơn, vui vẻ hơn mà còn xây dựng được những mối quan hệ tình cờ tốt đẹp hơn.

Và bạn có thể làm từ điều nhỏ nhất cho tới điều lớn nhất bằng khả năng của mình, bằng chút ít sự tử tế của mình ngay cả khi ra ngoài uống cà phê như Marcus Aurelius đã viết :

“Hãy bắt đầu mỗi ngày mới bằng việc nói với bản thân mình: “Hôm nay tôi sẽ gặp những người thô lỗ, kiêu ngạo, tráo trở. Tất cả họ đều phạm sai lầm vì không nhận rõ đâu là đúng đâu là sai. Nhưng tôi biết những quy luật của tự nhiên, cái thanh thản khi làm những việc mình cho là phải, và cái lo sợ bất an khi làm điều trái, nên tôi sẽ không cho mình bị ảnh hưởng bởi họ. Nhưng, tôi cũng sẽ không tức giận hay khinh thường, chán ghét họ, những “người thân” của tôi trên thế giới này. Họ với tôi như chân tay, mắt mũi trong cùng 1 cơ thể, chỉ có thể hòa thuận mà không thể chống đối nhau. Vì các bộ phận mà chống đối nhau là trái với tự nhiên”.

PHOTO : Mình và N trong một lần ngồi Starbucks với nhau ba năm trước.

 

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân