HÃY GIỮ TÂM HỒN CỦA BẠN GIỐNG NHƯ MỘT ĐỨA TRẺ

Chúa Jesus từng nói rằng “Hãy để trẻ em đến với Thày, vì Nước Trời là của chúng, Nước Trời thuộc về ai giống như chúng”. Lời nói này của Chúa Jesus mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cả chân lý cùng ẩn dụ.

Vì là một đứa trẻ, bạn sẽ không bao giờ ngừng đặt câu hỏi hay chấp nhận một, hai câu trả lời đơn giản. Sự tò mò – bản chất tự nhiên, là, điều tốt đẹp, là mạch suối khơi nguồn sáng tạo đã luôn ở trong bạn.

Nhưng qua năm tháng, sự tò mò ấy sẽ bị mài mòn bởi những tác động bên ngoài, cùng một tư duy thông thường mà người khác nói với bạn rằng “mọi chuyện là như vậy đấy, đừng có hỏi nhiều, hãy chấp nhận đi”. Nhưng với một đứa trẻ, bạn đã bao giờ thấy nó thoả mãn mọi câu trả lời hay ngừng hỏi, dù đã khiến bố mẹ chúng phải phát cáu lên bao giờ chưa?

Sự tò mò hay bị đánh đồng là phiền phức, vớ vẩn không cần thiết bởi tư duy thông thường của xã hội, của văn hoá và lối sống điên cuồng chạy theo vật chất đã không thể đáp ứng được cơn khát trí tuệ. Vì thế, cuộc sống bạn đang sống sẵn sàng dìm chết cái khả năng vô tận đó trong bạn, buộc bạn phải hài lòng những gì đang có, và ngốc nghếch hơn là bạn cũng cho rằng đó lại là chân lý, cuộc đời này hoá ra là như vậy.

Vì là một đứa trẻ và trong mắt một đứa trẻ, chúng không bị vật chất, danh thế, uy quyền, trật tự hay tôn ti xã hội phủ lên tâm hồn một nỗi sợ phải khuất phục và thôi ngừng đặt những câu hỏi ngốc nghếch, chúng chỉ quan tâm đến sự thật, bản chất và thoả mãn sự tò mò của mình. Đó là lý do các tông đồ, những người vẫn chưa giác ngộ khi ở bên Chúa Jesus nổi nóng khi những đứa trẻ chạy tới sà vào lòng Chúa, trong khi các tông đồ cho rằng chúng đang quấy quả Chúa, lũ trẻ là một đám không biết trên dưới và hỗn hào như thế nào. Đương nhiên vì bọn trẻ không biết những định kiến, lễ nghi hay tôn ti đó, nhưng chúng biết Chúa là Chúa của của chúng và tin vào điều đó mà chẳng cần chứng thực hay ai phải nói với chúng “Người này là Chúa”.

Ngược lại, khi bạn đã lớn, đã học và làm một công việc để kiếm sống, bạn bị đưa vào một guồng quay, một hệ thống bắt buộc bạn phải tin những gì mình không tin, phải làm những gì mình là không đúng nhưng vẫn coi đấy là đúng. Sự tò mò cùng vô vàn câu hỏi tại sao trong bạn bị thay thế bằng khuất phục, bằng sự hài lòng với cái người ta nói với bạn và bạn coi đấy là sự thật bất biến. Không, đó là sự bất thường. Ai cũng cảm thấy như bạn, ai cũng từng là một đứa trẻ và cũng bị đẩy vào một thực tại đầy những lỗi và lỗ hổng nghiêm trọng. Ai cũng nghĩ rằng tất cả đều ổn và miễn cưỡng chấp nhận với hiện trạng đó.

Nhưng bạn vẫn còn thời gian , vẫn có cơ hội để tái lập trình và khởi động lại cuộc sống của mình. Bạn chỉ cần dũng cảm, một chút dũng cảm mỗi ngày để đẩy bản thân tới quyết định làm lại từ đầu, mở cửa tâm trí mình để sự tò mò và những câu hỏi lấp đầy sự buồn chán trong bạn, cho tới khi nào tất cả cái bạn tư duy đẩy bạn tới quyết định quay trở lại với bản chất tự nhiên trong mình.

Đây là một quyết định khó khăn và đau khổ. Đôi khi trong suốt cuộc đời bạn cũng không thể làm được. Nhưng hãy nhớ lại về khả năng tuyệt vời của bản chất tự nhiên khi bạn là một đứa trẻ : Bạn cho mình được phép thất bại, bạn cho mình có nhiều cơ hội hỏi những câu hỏi vớ vẩn và làm nhiều việc vô nghĩa trước khi tìm được kho báu trong trò chơi, trong cuộc đời của mình.

Còn bây giờ, với những năm tháng trôi qua của mình, bạn đã sống trong trạng thái của một đứa trẻ lẫn một người trưởng thành, tại sao bạn không đặt ra câu hỏi rằng vì đâu mình lại không còn như trước đây nữa? Điều này có tốt với bản thân mình không? Mình có thể quay lại được không? Sức mạnh của việc đặt câu hỏi là đưa bạn ý thức về chính cái mình đang tư duy, và khi bạn tư duy, bạn tồn tại. Cũng tương tự như vậy, khi đưa mình về là một đứa trẻ, bạn tò mò và sự tò mò này tạo nên con đường mới cho cuộc đời bạn.

Một đứa trẻ với sự tò mò vô hạn cũng rất gần với sự giác ngộ mà triết học hay tôn giáo nói tới. Đó là một quá trình câu hỏi và câu trả lời là một, đó là một loạt những nhận biết đổ vào bạn nhưng bạn không níu kéo, nắm giữ hay dựa vào đâu và coi đấy là giác ngộ. Bạn tò mò, bạn đặt câu hỏi, bạn đi tìm câu trả lời và không quan tâm cái gì sẽ diễn ra tiếp theo cả.

Rồi bạn sẽ nhận ra, trong đó quá trình đó, trên con đường đó sẽ dẫn tới Nước Trời – ẩn dụ về nhận biết rốt ráo, sự nhận biết ấy sẽ làm cho bạn nhìn một bông hoa với cái nhìn rất khác. Bạn thấy một bông hoa bừng nở, chỉ trong khoảnh khắc này cũng đủ khiến bạn nở nụ cười hạnh phúc.

Bông hoa là câu hỏi.
Bạn là sự tò mò.
Nụ cười và sự hạnh phúc là câu trả lời.

Và chỉ có một tâm hồn ngây thơ như một đứa trẻ, mới có thể tìm thấy cả vũ trụ trong một bông hoa.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân