Khi bạn tìm niềm vui trên mạng xã hội, thì bạn sẽ hiểu rằng chẳng có gì vui trên đó cả

Một số người bạn của tôi mấy hôm trước có share và viết về 1 vlog chia sẻ rằng Mạng xã hội không còn vui nữa. 

Tới hôm nay tôi mới xem và muốn giãi bày suy nghĩ của mình.

Thứ nhất tôi chưa bao giờ đi tìm niềm vui trên mạng xã hội cả. Vì thế ngay cả khi nó không còn vui nữa, cũng chẳng phải là vấn đề đáng phải suy nghĩ đối với tôi. 

Tôi lập tài khoản FB vào năm 19 tuổi, nhưng 10 năm sau tôi mới sử dụng FB như một công cụ thay vì niềm vui. 

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy bạn 9x chia sẻ cũng hợp lý : 10 năm cho một niềm vui là quá dài. Không còn vui nữa thậm chí là một mô tả nhẹ nhàng về tình trạng hiện nay trên mạng xã hội. 

Thứ hai 10 năm cũng đủ biến đổi nội dung trên mạng xã hội từ vui thật sang vui giả tạo. Sự biến trắng thành đen này đến từ cả truyền thông và nền tảng.

Ngay cả trên mạng xã hội, ta đều biết niềm vui thực sự cũng rất nhỏ giọt. Cái gọi là niềm vui này chỉ là uyển ngữ của những drama, scandal, content và chiến dịch truyền thông bẩn.  Lý do tại sao những thứ rác rưởi này lại lan tràn trên mạng xã hội vì tâm lý con người luôn nhạy cảm và tò mò với những tin tức liên quan đến cuộc sống của người khác.  Đặc biệt tin càng tiêu cực (tranh cãi, công kích…) và tạo ra sự so sánh (khoe tiền, khoe bằng cấp…)  thì càng hiệu quả. 

Khi mỗi ngày tiêu thụ nhiều nội dung này thì thuật toán của các nền tảng sẽ ghi nhận đây là thông tin yêu thích của bạn. Kết quả thuật toán sẽ càng giới thiệu nhiều nội dung như vậy đến bạn và những người khác.

Cuối cùng khi trên càng nền tảng càng có nhiều nội dung này thì những đám content bẩn lại càng có cớ tạo ra nhiều nội dung mới mang nhiều “niềm vui” giả tạo hơn đến người xem.

Thứ ba, tôi không coi mạng xã hội là niềm vui nhưng lại coi nó là công cụ.

Đây chính là lý do và đồng thời là sự nguỵ biện cho việc tôi ghét mạng xã hội nhưng vẫn sử dụng mỗi ngày. 

Lý do tôi không thấy mạng xã hội vui vì tôi có những cái vui thực sự như đọc, viết, học một cái gì đó mới và muốn nghe con người nói chuyện.  10 năm trước, tôi gần như không chia sẻ cái gì trên mạng xã hội vì tôi nghĩ nó không quan trọng đến mức đó. Còn bây giờ, mạng xã hội đủ quan trọng cho công việc của tôi, cho những gì tôi chia sẻ và những gì tôi kết nối. 

Tôi coi mxh như một công cụ kết nối tôi và những người khác.

Tôi cũng coi mxh là nơi tôi chia sẻ về những gì mình muốn thay vì tiêu thụ những gì tôi không muốn. 

Và sự khác biệt ở đây là tôi không vào mxh để tìm cái vui. 

Mạng xã hội không còn vui nữa đôi khi lại là một tín hiệu tích cực, khi con người đã chán ngán những thứ tầm phào.

Khi đó ta sẽ coi mxh như một nơi để chia sẻ, để học hỏi và có thể rời khỏi mxh bất cứ khi nào ta muốn.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân