REVIEW LỊCH SỬ THƯỢNG ĐẾ DO THÁI GIÁO – KI TÔ GIÁO – HỒI GIÁO 4000 NĂM

Ừm… mình chỉ có thể nói rằng đây là một cuốn sách không dành cho số đông kể cả Âu Mỹ nói chung và người đọc Việt Nam nói riêng bởi các vấn đề được đề cập trong Lịch sử thượng đế rất dễ chạm tới tự ái cũng như xúc phạm lòng tin của những người có tôn giáo. Đồng thời trong review này, mình cũng phân tích vài luận điểm của bản thân sau khi đọc xong cuốn sách khó nhằn này trong 10 ngày liên tiếp.
 
Thứ nhất với tư cách là một người Công giáo, sinh ra trong một gia đình 5 đời theo đạo, thì mình nhận định luôn rằng tất cả sẽ không thích cuốn sách này. Có thể nói rằng 95% người theo Công giáo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam cũng sẻ bỏ cuộc sau 20 trang hoặc ít hơn, vì đây là một cuốn sách không dễ đọc, nhưng lại dài tới 608 trang với khổ 17x25cm. Không chỉ nội dung trong sách quá khó hiểu hoặc quá phẫn nộ vì cái nhìn về Chúa, về tôn giáo của tác giả khác hoàn toàn so với những gì các Cha xứ giảng trên bàn thánh trong nhà thờ. Chỉ với điều này thôi cũng đã là lý để đa số người đặt sách xuống, đem tặng cho người khác, hoặc cất vào trong tủ 20 năm sau may ra có thể mới lôi ra đọc. Nhưng nhiều khả năng là không bao giờ.
 
Thứ hai Karen Armstrong – tác giả cuốn sách LỊCH SỬ THƯỢNG ĐẾ vốn là một nữ tu Công Giáo trong 7 năm trước khi rời bỏ tu viện để trở thành một nhà nghiên cứu sâu xa về tôn giáo độc thần. Vì đây là một cuốn sách nói về Chúa được viết bởi một người phụ nữ đã từng là nữ tu, nên rất nhiều phân tích, diễn giải các tư tương, chắp nối các sự kiện của Karen Armstrong mang đậm tính thần học, giác ngộ và sự nhận biết về Chúa rất sâu đậm nhưng mang tính cá nhân nhiều hơn là phổ quát. Vì nó không phổ quát nên rất khó để thuyết phục một người theo đạo với suy nghĩ phổ quát có thể nhìn nhận những giá trị mà cuốn sách đem lại.
 
Thứ ba phần lớn nguyên do khiến Lịch sử Thượng Đế là một sách kinh khủng ngay với cả người đọc nhiều lại nằm ở chính cuốn sách và tác giả. Karen Armstrong hẳn phải tiêu tốn vô số thời gian của bà mới có thể tập hợp tư liệu từ hàng trăm cái tên nổi trội trong tôn giáo, thần học, thần bí học, triết học, lịch sử để viết nên Lịch sử Thượng Đế và biến nó thành một sách tôn giáo được viết dưới dạng sử học với cái nhìn của một cá nhân muốn siêu thấu những điều không thể thấu hiểu xuyên suốt 4000 năm.
 
Lịch sử Thượng Đế được viết với một văn phòng mang tính liệt kê, phân tích và diễn giải theo cái nhìn của tác giả hơn là một người kể chuyện thú vị. Và vì nó thiếu đi linh hồn của một câu chuyện thú vị nên Lịch sử Thượng đế đối với mình mất hẳn 1/3 sự hấp dẫn, mà đối với một chất liệu tuyệt vời như thế tác giả có thể biến cuốn sách trở thành một tác phẩm hay.
 
Lịch sử Thượng Đế bắt đầu bằng một cú tát thẳng vào mặt những người Ki Tô giáo và có thể cả Do Thái giáo khi Karen Armstrong viết rằng Sáng thế ký trong Kinh Thánh phần Cựu Ước được lấy cảm hứng từ trường thi Enuma Elish của người Babylon cổ đại – dân tộc có hẳn một chỗ đứng trong Cựu Ước đã phạm tội với Chúa khi có tham vọng xây dựng tháp Babel chọc thẳng lên lên Thiên đường. Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu.
 
Lịch sử Thượng đế còn tập trung phân tích rằng độc thần giáo có khởi điểm từ đa thần giáo, dựa trên các tôn giáo cổ xưa xuất phát từ các dân tộc thuộc địa lý vùng Lưỡi liềm màu mỡ và văn hoá Semit cổ đại. Chưa hết, trong cuốn sách này còn phân tích rằng Chúa của Abraham tôn thờ trong Cựu Ước không phải là Chúa của Jacob, cũng không phải Chúa của Moses, ngắn gọn là vị Chúa trong Cựu Ước không phải là một Chúa với bản thể duy nhất khi nhìn nhận Chúa theo đúng nghĩa đen của độc thần giáo.
 
Trên hết, cuốn sách này được viết từ một tác giả phương Tây với niềm tin Ki tô giáo ban đầu làm cốt lõi, Karen Armstrong đã tổng hợp rất nhiều thần luận, ý kiến và đi sâu vào việc lịch sử Ki Tô giáo đã tranh cãi từ hàng nghìn năm trước (Đến bây giờ vẫn có nhiều người theo đuổi vấn đề này) về tín điều Chúa Jesus có cùng đồng bản tính với Chúa Cha hay chỉ mang thân phận con người nhận được sự quyền năng của Chúa Cha… Nếu bạn cảm thấy mình đang đọc cái gì mà rắc rối và khó hiểu thế này thì cũng đừng ngạc nhiên vì đa số người Ki Tô giáo chưa đừng đọc hết Kinh Thánh cũng không thể hiểu những khái niệm mang tính suy luận như thế này.
 
Karen cũng dành nhiều trang giấy để nói về Do thái và Hồi giáo – hai tôn giáo độc thần cũng có nhiều điểm chung giống với Ki Tô giáo. Điểm thú vị nhất đối với. mình trong Lịch sử Thượng đế chính là những chia sẻ về thần bí học – một khái niệm bị hiểu nhầm là mê tín dị đoạn hay cuồng đạo vốn tạo nên những kiến thức và nhận biết vượt qua hiểu biết đơn thuần mà những nhà thần bí Do Thái, Hồi Giáo và sau này là Ki tô giáo xuất chúng chia sẻ nó với một số ít người.
 
Ngoài ra Karen cũng có nhiều cảm tình dành cho Hồi giáo và cá nhân tiên tri Muhammad. Bà đem tới cho người đọc bản chất thần bí và tốt đẹp của kinh Coran cũng như sự nhìn nhận khoan dung của Hồi giáo so với hai tôn giáo còn lại. Đồng thời Karen cũng hướng tới việc Chúa được gắn kết với khoa học, triết học và lý trí, thậm chí cả phủ nhận về sự tồn tại của Chúa như thế nào trong tâm tưởng như thế nào đối với giới tinh hoa phương Tây khi trong thời kỳ Phục Hưng, Khai sáng, hiện sinh… cho đến tận bây giờ.
 
Xuyên suốt Lịch sử tôn giáo, cuốn sách chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau cũng như nguồn gốc của các xung đột liên quan đến thần học, triết học và cả chiến tranh gây đổ máu như :
– Thượng Đế là số Một hay số nhiều, ví dụ như Ba?
– Sự hiện diện của Thượng đế là hữu hình hãy vô hình?
– Thượng đế là một khái niệm phổ quát như một Đại ngã chi phối vạn vật trong vũ trụ hay mang tính cá nhân soi mói từng hành động và tội lỗi của mỗi con người?
– Thượng Đế nên hiểu bằng sự chiêm nghiệm, cầu nguyện hay thông qua những hành động thì tốt hơn?
– Thiên đường và địa ngục tồn tại dưới dạng vật lý hay chỉ là một ý niệm?
– Con người có thể tự mình cứu rỗi và giác ngộ hay không, cũng như có thể thông phần và hiệp nhất với Thượng Đế hay không?
– Thượng Đế có mâu thuẫn với khoa học và sinh học không?
– Phụ nữ có vai trò gì trong tôn giáo?
Cùng nhiều luận điểm và câu hỏi khác.
 
Vì viết về khái niệm “Không thể nghĩ bàn” nên Lịch sử Thượng đế cũng là cuốn sách không thể đồng tình chưa nhiều khía cạnh, đồng thời đây là cuốn sách được viết khá lâu (hơn 20 năm trước) là khoảng thời gian đáng kể để lịch sử có thể viết lại rất nhiều cái trước đây có thể là đúng. Nhất là trong tôn giáo, một lĩnh vực bao la và nhiều tranh cãi.
 
Tuy nhiên cũng không phủ nhận được những thông tin và giá trị thú vị mà cuốn sách đem tới. Nếu bạn coi cuốn sách như một cuốn tồng hợp thông tin hay lịch sử về tôn giáo và bỏ qua những quan niệm thần học hay triết học, thì Lịch sử Thượng đế cũng có thể đáng để bạn bỏ thời gian để đọc. Tất nhiên là nếu bạn có thời gian.
 
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân