Tại sao những gì bạn làm luôn nhận được ít hơn mong muốn?

Hai hôm nay tôi đọc cuốn Tư duy như kinh tế gia, một trong những chủ đề lớn của kinh tế học thời kỳ đầu và cho đến bây giờ vẫn là câu chuyện nóng bỏng: năng suất làm việc (lao động) thì đổi được bao nhiêu tiền? Và liệu số tiền đó có xứng đáng không?

Giống như mọi hàng hóa, năng suất làm việc và lao động cũng được quy đổi được tiền bạc. Nhưng hàng hóa lại hữu hình còn năng suất thì vô hình. Vì thế việc trả một cái giá xứng đáng cho năng suất làm việc khó định lượng hơn rất nhiều. Và vấn đề nảy sinh ở đây.

Ví dụ khi bạn bán một viên kim cương, giá trị của kim cương được quy đổi 1 carat = 500 đô hay 5000 đô tùy vào độ lớn và độ trong của nó. Cái giá này được chấp nhận trên mọi thị trường kim cương.

Còn năng suất làm việc – lao động thì lại không được tính như vậy. Ví dụ với 1 giờ làm việc, có người sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn (sức lao động tạo ra hàng hóa) thì sẽ rất dễ để đưa ra mức lương để đổi lấy công sức.

8 tiếng làm việc của mỗi người không giống nhau. Có người làm được nhiều hơn. Người kia làm ít hơn. Nhưng ít và nhiều hơn cũng rất khó đong đếm.

Cũng có những công việc phải mất hàng giờ mới tạo ra kết quả (ví dụ như bài viết này) và kết quả thậm chí có thể không đến ngay hôm nay.

Có thể là vài ngày hay thậm chí là vài tuần hoặc là chẳng đi đến đâu. Ngay cả khi nhiều công ty và tổ chức áp dụng những nguyên tắc và hệ thống quản trị cũng không thể định lượng được năng suất làm được.

Chính điều này khiến cho khái niệm năng suất làm việc tri thức (tôi tính luôn là cả làm việc văn phòng và tự do như tôi) rất khó để có thể đưa ra 1 cái giá quy đổi hợp lý.

Lý do bởi Năng suất làm việc là thước đo hiệu suất, thường được định nghĩa là lượng đầu ra (sản phẩm hoặc dịch vụ) tạo ra trên mỗi đơn vị lao động (giờ làm việc, số lao động…). Nó không phải là một “vật” hay “dịch vụ” cụ thể để giao dịch, mà là một đặc tính gắn liền với quá trình lao động.

Trong kinh tế học, sức lao động (khả năng làm việc của con người) được xem như một dạng hàng hóa đặc biệt, vì nó được “bán” trên thị trường lao động (qua tiền lương).

Năng suất lao động là kết quả của việc sử dụng sức lao động đó, chứ không phải bản thân nó là hàng hóa.

Và khi năng suất làm việc không được coi là hàng hóa thì rất khó có thể được trả mức giá tương đương.

Khi mua lại và tiếp quản Twitter, Elon Musk đã nổi giận khi biết có không ít nhân viên Twitter chỉ viết được … 3 dòng code mỗi ngày. Đối với Elon, điều này là không thể chấp nhận được. Kết quả hơn 75% nhân lực của Twitter đã bị cho thôi việc chỉ trong vòng có mấy tháng.

Đa số giới chủ thường luôn muốn trả một cái giá rẻ nhất cho sức lao động. Với lý do là khó định lượng và khó đảm bảo. Nhưng cũng không rẻ đến mức bóc lột như đầu thế kỷ 20, nhưng cũng không cao đến mức để nhân viên coi công ty là nhà, đồng nghiệp là người thân.

Ngược lại, khi những nỗ lực và sự chăm chỉ của mình không được trả công xứng đáng, đại đa số nhân lực luôn chỉ làm tròn trách nhiệm của mình. Chính xác hơn là đúng với số tiền mình được trả.

Với 8 tiếng làm việc theo cam kết, con người ngày nay đã ký vào một khế ước mà mình sẽ bị phụ thuộc vào công việc và trả công việc cho mình.

Theo quan điểm của tôi, đại đa số chúng ta sẽ không bao giờ được trao thưởng xứng đáng ở trong công việc.

Nhưng có một dạng công việc sẽ đem lại phần thường xứng đáng. Đó là những công việc ta chọn làm sau 8 tiếng làm việc.

Về cơ bản, đây là những công việc không được trả lương và cũng không ai là ông chủ của bạn. Vì bạn là ông chủ của chính mình và những gì bạn cam kết làm sẽ trả lương cho bạn.

Albert Einstein nghiên cứu Thuyết tương đối vào những lúc khi hoàn thành công việc nhàm chán ở văn phòng cấp bằng sáng chế.

Stephen King hoàn thiện những trang bản thảo sau này sẽ bản được hàng triệu bản của mình sau những giờ làm việc mệt nhọc ở một xưởng giặt là.

Anh em nhà Wright thiết kế và chế tạo máy bay thành công nhờ vào việc duy trì sửa chữa và bán phù tùng xe đạp trong hàng năm trời.

Những công việc được trả lương kia đều đơn điệu, tầm thường và nhàm chán. Nhưng những nhà khoa học, nhà văn hay phát minh trên đều có một điều để vượt ra khỏi khế ước lao động : Họ sắp xếp lại thời gian, tổ chức lại tư duy và lựa chọn làm một việc gì đó thay vì chấp nhận khế ước.

Họ cũng hiểu rằng, hành động tạo ra niềm vui hoặc sự thất vọng, nhưng họ vẫn lựa chọn làm một việc gì đó để có thể tối đa hóa niềm vui, trước khi nhận được phần thưởng xứng đáng vì công việc mình làm.

Và đây là công thức cho một công việc để nhận được phẩn thưởng xứng đáng :

1.Không lệ thuộc vào việc ai sẽ trả tiền cho bạn, mà bạn sẽ ấn định phần thưởng trả cho những gì mình làm.

2.Bạn tự đưa ra cái giá cho năng suất của mình và cam kết với thời gian mình dành cho công việc .

3. Bạn chấp nhận đầu tư năng suất và nguồn lực vào việc sử dụng nguồn lực lao động vào những chọn.

Khi bạn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tự chủ và tự định giá công sức lao động của mình, bạn sẽ thấy rằng thành công không chỉ đến từ công việc bạn làm cho người khác, mà còn đến từ những gì bạn làm cho chính mình.

Công việc ngoài giờ không nhất thiết phải là một công việc sáng tạo hay đột phá; nó có thể chỉ đơn giản là những bước đi nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để phát triển bản thân.

Bạn cũng không cần phải vội vã, vì sự thay đổi và phát triển đích thực là một quá trình dài hơi. Quan trọng là bạn không được chùn bước khi đối mặt với khó khăn.

Hãy nhớ rằng, công việc ngoài giờ không phải lúc nào cũng phải làm thêm để kiếm tiền, mà có thể là cơ hội để bạn thử sức, làm những gì bạn đam mê và phát triển một cách tự nhiên.

Qua thời gian, mỗi người đều có khả năng tạo ra phần thưởng xứng đáng cho công sức lao động của mình, nếu biết cách tận dụng thời gian, kiến thức và khả năng sáng tạo.

Đừng chờ đợi ai đó xác định giá trị của bạn, hãy tự mình làm điều đó.

Hãy tạo ra sự khác biệt, cho chính mình và cho thế giới xung quanh.

Bạn hoàn toàn có thể trở thành người quyết định vận mệnh của chính mình.

Chỉ cần bạn bắt đầu hành động ngay hôm nay.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân