5/2/2021

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT…

GHI CHÉP NÀY DÀNH LÀ CHO BẠN

1246-1450

1246. DỊCH, thật sự chỉ có hai nghĩa chính : biến và bất biến. Dịch có nghĩa là biến, nhưng biến trong bất biến, hay nói một cách khác ĐỘNG trong TỊNH. Và như ta đã thấy trước đây : Tịnh là gốc của Động, và người đắc Đạo là người biết “dĩ bất biến ứng vạn biến” lấy cái TÂM HƯ mà đối phó với vạn biến.

1247. Dịch là gì ? Là TRUNG CHÁNH. Nhờ nó khiến cho những gì bất trung trở về chỗ TRUNG, những gì bất chánh trở về chỗ CHÁNH. TRUNG CHÁNH mà đứng vững được rồi thì vạn biến mới được hanh thông.

1248. “Đắc kỳ HOÀN TRUNG dĩ ứng vô cùng” nghĩa là phải đứng vững ở chính giữa cái vòng tròn để giữ mức QUÂN BÌNH của ĐẠO, để hễ “cao quá thì ép xuống ; thấp quá thì nâng cao ; có thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào”.
1249. Thánh nhân biết lúc tiến mà tiến, lúc thoái mà thoái, biết lúc phải giữ cho còn mà giữ, lúc phải bỏ mà bỏ nhưng không bao giờ mất chỗ CHÁNH TRUNG.

1250. Việc trong thiên hạ, mầm họa đâu phải sinh ra trong lúc loạn ly, mà thường dễ chia ra trong những lúc  thái bình thạnh trị. Họa đâu phải sinh ra trong cơn họa hoạn, mà thường dễ sinh ra trong những lúc đang hưởng hạnh phúc tuyệt vời. Nguy, là vì yên chí với ngôi vị mình ; mất, là vì chắc ở sự còn mãi ; loạn,  là vì cậy ở sự được mãi bình trị. Bởi vậy, người quân tử lúc yên ổn không quên lúc nguy ; lúc còn không quên lúc sắp mất ; lúc trị không quên lúc loạn. Nhờ vậy mà thân mới được yên và nước mới có thể giữ được.

Photo: @anomaly

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận