5 GHI CHÉP MỖI NGÀY 10/10/2021

1606-1010
 
1606. Bạn có vô vàn các biểu tượng, và biểu tượng tạo ra sự biểu hiện, nó biểu hiện sự vật hay sự việc lại một lần nữa xem như sự vật hay sự việc vốn thế. Nó đưa lại cho bạn một loại cảm giác về các thứ. Và rồi những sự biểu hiện có thể càng ngày càng đi vào chi tiết hơn, nom càng giống hơn với những bức tranh của các họa sĩ. Chúng có thể là những biểu đồ, chúng có thể là những bản vẽ thiết kế, chúng có thể là tất cả các kiểu loại sự vật. Tất cả đều là tư duy ở dưới các dạng khác nhau. Mỗi một cái trong những sự vật đó đều là tư duy. Bạn phải luôn nhớ kĩ điều này.
 
1607. Có cả một tầng ngầm của các hình ảnh vẫn đang diễn tiến theo thời gian, Và cả những cảm giác nữa. Có rất nhiều thứ trong tư duy của mình vốn là những cảm giác mà bạn không thể mô tả chúng ra được, những cảm giác này có thể đã thế chỗ cho một phần nào đấy của thứ tư duy bằng ngôn từ.
 
1608. Khi bạn bắt đầu bày những cái này ra và ngôn từ hóa chúng thì hình như việc đó bộc lộ được một mức độ sáng sủa nhất định. Bằng không chúng có thể bị mất đi. Nhưng bạn không có quyền kén chọn, khiến mọi thứ liên tục diễn ra và khiến chúng bộc lộ ra được. Chỉ là ta tìm hiểu về nó mà thôi. Ta không cố làm bất cứ điều gì. Điều cốt yếu phải thấy được là ta không đang cố đạt đến một mục tiêu nào cả; ta không có một chương trình nào hay một mục đích nào mà ta có thể xác định rõ. Ta đang tìm hiểu.
 
Đối với quá trình này có một cái gì đó ta chưa biết. Có khi thế là quan yếu, mà cũng có khi không. Biết đâu việc ta biết được về nó hóa ra lại hữu ích trong một vài hoàn cảnh nào đó. Và biết đâu khi khiến nó bộc lộ ra ta lại chẳng quan sát được nó phần nào. Bằng cách diễn tả nó thành ngôn từ biết đâu ta lại kết nối được với những khía cạnh khác của quá trình, và do vậy có được một cảm giác khả quan hơn về việc nó đang hoạt động ra sao. Một trong những rắc rối ở đây là quá trình tư duy này thì cứ liên tục tiếp diễn, còn ta thì lại chẳng hề biết nó hoạt động như thế nào. Và một khi không biết nó hoạt động thế nào thì ta lại đã vội vã xem chúng như một cái gì khác: như là cái không-tư-duy.
 
1609. Một trong những khó khăn chủ yếu luôn là: tư duy làm một việc gì đó rồi lại nói cái nó làm không phải là tư duy. Tư duy tạo ra một vấn đề rồi cố làm gì đó có vẻ như để giải quyết, trong khi vẫn cứ tiếp tục đặt ra vấn đề, bởi vì nó không biết nó đang làm gì. Tất cả chỉ là một mớ phản xạ đang hoạt động.
 
Tư duy là quá khứ của suy nghĩ. Nó là cái đã được ghi vào bộ nhớ. Việc ghi lại này được thực hiện thông qua một tập hợp các phản xạ, hễ cứ xuất hiện một dạng nào khớp với cả tập hợp này thì sự biểu hiện mang tính biểu tượng sẽ lại thế chỗ cho bất cứ cái gì khớp với cái thực sự đang được tri giác.
 
1610. Tư duy chỉ làm việc một cách tự động. Nhưng khi đang suy nghĩ thì chính là lúc bạn sẵn sàng nhìn thấy lúc nào nó bị trục trặc và bạn sẵn sàng bắt đầu thay đổi nó. “Suy nghĩ”, thế có nghĩa là đang có gì đó trục trặc, có một cái gì đó được đưa thêm vào – cái đó sẵn sàng xem xét tình huống và làm cho tư duy thay đổi nếu thấy tất yếu phải thế.”
 
Photo: IG
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận