5 GHI CHÉP MỖI NGÀY13/9/2021

1516-1520

1516. Suy nghĩ hàm ý thời hiện tại là một hoạt động nào đó đang tiếp diễn và không loại trừ việc nó có khả năng chứa đựng sự nhạy cảm đối với việc cần phải phê phán những gì có thể là sai. Cũng có khi đó là những ý tưởng mới mẻ, và thảng hoặc không biết chừng còn là một thứ tri giác nội tâm nào đó.

Còn “Tư duy” là động tính từ quá khứ của hành động nói trên. Chúng ta thường quan niệm rằng, sau khi ta nghĩ xong xuôi cái gì đó, thì cái đó tan biến ngay tức thì. Nhưng “suy nghĩ” thì không biến đi đâu cả. Nó vận hành theo lối nào đó bên trong bộ não và để lại một cái gì đấy – một dấu vết – và cái đấy biến thành “tư duy”. Và cái tư duy ấy sau đó hoạt động một cách tự động.

1517. Có một sự liên kết chặt chẽ giữa trạng thái cơ thể và cách suy nghĩ của bạn. Nếu mọi người tỏ ra lo lắng triền miên và luôn căng thẳng về việc làm của mình hay về gì đó, thì dạ dày của họ có thể bị khích động quá mức dẫn đến viêm loét và nhiều thứ bệnh khác. Điều này thì hầu như ai cũng rõ. Trạng thái cơ thể gắn bó rất mật thiết với tư duy, bị tư duy tác động, và ngược lại.

Tất cả những cái đó sẽ dẫn đến không ít sự lẫn lộn, hoặc đến cái tôi gọi là sự “không mạch lạc” trong suy nghĩ hoặc trong hành động, bởi vì bạn sẽ không đạt được những kết quả mà bạn trông đợi. Đó là dấu hiệu chủ yếu của sự không mạch lạc: bạn mong muốn làm một việc gì đó nhưng nó lại không diễn ra như bạn đã dự định. Điều này thường là dấu hiệu cho thấy ở đâu đó bạn đã nhận được một vài thông tin sai lạc. Lẽ ra phải nói: “Đúng, thế là không mạch lạc. Hãy để tôi cố tìm cho ra thông tin sai để còn thay đổi nó”, thế mới là cách tiếp cận đúng. Nhưng rắc rối là ở chỗ mọi người đâu có làm thế, mà sự không mạch lạc thì lại nhiều vô kể.

1518. Nếu ai đó thích được tâng bốc nhưng rồi cũng nhận ra rằng kẻ tâng bốc kia có thể lợi dụng mình. Việc đó cứ tái diễn rồi lại tái diễn mãi. Anh ta không muốn vậy, nhưng nó cứ diễn ra. Không mạch lạc chính là ở chỗ đó, vì anh ta đâu có có ý định để cho kẻ khác lợi dụng. Nhưng anh ta lại muốn có được một cái khác mà anh ta không chịu nghĩ cho thấu đáo: đó là cảm giác khoan khoái khi nghe những lời tâng bốc.

Bạn có thể thấy rằng cái này ắt phải dẫn đến cái kia, bởi vì nếu đã chấp nhận những lời tâng bốc thi rồi anh ta cũng sẽ chấp nhận nhiều việc khác mà người kia nói hoặc làm. Anh ta có thể bị lợi dụng. Vậy tức là anh ta có một lúc cả hai: một ý đồ có ý thức, và một ý đồ khác cưỡng lại ý đồ kia. Đây là một tình huống rất phổ biến”

1519. Chính tư duy lại đấu tranh chống cái mà nó đang làm. Nó chẳng việc gì phải biết nó đang làm gì. Và rồi nó đấu tranh chống lại các kết quả, cố tránh né những kết quả không vừa ý trong khi vẫn tiếp tục không chịu từ bỏ lối suy nghĩ của mình, đó là sự không mạch lạc một cách cố chấp. Còn có một thứ nữa gọi là sự không mạch lạc đơn sơ, cái này thì chúng ta khó mà tránh được, vì những suy nghĩ bao giờ cũng bất toàn – tư duy không bao giờ là toàn vẹn.

1520. khi chúng ta suy nghĩ thì những gì ta đang nghĩ được ghi vào não và trở thành tư duy. tư duy này lại là một tập hợp tích cực của những sự vận động, tức là một phản xạ. Nhưng giả sử bạn cứ nói mãi với những đứa trẻ rất nhỏ rằng hạng người nào đó là bọn xấu, là bọn xấu, là bọn tồi. Rồi thì về sau, điều đó trở thành tư duy và tư duy đó chỉ việc bật ra thôi – rằng “đó là bọn xấu”. Trên thực tế, bạn khó mà nhận ra là bạn đang suy nghĩ, thậm chí là trong đầu hiện đang có một tư duy nào đó.

Photo :zoozoofilm

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân