1596-1600
1596. Ngôn từ, lời nói hay câu chữ là một cách để bộc lộ tư duy, để dễ nhận ra tư duy, bằng không thì nó thường tác động âm thầm không để cho bạn ý thức được. Nếu có một điều gì đó như ghê sợ khi nhìn thấy máu thì bạn sẽ cho đó là một phản ứng tự nhiên, nhưng dường như đó có thể là một phản ứng được lập trình sẵn trong tư duy. Chính tư duy là cái kiểm soát cảm giác ấy, là cái làm cho cảm giác ấy xảy đến. Nó nằm trong các phản xạ. Tư duy lây lan ra khắp mọi nơi với rất nhiều các hình thức khác nhau chỉ có điều ta không ý thức được về nó.
1597. Một phần lý do khiến ta không ý thức được về nó là tại bởi truyền thống văn hóa của chúng ta, cái truyền thống văn hóa ấy bảo chúng ta rằng tư duy chỉ là trí tuệ, và do đó nhìn sang các thứ khác là vô ích. Nếu tư duy không giống như là truyền thống văn hóa bảo, thì rất có thể ta sẽ ý thức được về nó.
1598. Ta có thể nhìn thấy cái gì đang thực sự xảy ra và thấy được rằng diễn biến này đang phần nào tạo ra ý định của ta. Nếu có một lý do thiết yếu có giá trị hiệu lực để nổi giận hoặc để phải bị ép làm điều gì đó, thì chính là xuất phát từ tư duy mà bạn mới nảy sinh ra ý định đó. Nếu bạn nói: “Tôi phải làm công việc của mình, đó là điều tất yếu đối với tôi”,vậy là bạn tự thấy mình đang có ý định làm việc đó. Cái ý định này có thể bắt nguồn từ tư duy, vậy tức là ý định cũng là một phần của tư duy.
1599. Trong số những ý định của chúng ta có nhiều ý định mang tính phản xạ, chúng được bộc lộ ra ngoài một cách tự động. Chúng là từ những phản xạ mà ra, mà cơ sở của những phản xạ này thì lại là tư duy. Ý đinh được hàm ẩn trong tư duy. Bạn sẽ bị thúc ép làm điều gì đó nếu điều đó là “tất yếu”. Nếu có ai đó nói: “Anh phải làm việc này, nhất thiết phải làm”, hay “làm được việc này anh sẽ có cái mà anh rất muốn có” thì xuất phát từ ý nghĩ như thế, bạn sẽ có ý định làm việc đó.
Ta tự vẽ ra một bức tranh là trong thâm tâm mình có “ai đó” đã có được tất cả những thông tin này rồi sau đó quyết định là phải có ý định làm điều gì đó dựa trên những thông tin ấy. Tuy nhiên, sự thể lại không phải như vậy .
1600. Tư duy mang tính không hoàn chỉnh. Tư duy về cái bàn không bao trùm hết mọi thứ về cái bàn. Nó chỉ nhặt ra một vài điểm về cái bàn. Nhưng thật ra rõ ràng là cái bàn bao hàm rất nhiều thứ – nào thì cấu tạo nguyên tử của nó, nào thì đủ các loại cấu trúc bên trong của vật liệu, nào thì việc tất cả những cái đó liên hệ với mọi thứ khác như thế nào, vân vân. Tư duy của ta về một thứ được xem như cái bàn là một sự đơn giản hóa, hay là một sự “trừu tượng hóa”.
Photo : IG