SỰ ĐỘC HẠI TRONG NHỮNG GIÁ TRỊ MÀ PHIM TRUYỀN HÌNH ĐANG RA SỨC TRUYỀN TẢI

Đối với cá nhân mình, một bộ phim bom tấn tệ hại nhất là có nội dung hướng tới một chân lý phổ quát (Kiểu siêu anh hùng tài đức vẹn toàn) đối với một cái ác phổ quát (Bạn biết mà, kiểu một kẻ tâm thần nào đó ôm mộng thống trị thế giới hoặc tham vọng hơn là đè đầu cưỡi cổ cả vũ trụ. Tha cho khán giả đi! Sắp 2022 rồi chứ có phải 2012 nữa đâu mà bom tấn cứ phải là bom mới nhưng thuốc nổ vẫn là cũ chứ).

Còn ở phương diện phim truyền hình, nhất là phim Việt Nam thì mình chưa bao giờ xem quá 3,4 tập liên tiếp ngoài Bỗng dưng muốn khóc chiếu trên vtv3 gần 13 năm trước. Đó là một bộ phim khá hay, mình ấn tượng với vai Trúc xinh đẹp và có cá tính do Tăng Thanh Hà thủ vai. Ngay cả với một bộ phim tạo được hiệu ứng tốt gần đây là Người phán xử thì mình cũng không hề xem, chỉ nghe mọi người bàn tán khi đi cà phê hay trên mạng.

Công bằng mà nói, phim truyền hình Việt Nam trong 2,3 năm trở lại đây đã đầu tư kỹ lưỡng từ máy móc, cảnh quanh, phục trang, dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp được nhiều bạn trẻ biết tới hơn và đặc biệt là đã đề cập tới những vấn đề của người trẻ nhiều hơn chỉ là những vấn đề cảnh sát truy bắt tội phạm hay đấu trí giữa thiện và ác, giữa người tốt và kẻ xấu – các kiểu kịch bản phổ quát cần phải có để lên sóng truyền hình.

Nhưng dù cảnh quanh tráng lệ, sang trọng, dàn diễn viên đẹp như drama Hàn và vấn đề mang tính hiện thực đến đâu thì phim truyền hình Việt Nam cũng không thể đi chệch ra khỏi nhưng tư tưởng phổ quát đầy cường điệu và lố bịch như :

– Một hình mẫu công dân tốt lành thánh thiện, có 36 tài lẻ và 72 người theo đuổi. Một hình mẫu hoàn hảo mà cư dân mạng hay gọi là nam thần hay nữ thần. Kiểu vai diễn đi trên một đường thẳng không hề có những đoạn lên xuống, nhấp nhô, ngoằn nghèo nào hết.

– Trong truyện tình cảm vợ chồng hay yêu đương thì dù trải qua tổn thương, lừa dối, phản bội ở mức độ tự diễn biến thì có thế nào đi chăng nữa thì đa số cái kết trong phim là tất cả sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm để trở về bên nhau.

– Dù phim được xây dựng dựa trên kịch bản nào, tình tiết ra sao, con người trong phim là nhân vật kiểu Godfather, hay người cha già trong lòng cư dân dân mạng, trai tài giỏi làm giám đốc, gái ngổ ngáo ngao du khắp giang hồ thì GIA ĐÌNH vẫn là giá trị được đặt lên hàng đầu. Ngược lại trong phim sẽ ít nhiều đả kích những cái tôi, cái xấu và nhiều trò lẫn thói đua đòi trong xã hội ngày nay cũng như ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Và ba điều mình liệt kê ở trên đều bổ sung, liên kết chặt chẽ lẫn nhau tạo thành xương sống trong nội dung của phim truyền hình Việt Nam, từ Bắc vào Nam, từ diễn viên gạo cội lẫn các diễn viên thế hệ mới. Đối với mình, những kiểu nội dung như thế này đang được truyền tải thông qua phim truyền hình hội tụ đủ yếu từ sự lý tưởng ngây thơ, tình tiết nhàm chán, lố bịch, hời hợt như một tiết học 60 phút giáo dục công dân mỗi ngày và đặc biệt là mang những sự độc hại gây ảnh hưởng đến người xem.

Cách đây vài tháng, khi qua nhà họ hàng uống trà mình vô tình phải xem một đoạt diễn biến trong bộ phim truyền hình đang được chiếu trên vtv3 lúc ấy.

Tình tiết bắt đầu bằng việc một nữ sinh cấp ba
có người mẹ nghiêm khắc cấm cô giao du với với mấy đứa bạn không có phong thái nghiêm túc. Bất chấp lời mẹ cảnh bảo, nữ sinh này vẫn cùng hai người bạn tham gia dự buổi hát hò với một nhóm bạn ở quán karaoke.

Trong buổi hát hò đó, có mấy cậu choai choai hút cần sa khiến một trong hai cô gái cảm thấy khó chịu. Tình tiết tiếp tục được cường điệu và mang theo yếu tố giáo dục khi hai cô gái tỏ thái độ cự tuyệt khi một chú bé mang điếu cần ra mời hút thử.

Sau đó coi cô gái này nói với bạn rằng nên đi về chứ không thể chịu nổi việc phải ngồi với đám tệ nạn kia. Và mình đã không thể nào chịu nổi phân cảnh tiếp theo là bạn của nữ sinh này bị tấn công tình dục ở trong nhà vệ sinh. Đoạn cuối là kẻ tấn công tình dục nằm đo ván trên sàn nhà sau khi bị nữ sinh kia phang gạt tang vào đầu, và người mẹ khó tính của cô buộc phải tới bệnh viện để giải quyết hậu quả.

Thật tài tình khi chỉ trong 10 phút trong tập phim này nhưng đã truyền tải được khá nhiều những bài học và giá trị đến với người xem, đặc biệt là các thanh thiếu niên rằng : Cãi lời cha mẹ trăm đường con hư, rồi từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác. Chơi với bạn bè không có phẩm cách thì sẽ sa vào tệ nạn, hút chích rồi từ hút chích dẫn tới những hành vi và hậu quả không thể kiểm soát như cưỡng hiếp, tấn công tình dục. Rất logic và mang hiệu ứng domino nhưng thực sự mọi chuyện bên ngoài có tồi tệ và diễn ra một chiều và đầy áp đặt như trên phim không?

Thực sự là không. Mà kể cả có gây ra hậu quả như vậy nữa thì cũng chẳng phải là một tai hoạ với bất cứ một thanh thiếu niên nào. Điều này mình có thể khẳng định qua trải nghiệm của cá nhân mình lẫn những gì mình chứng kiến trong thực tế.

NHỮNG SAI LẦM LIỆU THỰC SỰ CÓ TỒI TỆ NHƯ TRÊN PHIM TRUYỀN HÌNH KHÔNG?

Hồi lớp 8, năm cuối cùng mình còn học ở trường lớp, trong một lần hiệu phó trường tập hợp khoảng 20 học sinh đi học muộn (bao gồm vài đứa cá biệt trong đó có mình và nhiều gương mặt hiền lành, học giỏi khác) đi dọn rác ở khoảng sân rộng mênh mênh phía sau trường. Trong tiết sinh hoạt ngoài trời đó, ngay khi thầy hiệu phó quay lại văn phòng thì mấy thằng-cá-biệt bao gồm mình và hai đứa bạn cùng lớp vừa quét rác vừa phì phèo điếu Captain Black thơm mùi chocolate.

Trong khi hút, có những nữ sinh bịt mũi và quay đi chỗ khác. Mấy bạn này nhìn mình và hai đứa bạn kiểu bọn mày hết thuốc chữa rồi. Nhưng cũng có những bạn lại rất thích mùi thuốc đó và nói với nhau rằng “Thuốc lá sao lại có mùi thơm và ngọt như thế nhỉ”. Đặc biệt là N, một bạn gái rất cao ráo, học lớp chọn trong khối dường như rất tò mò về loại thuốc lá này. Mình với N trong học kỳ 1 đã từng chung phòng thi với nhau nên có chút quen biết. Vì thế mình đã rút trong bao một điếu mới rồi chủ động tiến tới chỗ N thì thầm “Cậu muốn hút thử không?”.

“Không!”. N quả quyết nhưng mình vẫn cố thuyết phục. “Đừng lo. Không biết ai đâu, tớ sẽ che cho cậu. Cậu cũng không cần hút đâu. Chỉ cần ngậm trên miệng cũng thấy vị ngọt”.

N chần chừ một lát rồi mấy bạn khác kêu mình với N kéo thùng rác đi đổ. Bãi tập kết rác của trường ở góc sân bóng cách đó khá xa. Mình và N kéo thùng rác trong im lặng cho đến khi tới chỗ đổ thì mình rút trong túi điếu Captain Black đưa cho N. N Cầm điếu thuốc, mân mê trên những ngón tay một lúc. Trước khi đưa lên môi, N vẫn dặn mình rằng đừng nói cho ai biết vụ này (Sau gần 18 năm thì mình đã không giữ lời với N).

“Ngọt thật”. N thốt lên khi ngậm điếu thuốc. “Khác với loại bố tớ hay hút, Mùi kinh lắm. Tại sao lại ngọt như thế nhỉ”.

Mình nói N phải hút một hơi thì mới biết được. Thế là N đồng ý để mình châm điếu thuốc. ngay từ hơi đầu tiên N đã ho sặc sụa và đưa lại điếu thuốc cho mình. Mình đưa lên môi hút tiếp.

“Giờ tớ biết tại sao lại tẩm vị ngọt rồi. Để cái vị kinh tởm của khói thuốc không đọng lại trên miệng”. N nói. “Tớ sẽ không bao giờ thử hút thuốc lá nữa đâu. Kinh lắm”.

Lần nhất, vào cuối năm 2020 khi mình ngồi trà chanh ở sau sân vận động Bách Khoa có ngồi cạnh một nhóm hơn chục học sinh mặc đồng phục cấp ba trường Thăng Long, cả trai lẫn gái truyền tay nhau ống điếu tự chế để hút cần. Mình để ý trong nhóm đó cũng có 2,3 học sinh từ chối hút nhưng vẫn vui vẻ cười nói với các bạn và vẫn giữ quan điểm dù bị khích là “Thử phát đi. Hèn thế”, thì một nam sinh đáp lại “Tôi chơi rồi, không thích bạn ạ”.

Mình kể hai câu chuyện trong thực tế khác với phim truyền hình để chứng minh rằng có thể sẽ có những sai lầm trong lựa chọn nhưng sẽ không hề tồn tại yếu tố bắc cầu hay từ hệ luỵ này dẫn tới hệ luỵ khác như trong bộ phim kia truyền tải. Việc một ai đó trong bất cứ thời điểm nào của cuộc đời mình rồi sẽ phạm sai lâm, đôi khi là vài sai lầm khủng khiếp nhưng chính sai lầm sẽ dạy cho chúng ta những bài học đáng giá nhất. Hãy nhớ, ngay cả những người thông minh và tỉnh táo nhất cũng mắc sai lầm, nhưng chúng ta được sinh ra với đặc quyền được mắc sai lầm chứ không phải là để miễn nhiễm với sai lầm.

Vậy sai lầm sẽ dẫn tới sự đi xuống về mặt nhân cách và đạo đức hay không? Hút một điếu thuốc lá hay cần sa có phải là thứ ma tuý chết tiệt huỷ hoại chúng ta như phim truyền hình định hướng hay không? Đó cũng là sự nhảm nhí đầy độc hại của sự lý tưởng hoá chỉ có ở trên phim mà thôi? Thậm chí việc bạn có những trải nghiệm tình dục trong tuổi học trò cũng đâu có nghĩa là bạn có một nhân cách lệch lạc hay đạo đức suy đồi.

Gần 2 năm trước, khoảng thời gian mình ngày nào cũng ngồi làm việc ở quán TCH Bà Triệu, từ những bạn nhân viên cho tới mấy khách quen như mình đều không lạ một cặp nam nữ đẹp trai, xinh gái mặc áo đồng phục trường Việt Đức cứ gọi đồ xong là mất hút trong nhà vệ sinh nam trong một khoảng thời gian tính bằng giờ. Vài lần như vậy cho tới khi có khách hàng phản ánh với nhân viên là mình đi vào vào 5,6 lần mà vẫn có người trong đó thì bất đắc dĩ nhân viên phải đứng ngoài gõ cửa đề nghị hai bạn nhanh chóng nhường nhà vệ sinh cho người khác.

Mình có nghe thấy chú bảo vệ bình phẩm vài câu rất khó nghe về hai bạn ấy, còn mình đã từng nhiều lần quan sát và tiếp xúc trực tiếp thì lại hoàn toàn rạch ròi giữa nhân cách và sự bộc phát tính dục đầy bản năng của cặp đôi ấy. Nếu một trong hai ngồi một mình, đặc biệt là bạn nữ thì em ấy luôn ngồi làm bài tập hoặc đọc sách trong hàng giờ đồng hồ với thái độ vô cùng nghiêm túc. Còn bạn nam thì đã hai lần ra xin phép ngồi chung bàn lớn với mình với thái độ lễ phép khi quán kín bàn. Trong khi ngồi cạnh mình, hai bạn ấy luôn làm bài hoặc nói chuyện vui vẻ chứ không có hành động thể hiện tình cảm quá mức.

Mình không biết và cũng không quan tâm phía sau cánh cửa nhà vệ sinh hai bạn ấy đã làm những gì. Nhưng ngược lại, ở khía cạnh khác khi cả hai không biết tính dục thúc đẩy thì lại hoàn toàn cư xử như những thanh thiếu niên có giáo dục nhất. Việc ham muốn và biết cư cử là hai điều tách biệt nhau, cái này có thế nào thì cũng không liên quan tới cái kia. Và quan trọng hơn, hai bạn học sinh còn chưa tới tuổi 18, họ còn quá trẻ để có thể kiểm soát và nhận thức hoàn toàn về tính dục của mình. Nhưng dù có bị bản năng chi phối, họ vẫn những con người có các mặt tốt đẹp khác chứ không hề lao thẳng xuống vực.

VẬY SỰ ĐỘC HẠI CỦA PHIM TRUYỀN HÌNH Ở ĐÂY LÀ GÌ?

Đó là sự lý tưởng và tốt đẹp mang tính phổ quát.

Đó là kiểu nhân vật, kịch bản, nội dung đi đúng một đường thẳng với sự sắp xếp đầy cường điệu và giả dối khi nhân vật A tốt đẹp từ đầu đến cuối đóng vai một đấng cứu tinh hoặc một nhân vật trong trắng với sự nhân hậu bao trùm lên tất cả.

Đó là nhân vật B đầy thù hận và toan tính rồi phạm phải sai lầm rồi trải qua một loạt những bài học, thử thách, thay đổi và được tha thứ để trở thành một phiên bản tốt hơn rồi cuối cùng đưa bộ phim tới cái kết có hậu.

Và cả hai đều là sự giả dối, truyền bá những khái niệm, nhân sinh quan ngay thơ và mang độc dược như nhau. Hầu hết các phim truyền hình đều đi theo mô típ và tuyến tính như vậy với đầy sự áp đặt và hạn chế lựa chọn của người xem trong những tình huống nhất định hoặc cụ thể. Nghiêm trọng hơn, phim truyền hình mang tính chất tuyên truyền về các giá trị hay lý tưởng mang tính chất phi thực tế, mà nếu nhiều người trong chúng ta tin vào những sự “cưỡng ép lựa chọn” đó thì chính chúng ta lại là những người bất hạnh và gánh chịu hậu quả trong cuộc sống thật.

Phim truyền hình truyền tải sự tha thứ, sự hàn gắn kiểu gương vỡ lại lành còn bên ngoài cuộc sống thật có những thứ đã vỡ tan hoặc nếu cố chấp gắn lại thì vẫn tồn tại những vết rạn nứt. Trong cuộc sống thực, đôi khi chúng ta có những mối quan hệ bên ngoài khiến chúng ta thoải mái để tâm sự và trò chuyện hơn là vợ chồng, anh em hay bố mẹ. Thậm chí chúng ta coi trọng những mối quan hệ đó hơn chính những người trong gia đình. Sự thật là ở bên ngoài kia, có những người hiểu và đối xử tốt với ta hơn chính người thân của ta.

Phim truyền hình truyền tải sự theo đuổi và thành công hoàn hảo trong cả sự nghiệp lẫn tình yêu còn thực tế thì có vô số người chỉ có thể chọn một trong hai. Một là tình yêu với một sự nghiệp nhỏ bé, hoặc là sự nghiệp lớn lao nhưng trong tình yêu với nhiều đau thương. Cái nào cũng sẽ đem lại giá trị lẫn bắt bạn phải trả một cái giá nhất định. Lựa chọn là ở bạn, còn nếu bạn quyết định chọn cả hai thì nhiều khả năng bạn sẽ tự tay hất đổ những gì tốt nhất có thể có trong một thời điểm .

Cuối cùng là yếu tố gia đình – một chất liệu nền tảng trong nhiều phim truyền hình đã đặt nhiều người có cá tính và suy nghĩ khác biệt trong chúng ta bị nhìn nhận là những đứa con ích kỷ và vô đạo đức. Gia đình một mafia hay một người cha hiền hoà lấy nước mắt của người xem luôn mang chủ tâm đánh vào sự yếu mềm và lấy đi nước mắt của người xem. Cái kết của nhiều phim truyền hình luôn đi tới một hình ảnh một gia đình hạnh phúc, yên ấm, giữ được những nét truyền thống mặc cho hàng chục tập phim chính những thành viên trong gia đình đó chống đối và hãm hại lẫn nhau.

Nhưng trong cuộc sống, thực sự có rất nhiều gia đình không hạnh phúc và sống vì nghĩa vụ, vì sự bó buộc vào nhau rồi tìm cho mình những niềm vui khác. Có những gia đình ở giữa chúng ta hiểu rõ sự bất hạnh của việc níu kéo vào những giá trị và khái niệm về chính gia đình như nhận định của Lev Tolstoy trong cuốn Anna Karenina “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, còn các gia đình không hạnh phúc lại có đủ mọi loại bất hạnh khác nhau”.

Gia đình bạn hay gia đình trên phim truyền hình là gia đình hạnh phúc cũng đâu có nghĩa rằng những gia đình khác cũng có sự hạnh phúc trong cùng những giá trị như thế. Ngược lại trong sự bất hạnh của gia đình, thì những các cá thể trong gia đình đó sẽ tìm kiếm những hạnh phúc khác, gia đình khác bằng chính những hành động của bản thân họ, chứ không phải miễn cưỡng hướng về một gia đình với những chuẩn mực trên phim ảnh hoặc nhà hàng xóm bên cạnh.

NHƯNG LIỀU THUỐC GIẢI ĐỘC LẠI QUÁ ĐẮNG NGẮT

Trong cuốn Chúa Trời của những chuyện vụn vặt đoạt giải Men Booker năm 1997 với nội dung xoay quanh một gia đình ba đời với những người phụ nữ bất hạnh sống cùng nhau. Có người thì bị chồng đánh vỡ đầu bằng bình sắt. Có người chứng kiến cha đánh mẹ dã man. Rồi có người con chứng kiến bà mình chịu di chứng từ những trận đòn của ông nội rồi sau đó là mẹ cô từ bố cô. Và cuối cùng chính cô phải trải qua một cuộc tình tan vỡ. Một sự tan vỡ hoàn toàn chứ không phải kiểu vỡ có thể nhặt lên gắn lại được.

Nhưng cả ba đều không bất hạnh theo một cách nào đó. Họ không có tình yêu, không có một gia đình tốt đẹp mà người ta vẫn tưởng nhưng đổi lại họ tìm thấy niềm vui trong công việc, trong những lựa chọn, trong những đứa con và những người đàn ông khác.

Họ hạnh phúc thực sự chỉ đơn giản là họ không tin vào những giá trị phổ quát mà xã hội, văn chương hay phim ảnh cường điệu hoá và gắn lên đó những vinh quang giả tạo.

Họ hạnh phúc vì có những lựa chọn khác trong việc tìm kiếm niềm vui thay vì mù quáng đặt toàn bộ hi vọng của mình vào những chiếc bình vỡ

Và cuối cùng những gì diễn ra trong Chúa Trời của những chuyện vụn vặt, hay những chuyện đang thực sự diễn ra bên ngoài nó mang đậm sự thực dù có đau đớn và xót xa tới đâu nhưng vẫn thấm vào trái tim của người thay vì những giá trị dối trá và đạo đức giả mà phim truyền hình đã và đang truyền tải.

Sự độc hại hiện tại đang lan tràn một cách công khai và không thể ngừng lại.

Còn liều thuốc giải độc lại đắng nghét và thật khó chấp nhận.

Nhưng dù đắng đến đâu thì chúng ta vẫn phải uống nếu muốn kiếm tìm lựa chọn đúng đắn và hạnh phúc đích thực nếu chẳng may số phận đưa bạn vào cảnh ngộ bạn không muốn.

Vậy bạn có uống hay không uống chén thuốc đắng ngắt này?

PHOTO: Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận