BÀN LUẬN VỀ SỰ NHẢM NHÍ CỦA CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO

TỪ LUẬN VĂN HOÀN HẢO ĐẾN BUỔI THIỀN ĐỊNH HOÀN HẢO

Tối qua mình đã dành 65 phút để đọc một bài báo, thật ra chính xác là một tiểu luận dài xấp xỉ 20 nghìn chữ có tên là “Cạm bẫy của Chủ nghĩa hoàn hảo” trên trang The Economist.

Bài viết đó mở đầu bằng một câu chuyện một sinh viên tên Roy đã nộp chậm bài tiểu luận của mình liên quan đến văn học Mỹ thế kỷ 19 sau cả lớp một ngày. Điều đáng nói ở đây Roy lại là sinh viên có năng lực cũng như được đánh giá cao nhất trong lớp. Những sinh viên nộp bài trước Roy dù không có đam mê với văn học, bài tiểu luận cũng ở mức chấp nhận được nhưng đổi lại thì các sinh viên này đã hoàn thành trước thời hạn còn Roy thì muốn được gia hạn thêm vài ngày nữa. Tất nhiên giáo sư của Roy không chấp nhận điều đó.

Roy nói rằng mình rất tâm đắc với chủ đề đó và có nhiều điều thú vị để viết vào bài tiểu luận. Nhưng vấn đề ở đây là cậu đã không hoàn thành như những người bạn khác. Giáo sư khuyên Roy hãy về làm ngay bây giờ, càng trễ nộp bài thì điểm số sẽ càng bị trừ. Hôm sau Roy nộp tiểu luận của mình dù chưa phải là một tiểu luận hoàn hảo nhưng vẫn được đánh giá cao.

Nhưng vấn đề là đó không phải là lần đầu tiên Roy nộp tiểu luận không đúng thời hạn. Thậm chí luận văn tốt nghiệp của Roy được gia hạn thêm 3 tháng nhưng anh vẫn không thể hoàn thành. Roy tiếp tục bào chữa rằng sự hoàn hảo sẽ giúp luận văn tốt hơn. Còn giáo sư của anh nhẹ nhàng trấn an rằng đó là một luận văn tốt nghiệp chứ không phải tác phẩm để đời, vì thế không nhất thiết sự cần sự hoàn hảo mà Roy mô tả. Khi giáo sư ngỏ ý Roy có thể cho mình xem bài luận văn đó không, thì Roy nói rằng anh đã xoá sạch bản luận văn dài hơn 20 nghìn chữ ấy khỏi laptop vì “nó không hoàn hảo” như ý muốn của anh.

Và trong 18 tháng tiếp theo, Roy liên tục gia hạn hết lần này đến lần khác trong việc hoàn thành bài luận văn của mình. Khi đến ngày cuối cùng, giáo sư của Roy nhắn tin rằng có thểm xem bài luận văn hoàn hảo đó được không. Roy chỉ trả lời rằng “Em không sợ đánh giá của thầy, nhưng em rất lấy làm tiếc vì…”. Sau đó Roy không nói gì nữa, tất nhiên bài luận văn hoàn hảo mà Roy hứa hẹn cũng không hề tồn tại.

Bài viết này đã cho mình nhiều cảm hứng để ngay sau khi đọc xong, tâm trí mình liên tục khởi tạo những ý tưởng ban đầu cho bài viết vào ngày mai (tức hôm nay) trong 30 phút hành thiền tối qua.

Điều đó làm mình liên tục sao nhãng, quên đi sự chú tâm vào hơi thở. Đó thực sự là một điều mình không thể kiểm soát hay làm chủ, ngay cả với một người đã hành thiền vài năm, đã nâng từ 10 phút mỗi ngày lên 60 phút mỗi ngày chia thành 2 buổi như mình. Vì thế, để bắt đầu chia sẻ suy nghĩ của bản thân về sự nhảm nhí của chủ nghĩa hoàn hảo thì mình sẽ kết nối khái niệm hoàn hảo đó bằng những suy nghĩ và quan sát từ thiền định.

30 phút tối qua là một buổi tối mình vô cùng sao nhãng trong việc tìm kiếm những giây phút bình yên nội tại thông qua thiền. Nhưng mình không cố chống lại sự sao nhãng đó, chuyện các suy nghĩ liên tục nổi lên khiến bạn phân tâm là điều không thể tránh khỏi khi bắt đầu thiền định. Đó cũng chính là lý do mà nhiều người dù đã tìm hiểu những lợi ích của thiền nhưng liên tục lùi lại thời điểm thực hành với những lý do như: “Tôi không thể kiểm soát được suy nghĩ. Tâm trí tôi có quá nhiều tạp niệm trong đầu để có thể ngồi yên. Bây giờ không phải là lúc đó, tôi sẽ bắt đầu vào một thời điểm tốt hơn…”. Nhưng thời điểm tốt hơn đó là không tồn tại trên thế giới. Sự hoàn hảo đồng nghĩa với phi lý để có được một chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống dưới bất cứ lý do nào.

Thật dễ để biết trước rằng nếu ai đó nói như vậy, thì gần như người đó sẽ không bao giờ bắt đầu ngồi xuống hành thiền để đối diện với vô số những ý niệm sẽ xuất hiện ngay hơi thở đầu tiên. Có lẽ người ấy sẽ lại nói rằng ngôi nhà, căn phòng của mình không phù hợp vì quá ồn ào hay bí bách về mặt không gian. Nhưng kể cả bạn có thiền định trong chốn bồng lai tiên cảnh với sự tĩnh lặng nhất đi nữa thì điều đó cũng không thể ngăn cản được sự ồn ào của những chuyển động trong tâm trí bạn.

Thiền đơn giản là hãy ngồi xuống, thẳng lưng và thả lỏng cơ thể, mỗi một hơi thở vào và ra sẽ kéo tâm trí bạn về sự chú tâm mà vô số ý niệm đang chạy lung tung đầu bạn. Thậm chí chính những suy nghĩ chạy liên tục xuất hiện hết lớp này đến lớp khác như những đợt sóng ngoài biển khiến bạn phải từ bỏ ý định tìm kiếm những lợi ích từ thiền chỉ trong vòng 5 phút ban đầu. Tuy nhiên bạn hãy nhớ rằng những sự trục trặc và không suôn sẻ trong bất cứ điều gì chúng ta muốn làm, đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu tiên.

Nhưng chủ nghĩa hoàn hảo lại cho rằng 5 phút không thể tập trung đó thực sự là một vấn đề của chúng ta, điều đó chứng tỏ rằng: Nếu mày không làm chủ tâm trí của mình trong 5 phút thì mày dựa vào đâu để có thể cho rằng sẽ ngồi yên như tượng trong 50 phút?

Vì thế thay vì bắt đầu với 5 phút, chủ nghĩa hoàn hảo thì thầm với bạn rằng hãy quay lại vào ngày mai hoặc một lúc nào “hoàn hảo” để có thể thiền định trọn vẹn 50 phút. Nhưng mấu chốt ở đây là nếu bạn không thể thiền định 5 phút vào ngay lúc này, ngay bây giờ thì bạn dựa vào đâu để có thể ngồi thiền gấp 10 lần như vậy vào một ngày đẹp trời được đong đầy bằng sự hoàn hảo không tồn tại?

MỘT XÃ HỘI CÙNG LỐI SỐNG BỊ ÁM ẢNH BỞI CHỦ NGHĨA HOÀN HẢO

Chủ nghĩa hoàn hảo tồn tại không chỉ trong thế giới thực mà cả thế giới ảo. Thật khó để tìm kiếm những bức ảnh lôi thôi, dìm hàng của bạn bè hay chính bạn trên Facebook, Youtube hay Instagram, vốn là những mạng xã hội và công cụ truyền thông khuyến khích chúng ta xây dựng những hình ảnh cá nhân hoàn hảo trước khi được đăng tai lên trang cá nhân và xuất hiện trước công chúng.

Thực tế, có không ít các cuốn sách về marketing thương hiệu và xây dựng hình ảnh cá nhân cũng nhấn mạnh việc bạn hãy bỏ thời gian chăm chút từng hình ảnh của chính mình một cách chỉn chu trên các mạng xã hội. Đối với các nhà kinh doanh trên nền tảng số, mạng xã hội giờ không phải mang tính riêng tư, tập trung vào những câu chuyện của bản thân nữa mà còn được gắn cho một trọng trách cao trọng hơn thế nhiều: Lan truyền những thành công và sự hoàn hảo của mỗi cá nhân đến với xung quanh.

Điều này dẫn tới sự tràn lan vô số câu chuyện lẫn hình ảnh về những con người thành công và hoàn hảo đến mức khi lướt facebook bạn sẽ cảm thấy mình kém cỏi vô cùng, cũng như phải chịu một áp lực vô lý và miễn cưỡng khi ép buộc bản thân chạy đua vào việc xây dựng một hình ảnh hoàn trên bất cứ phương diện trên mạng xã hội lẫn trong cuộc sống thật. Bạn lo lắng về việc ảnh đại diện mới đăng tải của mình liệu có hoàn hảo, chỉn chu nhiều như chính việc bạn bận tâm về trang phục hôm nay bạn mặc khi tới công ty vậy. Thậm chí một vết bẩn nơi mũi giầy trắng bạn chỉ dám diện mỗi khi mua được một bộ cánh mới cũng khiến bạn xì trét như việc chậm deadline công việc.

Nói đến công việc thì có lẽ bạn càng đặt chủ nghĩa hoàn hảo lên trên tất cả. Để viết một bản báo cáo công việc mỗi tháng hay hoàn thành một bài viết tiêu điểm trong tuần, thì nhiều người trong chúng ta sẽ bị mắc vào sai lầm đã hành hạ Roy. Chúng ta liên tục chờ đợi một thời điểm hoàn hảo, một bản báo cáo hay bài viết hoàn hảo chỉ tồn tại trong tưởng tượng, bất chấp thực tế rằng bạn đang lướt mạng để đầu độc tâm trí mình bằng những sự hoàn hảo mà truyền thông và xã hội ngày nay truyên truyền rằng bạn phải có nó thì cuộc đời này mới đáng sống.

Do vậy, thay vì nhận thức về sự hiện diện của sự không hoàn hảo vốn hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống này và ý nghĩa của những giá trị nội tại nhỏ bé như những tiến bộ mỗi ngày từ học tập, làm việc đến rèn luyện thân thể điển hình sự khó khăn trong việc nỗ lực viết ra 500 chữ đầu tiên cho một tiểu thuyết dài 300 trang thì chúng ta lại chạy theo các thước đo bên ngoài. Chúng ta cũng tôn sùng những điểm 10 từ thành tích học tập cho tới những hình ảnh với bộ trang phục như vừa bước ra từ cửa hiệu, thích cả ngắm nhìn những cơ thể hoàn hảo của các trung tâm tập luyện, các công thức giảm mỡ tăng cơ liên tục đưa ra để mời gọi chúng ta đăng ký tập luyện với lời hứa hẹn sẽ sớm sở hữu thân thể hoàn hảo đó trong X ngày cùng cả một tỷ thứ hoàn hảo khác.

Đó chính là bản chất của chủ nghĩa hoàn hảo. Chủ nghĩa này tạo nên một sự sợ hãi cùng sự ảo tưởng vô lý nhưng chúng ta lại gán lên nó những giá trị không nhỏ từ tinh thần và sự thoải mái.

Đầu tiên là chủ nghĩa hoàn hảo liên tục khuyến khích bạn phải toả sáng trong mọi việc bạn chạm vào cũng như thì thầm với bạn rằng: mọi thứ phải hoàn hảo ngay từ bước đầu tiên. Nếu không đảm bảo được điều này thì những gì bạn làm là vô nghĩa. Và cái giá phải trả cho việc theo đuổi sự hoàn hảo là bạn sẽ làm được rất ít những gì mình muốn, bạn bị bao phủ bởi nỗi sợ hãi về việc tất cả đều nhìn vào mọi việc bạn làm, từ việc một chia sẻ ngắn trên mạng xã hội cho tới việc trình bày ý kiến của mình trong một buổi họp công ty đều thiếu đi sự hoàn hảo mà tất cả đều chờ ở bạn. Nếu những gì bạn làm không được như mong đợi, bạn sẽ thấy xấu hổ và cả nhục nhã nữa.

Vấn đề thứ hai thì nghiêm trọng hơn, khi bạn bị choáng ngợp bởi những điều hoàn hảo đang bủa vây xung quanh, thì bạn lại coi những điều phù phiếm như ai đó khen ngợi trang phục bạn mặc hay kiểm tra số Like trên mạng xã hội để có được mộ cảm giác rằng mọi thứ đang trong tầm kiểm soát, có thể chưa đạt tới độ hoàn hảo nhưng cũng đủ để bạn yên tâm.

Như vậy bạn đã để cuộc đời mình được định hướng bởi chủ nghĩa hoàn hảo, dù ban đầu những điều này dường như đem đến cho bạn phiên bản tốt hơn của chính mình. Bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, được chú ý hơn và nhất là cảm thấy thành công hơn, giống như bao người khác. Và rồi cuối cùng sẽ dẫn nhiều người trong chúng ta đến một cuộc ganh đua xem ai hoàn hảo nhất, dù cho sự hoàn hảo ấy chỉ đem lại rất ít giá trị và rất dễ dàng sụp đổ như một lâu đài ảo mộng xây trên cát.

Nhưng đó vẫn không phải là những gì đang chờ đợi bạn chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hoàn hảo. Sự bế tắc và hậu quả lớn nhất của chủ nghĩa này chính là nó giết chết mọi việc bạn có thể làm ngay từ những khoảnh khắc khắc đầu tiên. Thay hành động, thay vì chấp nhận nhích từng bước đến hoàn thành thì bạn lại chờ đợi và đòi hỏi một sự hoàn hảo ngay từ lúc bắt đầu.

Có bao giờ bạn cảm thấy một ngày học tập hay làm việc bị ảnh hưởng bởi bạn rời khỏi giường chậm 15 phút so với thời gian biểu của mình? Bạn có bị sự bực bội hay cáu gắt do tắc đường hoặc chờ thang máy khiến sự tập trung trong buổi sáng hôm đó của bạn trôi tuột đi đâu hết? Rất nhiều người trong chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi một tiểu tiết bị trật khỏi kế hoạch mỗi ngày hoàn hảo của bạn thì coi như mọi thứ sẽ bị ảnh hưởng.

Dậy đúng giờ mà bản thân bạn ấn định, sau đó đi làm trên những cung đường thảnh thơi, rồi bắt đầu làm việc sau khi ăn sáng và cà phê ấm nóng đầy sảng khoái. Đó đều là những điều cơ bản mà mỗi người trong chúng ta đều có thể dễ dàng đem lại cho mình, nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy. Sẽ có những ngày mọi thứ vượt khỏi kiểm soát bởi sự bất toàn luôn hiện hữu, chỉ là khi nào và bao giờ nó tác động đến kế hoạch và một ngày hoàn hảo của bạn mà thôi. Và khi nó xảy ra thì bạn sẵn sàng ném bỏ tất cả mọi thứ có thể làm trong sự bất toàn khi thiếu vắng sự hoàn hảo mà bạn tôn thờ.

Giống như việc các khoá học và nhiều diễn giả ở ngoài kia lẫn trên mạng xã hội đều lên giọng thuyết giảng về một sự thành công dễ dàng và nhanh chóng, thì những ảo ảnh mà chủ nghĩa hoàn hảo khiến bạn phủ nhận sự tồn tại của bất toàn và nhất định đòi hỏi một sự hoàn hảo trong mọi việc lẫn mọi ngày thì đó chẳng khác gì một điều điên rồi. Chúng ta hãy nhớ rằng chiến binh vĩ đại nhất Hy Lạp Achilles cũng không hoàn hảo dù rằng mẹ chàng đã làm mọi cách để Achilles trở nên bất tử như các vị thần trên đỉnh Olympia, nhưng rồi chàng vẫn bị giết chết bởi yếu điểm gót chân của mình.

Vậy phải bắt đâu từ đâu để bước ra khỏi sự nhảm nhí chủ nghĩa hoàn hảo? Còn thời điểm nào tốt hơn ngay sau khi sự hoàn hảo bạn mong muốn bị đổ vỡ do một yếu tố tác động chứ?

MÌNH ĐÃ HOÀN THÀNH NHIỀU THỨ KHÔNG HOÀN HẢO KHI TỪ BỎ SỰ HOÀN HẢO

Nỗi sợ thất bại chỉ là một nửa của vấn đề khi bạn bắt đầu có suy nghĩ thay đổi bản thân hoặc bắt tay tay làm một việc nào đó.

Một nửa còn lại là mọi người sợ hoàn thành nó.

Vì nếu bạn không hoàn thành, sẽ chẳng có chê bai bạn hay nói rằng bạn đã làm rất tệ hoặc bạn đã thất bại.

Và chủ nghĩa hoàn hảo chính là lý do không thể hoàn hảo hơn ngăn cản bản đâm đầu tới thất bại lẫn thành công, và cả niềm vui khi hoàn thành một việc nào đó bạn muốn làm.

5,6 năm trước mình là một ví dụ điển hình cho một người tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo. Mình có ý tưởng để viết một cái gì đó thú vị, có thể là một bài báo hay một truyện ngắn, nhưng thay vì bắt đầu ngay thì mình lại tự nhủ bản thân rằng cứ chờ thêm một thời gian nữa để ý tưởng được gọt giũa một cách tốt nhất có thể. Và khi ý tưởng hoàn hảo nhất có thể thì mình lại tiếp tục chờ đợi thời điểm hoàn hảo nhất có thể đẻ bắt đầu.

Nếu mình không viết vào trước 11 giờ sáng vì một lý do nào đó thì mình sẽ chờ đến 9 giờ tối để bắt đầu. Nhưng nếu vượt qua 9 giờ tối thì mình lại thản nhiên đưa việc bắt đầu viết sang ngay mai trong khi nguyên cớ chỉ là mình về nhà muộn 10 phút, mải mê lướt mạng hoặc nghe nhạc. Tất cả đều là những lý do nhảm nhí mình lôi ra để biện hộ rất đặc trưng của chủ nghĩa hoàn hảo.

Còn bây giờ, mình đều viết kể cả trong bất cứ điều kiện bất lợi nào như đêm qua trằn trọc mãi mới ngủ, rồi toàn thân đau nhức vì tập tành cùng hàng tỷ thứ khác nữa. Và hôm nay, dù buổi sáng mình đã mất nhiều thời gian để đưa bản thân vào dòng chảy làm việc sâu thì mình rất vui vẻ khi viết được 670 chữ cho truyện ngắn mới trong một trạng thái cực kì không hoàn hảo. Nếu là mình của 5 năm trước, có lẽ mình đã chuyển sang một công việc khác dễ dàng hơn như đọc sách hay chơi game hơn là viết. Nhưng bây giờ, vì mình kiên nhẫn với bản thân hơn, ở lại và chiến đấu với sự sao nhãng tốt hơn và từ bỏ việc tìm kiếm sự hoàn hảo trong bất cứ thời điểm nào thì mình đã viết được 670 chữ. Quá ít cho một truyện ngắn không dưới 10 nghìn chữ nhưng lại gấp 670 lần nếu như mình không viết.

Điều này đem đến cho một cảm giác thoả mãn trào dâng cho tới tận bây giờ để hoàn thành bài viết này trong ngày hôm nay, một ngày mà mình ê ẩm bởi những cơn đau do hôm qua tập quá sức. (Thật ra thì viết một bài như thế này vẫn dễ hơn là viết truyện). Và từ 670 chữ đó sẽ lại là một dấu tích xanh trong những dấu tích xanh tạo nên một ngày hoàn hảo của mình. Sự hoàn hảo này không bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện nào bên ngoài mà đến từ những nỗ lực trong từng khoảnh khắc trôi qua của ngày hôm nay để hoàn thành và tận hưởng mọi thứ theo cách mình muốn. Nó mệt mỏi, nó bế tắc và cả đau đớn nhưng đổi lại là một cảm giác tuyệt vời nhất trong cuộc đời này mà mỗi bản thân chúng ta có thể đem lại cho mình.

Để vượt qua được chủ nghĩa hoàn hảo, thì đừng chờ đợi những điều kiện tốt nhất để học tập, việc, hay rèn luyện sức khoẻ. tập luyện hay phát triển kĩ năng mới. Hãy chấp nhận những gì bạn có thể làm dù chỉ là một bước tiến nhỏ trên quãng đường hoàn thành và chấp nhận ngay cả những sai sót cơ bản nhất. Điều này thật khó chấp nhận khi chủ nghĩa hoàn hảo đang phủ lên trên mọi khía cạnh của cả cuộc sống ảo và cuộc sống thật. Dám làm và dám sai đặt bạn vào một tình thế nguy hiểm khi giờ đây những gì chúng ta liều lĩnh chia sẻ mà không biết kết quả sẽ khả quan hay không thì gần như sẽ nhận được sự đánh giá, phản đối và chê bai của tất cả những người coi trọng sự hoàn hảo.

Nhưng vì bạn làm việc đó, sẵn sàng đăng tải một tấm ảnh hay bài viết không hoàn hảo thì bạn đang có bước đi đầu tiên trong việc bước ra khỏi chủ nghĩa hoàn hảo để tận hưởng những giá trị thấm đẫm nhiều ý nghĩa và niềm vui nhất. Bạn biết có thể hôm nay mình không làm tốt, ngày mai cũng thế, bạn bỏ qua tất những yếu tố bên ngoài để ẫn tiếp tục quay thực hiện những gì mình muốn thì mọi thứ từ hi vọng sẽ trở thành khả thi.

Bạn có bản báo cáo cuối tháng trước deadline, bạn viết ra một luận văn để nộp cho giảng viên dù rằng vẫn có vài chỗ phải sửa trước khi mang tới lớp. Bạn có sản phẩm để biến những giây phút làm việc vô hình thành thứ hữu hình, có thể dù không hoàn hoản như bạn trông đợi nhưng bạn lại được tận hưởng niềm vui mà những người theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ không bao giờ được trải nghiệm : Biết được điều gì tốt với mình và hoàn thành một việc bạn muốn làm. Đó có thể là đăng lên trên Facebook một hình ảnh rất bình thường của mình.

Những người đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa hoàn hoản sẽ biến vầng mặt trời thành một vệt màu vàng. Nhưng có những người biết dùng ý chí và trí tuệ của mình để đi ra khỏi sự hoàn hảo đó sẽ biến một vệt vàng thành vầng thái dương.

Photo : The economist

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân