PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO RA ĐỊA ĐÀNG TRẦN GIAN CHO CHÍNH MÌNH ?
Trong cuốn tiểu thuyết hư cấu kinh điển của phương Tây là Utopia được Thomas More viết vào đầu thế kỉ 16 nói về một Vương quốc vốn là một hòn đảo có tên là Utopia mà theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là Không ở nơi đâu hoặc Một nơi không ai tới mô tả một Nhà nước – một xã hội không tưởng như trong giấc mơ của Triết học về một nơi vô cùng bình yên và hoàn hảo trong cả tính dân chủ và sự tự do.
Nhưng Utopia không chỉ dừng lại ở những vấn đề mang tính triết học và xa vời như tự do và dân chủ mà còn phổ biến một tư duy tham vọng là hạ thấp giá trị của tiền bạc, vất chất cũng như hướng dẫn con người ở đó làm thế nào để đạt được một cuộc sống có ý nghĩa như đang ở địa đàng trần gian.
Con người ở Utopia chỉ lao động có 6 tiếng một ngày, 3 tiếng vào buổi sáng sau khi đã học một giờ bất cứ môn học nào như triết, nghệ thuật, nghề thủ công… Sau đó những công dân Utopia sẽ nghỉ trưa 2 tiếng và hoàn thành 3 giờ làm việc còn lại trong ngày vào buổi chiều. Người dân Utopia quan niệm rằng, với 6 tiếng làm việc nhưng với thái độ làm việc tập trung sẽ hiệu quả hơn 8 tiếng hoặc nhiều hơn nữa. Đối với họ, việc lao động quá nhiều chẳng khác gì coi bản thân là súc vật cày kéo cả.
Buổi tối họ sẽ ăn uống cùng nhau trong các nhà ăn tập thể được tổ chức lý tưởng và đồ ăn ngon lành tới mức việc chỉ có kẻ bị tâm thần mới muốn ăn riêng ở nhà. Kết thúc bữa tối, mỗi cá nhân hoàn toàn tự do chọn lấy một hình thức giải trí riêng cho mình.
Hầu hết tất cả sẽ quay lại các lớp học buổi sáng để tiếp tục trao dồi kiến thức, kỹ năng và triết học. Ở Utopia thời gian luôn được tối ưu cho việc lao động và học hỏi không ngừng. Các hình thức giải trí như cờ bạc và rượu chè dù không cấm đoán, nhưng đối với người ở xứ địa đàng này thì đấy là một điều hổ thẹn nếu để bản thân chìm đắm trong các giá trị tầm thường đó.
Ở Utopia ngoại lệ duy nhất cho phép một cá nhân không phải lao động hay chiến đấu là trở thành một người có học thức bằng cách chuyên tâm vào học thuật, nghệ thuật và thuật trị quốc. Những cá nhân này dù ở thành thị hay nông thôn cũng đều được miễn lao động để tập trung cho những lĩnh vực thuộc tri thức hơn. Cũng chính họ sau này sẽ có cơ hội để trở thành những người lãnh đạo mới tại Utopia.
Làm việc ít hơn nhưng nghỉ ngơi nhiều hơn.
Tập trung hơn chứ không phải phân tán bởi những sự xao nhãng xung quanh.
Mỗi cá nhân đều nên chọn những hình thức giải trí hay học tập để mở rộng tư duy và kỹ năng thay vì thả trôi theo những lựa chọn hời hợt xung quanh.
Thật khó thể tin được là những gì được đề cập tới trong xã hội của người Utopia – một Nhà nước không tưởng mà Thomas More sáng tạo nên từ hơn 400 cũng chính là chìa khoá dẫn tới sự toả sáng bản thân và làm chủ số phận mà rất nhiều cá nhân cũng như những đầu sách bestseller trong thời đại này liên tục đề cập tới.
Về làm ít hơn nghỉ ngơi nhiều hơn, sắp xếp thời gian hợp lý hơn có cuốn Tuần làm việc 4 giờ của Tim Ferris hay Sống 24 giờ một ngày của Arnold Bennett.
Về khả năng tập trung thì có Deep Work của Cal newport.
Về xây dựng những kỹ năng và thói quen tốt cũng đã được đề cập rất chi tiết trong Atomic habits của James Clear cùng Tiny habits của BJ Fogg.
Hãy tự hỏi xem nếu bạn tận dụng được nhiều thời gian một cách hiệu quả hơn trong một thế giới với vô vàn lựa chọn khiến bạn lãng phí thời gian thì bạn sẽ làm được những gì và nghỉ ngơi nhiều đến thế nào?
Hãy thử nghĩ xem nếu bạn xây dựng những thói quen tốt và kỹ năng mới trong một thời đại liên tục thay đổi một cách chóng mặt như bây giờ thì bạn sẽ thành công ra sao trong cuộc sống?
Và hãy tưởng tượng xem nếu bạn không bị cuốn vào những sự giải trí hời hợt gây xao nhãng và tốn kém quá nhiều thời gian, mà thay vào đó là tập luyện, học tập thì liệu có giới hạn nào mà bạn không thể vượt qua, có mục tiêu nào mà bạn không thể đạt tới?
Bạn có thể cho rằng vật chất, sự nghiệp hay sự thông thái chính là những tài sản quý giá nhất mà bạn có thể tích luỹ trong cuộc đời này. Điều đó không sai, vì chính xã hội Utopia cũng định nghĩa những điều đó là sự khoái lạc mà con người có thể đạt tới. Nhưng sự khác biệt ở đây là họ chia khoái lạc thành hai dạng tinh thần và vật chất.
Khoái lạc tinh thần là cảm giác mãn nguyện nhờ thấu hiểu được một kiến thức mới hoặc nhờ sự suy ngẫm về những vấn đề trừu tượng lẫn triết học. Khoái lạc tinh thần cũng bao gồm về những giá trị và hành động để dẫn tới một cuộc sống đúng đắn và có ý nghĩa. Từ những nền tảng này sẽ tạo ra niềm hạnh phúc cho bản thân và niềm hạnh phúc này dựa trên những lựa chọn đúng từ cả suy nghĩ lẫn sự thực hành trong cuộc sống.
Còn khoái lạc vật chất thì đơn giản thôi. Đó là những ham muốn về tính dục, ham muốn thể hiện tài năng,cộng với việc một sức khoẻ tốt liên tục được rèn luyện. Thậm chí việc biết cách thưởng thức âm nhạc cũng được coi là khoái lạc vật chất ở Utopia.
Và cả hai loại khoái lạc này chúng ta đều có thể đạt được.
Bạn có thể làm việc và học tập hiệu quả hơn để kiếm được nhiều tiền hơn và trở nên hấp dẫn về mặt tính dục hơn. Tất nhiên để có được khoái lạc vật chất thì bắt buộc phải có những lựa chọn đúng đắn, rồi liên tục thực hành để tìm kiếm được khoái lạc về tinh thần trước tiên.
Từ khoái lạc tinh thần này sẽ tạo ra khoái lạc vất chất. Bạn có thể tận hưởng những gì mình khổ công rèn luyện mỗi ngày mà vẫn không bỏ lỡ những phù hoa trong cuộc sống. Nói theo một cách văn hoa thì bạn đã tạo ra địa đàng trần gian cho riêng bản thân từ những lựa chọn của bạn.
Những sự lựa chọn sẽ dẫn bạn tới địa đàng trần gian này là:
– Ý thức về thời gian của mình nên dành vào đâu.
– Khi đã làm thì phải tập trung toàn bộ tinh thần và ý chí
– Lựa chọn những hình thức giải trí đúng đắn trong các giờ phút rỗi rãi.
– Luyện tập sức khoẻ mỗi ngày để tạo ra một lối sống lành mạnh.
Và lặp lại tất cả những điều này mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm trong suốt cuộc đời bạn.
Như thế bạn đang tạo ra một Utopia, một địa đàng dưới trần gian bằng chính những khả năng của mình.
Photo : IG