1/10/2021

1576-1580

1576. Cảm giác với tư duy luôn ràng buộc nhau – ta vừa nói tất cả chúng đều thuộc cùng một hệ thống. Như vậy là không khéo còn một tư duy nằm ẩn phía sau nữa.

Bạn còn có một tư duy khác đang nằm ẩn sâu hơn – nó được áp đặt từ phía cha mẹ bạn mà có lẽ bạn đã không còn nhớ – cái tư duy cho rằng bất cứ khi nào nghĩ rằng bạn hư là họ to tiếng quở mắng. Thế là cứ theo đó, bạn luôn mặc định rằng “hễ ai to tiếng với mình thì đều có nghĩa là do mình không tốt”. Và bất cứ khi nào thấy mình không tốt thì bạn lại thấy khó chịu. Đó là một loại phản xạ khác. Hai cái này kết hợp với nhau như một phản xạ duy nhất: khi ai đó to tiếng với mình thì tức là mình không tốt, và khi mà mình đã không tốt thì không thể thoải mái được.

1577. Có một số lượng phản xạ lớn mà ta thì chỉ xem xét có một cái trong một thời điểm. Ta phải đi tiếp, vì một phản xạ làm nảy sinh một phản xạ khác, rồi lại phản xạ khác nữa. Đứng đằng sau những phản xạ này còn có đủ loại các phản xạ khác nhau đang sẵn sàng vào cuộc, và một số trong chúng có thể còn mang trở lại hoặc tái tạo những phản xạ mà bạn tưởng bạn đã vứt bỏ được.

1578. Những người đã có được kinh nghiệm trong việc xem xét và kiểm soát các phản xạ rồi thì không bao giờ còn là những con người như cũ nữa, ngay cả khi họ vẫn có phản ứng. Họ có được một thuận lợi mới, nhưng nếu không biết cách giữ thì cơ hội thuận lợi ấy có thể biến mất. Nó đòi hỏi phải bỏ công ra để duy trì.

1579. Vấn đề không chỉ là cảm giác hay phản xạ, hay vân vân, mà là mối quan hệ giữa tất cả những cái đó với lời nói. “Hễ cứ ai to tiếng với mình thì ắt mình là người xấu”, ấy chính là cái tư duy làm nền cho lời nói. Đó là giả thuyết về cái tất yếu. “Hễ cứ” có nghĩa là “bao giờ cũng thế”, là cái mà bao giờ cũng thế. Thế mới biết tại sao khái niệm này lại có sức mạnh lớn đến thế. Bạn thường không nhìn thấy sức mạnh của sự mặc định về cái tất yếu. Do đó nếu bạn không diễn đạt thành câu thành chữ thì phản xạ cứ đương nhiên xảy ra thôi, và bạn không nhìn ra được những mặc định chung đang hỗ trợ cho phản xạ đó.

Nhưng nếu diễn đạt nó ra thành lời thì bạn sẽ thấy rất rõ ràng rằng: “Hễ cứ ai to tiếng với mình thì ắt mình là người xấu”. Bạn cần diễn đạt nó thành lời và bảo: “tôi nghĩ thế đấy”. Và rồi bạn sẽ có được một cảm giác về điều này. Nhưng lại phải ghi nhận cái mặc định về tính tất yếu – rằng hễ cứ ai to tiếng với mình là y như rằng mình cảm thấy mình là người xấu, việc đó mang tính tất yếu tuyệt đối.

1580. Để có thể biết bộ hệ thống là tập hợp của các phản xạ hay không, hay chỉ xem xét được từng phản xạ một rồi nói xem ẩn sau phản xạ đó là mặc định nào thì bạn phả bỏ công sức khảo sát điều này. Ta nghiên cứu nó không với tinh thần cố gắng rũ bỏ một phản xạ cụ thể nào, mà với tinh thần tìm hiểu nhiều hơn về toàn bộ hệ thống, như vậy may ra ta mới biết được điều gì đó, rồi từ điều này lại mở rộng thêm ra nữa.

Photo : Copenhagen by cosedi

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân