MÌNH NGHĨ GÌ KHI XEM HELLS KITCHEN CỦA GORDON RAMSAY?

Hiện tại mình đang xem tập 3 mùa thứ 19 Hell’s Kitchen tức phần thứ ba (Trên Netflix chỉ có từ mùa thứ 17 trở đi) của chương trình này do Gordon Ramsay biên kịch lẫn đạo diễn này.

Trên Netflix không thiếu những seri về ẩm thực phong phú và đa dạng như The American Barbecue Showdown hay Street food Asia… Nhưng sau khi xem vài seri với chất lượng khác nhau (thú thật là có seri nhạt nhẽo đến mức phí phạm thời gian xem) về ẩm thực, thì mình sẽ chọn Hell Kitchen là seri đáng theo dõi nhất trong cả tá phim truyền hình thực tế về đồ ăn trên Netflix. Và đây là những lý do đã khiến mình không chút chần chừ để bỏ phiếu cho Hell’s Kitchen.

MỘT NHÂN VẬT CHÍNH ĐẦY CUỐN HÚT ĐỂ DẪN DẮT CÂU CHUYỆN

Đối với mình thì Gordon Ramsay đã chiếm tới 5/10 thành công của Hell’s Kitchen. Gordon Ramsay không chỉ là một bếp trưởng sở hữu các nhà hàng được gắn sao Michelin mà còn là một doanh nhân, người truyền cảm hứng xuất sắc đồng thời cũng rất biết cách tận hưởng cuộc sống khi sở hữu một bộ sưu tập siêu xe Ferrari trị giá hàng chục triệu đô.

Ngay chính cuộc đời của Ramsay đã có cái gì đó khiến người khác cảm thấy bị cuốn hút theo khi ông xuất thân trong một gia đình tan vỡ, bố mẹ ly hôn, anh trai ông là một tay xì ke còn bản thân Ramsay đã phải bươn chải từ năm 17 tuổi và dính một chấn thương đầu gối nặng dẫn tới việc ông phải từ bỏ bóng đá và chuyển sang nấu ăn. Một bước ngoặt của cuộc đời của ông.

Trong mùa thứ 19, khi được hỏi lý do tại sao Ramsay lại trở thành một đầu bếp thì ông đã chia sẻ với các thí sinh rằng những biến cố đó đã là nguồn cảm hứng để ông không ngừng nỗ lực vượt ra khỏi xuất phát điểm tồi tệ của bản thân để đạt tới thành công như bây giờ.

“Đó là thời điểm tôi bắt đầu tập trung tuyệt đối cho quãng đời còn lại của mình. Cho đến lúc này, đôi khi tôi vẫn tự véo mình một cái rồi cảm thấy bản thân vẫn rất đam mê với công việc”. Ramsay nói.

Còn trong bếp, Gordon Ramsay thực sự là một con quỷ khi liên tục văng ra những lời lăng mạ như Fcuk off!, Mother Fcuker!, Fcuk you, get out! cùng đủ thứ chết tiệt khác có thể đập tan cá tính hay sự tự trọng của các đầu bếp tham dự cuộc thi mỗi khi họ nấu nướng, chiên xào không đạt được cái chuẩn của ông.

Ngược lại nếu thí sinh nào có thể nướng một thịt cừu hoàn hảo hay đem tới một món tráng miệng ở đẳng cấp cao nhất thì Ramsay không tiếc lời khen ngợi và sẽ biểu dương người đó giữa các tài năng ẩm thực nhất. Tất nhiên, đối với bất cứ ai tham gia Hell’s Kitchen mà nhận được lời khen của Ramsay thì tất cả đều cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện và tràn đầy tự tin khi món họ nấu được một thần tượng của ban tặng những lời khen ngợi cùng sự thừa nhận tài năng của mình.

Thậm chí, ngay cả khi một vài người tài năng nhất không thể vượt qua được thử thách, thì Ramsay vẫn tạo cơ hội cho họ được học hỏi ở trong những nhà hàng gắn sao Michelin của mình hoặc đầu tư vào bản thân họ để mỗi người tiếp tục đi theo con đường trở thành đầu bếp tài giỏi nhất. Vài năm trước, mình có xem Master Chef mà Gordon Ramsay làm giám khảo thì ông có hỏi một thí sinh rằng điều gì ngăn cản cô ấy trở thành đầu bếp. Cô gái 20 tuổi trả lời rằng mình vẫn phải kiếm tiền để đóng tiền học đại học. Ramsay đã trả lời rằng, đừng lo việc đó, ông sẽ chi trả học phí để cô gái trẻ toàn tâm dốc sức cho cuộc thi.

Gordon Ramsay là thế, một là sẽ đưa bạn lên tận mây xanh hoặc là sẽ dìm bạn xuống tận đáy sâu của sự khinh miệt vô cùng tận. Ramsay sẽ đối xử với bất cứ ai nấu nướng tệ hại như thể họ là rác rưởi và họ nên hối hận vì đã có mặt trên cõi đời này.

Nhưng tất cả đều tôn trọng Ramsay ngay cả khi ông quát vào mặt họ những lời lẽ khó nghe nhất vì những chuẩn mực ông đã đem tới cho ẩm thực lẫn sự thành công về mặt thương mại. Thật khó để có thể cảm thấy khó chịu hay bị xúc phạm khi những điều đó đến từ một người đàn ông có thu nhập 60 triệu đô một năm và là một trong những ngôi sao đương đại trong làng ẩm thực.

Với một cá tính như thế Gordon Ramsay thực sự là cây đinh trong Hell’s Kitchen. Ông có vị trí quyết định sự thành bại của chương trình đến mức như sự hiện diện của David Beckham ở MU, Jonhny Deep trong loạt phim Cướp biển vùng Caribe hay Christopher Nolan là đạo diện trong các bộ phim bom tấn dành cho giới hàn lâm.

VÀ MỘT NỬA CÒN LẠI ĐẾN TỪ MỌI YẾU TỐ KHÁC

Cái hay khiến mình theo dõi Hell’s Kitchen đó là trong suốt quá trình đi từ chặng đầu tiên tới cái đích là một suất bếp trưởng thuộc chuỗi nhà hàng của Gordon Ramsay đi kèm 250 nghìn đô la tiền mặt ở chỗ các thí sinh tham gia sẽ lần lượt bộc lộ những ưu – nhược điểm của mình và một loạt các vấn đề khác. Mà những vấn đề này lại thường xuyên nảy sinh trong cuộc sống, các mối quan hệ và ở chỗ làm việc.

Có thể nói rằng, Hell’s Kitchen không chỉ đem tới cái nhìn riêng biệt về thế giới của những tài năng ẩm thực mà còn phản ánh chung nhiều điểm thường thấy trong cuộc sống thường nhật. Chân thật và thực dụng là những gì mình cảm nhận được từ Hell’s Kitchen. Và chính vì chương trình này có nhiều điểm tương đông với thế giới thực nên cá nhân mình đánh giá rất cao. Sau đây là những điểm mình có quan sát thấy khi đã xem tới mùa thứ 3 của Hell’s Kitchen.

1. Ai cũng có cái tôi và cho mình là giỏi nhất.

Điều này cũng dễ hiểu thôi vì trong Hell’s Kitchen mỗi thí sinh đều ít nhiều có năng lực, số má riêng và là nơi để những cái tôi thể hiện. Chương trình được quay ở Mỹ, nơi mà con người được giáo dục về giá trị của sự hướng ngoại và cá tính riêng của mình, nhưng khi xem mình vẫn rất ngạc nhiên vì bất cứ ai cũng quá tự tin vào bản thân và hạ thấp người khác bằng mọi cách.

Thậm chí ngay cả vài thí sinh thật sự không có điểm nổi bật hơn đa số vẫn vỗ ngực nói rằng họ đến là để dành chiến thắng. Hiện tại, mình vẫn chưa thấy một thí sinh nào đến với Hell’s Kitchen nói rằng “Sẽ cố gắng hết sức” mà thay vào đó đều trả lời rằng “Tôi là đỉnh nhất, rồi tất cả sẽ biết điều đó”.

Khiêm tốn là một khái niệm không hề tồn tại trong Hell’s Kitchen.

2. Chiến thắng ngày hôm này không đảm bảo cho sự an toàn của ngày mai.

Đây chắc chắn sẽ là điểm thú vị nhất khi theo dõi Hell’s Kitchen. Bạn hay nhóm của mình có thể chiến thắng oanh liệt vào ngày hôm nay, nhưng chưa chắc mọi thứ tái diễn trong ngày mai.

Điều này theo mình nằm ở việc những chuẩn mực mà Gordon Ramsay thiết lập cho nhà hàng của mình đòi hỏi thí sinh phải liên tục duy trì và nhịp điệu ở đẳng cấp cao nhất. Tất nhiên điều này vượt ra khỏi năng lực và sự kiểm soát của những cái tên tiềm năng nhất. Đây là lời nguyền với người chơi nhưng là điểm hấp dẫn với người xem. Mọi thứ có thể đảo chiều một cách chóng mặt trong Hell’s Kitchen. Chỉ cần lơ là trong thoáng chốc thì bất cứ ai cũng phải trả giá.

Ngoài ra trong một môi trường và hoàn cảnh luôn phải duy trì ở đẳng cấp cao nhất đó không có chỗ cho những ai mắc lỗi liên tiếp. Lần đầu tiên Ramsay có thể bỏ qua khi bạn chỉ phải chịu vài lời mỉa mai, nhưng lần thứ hai thì cơn thịnh nộ sẽ đến. Sự ngốc nghếch và chậm chạp trong việc rút ra bài học sau sai lầm là điều không thể tha thứ đối với một bếp trưởng gắn đầy ngôi sao michelin trên ngực áo.

3. Những cái tôi quá lớn dù tài năng đến đâu cũng không thể trở thành số một.

Trong Hell’s Kitchen tự tin là tốt, nhưng tự tin thái quá thì chẳng khác nào tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Mình ước tính phải đến một nửa thí sinh bị loại chỉ vì họ phạm phải luật của nhóm lẫn luật của Gordon Ramsay là : Không giao tiếp, không nhận lỗi và không chấp nhận sự góp ý.

Đáng nói hơn là những thí sinh này rất tài năng, thậm chí là họ còn chiến thắng trong những cuộc thi cá nhân lẫn chiến thắng trong xung đột đội nhóm. Tuy nhiên chính vì họ quá tự tin vào bản thân vì thế họ đã bị chính mình đánh bại. Có người bị loại theo cách thật khó chấp nhận như bởi chính nhóm của mình hoặc bị các thí sinh kém hơn đánh bại.

Hell’s Kitchen không phải là cuộc thi cần phải hoàn hảo ngay từ đầu. Bạn có thể xuất phát không tốt, nhưng nếu biết lắng nghe và học hỏi thì sẽ không trở thành cái gai trong mặt đội nhóm của mình lẫn lọt vào mắt xanh của Ramsay khi cho rằng bạn vẫn có tiềm năng để đào tạo và tiến bộ.

4. Ở mãi trong vòng an toàn hay lệ thuộc vào superteam thì cũng phải về nhà sớm

Có một điều thú vị là ở giai đoạn 8 hoặc 6 thí sinh còn trụ lại trong Hell’s Kitchen thì có tới 2 hoặc 3 thí sinh thực sự không có điểm gì nổi trội. Lý do những thí sinh này ở lại không hẳn vì họ có tài năng hơn các thí sinh bị loại, mà họ may mắn liên tục đạt điểm trung bình trong các thử thách lẫn may mắn khi rơi vào một super team trong cuộc thi.

Nhưng rồi mọi giá trị sẽ được chứng minh khi càng vào sâu bên trong thì độ khó cũng tăng dần lên. Để biết được ai là thí sinh có tiềm năng chiến thắng thì họ ít nhất phải thắng một thử thách cá nhân trong chương trình. Trong Hell’s Kitchen, những người đi sâu nhất ít nhiều đều chiến thắng hay gây ấn tượng trong các thử thách cá nhân. Điều này đòi hỏi mỗi thí sinh phải có phẩm chất đặc biệt chứ tài năng hay kinh nghiệm cũng chưa đủ để đảm bảo.

Đường dài mới biết ngựa hay. Nếu bất cứ thí sinh nào trong một thời gian nhất định mà vẫn cứ ở luẩn quẩn trong giới hạn an toàn của mình thì thí sinh đó không xứng đáng nhận được 250 nghìn đô cùng một ví trị bên cạnh Ramsay. Điều này cũng tương tự như cuộc đời, muốn thăng tiến hay đột phá thì bất cứ ai cũng phải liều lĩnh đi ra khỏi giới hạn của chính mình.

5. Kẻ chiến thắng là người có sự hoà hợp trong mọi yếu tố

Nhận diện kẻ chiến thắng trong Hell’s Kitchen thật ra là khá đơn giản vì đó là một người có những ưu điểm như : sự điềm tĩnh, có cái tôi nhưng biết phối hợp với đồng đội, chứng minh bản thân qua các thử thách, sẵn sàng nhận sai, có tinh thần đồng đội khi ở trong nhóm, có tố chất lãnh đạo khi ở đứng ở quầy bếp, có kinh nghiệm, có những thất bại nhỏ… Ngắn gọn là người chiến thắng mà Gordon Ramsay nhắm tới phải có đủ mọi yếu tố chứ không chỉ toả sáng ở một, hai khía cạnh.

Gordon Ramsay đã nói rằng ông đã hỏi rất nhiều đầu bếp có sao Michelin và biết được công thức thành công của họ là ;

Đam mê + kỷ luật + tài năng + kiên nhẫn + tinh thần đồng đội + bất cứ điều gì tốt cho bản thân và cho người khác.

Trước khi có được tất cả trong Hells Kitchen thì kẻ chiến thắng cũng phải hội tụ tất cả những yếu tố cần thiết để làm nên vinh quang. Không có cách nào khác cả .

6. Đợi mình xem tiếp đã nhé.

Có lẽ sẽ vẫn còn nhiều điều để nói về Hell’s Kítchen vì mình mới xem đến mùa 19, còn mùa 20 và sắp khởi chiếu mùa 21. Hiện tại trong mùa 19 đã có khá nhiều bất ngờ mới mẻ và hấp dẫn. Vì thế, để có cái nhìn khách quan nhất về seri này mình sẽ xem hết ba mùa còn này và đưa ra những suy nghĩ khác.

Nhưng nếu có thể, các bạn hãy xem Hell’s Kitchen đi, mình tin là seri về ẩm thực này thực sự đáng xem hơn so với vài seri khác trên Netflix.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận