NHỮNG TRẢI NGHIỆM VÀ LỢI ÍCH CỦA MÌNH TRONG KHI THỰC HÀNH LỐI SỐNG KHẮC KỶ

Giữa năm 2016, trong khi đọc blog của Tim Ferriss – tác giả cuốn Tuần làm việc 4 giờ có đề cập tới việc chủ nghĩa Khắc kỷ đã ảnh hưởng và có thay đổi thế giới quan của anh ấy như thế nào, thì mình vô cùng tò mò và ngay lập tức tìm kiếm những thông tin cụ thể về chủ nghĩa Khắc kỷ.
 
Trước đó, mình chỉ biết một chút về Khắc kỷ qua những cuốn sách mình từng đọc thi thoảng có nhắc tới vài cái tên tiêu biểu cùa chủ nghĩa Khắc kỷ như Epictetus, Seneca và đặc biệt là Marcus Aurelius – một hoàng đế La Mã. Cũng chính vì mình nhớ rõ nhất Aurelius nên đó là từ khoá đầu tiên mình gõ vào google “Marcus Aurelius Stoicism”. Và sau đó mọi thứ chứa đựng nhiều bất ngờ hơn mình tưởng.
 
Meditations – Suy tưởng, cuốn sách tập hợp những cuốn sách ghi chép về triết lý và cách thực hành lối sống Khắc kỷ do chính tay Marcus Aurelius viết. Ông cũng là triết gia Khắc kỷ cuối cùng mà mọi người biết tới.
 
Tác phẩm này của Aurelius biến mất khỏi dòng thời gian 1000 năm cho tới khi xuất hiện ở Byzantine do Arethas, một giáo sĩ tình cờ nhắc đến với bạn mình qua thư từ. Khi Constantinople – thủ đô của Byzantine thất thủ trước sự tấn công của Đế quốc Ottoman do Medmet II lãnh đạo, thì Suy tưởng bằng một cách nào đó đã được đưa ra khỏi Đông La Mã về Tây La Mã chỉnh sửa, in ấn. Bản in đầu tiên là vào năm 1559. Một bản khác thuộc sở hữu của Vatican là bản chép tay hoàn chỉnh nhất có từ thế kỉ 14.
 
Thời điểm mình về Chủ nghĩa Khắc Kỷ thì cuốn Suy tưởng chưa có bản dịch ở Việt Nam, nhưng thật may mắn là mình đã tìm ra được một tác phẩm Khắc kỷ khác cũng rất nổi tiếng là Nghệ thuật sống của Epictetus. Đáng nói hơn khi Epictetus và những tác phẩm của ông ảnh hưởng đến rất nhiều Marcus Aurelius(mình đã kiểm chứng điều này khi hơn 2 năm sau đọc cuốn Suy tưởng).
 
Sau đó những tác phẩm khác của Seneca hay các tác giả chuyên sâu về chủ nghĩa Khắc kỷ ngày nay như Ryan Holliday hay William Irvine mình đều lần lượt biết đến và thưởng thức từng trang sách. Và rồi từ thời điểm đọc Nghệ thuật sống, mình không chỉ đọc mà còn mỗi ngày áp dụng những giá trị mà chủ nghĩa Khắc kỷ đem lại.
 
Trong thời gian thực hành lối sống mà Chủ nghĩa Khắc kỷ đã qua cũng như vẫn ứng dụng vào hiện tại, thì mình đã có thể trả lời một số câu hỏi về Chủ nghĩa Khắc kỷ như có khó thực hiện không? Chủ nghĩa Khắc kỷ có phải là một tôn giáo không? Những người Khắc kỷ liệu có phải là những kẻ thờ ơ với cảm xúc hoặc giữ một thái độ tiêu cực về cuộc sống hay không? Và quan trọng nhất là Chủ nghĩa Khắc kỷ thực sự có đem lại giá trị gì khi cuộc sống bây giờ đang tràn ngập những tiện ích của công nghệ và đa kết nối một cách vô hạn không?
 
Tất nhiên, những điều mình chia sẻ về lối sống Khắc kỷ dựa trên trải nghiệm của bản thân mình. Vì thế đây sẽ chỉ là một câu chuyện thú vị dựa trên nhân sinh quan của một cá nhân, chứ không phải là lời khuyên hay mang tính thuyết phục hay mời gọi ai đó đến với Chủ nghĩa Khắc kỷ. Trên hết, Chủ nghĩa và lối sống Khắc kỷ chỉ là một trong những giá trị và chuẩn mực mình theo đuổi, chứ Khắc kỷ không đại diện cho tất cả cuộc sống cùng con người mình. Nhưng lý do quan trọng nhất đã thúc đẩy mình viết chia sẻ này vì Chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý và lối sống mà bất cứ ai cũng có thể thực hành ngay bây giờ chứ không phải bị lệ thuộc vào bất kỳ một yếu tố nào hết.
 
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ TRONG THẾ GIAN CỦA MÌNH
 
Trước khi biết tới Chủ nghĩa Khắc Kỷ thì mình là người có tôn giáo ngay từ khi sinh ra. Tôn giáo mình theo và Chủ nghĩa Khắc kỷ có chung những điểm tương đồng, vì thế mình không gặp quá nhiều khó khăn ngay khi áp dụng thực hành lối sống Khắc kỷ.
 
Đối với mình, Khắc kỷ có tính chất của một tôn giáo nhưng nó lại không đòi hỏi bất cứ một cá nhân nào phải có niềm tin hay thực hiện những nghi thức nhất định trong đời sống. Đây thực sự là một lợi thế của Chủ nghĩa Khắc kỷ khi bạn có thể thực hành một lối sống ít nhiều có tính chất tôn giáo trong đó.
 
Nhưng khác với tôn giáo, Chủ nghĩa Khắc Kỷ không quá quan trọng trong việc chia thế giới thành hai phần Thiện – Ác, Tốt – Xấu mà dựa trên việc những gì bạn có thể kiểm soát hoặc không thể kiểm soát để đưa ra quyết định tiếp theo cho hành động của mình. Chính những hành động tiếp theo sẽ định hình con người bạn và giúp bạn nhận thức được hành vi của mình là mấu chốt quyết định đến mỗi sự việc như thế nào.
 
Chủ nghĩa Khắc kỷ không quan tâm đến hoàn cảnh, không quan tâm đến kết quả mà tập trung vào sự khả năng kiểm soát của bạn khi bạn ở trong một tình huống cụ thể. Khác với những gì đang diễn ra trong cuộc sống, khi mọi thứ đòi hỏi những lợi ích bên ngoài đem tới từ cảm xúc cho tới giá trị vật chất, thì lối sống Khắc kỷ chú trọng tới những lợi ích bên trong là cảm giác kiểm soát bản thân, làm chủ suy nghĩ và đặc biệt là hành động của bạn có sự độc lập, tách biệt, không bị dẫn dắt bởi một hoàn cảnh cụ thể.
 
Từ sự nhận thức này sẽ dẫn dắt những gì bạn sẽ làm gì, hành động ra sao khi ở trong một tình huống tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực thì chính hành động đúng đắn đó sẽ đem lại định hình bạn là ai, bạn như thế nào và bạn thực có làm chủ bản thân dù ở vào một tình thế chẳng mong muốn hay không. Nhân quả trong một sự việc hay hoàn cảnh không phải thứ mà Chủ nghĩa Khắc kỷ quan tâm.
 
Đối với một người thực hành lối sống Khắc kỷ thì khả năng làm chủ và kiểm soát suy nghĩ lẫn hành động mới là giá trị cao nhất mà một con người có thể đạt được trong bất cứ lúc nào hay thời điểm nào. Sự tự nhận thức, kiểm soát và làm chủ bản thân ở đây không chỉ giới hạn trong đức hạnh, niềm vui, những gì có thể đạt được trong cuộc sống mà còn cả trong những hành cảnh không mong muốn, bao gồm cả đau khổ và bất hạnh.
 
KIỂM SOÁT VÀ LÀM CHỦ NGAY CẢ NHỮNG KHÓ CHỊU THƯỜNG NGÀY
 
Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta luôn bị bủa vây bởi rất nhiều những điều vượt khỏi sự kiểm soát của mình ngay từ những sự việc rất nhỏ.
 
Đó có thể là những sự bực bội, khó chịu xuất phát từ các lý do nhỏ nhất như kẹt xe, nắng mưa thất thường, chờ đợi mua đồ hay chờ thang máy, trao đổi công việc… Từ những mầm mống nhỏ bé này đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành những sự bất mãn và tức giận khiến bạn đưa ta những hành động thiếu suy nghĩ.
 
Bắt đầu từ việc tắc đường 15 phút trong khi tới công ty có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực như khó chịu với đồng nghiệp, không thể giao tiếp khi làm việc nhóm và nghiêm trọng hơn là làm tiêu tan mọi kế hoạch, động lực và tinh thần trong cả ngày hôm đó. Điều này không chỉ dẫn tới những hậu quả cho chính bạn, mà còn phát tán rất nhiều sự tiêu cực ra xung quanh.
 
Phải thành thật thừa nhận rằng dù mình là một người thực hành lối sống Khắc kỷ nhưng bản thân mình cũng mong rằng nếu có thể xin hãy để sự bình yên luôn đến trong mỗi sáng thức dậy. Tuy vậy giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ nhắc nhở mỗi một cá nhân rằng “Hãy sẵn sàng đón nhận ngay cả những điều tồi tệ nhất, vì thứ làm chúng ta hạnh phúc hay đau khổ không phải là hoàn cảnh hay sự việc nào đó mà là cách bạn nhìn nhận và đánh giá nó”.
 
Chủ nghĩa Khắc kỷ không đánh giá một chuyện xảy ra với bạn là tích cực hay tiêu cực mà chỉ đơn giản là một bài kiểm tra về việc bạn sẽ kiểm soát, làm chủ và xử lý tình huống đó ra sao thì mới có thể ấn định bản chất của sự việc đó là tốt đẹp hay tồi tệ. Nói cách khác, một người Khắc kỷ nên coi việc kẹt xe trong một cơn mưa tối tăm mặt mũi là một may mắn để thực hành những gì giá trị mà anh ta đang hướng bản thân mình đi theo nó .
 
Ví dụ Trong một lần đi xem phim với Huyền bạn mình dưới Times city, thì khi đi qua cổng soát vé mình và Huyền đang nói chuyện với nhau về nội dung bộ phim vừa xem nên không nghe thấy bảo vệ – một người còn ít tuổi hơn mình yêu cầu bỏ khẩu trang xuống. Lần đầu tiên mình không nghe thấy, lần thứ hai tay bảo vệ trẻ tuổi lớn tiếng quát “Bỏ khẩu trang xuống! Chúng mày điếc à?” khiến Huyền giật mình, còn mình thì chỉ chỉ thẳng vào mắt cậu ấy rồi từ từ kéo khẩu trang xuống. Cậu ta chỉ tiếp tục lẩm bẩm rồi cầm lấy tiền và thẻ gửi xe.
 
Trên đường đi Huyền có hỏi mình rằng tại sao anh không phản ứng gì khi bảo vệ có thái độ quá đáng đến như vậy, thì mình trả lời rằng cách ai đó thể hiện ra bên ngoài thì sẽ chứng minh đó là con người như thế nào. Còn việc mình không nổi giận hay đòi hỏi một thái độ tử tế hơn thì thực sự đó là chuyện không cần thiết, tương tự như việc mình không thể kiểm soát ai đó văng ra những lời khó nghe nhưng mình lại toàn quyền quyết định sẽ nên xử lý thế nào. Và tại sao mình lại cần phải dừng lại, đứng giữa hầm để đôi coi và yêu cầu một lời xin lỗi trong khi thời gian đó nên dành để tận hưởng một buổi đi chơi cơ chứ?
 
“Vâng. Thật ra người tội nghiệp lại chính là anh ấy. Qua hành động của anh bảo vệ kia đã lý giải tại sao anh ta lại ở dưới đó còn em và anh đang đi chơi vui vẻ thế này”. Khánh Huyền nói với mình.
 
Một lần khác khi đi đứng xếp hàng mua vé ở CGV, khi đến lượt mình thì có một chú trung niên ở phía sau bất ngờ chen lên để mua trước. Mình có khó chịu, nhưng khi nhìn nhận lại rằng còn tới 20 phút nữa phim mới chiếu và mình vẫn đang đọc dở vài trang ebook thì việc đợi thêm 5 phút nữa cũng không sao cả.
 
Tất nhiên mình có lý do để yêu cầu chú ấy phải nhường cho mình, nhưng khi nghe các bạn phía sau ngán ngẩm chê trách thì bản thân người mình tổn hại ở đây là chú ấy chứ không phải mình. Vì vậy mình đã không lên tiếng để lấy lại sự công bằng cho bản thân, tuy nhiên mình vẫn là người mua vé trước chứ không phải là chú trung niên kia. Bạn nữ bán vé nói chú ấy mình xếp hàng trước nên sẽ bán cho mình trước và đề nghị chú quay lại xếp hàng. Mình cảm ơn bạn ấy và niềm vui khi được nhân đôi vì vẫn được mua vé trước trong khi có người khác nói lên sự công bằng cho mình.
 
Có thể nhiều người sẽ cho rằng lối sống Khắc kỷ thụ động và không biết cách lên tiếng trước những sự bất công. Điều đó có thể đúng và tuỳ thuộc vào sự nhìn nhận trên những phương diện khác. Nhưng sự im lặng và thản nhiên trước những sự việc không kiểm soát như vậy là một điều cơ bản và phổ biến trong cả vài tôn giáo như Phật giáo hay Thiên Chúa giáo chứ không chỉ riêng trong thế giới của những nhà Khắc kỷ. Như mình đã nhận xét, Chủ nghĩa Khắc kỷ dù không phải là tôn giáo, nhưng lại có những đặc điểm của tôn giáo mà không bị lệ thuộc vào một niềm tin nhất định.
 
Công bằng mà nói, việc bạn phản ứng trước những chuyện khiến mình bực bội thì đó là một điều dễ dàng. Nhưng để có thể kiểm soát bản thân cũng như bảo toàn sự yên vui mà nội tại bên trong đem lại thì là một chuyện khác. Và đối với một người Khắc kỷ thì những niềm vui bên trong, một phần trong đó là cảm giác rất chân thực về sự tiến bộ của mình quan trọng hơn bất cứ sự thắng thua, đúng sai nào ở thế giới bên ngoài.
 
Điều này càng đúng trong cuộc sống ngày nay, khi công nghệ và sự đa kết nối đem lại những tổn thương lẫn phiền muộn từ thế giới bên ngoài gây ra cho chúng ta một cách dễ dàng và liên tiếp hơn bao giờ hết. Vì mình là một người viết, chia sẻ và nói lên những trải nghiệm của bản thân nên việc thường xuyên phải đối mặt với nhiều sự công kích, chỉ trích lẫn nghi ngờ nhiều hơn so với mọi người. Đôi khi đó là sự vô tình, nhưng cũng là có nhiều chủ đích với dụng ý chế giễu và làm mình tổn thương.
 
Vì thế, việc áp dụng những gì bản thân học được từ Chủ nghĩa Khắc kỷ đã giúp mình nhìn nhận vấn đề từ trên cao và qua những góc độ khác để xử lý một vấn đề mình không thể kiểm soát nhưng lại diễn ra trong mỗi ngày là: Những ý kiến về những gì mình viết và chia sẻ. Và do đã luôn cố gắng không để bản thân vướng vào những sự việc bên ngoài có thể làm bùng phát sự khó chịu hay bực bội nên mình gần như bình thản trước những bình luận tiêu cực hay mang sự công kích cá nhân nhất. Điều này đem tới kết quả là mình vẫn luôn viết những gì mình muốn – điều mình có thể kiểm soát và bình thản trước những gì người khác nói – điều mình không thể kiểm soát.
 
Suy cho cùng, việc cuộc đời của bản thân mỗi người mang ý nghĩa như thế nào thì cũng đều đến từ việc bạn cảm thấy hạnh phúc và tự tạo ra những giá trị hạnh phúc thông qua sự nội tại bên trong. Và ngược lại thì khởi nguồn của mọi bất hạnh lại đến từ việc bạn để tác động bên ngoài ảnh hưởng đến bản thân ra sao và liên tục phân tán bởi những xung lực này.
 
Hãy kiểm soát và làm chủ chính mình thì bạn cũng đang kiểm soát mọi thứ khác xung quanh bạn.
 
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ CŨNG KHUYẾN KHÍCH BẠN ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KHOÁI LẠC NHƯNG CHỈ COI NÓ LÀ MỘT PHẦN THƯỞNG BỔ SUNG
 
Cho đến tận bây giờ, Khắc kỷ vẫn bị cho là một triết lý và lối sống tước đoạt mọi niềm vui và sung sướng trong cuộc sống. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm.
 
Những nhà Khắc kỷ cho rằng một cuộc đời tốt đẹp bao gồm những khoái lạc như tình dục, sự thông tuệ, sức khoẻ, danh tiếng và tiền bạc. Ngay cả Marcus Aurelius, ông không cầu nguyện để triệt tiêu ham muốn tình dục, nhưng ông mong muốn mình có thể kiểm soát nhu cầu của mình. Tương tự như thế với tiền bạc thì Seneca lập luận rằng nếu bạn giàu có hãy tận hưởng sự giàu có đó, nhưng nếu không có thì cũng chẳng sao hết.
 
Chủ nghĩa Khắc kỷ cho rằng chúng ta chỉ coi tất cả những điều đó như là một sự trung tính hay một phần thưởng bổ sung chứ không phải là điều bắt buộc phải có như lý trí – khả năng làm chủ bản thân và đức hạnh – sự phân định giữa cái đúng và cái sai trong cuộc đời này. Và những nhà Khắc kỷ đã đi đến một kết luận rằng: một người khôn ngoan có thể sử dụng bất cứ thứ gì mà số phận trao cho họ chứ không phải là tất cả. Còn kẻ khờ dại này dù có vố thứ trong tay thì cũng sử dụng chúng một cách thật ngốc nghếch.
 
Nói chính xác Chủ nghĩa Khắc kỷ nhấn mạnh rằng Ít hơn chính là Nhiều hơn.
 
Nhưng thực sự lý trí và khả năng kiểm soát có giá trị trong một thế giới đòi hỏi chúng ta phải liên tục xác định giá trị của bản thân thông qua diện mạo, vật chất và vinh quang của sự hào nhoáng bên ngoài?
 
Đối với mình vì là có, đặc biệt trong việc mình nên viết gì và chờ đợi việc sẽ nhận được gì từ viết lách.
 
Nhiều người viết mình có quan hệ đều cho rằng việc viết lách phải đạt được hai yếu tố cơ bản như được xuất bản, được in báo hoặc được tiền. Có người nói họ chỉ vui khi những gì mình viết phải ra tiền. Có người lại khẳng định rằng họ phải viết cái gì đó để có được độc giả. Và rất nhiều người đến với việc lách để được xuất bản và để được nổi tiếng. Tất cả đều là những lý do chính đáng và là động lực để duy trì việc viết lách. Nhưng những điều này trong mắt của một người thực hành lối sống như mình Khắc kỷ thì đó là những điều ngoài tầm kiểm soát.
 
Đối với viết lách thì mình hoàn toàn làm chủ trong việc viết cái gì, viết như thế nào và đem tới những chất liệu muôn màu để tạo nên những bài viết và tác phẩm văn học đúng theo ý muốn của mình. Nhưng việc bài viết đó có được đón nhận không, tác phẩm đó liệu có được in ấn hay đem tới nhuận bút không thì mình hoàn toàn không thể biết được. Và nếu muốn biết hay kiểm soát điều đó thì mình đang tự đặt bản thân vào một tình huống khờ dại khi tin rằng mình có thể biết độc giả hay nhà xuất bản đang muốn gì.
 
Đổi lại, khi coi tất cả những điều đó chỉ là một phần thưởng bổ sung sau khi hoàn thành việc viết thì mọi chuyện lại đơn giản hơn rất nhiều. Thứ nhất mình bảo toàn được ý tưởng và phong cách, tính độc nhất của những gì mình muốn viết. Thứ hai khi coi mọi thứ có cũng được mà không có cũng được thì bản thân mình được giải phóng khỏi những áp lực gây ảnh hưởng việc viết của mình.
 
“Hãy làm việc cần phải và quên mọi thứ khác anh cho rằng mình sẽ được hưởng đi” – Trích Meditations.
 
VÀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ GIÚP MÌNH TẬN HƯỞNG NIỀM ĐAU VÀ BẤT HẠNH MỘT CÁCH CHỦ ĐỘNG
 
Mặc dù là hoàng đế La Mã, nhưng Marcus Aurelius lại chịu rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời đế vương của mình. Aurelius đã tự tay chôn cất 8 trên 13 người con của mình, ông chịu đựng sự phản bội của bạn bè, sự thiếu chung thuỷ của vợ và cũng chứng kiến cái chết của bà sau 35 năm chung sống. Suốt thời trị vì của mình, Aurelius luôn phải chống chọi với những cuộc chiến, dịch bệnh và nội chiến do chính người ông tin tưởng gây ra. Bản thân Aurelius cũng là một người có sức khoẻ kém, ông liên tục đau ốm và bị các đối thủ chính trị sỉ nhục là “một hoàng đế trong thân xác mụ già”.
 
Nhưng Aurelius đã sống lâu hơn bất cứ đối thủ nào của mình, đã chứng kiến sự kết thúc của những cuộc chiến và ấn tượng hơn là ông không hề trốn tránh nỗi sợ hãi về sự đau đớn và cái chết. Trong tác phẩm Meditations, chủ đề về cái chết và nỗi đau được Marcus Aurelius nhắc đi nhắc lại rất nhiều như :
 
“Đừng sống như kiểu trước mắt bạn còn vô số năm để sống. Cái chết luôn phủ bóng lên bạn. Trong khi còn sống và còn có thể – hãy sống cho tốt”
 
“Hãy quên đi mọi thứ khác. Chỉ giữ lại điều này, và nhớ mỗi chúng ta chỉ sống ngay lúc này, một khoảnh khắc ngắn ngủi. Phần còn lại đã được sống rồi, hay không thể thấy nữa, tuổi thọ chúng ta quá nhỏ, nhỏ như góc của trái đất nơi chúng ta sống. Thậm chí nhỏ như danh tiếng lớn nhất, truyền từ miệng nọ sang miệng kia bởi những nhân vật”.
 
“Đừng cầu nguyện cho bố mẹ, vợ con tránh khỏi điều tồi tệ nhất. Hãy cầu nguyện rằng bạn sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng được nếu việc đó xảy ra”.
 
“Hãy chịu đựng những nỗi đau của mình. Còn nếu anh không chịu được thì hãy cố mà chịu”.
 
Nỗi đau, cái chết là những thứ gắn liền với niềm vui, dương thọ trong cuộc đời này và những Chủ nghĩa Khắc Kỷ khẳng định rằng chỉ kẻ có điên rồ mới phân tách những điều đó ra khỏi với nhau. Hãy chấp nhận những gì có thể xảy ra ngay cả khi đắm chìm trong thời điểm vui vẻ nhất. Hãy luôn tạo ra một bước đệm, một bước lùi lại trong lý trí khi biết rằng hôm nay có thể vui và ngày mai có lẽ sẽ ngập tràn nỗi buồn và niềm đau, như Epictetuc nhắn nhủ
“Khi bạn chúc ngủ ngon và hôn con mình vào buổi tối, hãy nhớ rằng đứa trẻ có thể chết vào sáng hôm sau”.
 
Lý do cái chết và niềm đau lại quan trọng trong nhận thức của một người Khắc kỷ đến vậy vì đơn giản rằng đó là hai giới hạn thử thách lý trí và sự chịu đựng của bạn hơn bất cứ điều gì có thể đổ xuống đầu chúng ta. Bạn có thể buông bỏ trước khi chịu đựng sự đau đớn. Bạn có thể giã từ mọi hi vọng và niềm vui khi biết mình có thể chết vào một ngày nào đó.
 
Nhưng đổi lại khi ý thức được về nỗi đau và cái chết có thể phủ lên chúng ta bất cứ lúc nào, thì bạn sẽ biết cách thúc đẩy bản thân để luôn luôn sống một cách trọn vẹn nhất trong từng khoảnh khắc.
 
Đối với Chủ nghĩa Khắc kỷ, nỗi đau và cái chết không liên quan đến những gì bạn có thể làm và đạt được. Thậm chí nếu bạn thực hiện một hành động đúng đắn trong thời điểm đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình thực đã sống trọn vẹn hơn trước đây rất nhiều.
 
Marcus Aurelius liên tục đối diện với nỗi đau và cái chết nhưng ông đã chịu đựng và chứng kiến nhiều người khoẻ mạnh chết trước mình. Việc mỗi ngày nhắc nhở bản thân mình về cái chết và nỗi đau là một cách giúp chúng ta nhận thức về sự ngắn ngủi về cuộc đời và giá trị của những giây phút chúng ta đang có ngay bây lúc này.
 
Vì luôn tự nhủ về nỗi đau có thể gánh chịu mình luôn cố gắng đẩy xa giới hạn khi luyện tập thể chất và chấp nhận những tổn thưởng đến từ yếu tố bên ngoài.
 
Vì biết mình có thể chết vào bất cứ lúc nào thì mình chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho bản thân, bất chấp việc có thể rời khỏi cuộc đời này vào ngày mai.
 
Vừa rồi sau khi tiêm vaccine 5-6 ngày thì mình đã bị những cơn đau đầu dữ dội mà bản thân chưa bao giờ trải qua. Đau đến mức 3 đêm liền mình không ngủ được một phút nào cho đến 6-7 giờ sáng. Và điên rồ là buổi sáng mình vẫn có đọc, viết, đi bộ như không có chuyện gì xảy ra. Cuối cùng khi những cơn đau đầu chấm dứt thì mình lại bị cứng nửa mặt vì hậu quả của việc liệt dây thần kinh số 7.
 
Sau đó bác sĩ có đến châm cứu cho mình 16 ngày. Cô ấy có nói rằng mình bị nặng, không giống cảm lạnh hay liệt 7 thông thường và rất lo lắng cho mình. Bác sĩ không bao giờ nói chắc chắn mình sẽ bình phục sớm mà chỉ nói là cùng nhau cố gắng.
 
16 ngày trôi qua, tổng cộng 192 cây kim, có cây dài tới 5-6 phân cắm lút cán gần như chạm tới xương mà mình cảm nhận đầy rõ ràng và dĩ nhiên là cũng rất đau đớn. Trong khi châm cứu, bác sĩ luôn hỏi mình có thể chịu đựng đau đớn không vì mỗi lần châm thì 12 cây châm trên mặt, phía sau tay và tay mình đều là những huyệt đau nhất cũng như cảm giác khi châm chẳng khác nào tra tấn bằng điện vậy. Mình nói rằng mình chịu được và mỗi ngày qua đi điện châm càng mạnh hơn nhưng mình vẫn chịu đựng được. Tất nhiên sự đau đớn là có thật khi lần nào châm cứu xong mồ hôi mình chảy ra đấm đìa tới nỗi bác sĩ nói với bố mình rằng “may mà Nhân nó chịu đau giỏi nên tình hình cũng khả quan”.
 
Mình nghĩ rằng cũng giống như những sự đau đớn khi nâng số kilomet chạy hay số phút tập luyện, thì khả năng chịu đựng nỗi đau khi châm cứu có thể nâng lên được khi mình chấp nhận việc nó sẽ đau hơn chứ không giảm đi. Chính vì sự chủ động đó đã giúp mình nhìn nhận đau đớn khi châm cứu như một bài học và trải nghiệm nhưng sẽ chấm dứt và không thể kéo dài vì “Cứ rên rỉ vì nỗi đau sẽ qua thì thật đáng hổ thẹn, còn nỗi đau lâu dài thì sẽ chẳng trường tồn mãi mãi”.
 
Sau khi châm cứu, mình cũng bình thản đối diện với tình huống có thể mình sẽ không thể bình phục hoàn toàn, nhưng điều đó chẳng ngăn cản mình tận hưởng cuộc sống và tiếp tục những gì mình phải làm. Trong thời gian châm cứu và chữa trị, mình vẫn ra ngoài, vẫn đọc và viết dù cho nhiều người thân khá bi quan về tình trạng của mình. Trái lại mình lại rất chủ động trong việc đón nhận kết quả cuối cùng của việc điều trị. Khỏi là tốt, còn không thì cuộc đời này lại thêm một chút khó thôi mà.
 
Khi viết chia sẻ này, mắt mình mình vẫn luôn trong tình trạng nhức mỏi, liên tục chảy nước mắt, còn tròng mắt hiện rõ những mạch máu nhỏ li tivì khô giác mạc do việc mắt không khép lại được – một biểu hiện của bệnh liệt 7. Nhưng nó không ngăn cản việc mình muốn làm dù trong mắt người khác thì đây là điều rất ngu ngốc.
 
VẬY CUỐI CÙNG CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ ĐEM LẠI CÁI GÌ CHO MÌNH
 
Về cơ bản, những giá trị mà lối sống Khắc kỷ đem lại cho mình đều là những thứ không phô bày ra được như niềm vui khi giữ được sự tự chủ mặc cho những yếu tố bên ngoài. Là khoái lạc khi được làm những gì mình thích dù không đạt được bất cứ thành tựu nào trong mắt người khác. Và cuối cùng là sự chủ động với mọi biến cố trong cuộc đời này từ nỗi đau cho tới cái chết.
 
Như mình đã nói, Chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là tất cả cuộc sống của mình, nhưng lối sống này chia sẻ nhiều sự tương đồng và cái chuẩn mình theo đuổi trong cuộc đời. Mình không nói rằng lối sống Khắc kỷ sẽ đem lại hạnh phúc theo nghĩa đen, nhưng đó lối sống đem tới cho mình những ý nghĩa của sự cố gắng, chịu đựng và chấp nhận những điều không suôn sẻ trong cuộc đời mà không đánh mất bản thân vào hố sâu tiêu cực.
 
Photo: Số cây kim còn lại trong 192 cây kim đã châm lên mặt mặt sau 16 ngày châm cứu.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân