1616-1620
1616. Ta không bao giờ biết được gì một cách tuyệt đối. Ta lúc nào cũng chỉ có thể biết một cách tương đối mà thôi.
Tri thức ta có được là một thứ tri thức tương đối, tương đối có nghĩa là phải xét nó trong mối liên hệ với mọi thứ. Nhưng mọi thứ luôn thay đổi. Và tri thức thì bị hạn chế vào những gì đã là quá khứ. Ta mở rộng tri thức của mình từ quá khứ đến tương lai, ta phóng chiếu quá khứ vào tương lai. Và rất nhiều lần việc đó đã có tác dụng. Ta tạm thời giả định rằng những gì ta biết đều sẽ có tác dụng. Nhưng vấn đề cốt yếu ở đây là những gì ta biết phải được để ngỏ. Nếu cái ta biết không có tác dụng gì, thì ta phải sẵn sàng nhìn nhận là nó không có tác dụng gì và phải thay đổi nó đi.
1617. Tư duy đang tác động đến cái bạn nhìn thấy. Sự biểu hiện đi vào bên trong tri giác. Đôi khi bạn biết được một cái gì đó chỉ là một sự biểu hiện – như khi bạn vẽ một biểu đồ hay có một bức ảnh chụp. Nhưng sự biểu hiện lại đi thẳng vào bên trong tri giác bằng nhiều cách thức rất tế nhị và tinh vi khiến bạn quên rằng nó từ tư duy mà ra. Nếu bạn xem ai đó là tượng trưng cho kẻ thù, thì trong tri giác của bạn người đó sẽ là là kẻ thù, hay sẽ là kẻ ngu xuẩn, hay là kẻ gì đấy mà kẻ ấy tượng trưng cho.
1618. Tư duy là một hệ thống đứng làm trung gian cho phép ta ý thức được những miêu tả trong đó những từ ngữ này có một tác động lớn. Cách ta nói về sự vật và cách ta nghĩ về sự vật tác động đến việc ta nhìn sự vật ra sao. Nhưng nó diễn đạt cái đang có trước mắt hoặc đang không hiện diện. Và sự diễn đạt này rất có thể là một chỉ dẫn tốt, nó rất có thể là xác thực; nó chính là sự gần đúng, nhưng rất có thể thế là đủ tốt.
Nói cách khác, để có ích cho những gì bạn đang làm thì việc diễn đạt là sự quan trọng – quan trọng là phải nhìn ra cái bàn ấy là một cái bàn, chứ không nói nó chỉ là một sự tượng trưng, một sự đại diện cho cái bàn, biểu hiện cái bàn. Khi bạn định tác động đến nó, bạn phải hành động đối với nó xem nó như một cái gì đang hiện diện. Có rất nhiều cái thuộc về nó được diễn đạt ở cái đang hiện diện, nhưng bạn cũng đang hành động đối với cả điều đó nữa – duy có điều là nếu thấy nó không mạch lạc thì bạn phải thay đổi nó đi.
1619. Biểu hiện tác động đến tri giác. Và nếu có một lúc nào ta quên mất cái việc là điều này đang xảy ra, thì đó là nguồn cơn thực sự của ảo tưởng.
1620. Bạn có thể biểu hiện sự vật hay sự việc bằng rất nhiều, rất nhiều cách. Tư duy không có giới hạn. Việc bạn có thể mở rộng tư duy của mình đến đâu là không có giới hạn, vì bạn có quyền nói rằng: “Giờ đây ta nắm bắt được cái này. Mai kia ta có thể nắm được nhiều hơn. Ta có thể cứ thế tiến mãi”. Nhưng mỗi một tư duy thì lại là hữu hạn. Tư duy giới hạn ở cái nó nắm bắt được. Tư duy không nắm bắt cái toàn thể được.
Photo: IG