TỰ DO, DÂN CHỦ VÀ SỰ THẬT ĐỀU KHÔNG TỒN TẠI TRONG THẾ GIỚI QUAN CỦA ĐÁM ĐÔNG

 

Ngày 7 tháng 10 mình có up lên nền tảng Spiderum bài viết “Sự độc hại trong những giá trị mà phim truyền hình đang ra sức truyền tải”. Ngay phần tóm tắt, mình đã viết rõ rằng “Bài viết dựa trên quan điểm của cá nhân” để cho bất cứ ai cũng hiểu rằng chia sẻ của mình không nói thay quan điểm của bất cứ ai cả.

Mình chỉ viện dẫn tới sự tự do ngôn luận trên internet để chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Sau đó, mình không truy cập vào website của Spiderum nữa, cho đến tối qua, 20/10 thì một người bạn tag mình vào một bài đăng trên fanpage của Spiderum thì mình mới biết Spiderum đã lựa chọn bài viết đó để chia sẻ tới với mọi người. Mình vui vì khá ngạc nhiên khi đội ngũ Spiderum lại chọn một chia sẻ nặng tính cá nhân và kì lạ với quan điểm của đám đông(thực tế nó đã gây ra tranh cãi).

Ngay tối hôm qua, đã có hàng chục bình luận về bài viết của mình. Mình chỉ lướt qua 3-4 bình luận và tất cả đều mang tính công kích cá nhân, chỉ trích không thoả đáng và đầy tính áp đặt của cộng đồng mạng. Thậm chí có ngườin kêu gọi Spiderum gỡ bài mình xuống khỏi fanpage. Nhưng lúc đó mình lại không để tâm đến vì nghĩ rằng sẽ sớm thôi người đọc sẽ lãng quên bài viết của mình, vì Spiderum không thiếu các bài viết hấp dẫn hơn với cộng đồng mạng. Đến chiều nay, Khi ngồi cà phê với L, mình vẫn nói đùa rằng có khi Spiderum gỡ bài viết đó xuống rồi cũng nên. Nhưng L nói rằng chắc bên đó hẳn đã cân nhắc rồi nên mới chọn bài của mình để đăng. Và đúng là Spiderum không gỡ xuống thật. Trái lại bài viết đó nhận được gần 1000 like, hàng trăm share và comment trên facebook. Còn trên nền tảng web của Spiderum thì mình nhận được 60 upvote và 1100 lượt xem (mình ước tính là chỉ khoảng 10% bài viết trên spiderum có thể đạt được 500 lượt xem vì lượng bài viết mới mỗi ngày khá lớn).

Mình thực sự kinh ngạc vì mọi người lại quan tâm đến chia sẻ đó của mình. Thứ nhất mình viết nó dựa trên cái nhìn và quan điểm của cá nhân nên nó thiếu đi những cái cần và phải có để phù hợp với đa số người đọc. Nhưng điều khiến mình còn ngạc nhiên hơn nữa qua vài bình luận mình lướt qua thì ngay tới ngay cả một cộng đồng trên facebook được coi là có gu, học thức và đề cao tính dân chủ lẫn sự tự do ngôn luận như Spiderum lại vẫn có nhiều con người hành xử cảm tính đến như thế. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn không chấp nhận được chính cái quyền tự do mỗi cá nhân nói lên ý kiến của mình. Nhất là ý kiến đi ngược lại với quan điểm và nhận thức về mọi vấn đề của họ.

“Page này bị… mà đăng bài này?”

“Tại sao page lại đăng một bài như thế này?”

“Vì bài viết này mình unlike page”

“Mọi quan điểm trong bài viết lẫn ý kiến cá nhân của người viết tôi coi là rác hết. Tại sao tôi lại coi là rác vì blah blah, nên blah blah”…

Đây là một số bình luận hôm qua đập vào mắt mình và những bình luận này đều không liên quan đến vấn đề, nội dung, quan điểm mình muốn chia sẻ mà nó mang sự phán xét nhiều hơn là bản chất của bài viết. Sau đó một loạt những câu hỏi tại sao cứ chạy trong đầu mình như: Vậy tại sao page lại không thể đăng bài của mình? Dựa vào đâu để nói được hay không được? Dựa vào quan điểm cá nhân hay quan điểm phổ biến? Tại sao vì bài viết trái với quan điểm của bạn thì bạn lại unlike? Bạn unlike vì bài viết hay vì chất lượng fanpage. Nếu vì bài viết thì bạn quá nhỏ nhen, còn vì fanpage thì bạn đang tự mâu thuẫn với chính bản thân về việc tại sao trước đây bạn lại like page. Và có người nói bài viết của mình là rác thì đâu có nghĩa là mình không được quyền nói lên ý kiến của bản thân?

Vậy bạn ấy cảm thấy thế nào nếu quan điểm của chính bạn ấy cũng là rác trong mắt người khác? Bạn có thể thoải mái thả một câu nói và coi mình thượng đẳng cùng một tri thức bao la khi phán xét người khác chăng? Thực tế thì bạn hẹp hòi hơn mình tưởng đấy. Thực tế, dù công nghệ, tiện ích và giáo dục có tiến bộ đến đâu thì việc con người vẫn bị chi phối bởi cảm tính và cái tôi rất nhiều. Đặc biệt là chúng ta rất khó chấp nhận sự khác biệt về suy nghĩ, quan điểm, nhận thức…

Trong thế giới của mỗi cá nhân, cái định vị bạn là ai hay bản ngã đến từ những gì bạn biết, bạn tin và bạn chấp nhận nó. Vì thế khi có một ai đó có mộ cái nhìn khác biệt thì thay vì chấp nhận, hoặc ít nhất cho người đó một chỗ đứng thì đám đông lại muốn xoá bỏ những sự khác biệt đó ngay lập tức nếu nó đi chệch khỏi thế giới quan của mình. Nhưng đồng thời, đám đông quên đi mất những quyền cơ bản của một xã hội hiện đại nào cũng đang được thừa hưởng dù ít hay nhiều : Tự do và dân chủ – yếu tố cốt lõi để mỗi cá nhân được sống theo và làm những gì mình muốn Tự do và dân chủ luôn là những chủ đề quan trọng mà từ tôn giáo cho tới triết học luôn đề cập và khuyến khích thể chế, quốc gia và xã hội dù thế nào cũng phải đạt được.

Đó là hai chất liệu cấu tạo nên nền tảng của sự văn minh và tiến bộ. Thậm chí, đó là hai thứ khiến con người chúng ta từ cổ chí kim đã phải đổ máu nhiều hơn bất cứ cái gì. Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi dám chết cho cái quyền anh được nói. Nhưng thực sự chúng ta vẫn thật khó chấp nhận những suy nghĩ và ý kiến khác biệt. Sự tự do có tính hai mặt của nó, bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và người khác cũng như vậy.

Nhưng nếu nó đi chệch khỏi những gì người khác nghĩ và cho là phải như vậy, xung đột chắc chắn sẽ xảy ra. Không phải là gươm đao hay súng đạn mà bằng những sự công kích, chỉ trích nhân danh cá nhân thì nhiều nhưng luôn núp bóng sự phổ quát và phổ quát. Cái tôi cá nhân nó mang sự ích kỷ, tự cao, luôn nghĩ mình đúng và tin tưởng tuyệt đối vào thế giới quan của mình. Nó không cho phép sự công bằng mà luôn đòi hỏi sự đúng – sai mà nó lại chẳng bao giờ nghĩ rằng nó sai. Trên hết, nó cự tuyệt mọi quan điểm, mọi ý kiến của những gì không thuộc thế giới quan của mình. Vì thế, nó lên tiếng đòi lại công lý phổ quát nhưng thực chất là nói lên ý kiến của bản thân mình. Nhưng nếu anh không chấp nhận ý kiến của người khác thì sao anh có thể chịu đựng nổi sự dân chủ? Và tự do và dân chủ này chẳng phải là quyền và sự phổ biến trên internet và thế giới bây giờ sao? Tại sao anh có thể lên án người khác khi họ nói ra suy nghĩ của mình nhưng lại tin tưởng bản thân đang trải nghiệm một dân chủ hơn bao giờ hết?

Nói ngắn gọn, chúng ta có thể công kích người khác nhưng đừng nghĩ rằng có thể tước đi quyền được lên tiếng của người đó. Ngược lại, mình sẽ viết những gì mình muốn và đám đông thích nói gì thì nói. Về cơ bản, truyền hình đã và đang vẫn truyền tải những sự giá dối trơ trẽn. Cả bây giờ lẫn quá khứ. Đôi khi những hình tượng sụp đổ. Những chương trình truyền hình biến mất. Nhưng những giá trị độc hại vẫn tồn tại và tiếp tục được truyền tải không ngừng.

Cuối cùng đám đông không chỉ hành xử cảm tính, không chấp nhận được dân chủ lẫn tự do mà còn không phân biệt được sự thật và dối trá dù chỉ là xem nó qua truyền hình.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân