KHI CÓ ÍT HƠN THÌ CŨNG LÀ NHIỀU HƠN

Một trong những mục tiêu trong năm nay của mình là đọc được 50 cuốn sách. 15 tháng 9 mình đã đọc tổng cộng là 52 cuốn, vượt cả mục tiêu ban đầu.
 
Hiện tại, mình còn khoảng 40 trang cuốn thứ 64 – 12 Quy luật cuộc đời và nghe được hơn 50% sách nói cuốn The Power of Focus của Daniel Goleman, tức cuốn thứ 65. Chưa kể trong thời gian vừa rồi mình cũng đọc lại bộ 1Q84 của Murakami dài hơn 1100 trang.
 
Điều đáng nói ở đây là mình đọc trong trạng thái chỉ khoảng 60 phần trăm sức lực của bản thân (Khoảng 10 ngày gần đây thì đã tiến triển tốt hơn, mình đã có thể tập trung và duy trì khả năng làm việc lên chừng 70 tới 75 phần trăm) và đã dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, điều trị và phục hồi sức khoẻ hơn rất nhiều. Có thể nói rằng, đây là thời điểm mình được nghỉ ngơi nhiều nhất trong 6 năm gần đây.
 
Thậm chí mình đã cho phép bản thân được xao nhãng, được tận hưởng internet và các hoạt động vui chơi nhiều hơn. Và điều này khiến mình vô cùng ngạc nhiên khi nhìn lại số sách đã đọc trong gần hai tháng qua vẫn khá nhiều và đều đặn, trung bình 1 cuốn 1 tuần.
 
Kể từ ngày 21 tháng 9, sức khoẻ của mình có vấn đề sau khi tiêm vaccine và mình vẫn trong quá trình hồi phục. Mắt mình trong khoảng thời gian này yếu đi nhiều vì tình trạng bệnh. Khi mình nhìn vào các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh là nhanh mỏi và chảy nước mắt – Gần hai tháng nay mình không đọc được ebook trên iPhone hoặc laptop, vì thế mình đã chuyển sang nghe sách nói trên Youtube.
Nhưng ngược lại, khi nhìn vào sách giấy, mắt mình lại có thể nhìn và đọc trong một khoảng thời gian tương đối mà không bị mỏi hay chảy nước mắt. Thậm chí mình còn không chủ động đọc, nhưng vì chẳng có nhiều thứ tiêu khiển trong thời gian trị bệnh, lẫn tác động của hành vi và thói quen đọc mỗi ngày đã làm mình đọc một cách vô thức như bị quỷ ám. Cứ rảnh hay cảm thấy thể trạng tốt là mình lại đọc, ghi chép và thi thoảng viết một cái gì đó khi ý tưởng tuôn trào ra quá nhiều từ… đọc và ghi chép.
 
Kết quả là không chỉ mình đã đọc thêm được 13 cuốn sách mới, chưa kể sách cũ mà còn có những bài viết có hiệu ứng viral – lan truyền được mọi người đón nhận theo cách khiến mình cảm thấy sốc (Ví dụ điển hình nhất là bài viết về Chủ nghĩa Nhanh và Ngắn).
 
Trong thời gian đó mình cũng làm những công việc mà một freelancer phải làm để có tiền ngồi cà phê, tiền đi chơi với anh em, bạn bè và trả viện phí mà với thể trạng chỉ luôn ở trong 60 phần trăm so với lúc khoẻ mạnh.
 
Và mình đã đi kết luận rằng khi bệnh tật hay nghịch cảnh xuất hiện thì nó càng khiến bản thân TẬP TRUNG vào những gì có thể làm, và làm với sự chú tâm cao độ. Phải thành thật rằng mình mới nhận biết trạng thái tập trung khi hôm nay nhìn lại những gì đã làm trong hai tháng vừa qua.
 
Cả ngày hôm nay mình đã suy nghĩ về điều đó, về dỏng chảy và trạng thái tập trung bất chấp thể trạng này đến từ đâu, tại sao nó lại hiệu quả như thế, hơn cả lúc mình hoàn toàn khoẻ mạnh, thì mình có những nhận định và kết luận như thế này:
 
1. Vì mắt mình yếu không sử dụng thiết bị công nghệ được thì vô hình chung điều này cũng đã ngăn chặn các kết nối khiến bản thân mình xao nhãng một cách tối đa và hiệu quả. Điều này khiến mình loại bỏ được một lựa chọn đầy hấp dẫn nhưng không đem lại nhiều giá trị cho bản thân lẫn công việc.
 
Và dù mình có ít thời gian để tập trung trong trạng thái tốt nhất nhưng lại chỉ tập trung vào điều cần thiết và phù hợp nhất là đọc, ghi chép và viết nên dù thể trạng không tốt nhưng mình vẫn có thể dễ dàng đạt được trạng thái Flow- dòng chảy và Deep work – tập trung sâu.
2. Ngay cả khi không đọc, không ghi chép và cũng không viết thì khi ngồi cà phê một mình hay với mọi người thì mình vẫn bị ám ảnh một cực độ về những ý tưởng bất thần xuống hiện hay loé sáng trong đầu. Đây không phải là một phép màu hay bí mật nào cả, chỉ đơn giản là tình trạng sức khoẻ của mình trong hai tháng qua dù muốn cầm điện thoại để lướt tin tức, hình ảnh cũng không thể nào quá vài phút mà không thấy mỏi mắt.
 
Vì thế trong khi mọi người vừa nói chuyện, vừa lướt facebook hay tiktok thì mình lại chìm đắm trong những suy nghĩ, trong những tín hiệu mập mờ nhất của ý tưởng hòng nắm bứt được mạch chính và sắp xếp thành một cái gì đó hoàn chỉnh trong đầu. Bài viết về Chủ nghĩa Nhanh và Ngắn mình viết trong một ngày, dài gàn 4500 chữ nhưng ý tưởng về nó mình hình thành từ những rởi rạch khi ngồi quan sát mọi người và thế giới xung quanh.
 
3 .Mình phải cảm ơn bản thân trong những năm qua đã liên tục duy trì các thói quen tốt như đọc, viết và suy ngẫm một mình. Có thể đó là một sự cô độc trong thế giới đa kết nối ngày nay, nhưng sự cô độc này khiến mình trở nên sâu sắc – ít nhất là tốt cho bản thân mình. Cuối cùng, ngay cả khi sức khoẻ của mình bất ngờ nhận một trời giáng, thì những thói quen đó đã ăn sâu vào con người mình đến mức mình làm và lựa chọn một cách vô thức mà vẫn đạt được hiệu quả cao.
 
Điển hình nhất là ngay cả khi không thể đọc được ebook trong hai tháng vừa qua, thì mình đã chủ động chuyển sáng nghe sách nói như một cách thay thế mà không ảnh hưởng đến thói quen đọc. Thậm chí lựa chọn này còn đem tới cho mình những lợi ích tốt hơn vì nghe có cảm giác thư giãn hơn và trong khi nghe mình đồng thời ngay lập tức xâu chuỗi lại thông tin và ghi chép lại ngay ý tưởng khi nó loé sáng trong tích tắc.
 
Cuối cùng là một lối sống hướng nội đã dạy cho mình một bài học Khắc kỷ quan trọng: Kiểm soát những thứ trong khả năng của bạn và đừng để những gì bạn không kiểm soát cào xé thể xác và tinh thần của bạn.
 
Mình không kiểm soát được bệnh tật hay nghịch cảnh bỗng nhiên xuất hiện. Nhưng mình có toàn quyền quyết định về những lựa chọn để biến mỗi ngày trôi qua có ý nghĩa hơn là cứ than thở “Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?”. Tại sao lại không chứ?
 
Nhưng tại sao mình lại phải chú tâm đến nó quá nhiều trong khi bỏ bê bản thân mình và những gì mình phải làm, là những điều nên được ưu tiên và quan tâm tới hơn.
Khi chính bản thân trải nghiệm nghịch cảnh và cải thiện, vượt lên nghịch cảnh thì đây là mình chắc chắn một điều: Ý CHÍ của chúng ta có sức mạnh tích cực hơn sụ tiêu cực mà NGHỊCH CẢNH đem tới rất nhiều.
 
Nghịch cảnh tạo ra đau khổ, nhưng ý chí giúp ta vượt lên nỗi khổ đau đó và nắm quyền kiểm soát vận mệnh của bản thân.
 
Và khi có ít hơn thì chúng ta sẽ tập trung tốt hơn vào những gì đang có, những gì còn lại một cách hiệu quả nhất.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân