MÌNH NGHĨ GÌ KHI ĐÃ ĐỌC HƠN 30 CUỐN SÁCH ĐA THỂ LOẠI CỦA NHẬT MÀ KHÔNG VĂN CHƯƠNG?

Sau khi đọc hơn 30 cuốn sách selfhelp, khởi nghiệp, kinh doanh, tự truyện, phát triển kỹ năng, tâm lý hành vi, sức khoẻ, y học…mà không phải văn chương của các tác giả, nhà kinh doanh và đào tạo đến từ Nhật Bản thì mình thấy tất cả những cuốn sách mình đọc có những điểm chung như sau.
 
1. Nội dung ngắn gọn, xúc tích, nhiều câu nhiều chữ được cân nhắc rất kỹ lưỡng nhằm tạo động lực và cảm hứng cho người đọc dễ dàng và nhanh chóng nhất. Thậm chí bố cục của từng chương gần như được sắp xếp rất cân bằng, không chương nào quá ngắn hay quá dài khi so với nhau.
 
2. Nội dung sách gần như giữ trọn vẹn những trải nghiệm, kinh nghiệm được đúc rút người viết. Có những quan điểm mà theo mình là đặc biệt dễ làm người đọc cảm thấy trái chiều, cần phải bàn luận cũng như cần kiểm chứng những kinh nghiệm trong thực tế.
Ví dụ trong một cuốn mà tác giả chia sẻ cách mình đã đọc 700 cuốn trong 1 năm, tương đương 2 cuốn 1 ngày thì đó phần nhiều là mẹo đọc đã được tối ưu cho tác giả, vốn là người có những kỹ năng đọc được tích luỹ qua hàng năm.
Thật sự để người đọc áp dụng được sẽ khó khăn vì khác biệt về văn hoá cùng môi trường. Tuy nhiên đây lại là điểm mình thấy thú vị khi quan điểm hay một cuốn sách được viết bằng sự chủ quan để người đọc có thể có được cái nhìn khách quan nhất về trải nghiệm của tác giả. Giống như văn chương, bạn có thể thích hay không nhưng cứ phải đọc thì mới biết được.
 
3. Gần như mọi tác giả đều có sự tự tin rất cao về những gì mình viết trong sách sẽ khiến người đọc cảm thấy trầm trồ và dễ dàng áp dụng được. Nhưng với mình nó lại không hoàn toàn đúng. Tất nhiên vì họ đã làm được thì mới viết ra được, tuy vậy việc để học hỏi và áp dụng được những kinh nghiệm này lại phụ thuộc ở một vài yếu tố khác có liên quan các cuốn sách dày cỡ 400-500 trang thay vì 250-280 trang có phần khó đọc hơn theo chuẩn của phương Tây (Ít nhất là đối với mình).
 
Vấn đề lớn nhất ở đây không nằm ở các cuốn sách mà nằm ở việc người đọc Việt Nam sẽ thật khó để ứng dụng những gì mình đã đọc dù gây cảm hứng và truyền động lực. Nhưng tất cả sẽ chỉ dừng lại ở đây vì những cuốn sách dễ đọc này chỉ là phần ngọn chứ không phải cái gốc.
 
Và để có thể hiểu được những cuốn sách ngắn và hay của Nhật (không phải văn học) này thì cần phải đọc những cuốn sách dài và có phần khó đọc nhưng không phải của Nhật?
 
Tại sao lại như vậy?
 
Dựa trên quan sát của cá nhân mình thì lý do tại sao các đầu sách của Nhật Bản được chủ ý viết ngắn gọn nằm ở văn hoá và thói quen đi tàu điện ngầm và làm việc như điên của người Nhật.
 
Người Nhật nổi tiếng bận rộn, vội vàng và cống hiến cho công việc. Khi di chuyển bằng tàu điện, nhiều người sẽ tranh thủ thời gian để đọc, và trong không gian đông đúc, chật hẹp như vậy thì ngay đến sách cũng phải mỏng, nội dung cũng phải sắp xếp sao cho người đọc cảm thấy thú vị và dễ nắm bắt nhất có thể.
 
Đối với mình thì chính việc các tác giả luôn viết trên câu chuyện, trải nghiệm và kinh nghiệm có phần nào đó chủ quan, cũng như được bồi đắp bằng những mỹ từ truyền cảm hứng đã tạo ra các cuốn sách phù hợp với gu đọc và con người Nhật Bản ngày nay.
 
Chính cũng vì đôi bên đều là người Nhật, đều cùng chia sẻ học vấn, thói quen và xã hội như nhau nên nội dung hay cách truyền tải có phần tự do và tự tin thì cũng có thể hiểu được. Phải nói rằng, gần như 30 cuốn đủ mọi thể loại trừ văn chương của Nhật kiểu này mình đọc đều rất ít lý thuyết, dẫn chứng, thống kê hay nền tảng mà đi thẳng vào câu chuyện và trải nghiệm cá nhân. Nó thực sự thú vị nhưng lại gây khó khăn để người đọc Việt Nam có thể nắm bắt và học hỏi từ những kinh nghiệm cùng quan điểm cá nhân của người viết.
 
Và một lần nữa mình lại nói đến tầm quan trọng của những cuốn sách dày và khó đọc nhưng lại tạo ra nền tảng cho bạn khi tiếp nhận sự thú vị, mới mẻ và đặc trưng của Quốc gia. Về cơ bản, mình biết tất cả các tác giả người Nhật này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của những cuốn sách nền tảng với nhiều lý thuyết trước khi bắt đầu viết ra những cuốn sách riêng cho mình và phù hợp với thị trường và văn hoá đọc tại Quốc gia của họ.
 
Khi bạn đã đi từ gốc thì dù ngọn cao hay hướng về bên nào cũng không phải là vấn đề. Thậm chí bạn còn có thể hưởng lợi và ứng dụng dễ dàng cũng như nhanh chóng những thông tin hay kiến thức đã đọc.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận