KHÔNG MANG ĐƯỢC TIỀN VỀ CHO MẸ THÌ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

CÁI GIÁ CỦA VIỆC LÀ MỘT ĐỨA CON NGOAN
 
Quan điểm về sự bất hạnh của một đứa trẻ với mình là: cố trở thành đứa con ngoan dựa trên những giá trị phổ quát.
 
Bạn cảm thấy mình phải đạt điểm 9 điểm 10 để không phải tủi thân hay xấu hổ mỗi khi bố mẹ bạn lôi bạn ra so sánh với một đứa con nhà người ta nào đó dù việc này đẩy bạn vào một cuộc ganh đua đầy áp lực.
 
Rồi bạn muốn làm hài lòng bố mẹ dù cảm thấy không hạnh phúc khi phải học hay làm việc trong một lĩnh vực nào đó.
 
Bạn còn trở nên bất mãn hơn nữa khi bố mẹ thúc giục chuyện hẹn và kết hôn rồi sau đó tham gia ít nhiều vào việc bạn phải yêu ai và phải kết hôn với ai thì người đó mới là tốt cho bạn.
 
Và việc bạn cố tỏ ra hạnh phúc và hoàn toàn ổn khi có thể đền đáp gia đình bằng cách “Mang tiền về cho mẹ chứ không phải ưu phiền về cho mẹ”.
 
Nhưng kể cả tâm hôn và thực tại của bạn có cuốn theo giai điệu nhẹ nhàng và tình cảm đến thế thì cũng không thể phủ nhận được thực tế “Để kiếm được tiền mang về thì đó là một con đường chất chứa vô hạn những ưu phiền”. Tất nhiên điều này không đúng với Đ, không đúng với một số ít người nhưng đúng với đa số tất cả chúng ta.
 
Đ- ca sĩ và tác giả của bài hát Mang tiền về… đó có thể làm được cả hai : mang tiền về nhưng không mang ưu phiền cho mẹ cậu ấy. Thậm chí tiền đó Đ còn tự hào hát rằng tiền Đ kiếm là tiền thật không cần phải tiền rửa, cũng như khuyên người nghe rằng kiểu tiền cầm trên tay để mang về cho mẹ phải là “tiền tốt” chứ không phải “tiền tệ”.
 
Nhưng chúng ta phải lấy thang đánh giá nào để phân biệt đâu là tiền tốt hay tiền tệ? Tất nhiên ai cũng muốn bán hình ảnh, bán âm nhạc và bán cả quảng cáo như Đ để mang tiền về cho mẹ. Đó là tiền tốt và tiền thật không phải bàn cãi. Vậy còn về tiền tệ thì sao? Tiền tệ ở đây có lẽ theo ý Đ muốn nói rằng là những đồng tiền không hợp pháp, là tiền kiếm trên mồ hôi, nước mắt và máu của người khác… Nôm na là loại tiền bẩn thỉu trong đạo đức học dạy chúng ta rằng nên tranh xa thứ tiền này tốt nhất có thể.
 
Vậy còn thứ tiền mà chúng ta phải đánh đổi bằng áp lực, phải làm những gì mình không thích, phải nín nhịn những bất công, phải coi như mù trước những việc-đừng-nói-ra-thì-hơn, phải nói lời xã giao để hài lòng đồng nghiệp, phải chịu đựng những lời gạ gẫm tình dục của cấp trên và thức cả đêm để lên kế hoạch trong tình trạng đã hút 20 điếu thuốc thì đây là thứ tiền tốt hay tiền tệ, là thứ tiền mang về cho mẹ và nói rằng con vẫn ổn dù thực tế chúng ta ưu phiền sắp tâm thần đến nơi rồi thì sao? Chẳng lẽ loại tiền này không xứng đáng để mang về cho mẹ và nó có đủ ma lực để xoá nhoà ưu phiền của chúng ta?
 
MỘT TRƯỜNG HỢP BẤT HẠNH DÙ MANG ĐƯỢC NHIỀU TIỀN VỀ CHO GIA ĐÌNH
 
Mấy tháng trước mình gặp T, một bạn sinh năm 89, bằng tuổi mình và Đ. T là điển hình của một đứa con ngoan. Nhà T lúc bé khá khó khăn, nên T đặt mục tiêu phải học thật giỏi coi như là niềm an ui với cha mẹ. Đến lớp 12, T có hai lựa chọn, một là học kiểm toán, hai là học về lập trình. T thích lập trình hơn, nhưng bố mẹ T nói rằng học kế toán thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. T đã chọn điều mà bố mẹ cậu cho rằng tốt với mình thay vì điều cậu ấy thích.
 
31 tuổi, T đã là kế toán trưởng với nhiều kinh nghiệm trong nghề. T không chỉ là kế toán ở công ty mình làm, mà còn làm thêm ở những công ty khác. T cũng đã mua đất và xây được nhà ở một Quận cách trung tâm Hà Nội 10km. T cũng có khoản tiết kiệm đủ lớn để đầu tư hay mua ô tô, đồng thời cũng đảm bảo về mọi mặt để vay ngân hàng một món tiền lớn nếu có nhu cầu mà chẳng lo lắng gì hết. T đã kết hôn và có hai đứa con sắp vào tiểu học. Từ sự nghiệp cho tới cuộc sống riêng của T tính tới thời điểm khi gặp mình thì T đúng là mẫu con nhà người ta điển hình.
 
Nhưng T kể với mình rằng cậu ấy đang phải uống thuốc chống trầm cảm và bỏ tiền đi tư vấn tâm lý. T nói rằng cậu ấy không tìm kiếm được ý nghĩa trong công việc và căm ghét nó dù đó là công việc kiếm được nhiều tiền.
 
“Nhân có hiểu kế toán là gì không?” T mỉm cười lắc đầu khi mình hỏi lý do “Kế toán là một công việc khiến cậu phải thay đổi, phải thêm vào những con số mà bản thân cậu không muốn, nhưng nếu không làm thì công ty sẽ đuổi việc cậu, mà nếu không đuổi việc cậu thì công ty sẽ gặp nhiều rắc rối khi không biến đổi những con số đó. Tớ có thể bỏ việc ngay hôm nay, nhưng sau đó tớ có thể làm gì được nữa? Tớ không chỉ lo cho gia đình mình mà còn cả bố mẹ nữa. Còn bố mẹ vẫn luôn coi tớ là đứa con ngoan và có hiếu. Vậy tớ có phải là đứa con ngoan và có hiếu nếu từ bỏ tất cả những gì đang làm không?”.
 
Sau buổi nói chuyện, T kết luận rằng điều cậu ấy hối hận nhất là đã không quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim mình trong việc lựa chọn ngành nghề.
 
“Có thể tớ không kiếm được nhiều tiền như bây giờ. Có thể tớ không giúp đỡ được bố mẹ, nhưng tớ có lý do và cảm hứng để sống cuộc đời của chính mình”. T nói.
 
T đã mang tiền về cho bố mẹ, nhưng cậu ấy vẫn có quá nhiều ưu phiền mà không thể nói ra để giờ đây T phải nuốt những viên thuốc mà cậu ấy biết chưa chắc đã có tác dụng.
 
Cũng giống như T, không ít người trong chúng ta đã và đang ít nhiều phải cầm những đồng tiền tệ ấy để sống, để trang trải cho những hoá đơn và ít nhiều mang về nhà đưa cho bố mẹ thứ tiền tệ ấy. Đó những đồng tiền không phải tiền bẩn, tiền giang hồ, tiền mồ hôi nước mắt của người khác nhưng được đổi lấy bằng chính mồ hôi, nước mắt, tuổi trẻ và sức khoẻ của chúng ta.
 
Cũng giống như T, bạn có thể mang tiền về cho mẹ, cũng có thể không mang ưu phiền về cho mẹ, nhưng ưu phiền để có được những đồng tiền đó, ưu phiền để tỏ ra mọi chuyện vẫn ổn sẽ luôn tồn tại khi mọi thứ bạn làm, cách bạn nghĩ mọi thứ sẽ tốt đẹp khi mang tiền hay mang bất cứ thứ gì có thể.
 
Đ có thể hoá thân thành giáo viên, công nhân, ngư dân và lập lại điệp khúc “Mang tiền về cho mẹ”, nhưng cậu ấy đâu có thể biến đổi thực tại rằng vô số giáo viên, công nhân hay ngư dân đều chất chứa nhiều ưu phiền để có thể mang tiền về chứ không ai có tài năng và may mắn như Đ được.
 
Nhưng nếu chỉ có thể đem về ưu phiền chứ không phải là tiền cho mẹ thì đó có phải là một tội lỗi, bất lực hay bất hiếu với gia đình của chúng ta hay không?
 
Tại sao lại không?
 
BẠN CÓ NHỮNG THỨ KHÁC ĐỂ MANG VỀ CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ TIỀN
 
Vì cuộc sống ngoài kia ưu phiền nhiều hơn cả niềm vui lẫn tiền bạc. Mà gia đình là nơi để bạn nói ra, chia sẻ những ưu phiền ấy nếu bố mẹ cảm thông và lắng nghe bạn. Nếu không thì liệu có nỗi buồn nào bằng việc bạn tỏ ra vui vẻ với người thân và chỉ biết tâm sự với ai đó bên ngoài? Nhưng chúng ta vẫn đang làm thế, vì sợ mang tới ưu phiền cho bố cho mẹ. Thậm chí chúng ta giữ lấy những sự tiêu cực đó và để nó dìm chúng ta sâu hơn trong bóng tối của thực tại.
 
Và kể cả có kiếm được tiền thì cũng đừng chú trọng việc mang tiền về cho mẹ. Tiền bạc có thể xoa dịu, có thể an ủi nhưng đâu phải lúc nào mọi thứ đều thuận lợi để năm nào có thể mang tiền về được.
 
Bạn có thể thông cảm với những cơn giận vô lý của bố mẹ.
 
Bạn có thể nói chuyện nhiều hơn với bố, người mà bạn ít khi nói ra tâm tư của mình.
 
Bạn có thể kể về sự chia tay của mình với mẹ và nói rằng “buồn thật đấy, nhưng con sẽ ổn thôi mẹ ạ”.
 
Nếu mang được tiền về thì tốt. Còn không hãy trở về cho bố mẹ thấy bạn vẫn khoẻ mạnh và vui vẻ.
 
Hãy nhớ Tết năm nay, ở ngoài kia có những người không mang được tiền về cho mẹ và cũng không thể về được. Có lẽ là vì công việc. Có lẽ là vì dịch bệnh. Và có lẽ cả vì sự mặc cảm về bản thân khi không mang tiền về được cho mẹ.
 
Photo: trongsont2
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân