Mọi người luôn nói rằng “Chất lượng tốt hơn số lượng”.
Nhưng công thức này chưa chắc có thể áp dụng cho tất cả mọi lĩnh vực.
Bạn có tự hỏi tại sao dù chỉ mang 1 cuốn sách nhưng bạn vẫn không thể tập trung đọc lâu, đọc sâu và hiệu quả không?
Và khi đã không đọc được thì bạn sẽ từ bỏ, sẽ cất cuốn sách đó lên kệ dù chỉ còn 50 trang nữa là hoàn thành không?
Vấn đề không nằm ở sách, ở tốc độ đọc hay nội dung. Vấn đề thực sự nằm ở nhịp điệu đọc của bạn. Nhịp điệu là thứ lên và xuống thất thường như cảm xúc vậy. Đó mới là thứ ngăn cản bạn đọc xong 1 cuốn sác một cách dễ dàng.
Trong 3 năm trở lại đây, mỗi ngày mình đều mang theo ít nhất 2 cuốn sách trong balo, chưa kể sổ ghi chép. Có những ngày mình chỉ đọc 20 hoặc 30 phút thì mình vẫn đem nhiều sách.
Ngay trong trong hiện tại, khi mình gặp phải một chấn thương vai gây đau âm ỉ và khó chịu khi chuyển động, thì vẫn mang theo trong balo 4 cuốn sách chưa kể laptop, bàn phím cơ…
Những cuốn sách mình mang theo đều chia thành nhiều thể loại và có hẳn mục đích rõ ràng như:
1. Một cuốn có nội dung mới mẻ, thuộc thể loại mình cần học hỏi và tăng cường kiến thức. Đây là loại sách khó đọc.
2. Cuốn tiếp theo thì dễ hơn. Dễ đến mức ngay cả trong lúc sao nhãng và đọc thiếu hiệu quả nhất.
3. Một cuốn sách giúp ích cho công việc của mình. Thường là những cuốn sách đối tác, khách hàng muốn mình đọc để xây dựng, bổ sung tốt hơn cho nội dung của các dự án công việc.
4. Cuốn cuối cùng là cuốn đã đọc xong và đang trong quá trình ghi chép. Trong quá trình ghi chép lại này thì mình coi đây là một lần đọc lại nhưng đã được cô đọng và tập trung vào những giá trị tốt nhất mà cuốn sách đem lại thông qua đánh đấu và hệ thông phân loại ghi chép của riêng mình.
5. Một cuốn sổ ghi chép và giấy nhớ để viết lại những ý tưởng hay đưa vào hệ thống ghi chép cá nhân.
Câu hỏi ở đây là tại sao chỉ là đọc và ghi chép thì mình lại mất nhiều công sức và xử lý cồng kềnh đến như vậy?
Theo kinh nghiệm đọc mỗi ngày trong hơn 10 năm của mình thì sai lầm mà 98% người đọc mắc phải là không lựa chọn đúng sách để đọc, không hiểu rõ nhịp điệu và những thời điểm tập trung khi đọc. Điều này đúng với cả những người có thói quen đọc lẫn đang hình thành thói quen đọc.
Và vì thế, ngay cả khi bạn luôn cầm trên tay một cuốn sách trong nhiều ngày, dù sách mỏng và nội dung thì dễ đọc, thì chưa chắc bạn đã đọc xong sớm như dự định vì bạn chưa hiểu về sự ảnh hưởng của nhịp điệu sinh học tác động đến việc bạn đọc ra sao. Như lực hấp dẫn ảnh hưởng tới Trái đất vậy.
Giống như năng lượng hay thể lực, thì sự tập trung cũng giảm dần theo thời gian khi ta sử dụng. Đa số mọi người sẽ tập trung cao nhất buổi sáng, là khoảng thời gian lý tưởng để đọc một cuốn sách khó.
Với cá nhân mình thì từ 7h cho tới 11 giờ, buổi chiều từ 3 giờ cho tới 5 giờ 30 và buổi tối tầm khoảng 9 giờ đến 11h30 giờ. Thời gian đọc sẽ liên tục thay đổi tuỳ theo công việc và sự tập trung của mình trong ngày.
Nhưng mình không bao giờ bị rơi vào tình trạng quá tải, do liên tục đưa ra điều chỉnh và lựa chọn sách để đọc khi sự tập trung giảm xuống hay tăng lên trong ngày.
Mình nhận ra là đa số mọi người đều phải học tập và làm việc cố định nên sẽ ít thời gian đọc lâu và tập trung như mình được. Mình có thể dành 3 tiếng buổi sáng để đọc một cuốn sách hấp dẫn nhưng khó đọc vì nhiều kiến thức mới, còn mọi người thì chỉ có thể đọc trong khoảng 30-60 phút mà thôi.
Vì thế mình giả định rằng nếu mình là một người mới xây dựng thói quen đọc, thì mình sẽ luôn mang theo 2 cuốn sách để đọc. Một cuốn dễ đọc, thuộc thể loại mình yêu thích như tiểu thuyết chẳng hạn. Cuốn thứ hai liên quan tới kinh doanh, kỹ năng sống, học ngoại ngữ…
Trong buổi sáng, trước khi vào học hay đi làm, mình sẽ đọc cuốn sách khó trong 20 phút, ghi chép và đánh dấu cẩn thận. Rồi đến buổi trưa, khi nghỉ ngơi, mình mang cuốn tiểu thuyết đọc ra thêm 20 phút nữa trước khi quay lại công việc.
Chiều tối sau khi hoàn tất mọi thứ trong một ngày và ăn uống nghỉ ngơi rồi thì mình sẽ quay lại đọc tiếp cuốn sách khó 20 phút hoặc 30 phút. Còn trong trường hợp mình khó tập trung và sao nhãng thì mình sẽ đọc cuốn tiểu thuyết hoặc ghi chép hơn. Lý do là hai điều này dễ thực hơn là tiếp tục đọc cuốn sách khó.
Như vậy ngay cả đối với một người chỉ có 60 phút rảnh rỗi, ở trong tình trạng bận rộn và sao nhãng nhất thì đều có thể đọc được 60 trang sách mà không phải gồng lên để đọc cả.
60 trang 1 ngày, 1 tuần 420 trang = 1 cuốn sách.
1 năm có 50 tuần thì bạn đã đọc được 50 cuốn sách rồi đấy!
Tất cả chỉ bằng 3 lần đọc 20 phút trong một ngày mà thôi.
Bill Gates luôn mang theo ít nhất 5 cuốn sách mỗi ngày để đọc theo nhịp điệu của mình. Buổi sáng Gates sẽ đọc và ghi chép một đống số liệu nhức đầu. Buổi tối Gates đọc về giáo dục và tiểu thuyết, những chủ đề nhẹ nhàng hơn so với chính sách công hay năng lượng.
Cal Newport – tác giả cuốn bestseller Deep Work dù chỉ có thời gian vài tiếng đọc vào buổi tối, trong khi một tay đang bồng con nhỏ thì anh vẫn để sẵn trước mặt vài cuốn sách để thay đổi tuỳ theo nhịp điệu đọc lên hoặc xuống.
Hãy nhớ rằng để đọc được liên tục mỗi ngày nó không nằm ở tốc độ đọc, sách bạn đọc mà phụ thuộc vào thời gian và nhịp điệu tập trung của bạn.
Khi bạn tập trung cao độ hay đọc những cuốn sách khó.
Khi sự tập đi xuống thì bạn hãy đọc những cuốn sách dễ, hoặc ghi chép lại những gì bạn đã đọc từ cuốn sách trước.
Vì cơ thể, tâm lý và nhịp điệu sinh học là những thứ bất thường nhất, nên hãy luôn mang bên mình nhiều hơn một sách để thay đổi theo trạng thái của bạn.
Để đọc nhiều hơn cũng đồng nghĩa phải mang nhiều sách hơn. Đó sự là sự chuẩn bị và kỷ luật đầu tiên để bắt đầu đọc và thu được vô số lợi ích từ sách.
Photo: 5 cuốn sách mình mang theo trong ngày hôm nay và 1 cuốn sổ ghi chép. Mỗi cuốn đều có mục đích và gắn với nhịp điệu đọc trong ngày của mình.