17 CUỐN SÁCH MÌNH ĐỌC TỪ THÁNG 6, 7 CHO TỚI 7/8/2022

Do điện thoại của mình bị hỏng phần cứng, phải thay mới và mất hết dữ liệu, nên mình không ghi chú ngày đọc xong một cách thứ tự giống như các tháng trước. Vì thế trong bài review này mình sẽ lần lượt review theo thứ tự những cuốn mình chấm thấp nhất cho tới cuốn các cuốn được chấm cao nhất.

Tính từ tổng hợp review cuối cùng mình viết từ tháng Giêng cho tới tháng Năm năm 2022 là 34 cuốn. Còn review này tính từ tháng Sau cho tới 7 tháng Tám là 17 cuốn. Như vậy mình đã đọc được 51 cuốn. Vượt chỉ tiêu cơ bản một năm đọc sách của mình là 50 cuốn.

Năm ngoái phải tới tháng 9 mình mới đọc đến cuốn 50. Nhưng năm nay mình có lượng công việc phải làm gấp ba lần năm ngoái. Như vậy mình còn 4 tháng nữa để gia tăng số sách có thể đọc nếu tận dụng được thời gian rảnh tốt hơn.

Sau đây là 17 review nhanh của mình.

1. Tiktok Marketing 1/5

Mình không nghĩ đây là một cuốn sách mà kì thực nó giống với dạng tổng hợp thông tin và kiến thức cơ bản về Tiktok thì đúng hơn.

Đa số những thông tin trong cuốn Tiktok marketing này người đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Từ lịch sử của Bytedance – là công ty sở hữu Tiktok cho đến những hướng dẫn cơ bản về cách sử dụng TikTok trên điện thoại… Phải tới hơn 90% nội dung trong sách bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên internet.

Tác giả cuốn này là một giảng viên marketing ở Trung Quốc nhạy bén với một ứng dụng phát triển nhanh như Tiktok. Nhờ vào lợi thế của người đi đầu nên anh ta đã dễ dàng xây một kênh Tiktok có hơn 3,5 triệu view chỉ trong vài tuần.

Tuy nhiên giờ đây những cái gọi là “bí kíp” hay “bí mật” của tác giả chia sẻ, thường là rất chung chung, vô thưởng vô phạt như Hãy sáng tạo lên, Hãy kiên nhẫn đi, Thực hành nhiều vào… thì mình cảm thấy nó chẳng còn hữu ích nữa vì sau 2 năm Tiktok đã thay đổi thuật toán quá nhiều đến mức mình phải nói là những kiến thức đó là vô dụng (cuốn sách này được viết vào năm 2020).

Nếu bạn là một người lười đến mức không thể bỏ ra vài giờ đồng hồ để search trên Google về cách làm thế nào để xây kênh Tiktok hiệu quả thì hãy cứ bỏ ra 139k để mua cuốn sách này để tham khảo.

Nhưng tốt nhất là đừng làm như vậy.

2. Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi. 2,5/5

Khi mình bắt đầu đọc hết trang đầu tiên thì mới nhận ra đây là một cuốn self help đến từ Trung Quốc.

Nhưng đây là một cuốn self help dễ đọc, dễ tiếp cận, có lồng ghép nhiều câu chuyện thực tế và mang tính cá nhân của người viết hơn hẳn các cuốn của Napoleon Hill hay Dale Carnegie. Cuốn Sách này mình đọc trong trạng thái mâu thuẫn khi vừa cảm thông với sự nỗ lực trong nghề viết của tác giả, nhưng cảm thấy một số tư tưởng mang sự áp đặt và độc hại với các bạn trẻ.

Thứ nhất là mình hoàn toàn đồng ý về việc tác giả chia sẻ rằng để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào thì phải chịu khó học hỏi, phải chấp nhận việc kiếm được ít tiền nhưng miễn là làm việc mình thích, phải chủ động và làm chủ cuộc sống của mình chứ không dựa vào ai, hãy làm việc 18 tiếng trong một thời gian dài trước khi hỏi ai đó rằng tại sao anh/chị lại may mắn kiếm được nhiều tiền đến như vậy… Đó đều là những chia sẻ thực tế và có thể áp dụng vào cuộc sống.

Cá nhân mình cũng giống như nữ tác giả cuốn sách này, vốn không có tài năng trong viết lách nhưng nhờ nỗ lực và kiên nhẫn nên giờ đây mình cũng đã được tận hưởng một chút thành quả. Như tác giả, thì mình đã từng viết vô số những bài viết không được bất cứ ai đọc hay tờ báo nào chấp nhận in. Nhưng không vì thế mà mình lại từ bỏ hay trách cứ người khác. Thay vì thế mình nhận ra bản thân rằng phải cố gắng và chăm chỉ nhiều hơn nữa trước khi nhận được sự công nhận của người đọc. Về điều này thì mình rất ủng hộ tác giả và nội dung trong cuốn sách.

Còn điều thứ hai thì mình cảm thấy rằng tác giả cũng đang dồn ép người đọc nhìn nhận sự chăm chỉ và tiết kiệm của mình là đúng. Dù rằng nó rất cực đoan và có ít nhiều sự độc hại: Làm việc đến chết để mua nhà!

Giống như nhiều tầng lớp ở Việt Nam thì con người Trung Quốc mà bản thân tác giả là một điển hình vô cùng quan trọng việc sở hữu một ngôi nhà mình đứng tên. Thậm chí tác giả đã đề cập vài lần trong suốt cuốn sách này. Cô cho rằng trong đời người, bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ thì việc mua được nhà quan trọng ngang với việc kết hôn và sinh con. Tác giả ủng hộ và tán dương việc mua nhà thông qua những câu chuyện về các con người khác và chính bản thân mình đã làm việc đến kiệt sức thế nào sau bao nhiêu năm để mua được nhà. Thậm chí cô nhấn mạnh rằng, việc mua được nhà cũng chính là cách lo lắng và thương yêu con cái nhất khi có thể giải quyết được vấn đề nhức nhối số một trong đời sống của một con người ngày nay ở Trung Quốc.

Điều này có thể là tốt hoặc không tốt với người đọc. Nhưng với mình thì nó được nhấn mạnh không cần thiết, thậm chí là độc hại. Nếu lấy mục tiêu là mua nhà rồi kiếm tiền không ngừng nghỉ trong 20, 30 năm để tích góp hay trả nợ thì đối với mình cuộc sống sẽ kém thi vị đi rất nhiều. Ví dụ điển hình chính là một số nhân vật mà tác giả nhắc đến. Họ chấp nhận làm một công việc nhàm chán cả đời, làm tăng giờ cả tháng, làm quần quật kể cả đó là công việc mình ghét trong hàng chục năm để đổi lại một căn nhà và mỉm cười cho rằng đó là hạnh phúc.

Mình cũng biết biết có nhiều bạn trẻ đang tích luỹ hoặc trả lãi hàng tháng cho ngôi nhà hoặc căn hộ của mình. Đó có thể là niềm vui, mục tiêu phấn đấu nhưng 20 hoặc 30 năm là thời gian rất dài, nhất là đối với các bạn trẻ mới 20 tuổi khi phải lao động và làm việc cật lực để đạt được mục tiêu đó.

Tất nhiên mình không phủ nhận giá trị của một ngôi nhà. Nó quan trọng chẳng kém việc kết hôn và sinh con.Việc tiết kiệm và làm việc trong một thời gian dài để mua được nhà là một điều đáng trân trọng. Có lẽ đối với mỗi người thì khoảng thời gian này dài hơn hoặc ngắn hơn, nhưng song song với việc sở hữu một ngôi nhà thì bạn cũng tận hưởng và làm chủ cuộc đời của chính mình dù cho vẫn chưa mua được một ngôi nhà hay căn hộ đúng nghĩa.

Bạn có thể đọc và hứng thú với cuốn sách này, nhưng hãy lựa chọn thật cẩn thận những gì nó truyền cảm hứng.

3. Chữ xưa còn một chút này 4/5

Có thể gọi cuốn sách ngắn từ nội dung cho tới khổ sách này là một cuốn từ điển dễ đọc và thú vị.

Chữ xưa còn một chút này chia thành 2 phần. Một là nguồn gốc của các từ Hán Việt mà chúng ta hay dùng và nói như Anh hùng. Anh là hoa của cây, là phần đẹp đẽ nhất của cây. Hùng chỉ là con trống, con đực trong giống chim muông, thú vật. Anh hùng có nghĩa là tinh hoa của vạn vật, ám chỉ người xuất chúng.

Phần thứ hai là nói về các từ mờ nghĩa, tối nghĩa,ít khi hoặc được viết theo một cách khác hay được sử dụng ở ngày nay. Ví dụ như xao lãng/xao nhãng thay vì sao nhãng/sao lãng. Xao có nghĩa là không chú tâm, còn Lãng hay Nhãng có nghĩa là quên đi mất.

Tại sao Xao lãng mới đúng chứ không phải là Sao nhãng dù rằng giờ đây nhiều sách vở và chính bản thân mình đôi khi viết xao nhãng hoặc sao nhãng, vì tác giả có trích dẫn 6 nguồn tư liệu từ điển để chứng minh rằng chữ Xao được nhắc tới chứ không hề có chữ Sao. Còn chữ Lãng hay Nhãng đều có nghĩa là quên đi mà hay được nhắc tới trong lãng quên hoặc quên lãng. Còn tại sao Lãng hay Nhãng đều đúng như nhau tuỳ thuộc vùng miền và cách phát âm như Lầm với nhầm, Lời với nhời.

Với một người viết mỗi ngày như mình thì cuốn Chữ xưa còn một chút này thực sự đem tới khá nhiều lợi ích. Mình hiểu về những câu từ hay sử dụng hơn, đã biết cách để viết đúng chính tả hơn và cũng nhận ra sai lầm khi sử dụng một vài câu khác về cách viết nhưng thực ra lại đồng nghĩa với nhau để mô tả hơn.

Kết luận cuối cùng thì đây là một cuốn sách ngắn đáng để đọc và cũng khá thú vị.

4. Đức Phật – Osho 4,5/5

Cuốn Đức Phật này dựa trên những chia sẻ của Osho về cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni từ khi còn là thái tử cho tới lúc giác ngộ với nội dung khá là giống với Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh.

Mình đã đọc cuốn Đường xưa mây trắng từ lâu. Cá nhân mình thích các Osho kể về Đức Phật hơn, dù cách Thích Nhất Hạnh viết lại gần gũi hơn. Và review này mình sẽ so sánh hai cuốn dựa trên sự hiểu của mình.

Bản thân Osho giống với một triết gia nhiều hơn là Phật tử hay thiền sư, dù rằng Osho cũng thiền mỗi ngày. Và vì là một triết gia nên Osho nhìn nhận cuộc đời Đức Phật thực tế và có phần trung dung hơn. Bản thân Osho là một người Ấn, mà Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ nên mình thấy cách Osho nhìn nhận về Đức Phật và Phật giáo giống như một người thấu hiểu, một triết lý hơn là một vị thần hay một tôn giáo.

Điều này được Osho khẳng định bằng sự lý giải sau “Từ buddha – Phật có nghĩa là trí tuệ được đánh thức. Từ buddhi – trí tuệ có chung nghĩa với buddha, và con đường của Đức Phật là con đường của budh…Budh có nhiều tầng nghĩa, có ít nhất năm nghĩa khác nhau”. Ngược lại Phật trong Đường xưa mây trắng lại được gọi duy nhất là Bụt – một danh từ gần gũi và có tính dân gian hơn.

Osho phủ nhận Phật là một vị thần độc tôn khi tiếp tục nói “Phật không phải tên của Đức Phật, Phật là trạng thái ông ấy đạt được. Tên của Phật là Siddhartha Gautama… Con đường của Phật là con đường của trí tuệ”. Trong Đường xưa mây trắng thì mình tự cảm thấy Đức Phật được truyền đạt mang tính từ bi rõ nét hơn. Chính xác thì Osho diễn giải về bản chất của Đức Phật nhiều hơn là nói về sự cứu độ của Đức Phật.

Vì là một triết gia, nên Osho đã bóc tách từng tầng tầng lớp lớp về nhận biết của mình về Đức Phật và triết lý của Phật. Bắt đầu từ năm ý nghĩa của từ buddh, về đường đi của Phật là trí tuệ chứ không phải tình yêu, rồi thời khắc thức tỉnh của Phật bên cây bồ đề, về thiền định, về sự phủ định, về Trung đạo cùng những vấn đề khác. Không chỉ vậy, Osho bác bỏ tất cả những chi tiết nhuốm màu thần thoại về Đức Phật để đem tới cái nhìn chính xác nhất về một con người đã đạt được sự giác ngộ như thế nào.

Osho có một sự so sánh rất thú vị về Phật khi ông gọi Phật là nhà tâm lý hay bác sĩ chữa bệnh tâm hồn giỏi nhất mọi thời đại khi diễn giải những bài giảng và hành động của Phật là một hình thức chữa lành tâm lý con con người. Còn trong Đường xưa mây trắng thì Thích Nhất Hạnh viết gần như là một dạng tiểu sử và không đưa ra ý kiến hay luận giải về cuộc đời hay hay hành động của Phật.

Đối với Osho thì Phật là một con người tự mình tìm kiếm sự giác ngộ bằng trí tuệ.

Còn với Thích Nhất Hạnh thì Phật giống như một người cha nhân từ và có cái nhìn từ bi với hết thảy chúng sinh.

Mình đã đọc tương đối sách về cuộc đời Đức Phật và kinh Phật. Không nói về sự chính xác hay cách diễn giải về Phật pháp, nhưng nói về việc dễ đọc thì cuốn Đức Phật của Osho có phần dễ đọc.

Mình cũng đã đọc nhiều cuốn của Osho và có những ý kiến cùng sự phản biện riêng về một số cuốn. Nhưng không vì thế mà mình phủ nhận sự hấp dẫn của Osho khi nói về Đức Phật trong cuốn sách này. Một cuốn sách hay trong số nhiều cuốn sách của Osho mình từng đọc.

5. Bản ngã : thấu hiểu và tan biến. 4,5/5

Tác giả của cuốn sách ngắn gọn, xúc tích nhưng rất hay về bản ngã này là David Hawkins.

Hawkins là tác giả mà cho đến bây giờ những cuốn sách của ông đều gây nhiều tranh cãi trong cả thần học lẫn khoa học. Trước khi mình đọc cuốn này thì mình đã đọc một cuốn khác của Hawkins là Power vs Force, rất hấp dẫn và thú vị dù hơi dài dòng.

Nhưng với cuốn Bản ngã thấu hiểu và tan biến này thì lại trái ngược hoàn toàn. Nội dung cô đọng nhưng đọc tới đâu rung động toàn thân tới đó.

Trong cuốn sách này Hawkins miêu tả như bóng ma đứng phía sau thao túng tâm lý và hành động của con người. Nhưng ông nhấn mạnh bản ngã không hề tồn tại. Nó chỉ là một ảo tưởng. Bản ngã được tạo ra bởi rất nhiều quan điểm độc đoán từ quá trình xử lý của tâm trí, rồi nó được vận hành bởi cảm xúc và cảm giác.

Nhưng bản ngã luôn tồn tại trong chính mỗi chúng ta.

Nó chi phối chúng ta nhưng Hawkins viết rằng không vì thế mà chúng ta phải cảm thấy đầy tội lỗi khi sở hữu bản ngã. Và khi đã hiểu về bản ngã để tái tạo lại tâm trí và định hình được những hành động đúng đắn thì chúng ta sẽ kiểm soát và hiểu được cách bản ngã vận hành trong mỗi ngày của cuộc sống.

Việc hiểu về tâm trí vận hành như thế, hiểu về niềm tin có đang sai lầm trong việc xây dựng những giá trị mà bạn tin vào hay không và thực hành thiền định chính là những cách giúp bạn hiểu về bản ngã của mình. Đó cũng là những nội dung và chủ đề chính được đề cập tới trong cuốn sách ngắn gọn này. Có rất nhiều đoạn gây cảm hứng và khai mở về mặt trí tuệ khi đọc, ít nhất thì đối với mình là như vậy. Những nội dung này chiếm hơn một nửa số trang trong cuốn Bản ngã thấu hiểu và tan biến.

nửa còn lại thì đề cập tới quá trình phát triển tâm lý và cái hiểu về sự giác ngộ, tính Nhất thể đậm chất Thiên Chúa giáo thì mình cho là khá xa lạ và khó hiểu đối với người Việt. Đây là nhận xét trung dung của một người theo đạo như mình. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên khi Hawkins xâu chuỗi việc xoá bỏ bản ngã và tăng tiến tâm linh dựa trên sự hấp nhất với Thiên Chúa – Thượng Đế trong cuốn sách này. Bản thân Hawkins là một người phương Tây và văn hoá cùng niềm tin của phương Tây được xây dựng trên Cơ đốc giáo và triết học Hy Lạp – La Mã. Ngay từ trang đầu tiên cuốn sách này Hawkins đã đề tựa rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!”.

Tất nhiên đây không phải là một cuốn sách đậm chất tuyên truyền về tôn giáo. Ngược lại thì nó chỉ phản ánh một phần nhỏ mà thôi. Nếu bạn không hề có một chút kiến thức nào về Thiên Chúa giáo, nhưng khi đọc tới hơn một nửa những gì cuốn sách này chia sẻ thì bạn phần nào cũng đã xây dựng được cho mình một nhận biết đủ để hiểu về bản ngã ra sao. Rồi sau đó tiếp tục hiểu thêm về nhằm xem Hawkins đã xâu chuỗi về việc đập tan bản ngã sẽ dẫn tới sự Hợp nhất với bản thể của Thượng Đế tài tình và thuyết phục như thế nào.

Đối với mình thì Bản ngã tan biến và thấu hiểu là một cuốn sách đáng để bạn đọc dù bạn không có nhiều thời gian hay không có những kiến thức cơ bản về Cơ đốc giáo.

6. Bàn về âm nhạc 4,5/5

Ngay từ trang đầu tiên Haruki Murakami đã viết rằng đây không phải là một cuốn tiểu luận hay tiểu thuyết. Đây là một cuốn trò chuyện về âm nhạc với một bậc thầy trong những giờ giải lao. Vì thế nếu bạn tìm kiếm nhịp điệu của cuốn sách này như với các tiểu thuyết, truyện ngắn hay cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ thì sẽ thất vọng đấy.

Bàn về âm nhạc thực chất là một tập hợp các ghi chép trò chuyện về âm nhạc với nhạc trưởng Seiji Ozawa trên phương diện cá nhân của Haruki mà thôi. Nhưng giống với cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, một số tiểu luận và các bài phỏng vấn liên quan đến văn chương, thì Bàn về âm nhạc có phảng phất một những câu chuyện bàn về viết lách giữa Murakami và Ozawa.

Trong những buổi trò chuyện giữa một người là tiểu thuyết gia, người còn lại là nhạc trưởng cả hai đã chia sẻ rất nhiều về quá trình làm việc, cảm thụ và sáng tác trong lĩnh vực của mình. Trong suốt quá trình đó được tính bằng năm thì Murakami luôn là người hỏi còn Ozawa trả lời và kết quả là một loạt những xâu chuỗi đầy logic và thú vị về việc một maestro (bậy thầy) có sự cảm thụ thanh âm khác biệt với người bình thường ra sao. Nhưng điều mình cần tìm kiếm khi đọc cuốn sách này và mình đã tìm ra được chính là mình đã hiểu âm nhạc có ảnh hưởng đến thế nào trong việc viết lách của Haruki Murakami. Mình đọc một cuốn nói về âm nhạc, nhưng thực chất là mình tìm kiếm những câu chuyện nói về văn chương trong Bàn về âm nhạc, ví dụ như :

“Tôi (Murakami) có thể nghe và phân biệt được chi tiết. Có thể nhờ viết tiểu thuyết mà tai tôi nghe được tốt hơn chăng. Nói ngược lại thì không thể viết văn hay nếu không có đôi tai nghe nhạc tốt… Tôi nghĩ rằng nhờ nghe nhạc mà tôi viết văn tốt hơn, nhờ thường xuyên viết văn mà tôi nghe nhạc tốt hơn…”

Hay “Chẳng ai dạy tôi cách viết viết hay cách viết là như thế nào cả. Tôi cũng không học cách viết kiểu như thế. Tôi học từ âm nhạc. Thứ quan trọng nhất trong âm nhạc là nhịp điệu. Văn chương mà không có nhịp điệu là một thứ văn chương rất khó đọc và nhàm chán. Tính nhịp điệu nội tại thôi thúc người ta đọc tiếp…”

Qua hai đoạn chia sẻ trên trong Bàn về âm nhạc đã chúng ta thấy. Murakami không chỉ là tiểu thuyết gia mà ông còn là một người có năng lực đáng nể về việc phân tích, đồng hoá và so sánh việc viết lách với những chủ đề và lĩnh vực khác. Trước đây là chạy bộ, còn bây giờ là với âm nhạc, nhưng đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên với mình. Thậm chí nhờ vào khả năng kết nối của mình, Murakami cũng khiến bậc thầy về âm nhạc là Ozawa cũng đồng ý suy diễn và logic của mình khi Ozawa hỏi lại rằng.

“Nhịp điệu của câu văn là nhịp điệu mà ta cảm thấy (giống như cảm nhận âm nhạc. Đây là ý mình thêm vào) khi đọc câu văn đó à?”

“Vâng Nhịp điệu được tạo ra từ cách hợp từ ngữ, kết hợp câu, kết hợp giữa cứng và mềm, nặng và nhẹ, kết hợp giữa đối xứng, bất đối xứng, kết hợp giữa các câu chấm, kết hợp giữa các tông. Đó là đa nhịp điệu. Giống như âm nhạc vậy…” Haruki đáp.

Qua cuốn sách này Murakami tiếp tục phân tích và chỉ ra những điểm chung giữa người làm nhạc và người viết lách là phải duy trì kỷ luật và thói quen sáng tác và viết lách mỗi ngày. Giống như Murakami, Seiji Ozawa luôn dậy vào 4 giờ sáng để bắt đầu công việc trong suốt hàng chục năm là nhạc trưởng của mình. “Trong lúc tôi viết thì Ozawa đọc bản nhạc. Hai công việc hoàn toàn khác nhau. Nhưng xét về sự tập trung thì cả hai lại giống nhau. Và tôi tin rằng nếu không có sự tập trung này thì tôi sẽ không trở thành tiểu thuyết gia và ông ấy cũng không phải là nhạc trưởng tài giỏi”.

Xuyên suốt Bàn về âm nhạc là nhiều buổi trò chuyện giữa Murakami và Ozawa đã giúp Haruki đi đến một kết luận hiển nhiên: người làm công việc sáng tạo thường sống và làm việc trong sự cô độc cũng như là những kẻ vị kỷ nhất thế giới. Nếu phải nhìn trước ngó sau, phải thỏa hiệp, không muốn làm mất lòng người khác thì không thể sáng tạo được. Điều này đúng trong bất kỳ lĩnh vực nào!

Đoạn tiếp theo là một trong hai đoạn mình thích nhất mà Murakami viết trong cuốn sách này là.

“Để bắt đầu thứ gì đó từ con số không thì cần phải có sự tập trung cá nhân sâu sắc, mà trong nhiều trường hợp, sự tập trung đó buộc phải thực hiện ở nơi không có sự hợp tác với người khác. Thậm chí còn có thể gọi là quỷ ám”.

“… Nhịp điệu là yếu tố quan trọng với người viết tương tự như với người đọc. Khi viết tiểu thuyết, nếu không có nhịp điệu thì sẽ không viết ra được câu tiếp theo. Câu chuyện vì thế sẽ không tiến triển. Nếu có những thứ đó thì tự nhiên câu văn sẽ tuôn ra. Lúc tôi viết văn, tôi tự động coi các câu văn là các âm trong đầu. Các âm đó trở thành nhịp điệu. Giống như trong nhạc Jazz, ứng khẩu một đoạn điệp khúc xong là tự nhiên đoạn đó kết nối với đoạn điệp khúc tiếp theo”.

Kết luận là đối với một ai đó chỉ muốn đọc một cái gì đó quen thuộc từ Haruki Murakami trong cuốn sách này sẽ có nhiều hụt hẫng và thất vọng. Nhưng đối với người viết như mình, mình cảm thấy những chia sẻ về viết lách, những so sánh văn chương và âm nhạc có điểm tương đồng thế nào giữa Murakami và Ozawa là những thông tin vô cùng quý giá để mình học hỏi và viết tốt hơn trong thời gian tới.

Ban đầu mình chỉ chấm cuốn này 4,25/5 nhưng khi viết đến đây thì mình nhận ra giá trị mình nhận được nhiều đến mức đã thêm 0,5 điểm để làm tròn thành 4,5/5.

7. Khi hơi thở hóa thinh không 4,5/5

Đây là lần thứ hai mình đọc lại cuốn tự truyện đầy tính bi kịch nhưng cũng rất cảm động và truyền cảm hứng này của Paul Kalanithi.

Ở tuổi 35, Paul đã có tất cả trong tay, anh đạt được một lúc hai mục tiêu: bác sĩ phẫu thuật thần kinh giỏi nhất, đồng thời cũng là nhà khoa học thần kinh uyên thâm nhất. Anh kể rằng bất cứ sinh viên Y hạng A nào cũng luôn đặt mục tiêu có được một trong hai điều kia. Nhưng gần như tất cả đều không thể. Sau đó Paul còn nhận được những cuộc gọi từ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ mời về làm giảng viên hạng nhất. Paul cũng nhận được những lời đề nghị tài trợ hàng triệu đô của những viện nghiên cứu giàu có nhất Nước mời về làm việc. Và rồi tất cả trở thành vô nghĩa khi Paul phát hiện mình bị mắc chứng u.ng th.ư ác tính mà chỉ có không đầy 2 tới 3% nam giới dưới 40 tuổi mắc phải.

Paul biết rằng mình sẽ chết trong chưa đầy 6 tháng tới (Thực tế nhờ vào các phương pháp chữa trị, kiềm chế u.ng th.ư hiệu quả nhất thời điểm đó thì Paul đã sống được hơn 18 tháng) và anh đã có một cuộc tự vấn bản thân, về bản chất và ý nghĩa cuộc sống khi đối diện với sự thật đau đớn này đầy. Paul nhận ra rằng những thành tự trong việc học và nghề y đã trở thành vô nghĩa khi mình bị u.ng th.ư không hẳn là một bi kịch đau thương nhất. Thay vào đó, như một người khắc kỷ, Paul quyết định trong những ngày tháng còn lại sẽ tập trung vào ba điều anh muốn làm nhất trước khi chết : Cứu vãn cuộc hôn nhân của mình và sinh con. Viết một cuốn sách. Và cuối cùng là quay trở lại với niềm Công giáo, một giá trị mà Paul đã phủ nhận rồi từ bỏ trong suốt những năm tháng học Y.

Và Paul cũng đã hoàn thành gần như trọn vẹn ba mong muốn đó. Paul c.h.ế..t trước khi viết xong cuốn sách này. Nhưng chính vì thế thì người đọc mới cảm nhận rõ rằng ý chí của một con người lớn đến mức cái chết cũng không thể ngăn cản họ muốn thực hiện một điều gì đó. Và chính vì Khi hơi thở hóa thinh không là một cuốn sách dang dở lại càng khiến nó đi thẳng vào con tim của người đọc hơn.

Khi đọc mình luôn đặt bản thân vào Paul Kalanithi để nhận thấy Paul đã nỗ lực đến thế nào khi trong suốt hàng năm trời làm việc với cường độ khủng khiếp, đi làm từ 6 giờ sáng và chỉ về nhà ngủ khi đã 1 giờ đêm. Không hề có ngày nghỉ và luôn phải sẵn sàng trong việc trực thêm giờ. Tham vọng của Paul cũng đã ảnh hưởng lớn đến đời tư của mình khi anh và vợ có rất ít khoảng thời gian cho nhau. Nhưng như một điềm báo, một số người bạn Paul quen trong ngành Y đã tự sát vì áp lực công việc hoặc mắc ung thư ở thời điểm đỉnh cao. Họ có thể không giỏi và chịu đựng tốt như Paul, nhưng họ giống Paul ở điểm đã chạy theo những mục tiêu lớn đòi hỏi rất nhiều sự hi sinh để rồi nhận rằng tất cả đều vô nghĩa khi cái c.h.ế.t đến.

Đọc về cái chết để hiểu về cuộc sống của chính mình. Đó là điều mình rút ra khi đọc Hơi thở hoá thinh không.

6 năm trước, mình đã giới thiệu cuốn sách này cho một người bạn đặc biệt của mình. Đó là lúc bố bạn ấy bị u.ng th.ư và khi phát hiện đã ở gia đoạn di căn khắp cơ thể. Chú mất sau đó hơn hai tháng. Trong thời điểm đó mình đã nói bạn mình đọc cuốn sách này như một niềm an ủi và đồng cảm của một người đã có tất cả và rồi đánh mất tất cả vì u.ng t.hư. Nhưng người đó vẫn sống một cách kiên cường, đã sử dụng những ngày tháng còn lại để sống sao cho thật ý nghĩa.

Lý do mình đọc lại khi hơi thở hóa thinh không là để nhắc nhở bản thân là mình đang có nhiều mục tiêu, nhiều tham vọng có thể thực hiện trong thời điểm hiện tại này, nhưng đừng quên rằng cái c.h.ế.t luôn hiện diện và phủ bóng lên cuộc sống này. Mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng cũng đừng quên cái c.h.ế.t sẽ gõ cửa tìm đến mình vào bất cứ khi nào nó muốn

8. Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh 4,5/5

Ban đầu đọc mình không đánh giá cao cuốn này lắm, nhưng khi đọc xong thì mình nhìn nhận rằng đối với ai không thể có khả năng Deep work trong hàng giờ liền thì có thể áp dụng những chia sẻ trong cuốn sách này để làm việc tốt hơn.

Nội dung xuyên suốt cuốn sách này là dẫn chứng, phân tích và chứng minh các thói quen, tư duy làm việc phổ quát sẽ dẫn tới việc con người sẽ bị căng thẳng và quá tải ra sao. Ví dụ điển hình là làm việc 8 tiếng trong trạng thái ngồi quá lâu, liên tục đa nhiệm, họp hành quá nhiều hay thói quen sử dụng đồ đường sẽ phá huỷ sự tập trung, năng suất và sức khoẻ đến thế nào.

Tuy những dẫn chứng trong cuốn này là lấy cuộc sống văn phòng ở Mỹ, nhưng nó cũng đúng với thực trạng Việt Nam lúc này khi nhiều người xung quanh mình làm việc nhiều hơn nhưng đa nhiệm và dễ mất tập trung hơn. Thay vì học hỏi, tìm hiểu rèn luyện những thói quen tốt từ vận động, ăn uống, tối giản hoá hoạt động không cần thiết thì chúng ta cứ để mọi thứ như cũ với tư duy “Đó là tình trạng chung, muốn tránh cũng không được”.

Và nếu ai muốn tránh tất cả những vấn đề mà không biết bắt đầu từ đâu thì có thể tìm ra được giải pháp khi đọc cuốn sách này. Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh là một cuốn sách không ngắn, nhưng dễ đọc và có thể ứng dụng được ngay lập tức. Mình so sánh thông tin và kiến thức trong cuốn này so với cuốn Deep work thì không hấp dẫn bằng, nhưng nó phù hợp với đa số là những người không thể tập trung được quá 60 phút một ngày.

Hãy bắt đầu làm việc thông minh hơn, trước khi có thể tập trung lâu hơn.

9. Phía Tây không có gì lạ. 4,5/5

Cuốn này mình xếp vào top 3 cuốn sách về chiến tranh hay nhất đối với mình, bên cạnh Bẫy 22 và Chuông nguyện hồn ai.

Phía Tây không có gì lạ mang một chút tinh thần phản chiến, sự gắn kết giữa các chiến hữu và giọng văn nhẹ tênh khi kể về sự khốc liệt của chiến tranh. Trong Phía Tây không có gì lạ có sự hài hước nhẹ nhàng và ít châm biếm hơn Bẫy 22. Cuốn tiểu thuyết này cũng tường thuật lại các chi tiết về cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đầy vô thường và có phần êm đềm nhưng không che giấu được sự t.à.n b.ạ.o và k.h.ố.c li.ệt như trong các tác phẩm của Ernest Hemingway.

Chính xác thì Phía Tây không có gì lạ có những điểm giao nhau giữa các tác phẩm chiến tranh mình từng đọc. Nó không quá dài đến mức mệt mỏi khi đọc, nhưng đồng thời cũng có nhiều chi tiết bật hẳn lên để đánh thức cảm xúc người đọc.

Nếu bạn không đủ kiên nhẫn để đọc xong Bẫy 22 dù rất thú vị. Hoặc nếu bạn cũng không thể thấm thía những câu từ nhẹ tênh nhưng mang sức nặng của một tảng băng như cái cái Hemingway viết trong các tiểu thuyết chiến tranh của ông. Thì Phía Tây không có gì lạ chính là cuốn tiểu thuyết kể về một thời chiến tranh đã ch.ôn x.á.c hàng triệu thanh niên mới 20 tuổi.

Thực sự là một tiểu thuyết hay có, buồn có và lắng đọng ít nhiều một cảm xúc khó tả khi đọc xong. Một cuốn sách nói về cách c.h.ế.t của hàng nghìn người lính chưa đến tuổi 20.

10. The Walden – Một mình sống trong rừng. 4,5/5

Nếu trên đời có một số người tiết chế được ham muốn và không bị nó kiểm soát thì chắc chắn sẽ có Henry David Thoreau.

Đây là lần thứ hai mà mình đọc The Walden. Một trong những yêu tố khiến mình đọc lại chính là trong Deep work có nhắc tới một đoạn trong The Walden để người đọc hình dung việc tập trung hoàn toàn đem tới sự khác biệt như thế nào: đó là cảnh Thoreau ngắm nhìn một con rắn nước bơi dưới lớp băng mỏng trong cả giờ đồng hồ.

The Walden là một tác phẩm mà Thoreau đã dành hơn 2 năm sống một mình trong rừng để chiêm nghiệm và cuộc sống, con người và những giá trị thực sự cần thiết để theo đuổi. Sau 24 tháng đó dựa trên những cảm và quan sát tinh tế và kỹ lưỡng về Tự nhiên và con người thì Thoreau đã đi đến kết luận là đa số những ham muốn và nhu cầu của con người đều không cần thiết.

Thay vào đó, Thoreau liên tục đưa ra những lựa chọn tối giản nhất để có được một cuộc sống tự do. Dựa trên tính toán và thực hành trong thực tế của mình, Thoreau khẳng định chỉ cần 5 tới 8 tuần lao động thì mỗi cá nhân đều có thể kiếm đủ tiền và lương thực để sống trong một năm.

Dù là một trí thức tốt nghiệp ở Harvard, nhưng Thoreau ủng hộ việc lao động, trồng trọt, phát triển các kỹ năng trong nghề thủ công để làm chủ cuộc sống của mình, thay vì làm thuê để kiếm sống. Thoreau cho rằng việc lao động sẽ giúp con người tránh xa được những thói xấu và sự lười biếng.

Dựa trên quan sát của những con người xung quanh mình thì Thoreau hiểu rằng bất cứ ai cũng bị chi phối bởi một ham muốn hay nhu cầu cơ bản và sẽ đeo bám họ trong suốt cả cuộc đời họ. Nhưng ngược lại, ông cũng cho là việc mỗi cá nhân tách khỏi xã hội con người là một chuyện không thể. Cách tốt nhất là cân bằng được một lúc hai trạng thái: sống giữa con người và sống một mình trong Tự nhiên.

Lý do bởi Thoreau tin tưởng rằng để tiễu trừ những ham muốn và cơ bản sai lầm đó thì mỗi cá thể phải có một khoảng thời gian sống và suy nghĩ một cách độc lập theo đúng nghĩa đen. Vì thế mà tiết tấu và nhịp điệu của The Walden rất thong dong và chậm rãi. Khi đọc mình có cảm tưởng rằng Thoreau đã dành hàng giờ để quan sát và ghi nhớ những cảnh tượng đó một cách chính xác đến từng chi tiết. Và qua một số trích đoạn mình chép trong The Walden dưới đây sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn toàn cảnh về khái niệm Sống chậm và hài hoà với Tự nhiên của Thoreau rõ ràng ra sao.

“Sung sướng thay những ai luôn sống trong hiện tại, tận dụng mọi cơ hội khi những sự cố xảy đến với mình, giống như ngọn cỏ hân hoan với giọt sương mong manh nhất treo trên nó, chẳng mất thời giờ nuối tiếc vì bỏ lỡ những cơ hội, mà chúng ta gọi là thực hiện nghĩa vụ”

“Thử hỏi, Nếu một người đa bỏ ra bao nhiêu thời gian để quan sát, ngắm nghĩ và chiêm ngẫm về vũ trụ thì sẽ thế nào khi anh ta tự quan sát chính mình?”

“Hướng cái nhìn vào bên trong, và anh sẽ thấy
Một nghìn xứ sở trong hồn anh.
Còn chưa được thăm dò
Hãy thám hiểm chúng và
Làm một chuyên gia của vũ trụ riêng mình”.

Sự ảnh hưởng của Walden và tư tưởng của Thoreau không được chấp nhận ngay lập tức vào thời điểm khi ông hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên, những gì có giá trị thì sẽ trường tồn với thời gian. Trong thời điểm công nghệ số và tâm trí liên tục bị phân tán như bây giờ thì The Walden chính là tấm bản đồ giúp cho nhiều người trong thời đại bây giờ tìm kiếm một sự thoát ly không cuộc sống tràn ngập các trải nghiệm nhanh và ngắn như bây giờ.

Đọc Walden chính là cách mình thực hành thiền định. Thay vì sự tĩnh lặng trong hơi thở khi thiền thì mình tìm kiếm những câu chữ đầy thư giãn và chậm rãi. Điều này khiến mình kiểm soát nhịp điệu của tâm trí tốt hơn. Mình không bị cuốn theo tiết tấu nhanh đến kinh ngạc của cuộc sống bên ngoài. Và nhất là mình tìm thấy một sự an yên ngay cả trong những giây phút nhàm chán như đi bộ, lau chùi từng cuốn sách hay viết từng câu chữ như trong loạt bài review này.

11. Biên niên ký chim vặn dây cót. 4,5/5

Lần đầu tiên mình tiểu thuyết đồ sộ này chỉ sau 1Q84 và G.i.ế.t chỉ huy đội kỵ sĩ là đúng 10 năm trước.

Lúc đó mình phải nói là nhịp điệu mà Murakami viết Chim vặn dây cót khiến mình luôn buồn ngủ mỗi khi đọc khoảng 30 phút. Lý do mình đọc lại cuốn tiểu thuyết này chỉ vì đơn giản là mình cần đọc một cuốn tiểu thuyết bên cạnh việc đọc các cuốn sách kinh doanh hay kỹ năng khác. Chính xác thì mình chọn đọc Chim vặn dây cót không phải yêu thích Murakami mà do cuốn này nằm ở chồng sách gần nhất và mình thực sự nhấc nó lên trong sự vô thức. Đọc tiểu thuyết giúp mình tái tạo năng lượng và sự tập trung sau hàng giờ đọc những cuốn sách khô khan.

Nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến mình chọn đọc lại một cuốn dài lê thê này của Murakami. Mình giờ đây đọc lại không phải là sự ngưỡng mộ của người đọc mà là sự phân tích của người viết. Vâng, mình đọc lại Chim vặn dây cót để bóc tách những ma thuật mà Murakami đã phù phép vào tiểu thuyết mang phần nào sự trinh thám xen lẫn với hiện thực và siêu thực. Và mình cảm thấy vô cùng háo hức khi biết rằng Murakami không cần phải sáng tạo nên những điều mới mẻ, thay vì thế ông đã sử dụng những chất liệu sẵn có của chính mình. Vì thế, thay vì mình phân tích nội dung và diễn biến trong Chim vặn dây cót thì review này mình sẽ viết về quá trình Murakami đã viết ra tiểu thuyết này như thế nào.

Giống như Rừng Na Uy, Thế giới tàn bào diệu kỳ và chốn tận cùng thế giới, hay Phía nam biên giới, phía tây mặt trời thì Biên niên ký chim vặn dây cót là một tiểu thuyết được hình thành từ một chuỗi các truyện ngắn của Murakami bao gồm “Con voi biến mất”, “Chuyện trong nhà”, “Chị em song sinh và Lục địa biến mất” và cuối cùng là “Chim vặn dây cót và Phụ nữ ngày thứ ba”. Mỗi truyện ngắn này đều ẩn chứa nhân vật, tình tiết, sự vật để Murakami dựa vào đó mà triển khai thành một tiểu thuyết độ sộ và phức tạp vô cùng. Thậm chí, Murakami cũng đã ít nhiều vay mượn một số ý tưởng từ những truyện ngắn của Ramond Carver để sáng tạo ra những câu chuyện cho riêng mình. Vậy tại sao mình lại biết những điều này?

Mình không chỉ đọc những tiểu thuyết của Murakami mà còn đọc cả những bài tiểu luận, phỏng vấn về văn chương của ông. Ngoài ra nhờ vào việc đọc cuốn Haruki Murakami – m nhạc và ngôn từ của Ray Rubin, là người đã dịch hầu hết các tiểu thuyết của Murakami ra tiếng Anh đã cung cấp cho mình rất nhiều chi tiết về đời tư và cách Haruki viết tiểu thuyết như thế nào.

Dưới cái nhìn của cả người đọc và người viết thì sự thú vị khi đọc lại Chim vặn dây cót không nằm ở những tình tiết siêu thực hay khó hiểu mà là ở quá trình Murakami đã viết tiểu thuyết này như thế nào. Và để đi vào trạng thái tập trung để viết thì cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị và thử nghiệm từ ý tưởng nhỏ trước khi thực hiện ý tưởng lớn. Như thế Murakami không chỉ là một tiểu thuyết gia đáng nể mà còn là một người có chiến lược và chiến thuật kỹ lưỡng để bắt đầu viết một tiểu thuyết.

Mình đã từng review rất chi tiết cuốn sách này vài năm trước. Còn bây giờ mình đọc và viết lại review Chim vặn dây cót chỉ mang tính thư giãn, tìm kiếm cảm hứng và nói một chút về kỹ thuật hay phong cách của Murakami đã thai nghén ra những tiểu thuyết của ông qua các truyện ngắn như thế nào mà thôi.

12. Content Rules 4,5/5

Thật không thể tin được là một cuốn sách với cái tên dịch ra đầy câu khách và rẻ tiền là Nghệ thuật câu like lại là giúp cho mình nhận ra được rất nhiều thứ để có thể viết content tốt hơn.

Bản thân cái cuốn sách này có lẽ là nằm trong top những cuốn sách xấu nhất mà mình từng mua. Nhưng tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nội dung cuốn Content Rules này truyền tải này thực sự khiến mình ngạc nhiên dù cho nó đã viết từ năm 2012. Trong cuốn sách này các tác giả đã nhìn thấy tiềm năng của livestream, podcast hay các video dạng ngắn trước khi phổ biến vào thời điểm hiện tại.

Mình chỉ có thể viết review một cách ngắn gọn là cuốn sách này rất đáng để đọc đối với người làm content và marketing. Trong thời gian tới mình sẽ ứng dụng và viết một loạt các bài viết về khái niệm content, vốn là những tinh tuý mình chắt lọc từ đọc cuốn này.

13. Chiến lược kết nối 4,5/5

Nghe có vẻ khó tin nhưng khi đọc xong cuốn sách này thì mình mới hiểu thế nào là KẾT NỐI và tầm quan trọng của nó trong thế giới thực lẫn internet ngày nay.

Cá nhân mình dù là một đứa hướng nội và viết lách độc lập nhưng lại có rất nhiều những kết nối. Đặc biệt là cách kết nối trên mạng xã hội. Và cuốn Chiến lược kết nối này cung cấp cho mình lý thuyết và cách thức để cụ thể hoá những kết nối ấy thành sản phẩm, nền tảng hay một dịch trên internet.

Và từ kết nối cá nhân thì cuốn sách này cũng sẽ chia sẻ rất chi tiết để tạo dựng chiến lược kết nối cho các công ty. Thậm chí hai tác giả đã tuyên bố một cách trang trọng trong cuốn sách này rằng “Chúng tôi tin rằng việc không tạo ra một chiến lược kết nối là con đường dẫn tới diệt vong của các công ty. Tất cả lực lượng công nghệ và đổi mới đều hưởng tới việc tăng cường kết nối…”

Nói về sự tin tưởng và chất lượng nội dung của cuốn này thì bản thân hai tác giả của cuốn sách này đều đang dạy về chiến lược kết nối và xây dựng nền tảng số ở đại học Wharton, nơi Donald Trump tốt nghiệp. Dù cuốn sách đã được viết đầy cố gắng để có thể dễ hiểu, nhưng vẫn có nhiều trang được viết đầy học thuật và khá khô khan. Điều này khiến cuốn sách khó tiếp cận với đại đa số người đọc.

Khái niệm chiến lược kết nối rất hấp dẫn, nhưng nếu bạn không phải là người hiểu biết sâu về công nghệ, không trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ có tính kết nối cao thì thật khó để có thể liên tưởng và… kết nối chính những thông tin hữu ích trong sách.

14. Làm điều quan trọng 4,5/5

OKR’s là viết tắt của khái niệm Quản trị theo Mục tiêu và Kết quả Then chốt (Objective Key Result-OKR). Nói một cách ngắn gọn thì OKR’S là để xác định và theo dõi mục tiêu và kết quả làm việc.
Người thực sự tạo ra khái niệm OKR’s và triển khai thành một quey trình là Andy Grove – chủ tịch của Intel. Sau đó thì một trong những công ty khởi nghiệp áp dụng thành công nhất OKR’s là Google để quản trị công việc và mục tiêu của mình. Người chỉ dẫn khái niệm OKR’s cho hai sáng lập Google là John Doer – mentor và cũng là nhà đầu tư vào Google giai đoạn đầu. John Doerr chính là tác giả cuốn sách này và trước đây ông từng là nhân viên Intel dưới trướng Andy Grove. Một vòng tròn có liên quan với nhau.
Một OKR’s được chia thành 2 phần chính :Mục tiêu và Kết quả then chốt. Ví dụ một OKR’s của Intel trước đây như sau :
Mục tiêu : Thiết lập chip 8086 trở thành dòng chip 16bit tốc độ nhanh nhất.
Kết quả then chốt (trong quý 2 năm 1980) :
– Phát triển và công bộ 5 bộ tiêu chuẩn đo lường về khả năng và hiệu suất của chip 8086.
– Đóng gọi lại cả dòng chip 8086.
– Đưa phần 8MHz vào sản xuất.
– Lấy mẫu bộ đồng xử lý số học.
Không chỉ có Intel, Google đã từng áp dụng OKR’s vào hệ thống của mình mà còn có Uber, LinkedIn, Twitter… Thực tế thì mỗi công ty này đều triển khai và áp dụng OKR’s một cách tuỳ biến, nhưng vẫn đi theo một quy trình cơ bản bao gồm các nguyên tắc sau mà Intel đã áp dụng từ những năm 1980 :
– Ít tức là nhiều. Mỗi OKR’s chỉ nên thiết lập 3-5 mục tiêu.
– Thiết lập mục tiêu từ dưới lên. Mỗi nhân viên trong dự án đều nên thiết lập 1 OKR’s cho riêng mình nhưng có thể tích hợp và góp phần đạt được mục tiêu chung.
– Không ra mệnh lệnh và linh hoạt. OKR’s xuất phát từ sự tự giác và cam kết của nhân viên với quản lý. Trong quá trình thực hiện thì quản lý nên để nhân viên được quyền thay đổi và điều chỉnh OKR’s của chính họ.
– Dám thất bại. Cốt lõi của OKR’s là đặt ra mục tiêu thách thức và tham vọng. Vì thế nếu nhân viên hay dự án không đạt được kết quả như mong muốn thì cũng không phải là một điều thảm họa. Khái niệm OKR’s cho rằng những mục tiêu lớn thường rất khó để có thể đạt được. Nhưng không vì thế mà lại không dám đặt ra mục tiêu và chỉ trích nhân viên.
– Kiên nhẫn và kết quyết. “Một OKR’s có thể không tốt trong hôm nay, nhưng sẽ đem lại hiệu quả vào ngày mai”. Andy Grove tuyên bố đầy tự tin trong một lần thuyết trình với nhân viên Intel. Bất cứ quy trình nào cũng cần có thời gian để thử và sai, OKR’s vẫn không là ngoại lệ. Dựa trên kinh nghiệm của các công ty đã vận hành OKR’s thì thông thường phải mất tối thiểu 6 tháng thì OKR’s mới đem đến hiệu quả.

Với mình thì khái niệm OKR’s đem đến nhiều dễ chịu và linh hoạt hơn là KPI – Đánh giá kết quả qua các chỉ số và con số. OKR’s cũng mang tính cá nhân và tự giác hơn khi chính nhân viên tự đưa ra cam kết với quản lý và thực hiện để đạt được mục tiêu hơn.

Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp muốn tìm kiếm quy trình quản lý công việc và con người khác với các quy trình khô khan mà nhiều công ty đang áp dụng như giảm sát hay đặt ra các KPI thì có thể tham khảo qua OKR’s. Một khái niệm sáng tạo và có nhiều tự do hơn.

15. Bàn về ham muốn. 4,5/5

William Irvine – Tác giả cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ chính là người viết cuốn sách này. Một cuốn sách có sự xâu chuỗi logic đáng ngạc nhiên khi diễn giải ham muốn của con người dựa trên tâm lý học, triết học và thuyết tiến hoá.

Mở đầu của Bàn về ham muốn William Irvine quả quyết rằng bất cứ ai cũng tồn tại về ham muốn. Cuộc sống của bạn thực chất được lấp đầy bằng vô số trải nghiệm sự ham muốn trong từng giây phút. “Đó là một kỹ năng bẩm sinh, có thể luyện tập suốt đời mà không biết mệt mỏi… Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà bạn ham muốn, nhưng chúng không khiến bạn dừng ham muốn”.

Thậm chí Irvine lập luận rằng ngay cả việc Phật giảng pháp phổ độ chúng sinh cũng là một ham muốn không hơn không kém. Chính xác thì Phật cũng không thành công trong việc dập tắt ham muốn ngay cả khi đã giác ngộ. Từ đó Irvine đưa ra kết luận làm chủ hoàn toàn các ham muốn của bản thân dường như là điều không tưởng. Nhưng đó không phải là vấn đề mà Irvine muốn chia sẻ trong cuốn sách này.

Thay vì trốn chạy hay phủ nhận các ham muốn, tác giả diễn giải về ham muốn bắt nguồn từ đâu, có bao nhiêu loại ham muốn, tại sao nên hài lòng về những gì mình đang có thay vì chạy theo những cái có thể có, tại sao lý trí không chiến thắng được cảm xúc, cùng một số phương pháp thực hành kiểm soát ham muốn như thiền định hay rèn luyện thể chất.

Do quá ấn tượng về cuốn này nên mình sẽ viết một review rất chi tiết vào thời gian tới. Còn bây giờ, mình sẽ chỉ viết về ham muốn đã được William Irvine chia thành những kiểu ham muốn có tính logic như thế nào.

Những ham muốn được định nghĩa trong Bàn về ham muốn bao gồm 2 kiểu ham muốn: Ham muốn cuối cùng và ham muốn phương tiện.

– Ham muốn cuối cùng là ham muốn về chính nó. Dạng ham muốn này lại chia ra thành 2 kiểu là ham muốn khoái lạc là những ham muốn bạn muốn cảm thấy tốt hơn hoặc tranh xa những điều tệ hại, ví dụ cơn đau hay trạng thái thất tỉnh, phản bội… Kiểu còn lại là ham muốn phi khoai lạc, là một kiểu ham muốn… vô nghĩa và miễn phí như tặc lưỡi, búng ngón tay…
– Ham muốn phương tiện là dạng ham muốn vì lợi ích của những thứ khác.

Và đây là một ví dụ cơ bản về ham muốn sinh ra vô số những ham muốn.

Tại sao bạn đi học? Vì tôi muốn có bằng cấp? Tại sao bạn muốn có bằng cấp? Vì tôi muốn có một công việc? Tại bạn lại cần một công việc? Vì tôi muốn kiếm tiền? Tại sao bạn muốn kiếm tiền? Vì tôi muốn chi trả các hóa đơn của cuộc sống, và nếu có thể thì tiết kiệm mua một căn hộ nhỏ…

Vậy cuốn sách này dành cho ai ? Những nhà tâm lý học hay triết học? Đối với mình thì nó dành cho tất cả chúng ta.

Hiểu về ham muốn thì chính là cách bạn hiểu rõ hơn về cái tôi, bản ngã, động lực và hành vi của mình được dẫn dắt tới đâu và tại sao nó có thể đi đến kết quả, hoặc thất bại thảm hại.

16. Tâm lý học về tiền 4,75/5

Một cuốn sách quá hay nói về tâm lý, tiền, thị trường chứng khoán, thói quen tiết kiệm và giá trị của sự khiêm nhường và việc sống thanh đạm.

Ngay từ những trang đầu tiên, mình đã rất ấn tượng khi tác giả lấy ví dụ về một người thông minh, kiếm được nhiều tiền nhưng sau đó phá sản vì không giữ được tiền. Đây không phải là người hiểu về tiền bạc và chính người đó cũng không hiểu về bản thân mình.

“Có nhiều tiền không liên quan đến việc bạn thông minh như thế nào mà lại liên quan lớn đến cách bạn hành xử. Và cách hành xử thì rất khó để uốn nắn, ngay cả đối với những người thực sự thông minh”.

Hay “Một thiên tài không kiểm soát được những cảm xúc của mình thì anh ta có thể dẫn tới một thảm họa tài chính. Điều ngược lại cũng đúng. Những người bình thường không có kiến thức về tài chính có thể trở nên giàu có nếu họ nắm trong tay những kỹ năng hành xử không liên quan đến những thước đo chính thống về trí thông minh…”.

Sau đó tác giả dẫn chứng về những câu chuyện có thật trong kinh doanh vè những nhân vật rất giàu có và sau này lại phá rồi, có người còn tự sát vì để cảm xúc dẫn dắt hành vi và quyết định đầu tư của mình.

Nhưng cũng có những cá nhân vô danh với những công việc tầm thường, có một cuộc sống khiêm tốn và tiết kiệm nhưng lại kiếm được hàng triệu đô la. Điều quan trọng là dù là những triệu phú, nhưng họ vẫn giữ một lối sống đúng đắn và có phần khắc kỷ. Điển hình là Warren Buffett và Charlie Munger, một trong hai nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử.

Có quá nhiều điều mình muốn chia sẻ về cuốn Tâm lý học về tiền này mà một reivew nhanh lại không thể nói hết được. Thay vì thế, mình sẽ viết một review cho cuốn này. Và mình cũng mong muốn các bạn cũng hay đọc để thay đổi tư duy và tâm lý về tiền – một công cụ và ham muốn rất có lợi nếu biết sử dụng và cũng là lưỡi dao găm tước đoạt mọi thứ của chúng ta nếu không có sự cẩn trọng.

17. Lincoln bàn về lãnh đạo 4.75/5

Đây sẽ là cuốn sách nằm trong top 5 năm nay của mình.

Cá nhân mình là một người hâm mộ tổng thống Abraham Lincoln về những gì ông đã làm được trong hoàn cảnh của mình. Thực sự là khâm phục và ngưỡng mộ.

Bản thân Lincoln là một người tự học, đã từng mắc nợ về sai lầm trong làm ăn, nhưng lại nhận những vụ kiện miễn phí trong những năm tháng hành nghề luật sư của mình. Khi Lincoln ứng cử tổng thống, tất cả đều coi ông là một gã nhà quê và nhiều ứng viên khác đã công khai sỉ nhục ông. Tuy nhiên khi đắc cử, Lincoln lại trọng dụng rất nhiều những người đã chống đối và không thích ông. Lincoln không để cảm xúc chi phối, trái lại ông đã đặt lợi ích của Quốc gia lên hàng đầu.

Thông qua cuốn sách này, bạn sẽ biết Lincoln không phải là đấng toàn năng hay có tư chất lãnh đạo. Thông qua những năm tháng và biến cố, ông đã liên tục tiến bộ và nâng cao tất cả những kỹ năng của mình. Ông học cách lãnh đạo thông qua việc lãnh đạo. Ông học cách hiểu con người thông qua trò chuyện và tiếp xúc với họ. Lincoln không chỉ là một trong số ít những tổng thống không có bằng đại học, ông còn là tổng thống duy nhất có bằng sáng chế và là người sở hữu những tuyên ngôn và diễn văn có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ.

Lincoln có thể coi là tổng thống xui xẻo nhất trong lịch sử nước Mỹ khi ông phải giải quyết cuộc Nội chiến duy nhất trong lịch sử và vấn đề tự do cho người da đen. Nhưng trước áp lực đó, Lincoln đã chứng tỏ năng lực đến thế nào để lèo lái nước Mỹ vượt qua cả hai hòn núi đó bằng sự mềm mỏng lẫn kiên quyết. Lincoln chính là hình mẫu Lãnh đạo cấp độ 5 mà Jim Collin đã đề cập trong cuốn sách bestseller Từ tốt đến vĩ đại.

Đây cũng là một cuốn sách mình rất muốn chia sẻ các nội dung về nghệ thuật lãnh đạo của Lincoln này. Đối với mình, Lincoln là độc nhất trong những nhà lãnh đạo giỏi nhất như chỉ có một Jesus Christ. Đối với nhiều người, đây có thể là một so sánh quá tầm, nhưng nếu chỉ ra ai đó có những điểm giống với Chúa Jesus nhất, thì đó có thể chỉ là Abraham Lincoln.

Hãy đọc và bạn sẽ không bao giờ hối hận đâu.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận