REVIEW CÁI NỒI GÌ THẾ? TỪ MỘT CÁI NỒI ĐẾN SIÊU ANH HÙNG

 

MỘT GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM VIỆT NAM CỦA MỘT ĐỨA ÍT ĐỌC VĂN HỌC VIỆT NAM

Cho đến bây giờ, mình vẫn rất ít đọc những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại. Thật ra ngay cả những tác phẩm kinh điển thì mình mới đọc truyện Kiều. Truyện ngắn thì của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Tuân và gần đây là Trà Đoá là những tác giả trong nước hiếm hoi mình đọc. Mình cũng đọc 4-5 của linda lê và rất ấn tượng, nhưng chị ấy lại là người gốc Pháp gốc Việt.

Đặc điểm chung của những tác giả này nằm ở cách họ thể hiện qua các truyện ngắn đúng theo cách mình mong muốn – Phong cách riêng rất rõ nét và có sự nổi loạn trong cách viết khác với nhiều người. Tất nhiên đây là nhận định của riêng cá nhân mình, nhưng review này không phải nói về tình trạng văn học Việt Nam, mà mình muốn giới thiệu cuốn truyện ngắn Cái nồi gì thế? của Hoàng Nhật một tác giả trẻ với phong cách pha trộn những tình tiết hài hước hay xuất hiện trong các bộ phim của Marvel, những câu thoại buồn cười như kiểu được lôi ra từ kịch bản của Quentin Tarantino và một lối viết đậm chất hiện thực, chứa đựng sự nuối tiếc trong những năm tháng tuổi trẻ như cách Murakami thể hiện.

Cái nồi gì thế? mang sự châm biếm có phần đanh đá đến những vấn đề trong hiện thực. Vài truyện ngắn ẩn chứa sự bất mãn, cô độc khi các nhân vật là chính mình cũng như tình yêu, sự đồng cảm với những thế giới xung quanh chính là cứu cánh và thông điệp trong một số truyện ngắn. Có những truyện ngắn đọc để cười và ngẫm nghĩ như xem Gặp nhau cuối tuần mà chẳng cần hiểu logic hay ý nghĩa là gì cả, nhưng vẫn đọng lại cái gì đó khá ấn tượng.

NHỮNG MONG MUỐN CỦA MỘT CÁ NHÂN TRONG MỘT CUỘC SỐNG PHŨ PHÀNG VÀ MỘT XÃ HỘI BÓP CHẾT CÁC CÁ NHÂN

Cái nồi gì thế? là truyện ngắn đầu tiên trong 10 truyện ngắn của cuốn Cái nồi gì thế? bắt đầu với một cô gái tên Kin bỗng dưng trúng thưởng một cái nồi theo đúng nghĩa đen. Kin nhìn nhận đó là dấu hiệu cho biết cuộc đời cô sẽ có những thay đổi tích cực hơn sau 27 năm chỉ biết học hành, làm việc chăm chỉ và nghe mẹ ca thán lấy chồng. Cầu được ước thấy, cô nhận được cuộc gọi mời đi cà phê từ người đàn ông đẹp trai, cao to mình thích. Khi kin đến gặp, gã đàn ông hỏi cô có đang đến ngày không vì gã chẳng muốn mất thời gian với một cô gái không thể làm tình trong đêm nay.

Trước sự kinh ngạc của Kin, gã nói rằng chẳng phải cô muốn một điều bất ngờ để làm thay đổi cuộc sống nhàm chán chỉ biết công việc thôi sao? Chính gã là điều bất ngờ đó, sẽ khuấy đảo cuộc sống của cô, nhưng không phải nhẹ nhàng, lịch sự như những gì Kin nghĩ. Đó chính là bản chất của cuộc sống, nếu ai đó muốn cuộc đời thú vị hơn, nhưng đừng trông mong đó là sự vuốt ve mà hãy chuẩn bị tinh thân như bị tát vào mặt. Cái hay là Hoàng Nhật đã đan cài thông điệp đó vào trong bối cảnh công sở, các mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp cùng những tình tiết hài hước để làm nhẹ nhàng đi bản chất thật của sự việc và hiện thực.

Chiếc quần của Zozo thì mang một thông điệp mạnh bạo hơn khi nhân vật này chỉ mặc quần sịp màu vàng đến công ty làm việc và tới nhà hàng dự sinh nhật với bạn gái. Đây là sự ám chỉ việc khi bạn có suy nghĩ, có lối sống quá khác biệt thì người khác cũng sẽ nhìn bạn như kiểu chỉ mặc quần sịp ra đường. Ngay cả bạn gái cũng không ngoại lệ. Con người trong một xã hội đề cao tập thể và sự an toàn sẽ không chấp nhận những sự thay đổi đi ngược với quan điểm của đám đông. Nhưng nếu hành động đó đủ sức thuyết phục và lan rộng, nó sẽ tạo ra sự thay đổi. Sự hài hước và quen thuộc với những tình tiết phá lên cười để biến một chủ đề quen thuộc thành một điều mới mẻ so với nhiều tác giả khác thì mình luôn đánh giá cao ở Hoàng Nhật.

Biên niên sử ký về Trí Mèo thì còn vô lý hơn với việc hai kẻ lừa đảo và cũng là nhân vật chính lập ra một kế hoạch chào bán cầu Long Biên với giá 2 tỷ đồng cho một tay công tử ngáo ngơ. Một truyện ngắn đậm chất châm biếm, trào phúng và mang lại tiếng cười như xem Gặp nhau cuối tuần về mộng tưởng làm sếp có gái xinh vây quanh, đi xe hơi đẹp bằng thủ đoạn chứ không phải thực lực. Và cái gì cũng có cái giá của nó.

Con thú người lại tạo ra mình một hiệu ứng mạnh mẽ khi Hoàng Nhật xây dựng một câu chuyện các cá nhân quá khác biệt phải được ngăn cách khỏi xã hội như những con mãnh thú trong thảo cầm viên. Những con người với suy nghĩ kì lạ, tính tình đặc biệt trong cuộc sống và công việc nguy hiểm chẳng kém gì một con sư tử. Tốt nhất nên cảnh giác và nếu có thể hãy triệt tiêu những cá thể này khỏi xã hội bằng bất cứ cách nào cũng được.

DƯ VỊ CỦA NHỮNG CUỘC TÌNH QUA TỪNG NĂM THÁNG

Nếu những gì mang nhiều sự việc có thật nhất trong cuốn Cái nồi gì thế? chính là các truyện tính có nhiều tình yêu là chủ để chính của Hoàng Nhật. Mỗi truyện ngắn trong chủ đề này dường như là đánh dấu sự nghiệm và cảm nhận trong tình yêu của tác giả. Ngõ nhỏ bên này, hồ lớn bên kia có lẽ là câu truyện sớm nhất với bối cảnh năm 2010. Một tình yêu trong trẻo, với những tiếc nuối và câu hỏi dù yêu và chia tay vẫn không trả lời được. Một năm học xuất sắc thì đặt người đọc tự hỏi có nên tiếp tục yêu khi có một cơ hội tốt cho sự nghiệp xuất hiện, và mọi chuyện sẽ thế nào khi phải từ bỏ hay tiếp tục yêu.

Trong chủ đề yêu đương này, mình ấn tượng nhất truyện Thiếu nữ ghé thăm Yangon – một truyện ngắn phảng phất phong cách của Murakami và câu nói gây ám ảnh như trong phim Gone Girl. Bắt đầu từ một cô gái đến chào hàng sản phẩm cho một tay 30 tuổi độc thân. Cô gái quá đẹp, làm gã nảy sinh những suy nghĩ nhục dục và bản thân cô đang có một công việc đặc biệt là tiêu hoá ký ức. Cô gái muốn giúp gã quên đi một ký ức buồn ở Yangon, một ký ức mà câu nói “Sao anh lại đối xử với em như thế?” vẫn vương vấn trong đầu mình và kéo theo toàn bộ nội dung truyện ngắn này. Mình có một suy nghĩ không biết có phải là dụng ý của tác giả không. Mọi thứ hữu hình dù đẹp đẽ đến mấy, dù nhuộm màu hồng đến mấy thì cũng không loại bỏ được sự đau khổ và tổn thương vốn luôn sẵn có trong mỗi con người.

SIÊU ANH HÙNG TRONG TRUYỆN NGẮN CÁI NỒI GÌ THẾ?

Nếu để chọn ra truyện ngắn mình thích nhất thì đấy chắc chắn là Captain Đéo Quan Tâm! Một truyện ngắn được Hoàng Nhật viết với tâm huyết như thể đó là ngôi sao trong Cái nồi gì thế? Khi hội tụ đủ tính phiêu lưu, hài hước, siêu thực, ẩn dụ và một siêu anh hùng.

Nhân vật chính tên Tâm, với tên đầy đủ là Đéo Quan Tâm ngay khi sinh ra cô đã mang nhiều sự bất mãn từ gia đình, xã hội và cuộc sống.

Tâm làm việc ở một cửa hàng tiện lợi – một ẩn dụ thú vị về một xã hội, một nơi, một địa điểm có thể cung cấp mọi thứ cho mỗi cá nhân hòng để đạt được mục đích. Việc của Tâm là chỉ bán hàng, chỉ thu lợi nhuận nhiều nhất cho cửa hàng mà đừng quan tâm đến mục đích của người mua. Đéo Quan Tâm đã làm đúng như vậy nhưng cuộc đời vẫn không buông tha cô khi cử một gã béo với bụng to như thùng nước lèo đến mua hàng. Từ lúc đó, rắc rối và nhiều bất ngờ xảy đến với cô. Tâm bị rơi vào, bị kéo đến mội thực tại song song mà cô thấy chính những gì mình đã trải qua đang xảy đến với hai đứa trẻ khác. Tâm nhận thấy rằng chính sự thờ ơ, dửng dưng của con người đã đồng loã, đã tiếp tay cho những chuyện kinh tởm, tội ác liên tục lặp lại và xảy ra. Cô quyết định mình sẽ phải làm gì đó, dù trong tay chỉ có một chai dầu ăn và con dao làm bếp. Từ một kẻ đéo quan tâm trước bất cứ chuyện gi, Tâm đã trở thành người quan tâm.

CÒN MỘT ĐIỀU NỮA

Mình xin nói trước Hoàng Nhật với mình có mối quan hệ liên quan đến viết lách, anh em chơi cùng, nhưng không vì thế mà sẽ làm mình viết một review với đầy sự tung hô và tán tụng.

Mình đã đọc Cái nồi gì thế hai lần để có thể tìm ra được những gì có thể chia sẻ với mọi người và thuyết phục mình nói về nó cho bạn bè. Và với việc 10 truyện ngắn của Hoàng Nhật được Nhã Nam xuất bản thì cũng đã là một công nhận đáng phải nói đến rồi.

Sau cùng, mình cũng đã tìm được những lý do để viết một review với sự xắp xếp các truyện ngắn trong Cái nồi gì thế? cùng những thông điệp mà mình thấy thú vị có thể kể và khuyên mọi người tìm đọc ngay bây giờ.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân