ĐỪNG QUAN TÂM ĐỌC ÍT HAY ĐỌC NHIỀU, SÁCH GỐC HAY SÁCH NGỌN MÀ HÃY ĐỌC NGAY ĐI

Khi lướt qua mấy fanpage, group sách hay các cá nhận tạo nội dung trên fb, thì điều đập vào mắt mình là những lời khuyên được hoa CHÚ Ý bạn nên đọc sách này, đọc cuốn kia, top 10 cuốn sách phải đọc trước khi chết, rồi đọc ít nhưng là gốc còn hơn là đọc nhiều nhưng là ngọn, hay đọc đạt đến xxx chữ trong 1 phút, đọc bao nhiêu cuốn một ngày, rồi chất lượng hay số lượng đều là những nhận định chủ quan và mang cảm tính cá nhân nhiều hơn là một công thức đọc chọn và đọc sách hiệu quả vì:

1. Để tìm ra thể loại sách phù hợp với mình, bạn phải mở rộng cả thể loại lẫn số lượng sách là cách duy nhất và hiệu quả nhất để hiểu thế nào là gốc hay ngọn chứ không chỉ qua lời người khác nói. Cứ cho là sách người đấy nói là “Gốc” nhưng cái “Gốc” đó có phù hợp với bạn và bạn hiểu gốc đó hay thì là một chuyện hoàn toàn khác.
Bạn phải chứng nghiệm điều đó bằng cách đọc không chỉ sách ai đó thì thầm vào tai bạn mà bằng chính lựa chọn của mình. Có thể sẽ mất thời gian, nhưng thứ giá trị thì luôn là thứ tiêu tốn thời gian. Cái gốc để hiệu được hàng triệu cuốn sách do chính bạn giác ngộ đáng để làm như vậy. Và cách để đạt được sự giác ngộ đó là đừng hạn chế số lượng sách bạn có thể tiếp cận.

2. Nói về số lượng sách bạn có thể tiếp cận thì cả cuộc đời này bạn sẽ chỉ đọc được một phần nhỏ những cuốn sách bạn muốn đọc. Tốc độ xuất bản hiện này là trung bình có hơn 3 cuốn sách được xuất bản mỗi ngày thuộc thể loại bạn đọc. Điều này đem bạn đối diện một sự thật phũ phàng: Bạn có áp dụng các phương pháp đọc nhanh, đọc siêu tốc thì cũng bị hạ đo ván bởi tốc độ ra sách.
Quay lại câu chuyện về cái gốc của sách – khi bạn đã đọc được một lượng sách trung bình lên tới 50 cuốn/năm hoặc hơn thế trong vài năm, thì với từng đó thời gian, bạn đã có dần hình thành nên cái gốc của mình. Cái gốc này giúp bạn định hình được văn phong, lập luận, kiến thức phổ quát và phong cách bạn ưa thích để chọn ra sách đỉnh của đỉnh trong hàng nghìn cuốn bình thường, là ngọn của sách gốc.
Ví dụ bạn ưa thích văn hoá phương Tây, bạn đọc 20 cuốn về tôn giáo, triết học hình thành nên phương Tây thì tất cả những cuốn cùng thể loại sẽ không gây khó khăn với bạn. Thậm chí bạn có thể lướt qua những cuốn với bìa sách hấp dẫn nhưng nội dung chỉ là sự sao chép và diễn đạt dài dòng hơn để được gọi là 1 cuốn sách mà thực ra rất ít kiến thức và thông tin mới. Quay lại với lập luận số 1 : Muốn có gốc, cứ đọc và chiêm nghiệm đi, đừng lo ít hay lo nhiều làm gì.

3. Đọc ít hay nhiều không quan trọng bằng nhịp điệu. Nhịp điệu thì phụ thuộc vào thể loại sách là thế mạnh của bạn. Ví dụ bạn đọc nhiều tiểu thuyết, khi chuyển sang sách khoa học, tâm lý học thì việc ngôn ngữ diễn tả sẽ khô khan và mang tính học thuật hơn nên bạn sẽ không thể đọc trôi chảy như tiểu thuyết.
Ngay cả những cuốn sách cùng thể loại cũng phân cấp mức độ khó và dễ khi đọc. Bạn có thể đọc cuốn Rành mạch nhanh hơn là cuốn Suy nghĩ nhanh và chậm dù cả hai đều là sách về tâm lý học hành vi, nhưng nếu bạn đọc kỹ lưỡng Suy nghĩ nhanh và chậm – Gốc, bạn sẽ dễ dàng hiểu và nắm bắt được nội dung của đa số cuốn về tâm lý học hành vi khác mà Rành mạch – ngọn cũng nằm trong số đó.
Vì thế, nhịp điệu sẽ khiến bạn đọc nhanh thể loại sách bạn thích và trở nên chậm rãi với những thông tin và thể loại mới. Trước lạ sau quen, chỉ cần bạn duy trì nhịp điệu phù hợp với từng cuốn sách thì bạn sẽ dễ dàng đọc, phân loại thông tin và nắm vững kiến thức.

Ngoài việc áp đặt người đọc nên phải đọc gì, đọc như thế nào thì nhiều fanpage, group, cá nhân tạo nội dung liên quan sách đều rất tự tin vào quan điểm, lựa chọn và sách mình đọc. Có người còn cho rằng, chỉ cần đọc cuốn họ chọn thì sẽ chẳng cần phải đọc bất cứ cái gì nữa. Một phần trong số họ đã thành công, thu hút được lượng người follow lớn không thể phủ nhận.

Còn đối với mình, đọc sách nên là một thói quen và hành vi cần thực hiện suốt đời. Đọc mài sắc tư duy, biến sự trừu tượng thành những chuỗi suy luận logic, sáng tạo có thể đem tới những kết quả có lợi từ tinh thần đến vật chất. Thông thường, nhiều người có suy nghĩ rằng đã thành công hay giàu rồi thì không còn phải đọc nữa hoặc đọc ít đi. Nhưng thực tế, những người giỏi nhất, thành công nhất và giàu nhất đều duy trì thói quen đọc.

Những ai đã xem loạt phim tư liệu về cuộc đời của Osho (Một triết gia rất được người Việt yêu thích) ở tập đầu tiên sẽ thấy khi phóng viên bước vào gian phòng của Osho được chất đầy bằng sách. Thậm chí lúc đó Osho cũng đang đọc một cuốn, ngay dưới chiếc ghế ông ngồi là những chồng sách mới tinh.
Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới trong một thời gian dài, nhưng điều đó không ngăn cản Gates đọc mỗi ngày. Thậm chí ông còn đọc nhiều hơn cả lúc còn nhỏ. Hàng chục năm trước, khi vẫn còn điều hành Microsoft, Bill Gates luôn duy trì thói quen Tuần suy nghĩ bằng cách dành ra 2 tuần trong 1 năm đi nghỉ chỉ để đọc sách.
Mark Zuckerberg – CEO của facebook trong những tấm ảnh chụp ở bàn làm việc luôn đặt ít nhất 2-3 cuốn sách. Mark Zuckerberg từng công khai cam kết rằng sẽ viết mã ít hơn để đọc ít nhất 1 cuốn sách trong 1 tuần.
“Tôi thấy việc đọc sách là để hoàn thiện trí tuệ. Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề và đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào phương tiện truyền thông của tôi” Zuckerberg chia sẻ trên Facebook.

Vậy còn chờ gì nữa mà bạn không đọc ngay từ bây giờ. Đừng nghĩ tới việc bạn nhận được gì từ sách, hãy coi đấy là một thói quen tốt để sử dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi của bạn trong mỗi ngày. Đây là bước cơ bản để bạn có thể tạo ra sự khác biệt.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân