Mấy hôm trước, có một anh bạn tên M hay theo dõi mình trên fb inbox hỏi rằng :
“Tôi thấy những chia sẻ của bạn thú vị và có ích, nhưng Like, Share và tương tác thấp quá mà bạn có vẻ cũng tốn nhiều công sức để viết ra, trong khi bạn viết gần như là mỗi ngày. Vậy việc khi những gì bạn chia sẻ một cách tâm huyết nhưng không được đón nhận hay bị cộng đồng ném đá thì bạn có thấy buồn hay chán nản không?”
Mình trả lời anh M nếu nói là không thì là nói dối (Thật ra mình rất quan tâm đến sự thay đổi thuật toán của fb và khá thường xuyên chia sẻ với mọi người về vấn đề này. Chính vì thế, đôi khi khá nhiều chia sẻ của mình nhận được sự quan tâm đến mức mình khá ngạc nhiên), nhưng nếu cho rằng một bài viết hay chia sẻ của mình để quy ra LIKE hay SHARE và coi đó là động lực để viết mỗi ngày thì không.
Nhân đây, mình cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về chuyện này. Mình nghĩ rằng cũng có nhiều bạn viết lách sẽ có cùng suy nghĩ và nhìn nhận sự đánh giá lẫn công nhận của người đọc thông qua Like hay share trên FB, iG… Đồng thời mình rất vui chia sẻ lý do tại sao mình có thể mỗi ngày về những suy nghĩ và nhận thức của mình mà bỏ qua xu thế lẫn tương tác ở bên ngoài trên mạng xã hội. Mình không phủ nhận sự ảnh hưởng và giá trị của hai điều đó đem lại, nhưng đồng thời để có được nó bạn cũng phải đánh đổi những thứ nhất định.
Triết gia Khắc kỷ Epictetus từng nói rằng “Đừng bao giờ lệ thuộc vào sự thán phục của người khác dành cho bạn.Không có sức mạnh nào trong đó cả”. Mình đồng ý và thấm nhuần sự nhắn nhủ này của Epictetus, tương tự như học trò của ông là Marcus Aurelius viết trong cuốn Suy tưởng “Sẽ là ngu xuẩn khi anh đòi hỏi nhận được cái gì từ thứ mà anh có phúc phần được làm nó (Đối với mình là viết mỗi ngày). Anh không nhận thấy rằng chỉ từ điều đó cũng đủ là phần thưởng đối với mình hay sao?”.
Khi đối chiếu với xã hội và cách tương tác bây giờ thì tất cả sẽ rất khó chấp nhận tư tưởng của Aurelius và khá miễn cưỡng với suy nghĩ của Epictetus, vì không một ai chấp nhận việc bỏ công sức ra làm cái gì đó và tự nhủ rằng “Đó đã là phần thưởng rồi”. Vì thế, ngay trên chính sự thoả mãn ảo tưởng trong từng cái Like, Share hay Comment mà FB hay các mạng xã hội khác tạo ra đã phần nào giải toả tới người sử dụng như :
– Bạn cảm thấy mình được quan tâm.
– Những gì bạn đang tải được cho rằng có giá trị.
– Bạn thấy đó thực sự là phần thưởng tinh thần chứ không chỉ là tự an ủi với suy nghĩ “Được viết đã là hạnh phúc rồi”.
– Sự tương tác tốt trên mạng xã hội sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội ( Điều này hoàn toàn đúng).
Nhưng đổi lại, bạn sẽ bị lệ thuộc vào thuật toán của FB và tư duy của người đọc bên ngoài. Thậm chí bạn còn phải thay đổi cả phong cách, văn phong, tư duy của mình để thu hút sự quan tâm của người đọc hơn. Điều này mình không phản đối, trái lại thậm chí mình còn liên tục thử nghiệm cách viết để bài viết được hiển thị nhiều hơn.
Giống như thuyết tiến hoá của Darwin, thay đổi luôn tốt hơn để một chủng loài có thể tiến thẳng lên đầu chuỗi tiến hoá, thì việc mình liên tục có những thay đổi trong cách viết và nghiên cứu thuật toán hiển thị của FB cũng là cách tối đa phần trăm bài viết đến nhiều người đọc nhất có thể. Nhưng mình không phụ thuộc bản thân vào việc LIKE ÍT HAY LIKE NHIỀU để dựa vào đó đưa ra quyết định mình sẽ phải viết cái gì hay sẽ viết những gì mình muốn viết. Như thế mình sẽ thoả mãn được cả hai điều cả cho mình lẫn thế giới bên ngoài là :
– Mình vẫn sẽ viết và tìm hiểu cách tốt nhất để bài viết được hiển thị nhiều tới người đọc (Đây là lý do tại sao có những chia sẻ của mình nhận được sự quan tâm của người đọc lẫn cơ hội kiếm được tiền).
– Mình không bị phụ thuộc vào LiKe hay share hay tương tác để quyết định sẽ viết cái gì (Điều này ảnh hưởng lớn tới việc mình sẽ liên tục viết cái mình thích và phớt lờ mọi sự công nhận nhưng mình vẫn buộc bản thân phải làm tốt nhất có thể trong mỗi ngày).
Cuối cùng, mình đi tới một lập luận rằng : Không ai cấm mình tìm và thử những cách tốt nhất để hiển thị bài viết của mình, nhưng cũng không bị lệ thuộc vào sự hiển thị đó để phải viết những gì mình không thích bằng việc LÀM TỐT NHẤT CÓ THỂ CÁI BẠN LÀM GIỎI NHẤT.
Tinh tuý tạo nên con người bạn không đến từ bất cứ cái gì ở bên ngoài. Bạn cũng không thể tìm thấy ở nó trong người khác lẫn sự khen ngợi hay công nhận của họ. Có một thực tế dù rất khó chịu để công nhận nhưng nó lại là sự thực : Ngay cả những người bạn yêu mến nhất cũng như thân thiết với bạn nhất chưa chắc đã đồng ý và khen ngợi những gì bạn làm.
Thật ra điều này cũng không cần thiết. Sự trưởng thành hay tiến bộ đích thực cũng nằm ở việc bạn không quan tâm đến bất cứ điều gì người khác nghĩ về việc bạn phải làm. Vì thế Aurelius cũng đã đúng khi cho rằng chúng ta ngốc nghếch khi tìm kiếm sự công nhận của người khác trong việc chúng ta đã chọn để làm.
Hãy tạo ra sự tưởng thưởng của riêng bạn. Phần thưởng đích thực ấy không tới từ các mối quan hệ của bạn mà thông qua công việc bạn đã làm và bạn sẽ làm tốt đến đâu để nhận ra được giá trị của nó. Hãy bắt tay vào làm ngay bây giờ, hãy làm hết sức mình và đừng bận tâm tới những tác nhân bên ngoài, ngay cả đó là sự ngưỡng mộ chứ đừng nói là Like hay share.