NẾU BẠN KHÔNG LÀM THÌ HÃY ĐỂ NGƯỜI KHÁC LÀM

– Nếu tất cả ai cũng muốn làm việc trí thức cao thì lấy đâu ra lao động tay chân để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống?
 
– Nếu ai cũng là nghệ sỹ, nhà văn, người sáng tạo thì lấy đâu ra công nhân, nhân viên văn phòng để vận hành thế giới này?
 
– Rồi nếu cứ cổ xuý phải làm việc mình thích, phải làm việc mình muốn thì những công việc không thích còn lại thì ai sẽ làm?
 
Đây là một số nguỵ biện phổ biến của con người khi những chủ đề có liên quan đến việc cố gắng, nỗ lực, tự tư duy hay khuyến khích con người thay đổi cuộc sống một cách triệt để được truyền tải. Và tại sao mình gọi đây là nguỵ biện thì đơn giản thôi : bản chất của cái họ viện cớ thì dễ dàng hơn cái còn lại, nhưng lại gán cho cả hai một giá trị bằng nhau để đánh lận con đen.
 
Một cái là số ít, một cái là số nhiều. Một cái dễ và một cái khó.
 
Tuy nhiên khi nguỵ biện bằng ngôn từ như trên thì lại tạo cho người đọc cảm giác rằng cả hai đều như nhau, và lựa chọn nào cũng có thể đạt được nếu bạn muốn. Nhưng thực tế nó không dễ dàng như vậy, như hành động khác xa với lý thuyết.
 
Về cơ bản, đúng là chúng ta có quyền chọn một trong hai để xây dựng cuộc sống và định vị bản thân chúng ta trong thế giới này, nhưng có lựa chọn đòi hỏi nỗ lực hơn rất nhiều so với lựa chọn còn lại. Và chúng ta cũng biết rằng số người nỗ lực lại là một dạng số ít giống như nhân sâm ngàn năm chứ không phải đại trà như mớ rau bày bán ngoài chợ.
 
Vì thứ tốt hơn thì khó hơn để đạt được, người giỏi và biết mình phải làm gì cũng ít hơn rất nhiều so với những người chỉ nói rằng “tại sao tôi phải thay đổi, nếu tôi giỏi thì những việc khác trên thế giới này thì ai sẽ làm”? Bạn yên tâm đi, vẫn sẽ có nhiều người làm tất cả những việc đó trong khi bạn thay đổi triệt để, vì điều họ chọn dễ dàng hơn bạn chọn rất nhiều. Lựa chọn dễ thì cuộc sống sẽ khó khăn. Điều này cũng đúng với cả khi một cuộc sống tốt đẹp hơn bao giờ cũng rất hiếm hoi khi cả cả hàng triệu cuộc sống bất mãn ở ngoài kia.
 
Sự nguỵ biện để kéo một thứ ở trên bằng một thứ ở dưới là một cách con người từ chối tiếp nhận những cơ hội và giá trị có thể đạt được điều gì đó vượt khả năng của mình. Vấn đề là không phải nằm ở nguồn lực hay tư duy mà là họ không chịu chấp nhận nỗ lực để thay đổi.
 
Thay vì thế họ gắn chặt giá trị phổ thông của mình bằng cách đưa nó lên ngang bằng với một thứ sẽ không bao giờ đạt được nếu không chấp nhận thay đổi. Họ làm điều đó để khiến bản thân không cảm thấy thấp kém và cũng chẳng cần thay đổi.
 
Họ từ chối cơ hội để nhận được những thứ tốt hơn. Họ không tin mình xứng đáng với những điều có giá trị hơn. Và nghiêm trọng hơn là không chỉ không kiếm tìm nó mà còn ngăn cản người khác làm điều đó bằng nguỵ biện của mình.
 
Chúng ta vốn được trao cho những công cụ hữu hình và vô hình để tạo ra cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Một trong những công cụ quan trọng nhất là khả năng sẵn sàng học hỏi và thay đổi với một chút động lực. Nhưng nhiều người trong chúng ta lại từ chối sử dụng công cụ đó, từ chối cả việc học hỏi lẫn cố gắng thay đổi với suy nghĩ “Thế giới này cần mình ở vị trí này. Nếu mình tiến lên thì sẽ có sự hỗn loạn và cuộc đời này sẽ trở nên mất ổn định”.
 
Không, bạn nhầm rồi. Thế giới vẫn ổn cả khi bạn bước lên một vị trí khác. Đó là vị trí mà chỉ có số ít mới đặt chân tới chứ không phải là tất cả, vì đa số sẽ ở vị trí bạn đang đứng.
 
Khi bạn đã được trao các công cụ cần thiết để tiến lên mà vẫn từ chối thì đó là quyền tự do lựa chọn của bạn. Nhưng đừng đánh tráo khái niệm, đừng đánh lận con đen giữa hai thứ với nhau để biện minh cho lựa chọn của mình.
 
Bạn không làm thì hãy để người khác làm. Đó là sự tử tế cuối cùng mà bạn có thể đem tới cho những người khác và thế giới này.
 
Photo: Bookshelfkeeps
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân