NẾU EM KHÔNG CÓ BẤT CỨ ĐAM MÊ HAY HỨNG THÚ NÀO TRONG CUỘC SỐNG NÀY THÌ CÓ CÁCH NÀO GIÚP EM THAY ĐỔI DÙ CHỈ MỘT CHÚT KHÔNG?

“…Hãy nhân ái với chính bạn càng nhiều càng tốt. Đừng đo lường chính mình bằng cách so sánh với người khác, hay thậm chí với cái bản ngã lý tưởng của bạn. Sự cải thiện của con người là một nỗ lực dần dần, “hai bước tiến, một bước lùi”.
Hãy tha thứ cho kẻ khác một cách lặp đi lặp lại, lần này sang lần nọ. Cử chỉ này sẽ bồi đắp sự bình an nội tại.
Hãy tha thứ cho chính bạn, lặp đi lặp lại. Rồi hãy cố làm tốt hơn trong lần sau”.
– Triết gia Khắc kỷ Epictetus

Có bạn hỏi mình rằng nếu như em không có bất cứ mục đích lẫn tham vọng, em vô thần, mọi mối quan hệ của em đều đổ vỡ và em không kiên nhẫn ngồi thiền được quá 5 phút. Vậy có cách nào để em thay đổi được dù chỉ là một chút không?

Mình trả lời rằng : Anh nghĩ là triết học Khắc kỷ sẽ giúp cho em nhìn nhận về bản thân, thế giới quan và quan trọng nhất là những gì em có thể hay không thể kiểm soát trong cuộc sống này. Khắc kỷ cũng không đòi hỏi em bất cứ động lực hay sức mạnh nội tại nào mà các cuốn sách selfhelp nhồi nhét vào đầu người đọc. Và em có thể tự tìm kiếm thông tin chứng minh rằng rất nhiều người nổi tiếng, nhà văn, thể thao… đã thay đổi cuộc đời mình khi thực hành lối sống của Triết học khắc Kỷ.

Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng chẳng quan tâm em đức tin hay là một người vô thần, vì cốt lõi của Khắc kỷ lại đứng ở giữa hai đầu dây này. Nó vừa chứa đựng những giá trị tâm linh hướng thiện và đạo đức như một tôn giáo, nhưng ủng hộ mỗi cá nhân đều có quyền thay đổi số phận của chính mình bằng tư duy đúng đắn.

Quan trọng nhất, triết học Khắc kỷ không yêu cầu em phải có cái gì hay là ai để bắt đầu một lối sống mới, vì sự tối giản chính là hành trang tốt nhất để thực hiện một lối sống đi tìm giá trị nội tại trong bản thân em. Anh có thể nói rằng, nếu 21 năm hiện tại của em được coi là bỏ đi, nhưng em vẫn có quyền tự đem tới cho mình một cuộc đời mới, con người mới và biết đâu cả một đam mê khi thực hành lối sống Khắc Kỷ.

Hạnh phúc và tự do bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng về một nguyên tắc: Một số điều nằm trong tầm kiểm soát của bạn và một số khác thì không. Điều này là nền tảng của lối sống Khắc Kỷ nên mình phải nhắc lại một lần nữa. Chỉ sau khi bạn đã đối mặt và chấp nhận cái nguyên tắc nền tảng này, và học cách phân biệt giữa những gì bạn có thể và không thể kiểm soát, thì bạn mới có thể đạt tới bình an nội tâm và tìm được ý nghĩa trong những ngày tháng tiếp theo vì “Bên trong trật tự thiêng liêng, mỗi người trong chúng ta đều có một “tiếng gọi” đặc biệt. Hãy lắng nghe tiếng gọi của bạn và đi theo nó một cách tự nguyện”.

Trong bài viết mấy tháng trước, mình có dẫn chứng khá chi tiết những giá trị của triết học Khắc kỷ (các bạn có thể tìm lại trên fb mình), để có cái nhìn rõ hơn về một lối sống đã đem lại danh tiếng cho rất nhiều tên tuổi từ cả nghìn năm trước cho đến tận bây giờ.

Một số tác phẩm Khắc kỷ tiêu biểu:

– Suy tưởng của Marcus Aurelius
– Những lá thư của Seneca
– Một phong cách sống của Epictetus
– Chủ nghĩa Khắc Kỷ William B. Irvine

 

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân