NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG CỦA MICHAEL JORDAN TRONG LOẠT PHIM THE LAST DANCE.

 

“Hãy bắt đầu bằng hy vọng”.

Đó là câu nói cuối cùng của Michael Jordan gửi đến các thế hệ cầu thủ bóng rổ tiếp theo khi kết thúc 10 tập phim The Last dance.

“Đam mê bóng rổ của tôi nên truyền lại cho lớp trẻ. Tôi đã chơi 1 thứ bóng rổ đỉnh cao nhất có thể và tôi chơi bóng vì họ”. Jordan nói những lời này trước khi kết thúc buổi phỏng vấn bằng câu “Hãy bắt đầu bằng hy vọng”.

The Last dance là loạt phim nói về quá trình Michael Jordan từ một thiếu niên yêu thích bóng chày, chơi bóng rổ còn kém hơn cả anh ruột và sau này đã trở thành cầu thủ vĩ đại nhất của bóng rồ như thế nào với một câu lạc bộ vô cùng tầm thường là Chicago Bulls với 6 chức vô địch và trở thành nhân vật thể thao nổi tiếng nhất thế giới trong thập kỷ 1990.

Trong loạt phim tư liệu và phỏng vấn trực tiếp The Last Dance các cầu thủ bóng rổ, huấn luyện viên, bạn bè và người thân Michael Jordan đã đem tới cho người xem cái nhìn trung thực mọi ý kiến, nhận xét và sự đánh giá khách quan nhất có thể về số 23 huyền thoại.

Bên cạnh đó, có những câu chuyện thú vị, truyền tải động lực và cảm hứng trong cuộc sống của một con người sinh ra không có tài năng trời ban, nhưng đã liên tục thúc đẩy bản thân đến giới hạn cao nhất có thể.

“Bạn đừng bao giờ ước muốn ngay từ đầu đã là người giỏi nhất, mà hãy mong mình có khả năng tiến bộ và khát khao chiến thắng nhất. Ngoài ra cuộc đời không bao giờ biết trước được chuyện gì có thể xảy ra. Nhưng hãy sẵn sàng cho mọi tình huống”.

Michael Jordan thực tế không được đánh giá cao trong những năm đầu tiên chơi bóng rổ. Trong 3 năm chơi bóng ở đại học, ông được biết đến không phải là cầu thủ bóng rổ giỏi nhất mà là cầu thủ có khả năng tiến bộ nhanh nhất. Sau đó Jordan đoạt giải Cầu thủ của năm khi đưa trường đại học của mình đoạt chức vô địch.

Đối với Jordan, việc chơi bóng chuyên nghiệp ở NBA chỉ tương đương với khả năng ông sẽ tiếp tục học đại học là 50-50.

Trong cuộc tuyển chọn tân binh năm 1984 của NBA, Michael Jordan chỉ được chọn ở lượt thứ 3. Ngay chính vài huấn luyện viên trước đó của Jordan cũng nói rằng nếu được chọn họ cũng không chọn Jordan đầu tiên, vì thời điểm đó Jordan dù rất giỏi nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục. Còn bây giờ, phần còn lại là lịch sử.

“Bạn không kiểm soát điều gì cả ngoài bản thân, ý chí và thái độ của chính mình”.

Cuộc sống của Michael Jordan rất nhạt nhẽo. Chỉ tập trung chơi bóng và luyện tập ở mức độ cao nhất. Khi năm thứ 2 chơi bóng ở NBA, Jordan bị gãy mu bàn chân phải nhưng trong thời gian dưỡng thương ông đã trốn về trường đại học để tiếp tục chơi bóng rổ.

Khi hồi phục chấn thương, Jordan liên tục chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất nhưng do Chicago Bulls lúc đó quá yếu nên liên tiếp bị loại sớm. Jordan thường xuyên bị chăm sóc kĩ lưỡng, thậm chí có cả “Luật Jordan” ám chỉ rằng cần phải không từ một thủ đoạn, tiểu xảo nào để ngăn ông chơi bóng.

Dù thắng hay thua, Michael Jordan vẫn giữ thái độ điềm tĩnh khi trả lời phỏng vấn hay bắt tay, chúc mừng đội bạn. Nhưng trong thi đấu hay cả cờ bạc, ông lại là người có tính cạnh tranh cao và muốn chiến thắng bằng mọi giá.

7 năm sau khi chơi bóng ở NBA thì Jordan mới vô địch lần đầu tiên ở tuổi 27 và 2 năm sau Jordan đã được công nhận là cầu thủ vĩ đại nhất trong thế hệ do chính các siêu sao khác công nhận khi đưa Chicago Bulls vô địch 3 lần liên tiếp.

“Khi không còn động lực, thích thú với công việc nữa thì bạn hãy dừng lại nghỉ ngơi và chỉ quay trở lại khi đã sẵn sàng”.

Michael Jordan sau cái chết của bố cũng như cảm thấy mệt mỏi, không còn động lực chơi bóng rổ sau 3 lần vô địch liên tiếp đã tuyên bố giải nghệ, chuyển sang chơi môn bóng chày từ nhỏ. Nhưng 18 tháng sau, Jordan quay lại bóng rổ với một thông báo tới truyền thông rất ngắn gọn “Im back”.

Sau đó chuỗi vô địch 3 lần liên tiếp thứ 2 còn vẻ vang hơn lần thứ nhất khi Michael Jordan đã 31 tuổi nhưng vẫn trình diễn thứ bóng rổ đỉnh cao nhất.

“Một cầu thủ vĩ đại là người biết dẫn dắt đội bóng đến chiến thắng và chỉ cho đồng đội biết phải làm gì để tiến bộ”.

Có nhiều trận đấu quan trọng của Chicago Bulls mà Michael Jordan không phải là người chốt hạ. Bản thân Jordan lúc nào cũng là vệ tinh được chú ý đặc biệt trên sân. Vì thế nhiều lần hội ý trong trận đấu, Jordan luôn chỉ định ai đó sẽ là người thực hiện cú ném cuối cùng thay khi ông bị theo kèm quá chặt.

Đổi lại Jordan luôn yêu cầu các đồng đội phải chơi bóng với một tinh thần chiến thắng bằng mọi giá và thúc đẩy họ đến những giới hạn họ chưa bao giờ dám nghĩ đến. Đối với Jordan, chấn thương hay những cơn đau chỉ mang tính tương đối chứ không thể ngăn cản một cầu thủ chơi bóng. Trong một trận chung kết NBA, Jordan bị ngộ độc đêm hôm trước nhưng vẫn ra sân và ghi được gần 40 điểm.

Trong buổi phỏng vấn ở tập cuối The Last dance, Jordan nói rằng ông không thích giải nghệ khi ở đỉnh cao sự nghiệp. Đơn giản là ông biết mình có thể vô địch thêm một lần nữa nhưng với điều kiện là phải chơi cùng với các đồng đội và huấn luyện viên của Chicago Bulls.

“Đừng nói không thể, hãy nói tôi tin”.

Khi nâng chiếc cúp vô địch lần thứ 6. Phill Jackson, huấn luyện viên của Chicago Bulls run rẩy nói với Michael Jordan :

– Anh tin nổi không?
– Tôi tin! Jordan đáp
– Thật không thể tin nổi!
– Tôi tin mà.
– Quá đẹp!
– Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc ! Tôi biết mỗi lần sắp đến đích thì ta sẽ làm được. Tôi luôn tin như vậy.

Vậy Michael Jordan có xứng đáng là GOAT của bóng rổ?

Xem nào, Jordan là cầu thủ không bao giờ ngừng tiến bộ, đưa 1 đội bóng tầm thường trở thành nhà vô địch 6 lần, thúc đẩy các đồng đội vượt ra khỏi giới hạn, người có thể chia sẻ vinh quang và cũng tự mình định đoạt rất nhiều trận quyết định, cũng như không bao giờ bỏ cuộc dù đã mệt rã rời hay đau bụng vì ngộ độc.

Quan trọng hơn, thời kì Michael Jordan chơi bóng rổ thì chính ông đã đưa bộ môn này tới khắp thế giới bằng khả năng chơi bóng của mình chứ không phải là một chiến dịch quảng bá rầm rộ hay một khuôn mặt ăn ảnh.

Vậy nếu Michael Jordan không phải là GOAT, thì ai sẽ xứng đáng hơn ông?

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân