NÓI VỀ NHỮNG LỢI ÍCH VÀ NHẢM NHÍ CỦA VIỆC CHỌN VÀ ĐỌC SÁCH

Hôm nay khi cà phê với nhau thì T có kể cho mình chuyện bạn cùng phòng trước đây của T có mua và thích đọc những cuốn sách với nội dung siêu ngắn, có kèm hình ảnh minh hoạ và hài hước để mô tả những từ ngữ được gọi là trend mà giới trẻ bây giờ hay sử dụng khi nói chuyện với nhau ví dụ như “Thả thính dự phòng”, “Tin thôi đừng tin quá”…
 
T đặt cho mình một câu hỏi thì những cuốn sách này có được tính là “Sách đáng để đọc không?” hay “Sách dễ đọc, dễ hiểu để bắt đầu xây dựng thói quen đọc?” chứ anh?
 
Thành thật mà nói là cá nhân mình chưa bao giờ chọn, mua hay giới thiệu về những cuốn sách có nội dung như thế nên mình sẽ không đưa ra đánh giá là thể loại sách này là có ích hay nhảm nhí, dù bản thân mình biết rằng trên thị trường sách đầy rẫy những cuốn sách hời hợt và nhảm nhí.
 
Nhưng dựa trên kinh nghiệm đọc sách của cá nhân thì mình sẽ nhìn nhận một cuốn sách kể cả cuốn sách đó mang tính thư giãn, giải trí đến đâu thì cuối cùng nó sẽ đem lại những lợi ích gì cho người đọc. Cụ thể những lợi ích đó là:
 
1.Thông tin, kiến thức có giá trị mà mỗi cuốn sách đem lại.
2.Có thể đưa người đọc vào trạng thái dòng chảy – Flow, từ đây giúp nâng cao khả năng tập trung – Focus và làm việc sâu – Deep work.
 
Điều đầu tiên có lẽ nhiều người sẽ không đồng ý với mình khi có quan điểm thực dụng về việc đọc sách : Truy tìm, đào xới từng dòng trong sách để đem về lợi ích cho bản thân. Điều này đúng. Thật sự là mình đã làm như vậy với mọi cuốn sách mình đọc. Mình coi sách là công cụ đem tới lợi ích cho bản thân hơn là một món ăn tinh thần.
 
Ngay cả việc đọc văn chương, vốn là thể loại sách mọi người tìm kiếm sự thư giãn trong đó, thì đối với một người đọc và viết mỗi ngày như mình thì mình luôn cảm nhận thấy có những có lợi ích ẩn chứa trong mỗi cuốn tiểu thuyết khi mình cầm trên tay. Thực tế là mình không mong chờ sự may mắn để tìm kiếm những viên ngọc thô đó, mà mình chủ động tìm kiếm chúng trong khi đọc. Những cuốn sách đem lại lợi ích này đều không ngắn dù vẫn hội tụ đủ các yếu tố hài hước, dễ đọc và đi kèm hình minh hoạ.
 
Và thông tin hay kiến thức mình đào bới được trong mạch suối ấy nó không phải là trend, không thời thượng cũng chẳng phải có tính chất nhất thời, nhanh chóng quên lãng như thứ thông tin nhảm nhí mà nó có ích về lâu dài theo đúng nghĩa.
 
Đó là thứ thông tin giúp bạn tiến bộ chứ không chỉ là giải trí.
 
Đó là thứ kiến thức đi theo năm tháng luôn luôn có ích với bạn chứ không chỉ là thư giãn.
 
Và để nắm được thứ thông tin và kiến thức ấy nó đòi hỏi bạn phải tư duy, phải chìm sâu trong những cuốn sách tra tấn từng nơ rôn thần kinh bạn chứ không phải là những cuốn sách nhất thời in ra để bán, để chụp ảnh đăng lên facebook, để trưng lên tủ sách và cuối cùng là rơi vào quên lãng.
 
Điều thứ hai thì mình lại gắn giá trị nội dung của một cuốn sách và bản thân cuốn sách đó là một công cụ để mỗi cá nhân xây dựng những hành vi và các thói quen tốt.
 
Bản thân việc đọc đòi hỏi chúng ta sự tập trung nhất định để hiểu ngôn từ đẹp đẽ (đối với văn chương) và phân loại thông tin có giá trị (đối với cách sách khoa học, lịch sử…). Nếu không có sự tập trung thì đọc hiểu một đoạn văn hay kiến thức thì sẽ chẳng cảm nhận hết cái đẹp và thông tin trong đó. Bạn sẽ mất nhiều thời gian để trở nên sâu sắc hơn nếu không học hỏi nó từ ngôn từ, và bạn cũng chẳng thể nào mở rộng giới hạn của bản thân nếu chẳng tiếp thu được thông tin mới.
 
Điều kiện đầu tiên để có được sự tập trung – Focus này chính là đắm chìm vào dòng chảy – Flow mà câu chuyện hay thông tin mà cuốn sách đem lại. Đồng thời để nâng tầm nhận thức, kéo dài khả năng tập trung và liên tục tạo ra dòng chảy của mình thì bạn phải đưa bản thân vào trạng thái Deep work – tập trung sâu.
 
Và đọc sách chính là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện Deep work, sau đó là đạt được khả năng Focus- tập trung và cuối cùng là Flow – dòng chảy. Đây chính là chìa khoá, là sức mạnh siêu phàm của thế kỷ 21 giúp bạn học tập, làm việc và tạo ra sản phẩm tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.
 
Nhưng để Deep work thông qua sách thì việc chọn sách rất quan trọng. Đó chắc chắn là không phải là một cuốn sách hời hợt, nhất thời và nhảm nhí. Nhưng đó cũng không phải là một cuốn khiến bạn vật vã trong khi chưa hình thành thói quen đọc. Mấu chốt của việc xây dựng thói quen là : Không quá khó và cũng không quá dễ.
 
Vì thế văn chương, thơ ca, sách tiểu sử, selfhelp là những lựa chọn tốt để bắt đầu xây dựng thói quen đọc hơn những cuốn sách được in ra với mục đích là theo trend hay nội dung đơn giản đến mức bạn lướt qua là biết hết.
 
Những thể loại và các cuốn sách như thế chẳng khác gì thông tin bạn đọc hàng ngày trên website, Facebook, Tiktok… Chúng đều có điểm chung là: ngắn, nhanh và dế hiểu hết mức có thể và rồi bạn cũng quên đi nhanh nhất có thể khi nó không còn giá trị trong tương lai.
 
Khi đã mất tiền bạc để mua và thời giản để đọc sách thì ít nhất bạn hãy chọn những cuốn sách dù có để trên giá hàng năm trời, nhưng khi có đủ động lực thúc đẩy bạn đọc thì chúng vẫn sẽ có giá trị trong thời điểm bạn đọc.
 
Đừng mua những cuốn sách thị trường muốn bạn mua. Hãy mua những cuốn sách làm bạn không bao giờ phải hối hận khi mua và đọc.
 
Photo: umutolmadanå
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân