Ngay từ tập những tập đầu tiên seri phim truyền hình The Chicago Typewriter của Hàn Quốc luôn văng vẳng lời nói của nữ chính với nam chính – một nhà văn chưa có tên tuổi rằng “Anh nên viết cho hay vào. Đừng viết để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay gái đẹp. Viết cái gì thật xuất chúng và để đời ấy”.
Những gì nữ chính nói có lẽ chính là lý tưởng tuyệt đẹp mang tính phổ quát dành cho văn chương và những ai theo đuổi văn chương như một công việc phải làm mỗi ngày cho tới khi chết.
Còn thực tế và phần lớn những gì đang diễn ra trong thế giới văn chương bên ngoài sẽ là như thế này.
Sẽ luôn có những người viết bất cứ cái gì để có được tiền bạc. Vì nếu không không có tiền chẳng có một tay nhà văn nào có thể sống lâu hơn đam mê và lý tưởng của mình.
Cũng sẽ luôn có những người viết để đạt được danh vọng. Hai chữ nhà văn cũng là một phần của danh vọng khi bạn phải có tác phẩm in chung hay in riêng (tốt nhất là in riêng) để dù cho ai đó suốt đời chẳng bao giờ sờ vào sách thì cũng biết bạn là nhà văn thông qua tác phẩm của mình.
Và cũng có những kiểu người viết thông qua văn chương, thông qua sự hào nhoáng, phù phiếm của hai chữ nhà văn để tìm kiếm gái đẹp.
Mình biết có người không quan tâm đến hai chữ nhà văn mà chỉ cần viết và kiếm được tiền là được. Có những người luôn ẩn trong bóng tối viết mỗi ngày, tác phẩm cứ liên tục xuất hiện được đăng trên báo, được in thành sách mà chính những đám văn chương lại chẳng biết mấy về họ.
Mình cũng biết có những người ngược lại. Đó là các nhà văn không quan tâm đến tiền bạc nhưng lại khao khát sự công nhận không chỉ của độc giả mà chính những nhà văn khác. Đối với họ, việc viết ra tác phẩm và kiếm được tiền vẫn chưa đủ. Họ muốn bước vào ngôi đền mà những tên tuổi trong làng văn học đã và đang ngự trị ở Việt Nam.
Cuối cùng thì kiểu ai đó thông qua viết lách và danh hiệu nhà văn để tìm kiếm gái đẹp thì vô số kể. Ngày xưa cũng thế mà bây giờ cũng thế. Ernest Hemingway hay Victor Hugo là những ví dụ điển hình. Mấy năm trước có một thời gian mình hay gặp một thằng bạn được giới văn chương lúc đó công nhận là nhà văn từ rất sớm. Chuyện tình và những cô gái nó đã từng ngủ cùng có lẽ đủ để đóng thành một cuốn album. Bản thân phụ nữ đẹp cũng là chất liệu không bao giờ mất đi giá trị khi đưa vào tác phẩm văn học. Vì thế kiểu nhà văn săn tìm những cuộc tình thông qua văn chương không chỉ thoả mãn về thể xác mà còn là tìm kiếm cảm hứng để viét lách.
Nhưng đúng như nữ chính trong The Chicago Typewriter nói thì cả ba cái trên đều không phải những thứ cấu thành tác phẩm xuất sắc và phong cách độc nhất của một nhà văn. Tài năng và sự chăm chỉ là những phẩm chất cần có để trở thành một nhà văn như vậy. Nhưng đó là kiểu nhà văn sẽ phải chấp nhận chìm trong màn đêm một thời gian dài trước khi độc giả biết tới. Còn với một nhà văn để có được danh, tiền và tình thì lại đơn giản hơn rất nhiều thông qua việc đàm phán và nhân nhượng với thế giới bên ngoài. Vì viết lách cũng giống như mọi công việc khác, có những cái cơ bản không khác gì bất cứ một công việc phổ biến nào để giúp đưa bạn đạt được tiền bạc, phụ nữ và danh vọng, nếu bạn đủ may mắn và tận dụng được thời thế của mình.
Buôn có bạn, bạn có phường. Cũng có những hội nhóm dành riêng cho những nhà văn và những người muốn trở thành nhà văn để gặp gỡ, giao lưu và giúp đỡ nhau, đặc biệt là nếu ai đó có thể mở rộng mối quan hệ của mình sang cả ngành báo chí và xuất bản thì con đường trở thành nhà văn đôi khi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều. Bạn có thể nhanh chóng kiếm được tiền hơn, in sách hơn, được kết nạp là thành viên hội A hội B hơn và trên hết hết là chẳng cần viết cái gì thật xuất sắc hay chí ít là khác biệt nữa.
Vô hình chung thì thông qua các mối quan hệ và quá trình như thế thì có thể giúp nhiều người sống tốt với viết lách và được công nhận là nhà văn. Nhưng đó là kiểu nhà văn phổ quát coi việc viết là kiểu công việc đơn thuần tạo ra sản phẩm và được thưởng công chứ không phải kiểu nhà văn “Viết cái gì xuất chúng và để đời ấy”. Đây kiểu nhà văn thường thấy nhất, ngay cả những người chẳng quan tâm đến văn chương hay viết lách như nữ nhân vật trong phim cũng biết.
Còn kiểu nhà văn chuyên viết xuất chúng và để đời thì anh ta/cô ta đang ở đâu?
Thật nghịch lý thì kiểu nhà văn này lại rời xa thế giới văn chương. Họ không chơi với các nhà văn cũng không giao du với phường hội. Họ tự cô lập trong thế giới, hay đúng hơn là từng câu chữ họ phải viết vì số phận đã ưu ái cho họ khả năng nhận biết những gì nên viết ra hơn những người khác.
Những nhà văn này cũng không quan tâm đến hai chữ nhà văn, như cái cách William Faulkner lý giải “Đừng là nhà văn mà hãy viết. Là nhà văn đồng nghĩa với việc trì trệ”. Họ viết theo đúng khả năng của mình, trong sự nghiệp dư nhưng luôn biết khi mỗi ngày còn viết thì mình sẽ viết tốt hơn và hay hơn. Đây là kiểu nhà văn không viết vì tiền hay vì gái đẹp mà là niềm vui khi được viết ra những gì mình muốn. Họ kiếm tiền theo cách khác chứ không chỉ dính chặt vào viết lách để kiếm sống. Họ đặt mình xa khỏi việc tìm kiếm được cái gì từ văn của mình.
Và khi đã luôn ở trong trạng thái luôn khao khát sự tiến bộ và không quan tâm đến mọi tác động xung quanh thì họ sẽ bắt đầu viết những thứ xuất chúng và để đời. Trước tiên là cho chính họ. Sau đó mới tới độc giả. Vì điều này những nhà văn đích thực sẽ dễ dàng bị quên lãng hơn kiểu nhà văn phổ quát.
Vấn đề ở đây là bạn có thể chịu được sự không công nhận và chẳng có được cái gì khi chuyên tâm viết những gì mình muốn không?
Ngòi bút luôn mạnh hơn lưỡi dao. Máy đánh chữ luôn mạnh hơn súng máy. Còn một tác phẩm thật hay thì quan trọng hơn danh vọng, tiền bạc và gái đẹp.