SQUID GAME, SIÊU PHẨM HAY THẢM HOẠ?

Cũng giống như các bộ phim đã từng gây bão trên Netflix như Money Heist hay Platform thì mình chỉ bắt đầu xem Squid Game sau hơn 1 tháng kể từ phim bắt đầu công chiếu.

Lý do có lẽ là nằm ở việc mình muốn chắc chắc rằng mình quyết định xem Squid Game không đến từ yếu tố ngoại lực như độ hot, sự phổ biến hay những lời tung hô hoặc chỉ trích khi bỏ thời gian xem 9 tập phim. Trước đó, mình cũng không xem những review về Squid game hay đọc bất cứ điều gì liên quan tới nội dung phim cả.

Mình xem Squid game chỉ đơn giản là poster phim có phần giống vài bộ truyện tranh Hunter X Hunter, Solo leveling mình đã đọc, rồi cả những game trên PS mình từng chơi, cũng như có cả những yếu tố tương đồng với Money Heist và Platform mình đã xem và đánh giá cao (Đối với mình thực sự Squid game có những điểm rút tỉa từ hai phim này). Và sau 9 tập của Squid game thì mình có thể chia sẻ vài suy nghĩ mình về seri phim đang rất được nhiều người bàn tán trong thời gian gần đây.

SỰ CÂN BẰNG TẠO RA SỨC HẤP DẪN TRONG SQUID GAME

Đối với mình thì mọi yếu tố trong Squid Game đều ở mức cân bằng. Sự cân bằng từ ý tưởng, nội dung và tình tiết giúp cho Squid Game tạo ra một bầu không khí “thật” khi nhào nặn một trò chơi do một nhóm người hay tổ chức quy tụ toàn những tinh anh đứng trên bậc cao nhất trong thế giới này kiểu Big Brother trong 1984 của George Orwell.

Chính đám chóp bu này đang thao túng xã hội và quyết định chuyện sinh tử còn hơn cả một chính quyền trong một cuộc sống thực với nhiều bất hạnh và không may có thể xảy ra với bất cứ ai. Ngay cả đó là những người hiền lành nhất, có học vấn nhất cũng phải chịu chung số phận với những kẻ lưu manh và nguy hiểm nhất.

Cũng chính vì tất cả đều đã vỡ vụn, sụp đổ trong tuyệt vọng với hiện tại của mình thì bây giờ họ đều có một cơ hội viết lại cuộc đời như nhau một cách công bằng, bất kể trình độ, tuổi tác, giới tính hay lý do đưa mình tới Squid Game.

Phép thuật của Squid Game nằm ở chính sự cân bằng này khi đan xen giữa “những cái thật với những cái không chắc là thật hay chỉ là trên phim” trong Squid Game. Sự đa dạng về những kẻ được chọn để tham dự trò chơi cũng như những cách mà người chơi tương tác, xử lý, tận dụng bất cứ lợi thế hay thủ đoạn nào để dành chiến thắng khi tham gia trò chơi đem tới cảm giác cho người xem Squid Game không chỉ là xem mà còn đang chơi game nữa.

Như mình đã chia sẻ, Squid Game không phải là một seri phim thực sự sáng tạo và đột phá nhưng nó lại hội tụ các yếu tố cần và đủ để giữ được sự hấp dẫn cho đến tập cuối cùng cũng như thu hút được người xem đông đảo trên Netflix.

Táo bạo nhưng lại rất thực tế, mới mẻ nhưng cũng rất gần gũi. Có cảm giác như những gì diễn ra trong Squid Game thì bất cứ ai cũng sẽ phải đối diện trong cuộc sống thật. Từ tai hoạ, sự bất lực cho tới một cơ hội làm lại từ đầu.

Nhưng cân bằng không phải là công bằng. Sự cân bằng mình nói tới chỉ tồn tại với người xem, còn trong thế giới của Squid Game thì không có cả sự cân bằng lẫn công bằng. Dù rằng sự công bằng đó đã được nhấn mạnh và diễn giải trong cả một tập phim.

CUỘC ĐỜI HAY GAME ĐỀU KHÔNG CÓ SỰ CÔNG BẰNG

“Sinh vật đứng đầu trong chuỗi thức ăn là một con quái vật ăn thịt tàn bạo nhất”. Charles Darwin.

“Thị trường (phần thưởng) là nơi kẻ giỏi nhất (mạnh nhất) chiếm lấy tất cả”. Một vài cuốn sách về khởi nghiệp và kinh doanh cho biết.

Và cả hai đều đúng trong Squid Game.

Ngay từ trò chơi đầu tiên trong Squid Game, gần một nửa người chơi đã bị loại. Đó là những người chơi không có kỹ năng, không lắng nghe luật chơi hoặc không rút ra được bài học từ sai lầm của những người đã chết. Họ không chỉ thất bại trong cuộc sống mà còn cả trong trò chơi, dù đây là cơ hội thứ hai của mình nhưng nhiều người vẫn không nắm lấy. Vì thế những kẻ này phải chết.

Một số ít hơn thì mặc cho chuyện gì xảy ra vẫn tuân thủ luật chơi. Thậm chí một số game thủ còn tìm ra được kẽ hở – những điểm lỗi/lag trong game để có được lợi thế. Những người chơi này những kẻ có kỹ năng nhất định và biết cách tận dụng nó trong cả đời thực lẫn trong game.

Cơ hội để đạt được phần thưởng là công bằng, nhưng tự bản thân mỗi người người chơi đều có những phẩm chất riêng và sự học hỏi, rút kinh nghiệm không ngừng mới có thể chiến thắng. Và những kẻ chứng minh được khả năng sinh tồn của mình Squid Game chính là đám người phạm nhiều sai lầm nhất trong đời thực. May mắn thay thì trong trò chơi, mọi sai lầm đó đều có thể sửa chữa và tận dụng được. Thậm chí là còn lợi thế rất lớn để đưa bạn tới chiến thắng.

Nếu bạn không có yếu tố này, thì bất kể bạn có gặp may mắn đến đâu thì sớm muộn gì bạn cũng là người thua cuộc trong Squid Game. Về cơ bản, yếu tố may mắn có thể đưa người chơi qua 1,2 vòng chơi. Nhưng độ khó lẫn sự đòi hỏi nhiều chiến thuật và mưu mẹo sau một trò chơi đều tăng dần ở mức độ bạn sẽ phải loại bỏ chính những đồng đội của mình, thì dù muốn hay không bạn vẫn phải hành động dựa trên danh sách những sự ưu tiên trên hết cho bản thân mình.

Đây không phải là chuyện tiền bạc, mà vấn đề sống chết. Vẫn một số ít những kẻ có tiềm năng vẫn không hiểu điều này thì nhất định sẽ bị trò chơi loại bỏ. Xuyên suốt 9 tập Squid game, hai người chơi cuối cùng đã chứng minh điều đó. Đó là hai kẻ học hỏi ít nhiều qua từng trò chơi và cũng là hai kẻ may mắn và tàn bạo nhất trong Squid Game.

NGAY TỪ ĐẦU CŨNG ĐÃ KHÔNG TỒN TẠI SỰ CÔNG BẰNG TRONG SQUID GAME

Dù trong Squid Game ngay từ đầu đã nhấn mạnh đến sự công bằng như giải quyết một số thành phố phá hoại hệ thống gây ảnh hưởng đến trò chơi, lẫn sự dân chủ và minh bạch khi cho phép người chơi có quyền bỏ game nếu đạt được nhiều phiếu bầu hơn.

Nhưng trên thực tế thì những kẻ sáng tạo ra Squid Game đã là nhà cái, còn người chơi vào vai con bạc. Và luật bất thành văn từ Las Vegas, Hong Kong hay tới các sới bạc của đám lưu manh đều biết rõ một chân lý “Nhà cái luôn thắng”.

Mình giả định Squid Game là Trò chơi có tổng bằng 0, và một trò chơi có tổng bằng 0 trên lý thuyết là trò chơi mà người chơi cạnh tranh nhau để hưởng số phần thưởng cố định dẫn tới kết quả là kẻ được người thua. Số tiền mà Squid trao thưởng dựa trên số người chơi thua cuộc hay nói chính xác hơn là đã chết. 100 triệu Won một mạng người. Số tiền sẽ đạt tới 45 tỷ 600 triệu Won cho người thắng cuộc sau cùng. Điều đó có nghĩa là người chơi phải loại nhau để đạt được số tiền đó, mà số tiền đó được quy ra từ chính sinh mạng của những người chơi khác. Squid Game là trò chơi giữa người chơi với nhau chứ không phải là nhà cái với người chơi. Trong trò chơi này, nhà cái không mất gì cả, thậm chí là ngay cả 100 triệu cho mỗi người chơi ban đầu.

Tại sao mình lại có suy luận này? Vì dựa trên tình tiết trong phim thì Squid Game là một sàn trung gian cá cược giữa các Big Brother với nhau. Việc định giá 10 hay 100 triệu cho mỗi người chơi không phải là Squid Game quyết định mà là một nhóm người chơi ở trên đỉnh hệ thống. Chính những kẻ này mới xác định cái giá và cá cược với nhau rồi từ đó Squid Game mới tạo ra giá trị cho mỗi người chơi và phần thưởng cuối cùng.

Xuyên suốt 9 tập phim, có khá nhiều tình tiết trong Squid Game nhà cái đã tự tay đổi luật và tăng độ khó cho game. Vì thế, Squid Game không phải là một trò chơi công bằng, nó chỉ công bằng giữa người chơi với nhau chứ không phải là nhà cái với người chơi.

Ngoài ra trong Trò chơi có tổng bằng 0 đòi hỏi phải sự cạnh tranh công bằng và thông tin minh bạch, nghĩa là cả hai bên đều đã có sự tìm hiểu về nhau lẫn nắm trong tay tất cả thông tin liên quan về đối phương để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng trong Squid Game, những người được chọn là những kẻ không thể từ chối, thậm chí còn không có quyền quyết định sự sống chết của mình. Điều này dẫn tới việc dù Game đã huỷ bỏ, nhưng lại vẫn được tái khởi động vì người chơi không còn lựa chọn nào khác. Phải chơi và phải thắng trong game thì mới có thể sống trong thế giới thực.

Ngược lại người chơi lại không hề có một chút thông tin nào từ phía Squid Game cả. Đáng ngạc nhiên là họ cũng không quan tâm hay bỏ chút ít thời gian để tìm hiểu về nhà cái nữa. Điều này cũng dễ hiểu thôi, thế giới bên ngoài đang u ám và sắp sụp đổ thì ngay đến cả những kẻ thông minh nhất cũng phải chịu nghe theo sự sắp đặt của ác quỷ.

Về cơ bản trong Squid Game có tồn tại sự cân bằng nhưng không hề có sự công bằng. Cuộc sống mà.

SỰ LÝ TƯỞNG CÓ THỂ GIẾT CHẾT SQUID GAME

Vậy yếu tố nào để có thể chiến thắng đồng thời cũng cũng giết chết sự cân bằng trong Squid Game?

Xin thưa đó là “Lý tưởng hoá một anh hùng”

Trong thế giới của Squid Game không có chỗ cho sự ngây thơ nhưng nhiều tình huống cao trào thì Squid Game vẫn chẳng tránh khỏi được sự lý tưởng hoá. Và giống như nhiều câu chuyện cổ tích, sự lý tưởng hoá ấy luôn được cài đặt trong một nhân vật có phần ngốc nghếch, thật thà, đa cảm và nhiều tình người.

Đối với mình, điều này khá mâu thuẫn trước một kịch bản cân bằng và có nhiều cái thật đến như vậy mà Squid Game đã truyền tải rất tốt. Cuối cùng thì dù đời thật hay trong game, chúng ta vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào những kẻ ngây thơ nhất trong mọi thế giới mà người tốt sẵn sàng chém giết nhau như một đám man rợ.

Nhưng đổi lại, sự lý tưởng hoá này nó lại là một phần quan trọng trong việc tạo ra sự cân bằng mà Squid Game cố gắng xây dựng và truyền tải. Việc giữ một hình ảnh, người chơi luôn có sự lý tưởng hoá này trong Squid Game chẳng khác gì hy vọng là thứ còn lại sau khi mọi thứ chết tiệt ám lên thế giới này kể tức lúc chiếc hộp Pandora được mở ra.

Nó cho ta hi vọng về một tia lửa bừng sáng khi thế giới sắp lụi tàn. Về Số ít sẽ đánh bại số nhiều. Về Cá nhân sẽ đánh bại hệ thống. Về sự tốt đẹp luôn tiềm ẩn trong bất cứ tình huống hay lựa chọn nào trong cả cuộc sống lẫn trong game.

Vậy Squid Game là siêu phẩm hay thảm hoạ?

Đối với mình là sự cân bằng. Thế thôi.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân