Đa số các nền tảng truyền thông, giải trí cho tới trong gia đình, tôn giáo, trường học, văn phòng, công sở thậm chí là cả trong quân đội trên khắp thế giới đều áp dụng cơ chế Thưởng/ Phạt để vận hành hệ thống, gia tăng năng suất học tập, làm việc cũng những giá trị có thể đo lường khác.
Hệ thống Thưởng/Phạt của mạng xã hội được đo đếm bằng like, share, comment, view…
Hệ thống Thưởng/Phạt của gia đình là sự vâng lời, phục tùng cha mẹ để nhận được sự thương yêu và rộng rãi về mặt vật chất.
Hệ thống Thưởng/Phạt trường học được cụ thể bằng điểm số, hạnh kiểm, học bổng…
Hệ thống Thưởng/Phạt của công ty, tập đoàn là lương thưởng, thăng cấp, quyền lực song song với trừ lương, giáng cấp hay sa thải.
Đây là những ví dụ điển hình cho khái niệm, cơ chế và sự vận hành của hệ thống Thưởng/Phạt.
Cốt lõi của cơ chế này hết sức cơ bản: Bạn làm tốt thì nhận được sự công nhận lẫn khen thưởng. Bạn làm sai thì bạn sẽ nhận được sự chỉ trích và chịu trừng phạt. Nhưng có một sự thật là đa số đang sai lầm khi cho rằng do sự tác động của Thưởng/Phạt đến hành động và kết quả của mình sẽ tốt hơn hoặc kém đi. Trong tâm lý học gọi đó. là hiệu ứng HỒI QUY GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH. Còn thực tế thì bạn sẽ luôn làm tốt hơn hoặc kém đi trong bất cứ hoàn cảnh nào ngay cả khi không biết tới cơ chế Thưởng/Phạt.
Về bản chất, khái niệm này là một ảo tưởng và lỗi logic của tâm trí như Danny Kahneman – đồng tác giả một trong những cuốn sách tâm lý học hành vi hay nhất mọi thời đại là Think Fast and Slow phân tích rằng:
“Một ảo tưởng tâm trí đã nghĩ rằng lời lẽ, sự hứa hẹn bằng cả tinh thần lẫn vật chất sẽ khích lệ người khác làm tốt hơn, đem tới sự vui vẻ và xoá tan một tâm lý tiêu cực. Vì con người chúng ta có khuynh hướng tưởng thưởng cho người khác khi họ làm tốt và trừng phạt lúc họ mắc sai lầm do sự quy hồi giá trị trung bình”. Nhưng chưa hết, Kahneman còn tiếp tục cảnh báo.
“Vì thế đó là một phần căn bệnh của con người khiến chúng ta bị trừng phạt vì khen thưởng người khác và được thưởng vì đã trừng phạt họ”.
Nhưng cơ chế và hệ thống Thưởng/Phạt của các nền tảng truyền thông và giải trí lại hoạt động theo một cách quỷ quyệt hơn khi thúc đẩy quá trình và sự Thưởng/Phạt diễn ra ngay lập tức.
Sự đo lường đơn giản và dễ dàng nhìn thấy nhất về cơ chế Thưởng/Phạt chính là những phản hồi ngay lập tức trên mạng xã hội: ảnh bạn đăng, bài bạn viết và những tín hiệu bạn mong chờ phản hồi từ người dùng chính xác là những gì mà các nền tảng này đang áp dụng cơ chế Thưởng/Phạt. Bạn vui khi có nhiều Like và bạn cảm thấy bực bội khi những phần thưởng ảo (nhưng tác động tới tâm trí là sự công nhận) không đạt được tới cột mốc bạn mong muốn.
Hệ thống Thưởng/Phạt của các nền tảng truyền thông và giải trí hoạt động theo cách đơn giản giống như trường học hay công sở đó là bạn tuân theo luật chơi của nó. Để hiển thị hình ảnh, bài viết của mình đến với người khác thì bạn phải gia tăng tương tác trong mọi hoạt động trên mạng xã hội (ví dụ như Facebook) như số thời gian sử dụng, thời lượng cập nhập tin tức, số lần tương tác với cộng đồng để thuật toán thừa nhận bạn đang là một thành viên tích cực trên nền tảng. Nhưng chưa hết, để nhận được phần thưởng từ hệ thống thì bạn còn phải chú ý tới chủ đề, hình ảnh mang tính cá nhân hay cộng đồng, các từ khoá, độ dài của văn bản, không được dẫn đường link của các website hay những nền tảng khác.
Với Tiktok hay Youtube thì hệ thống Thưởng/Phạt lại hoạt động theo một luật lệ hay thuật toán khác khi video có được cho là mới lạ, có thể gây chú ý ngay từ những giây đầu tiên hay phù hợp với trào lưu trong thời điểm đó hay không. Nếu đúng thì bạn sẽ nhận được sự chú ý của người xem, còn không thì mọi thứ bạn làm sẽ trôi vào quên lãng theo đúng nghĩa đen khi hệ thống buồn chẳng xếp hạng video của bạn lên danh sách hiển thị tới người dùng.
Tuy nhiên những thuật toán Thưởng/Phạt của các nền tảng công nghệ này vẫn không chắc chắn đem lại hiệu quả hay lợi ích (Chưa nói tới vật chất, mà ở đây là sự chú ý và công nhận của cộng đồng) vì mọi thứ đang diễn ra trên những nền tảng này cũng không thoát khỏi HỒI QUY GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH. Tức là bạn vẫn có thể bỗng nhiên nổi tiếng trên mạng xã hội bởi sự ngẫu nhiên bất chấp bạn làm tốt hay không.
Vì mục đích hay giá trị khi truy cập các nền tảng giải trí của người dùng liên tục thay đổi (và điều này dẫn tới thuật toán hiển thị và xếp hạng cũng luôn thay đổi). Từ những thứ mang tính học thuật nhất cho tới những ngu ngốc nhất đều được đón nhận trên internet bởi nhu cầu giải trí không bao giờ thoã mãn của con người khi chúng ta trở thành những con nghiện sự công nhận – là phần thưởng dành cho tâm trí mà các mạng xã hội gia ơn cho chúng ta.
Giống như sự tác động của hệ thống Thưởng/Phạt ở các hoạt động bên ngoài thì trên internet cũng dẫn dắt hành vi và mục đích của bạn như thế với mục đich tiêm vào đầu chúng ta rằng “Cần phải có cái gì đó thúc đẩy từ bên ngoài thì mới dẫn tới những hành động ở bên trong” . Việc bạn thăng tiến giám đốc công ty hay nhận được nhiều tương tác cho một ảnh đại diện của mình là không khác gì nhau, dưới sự tác động của một cơ chế ảnh hưởng tới tâm lý, hành động và kết quả nhưng thực chất đó chỉ là một ảo tưởng của tâm trí mà thôi.
Bạn chỉ có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của Cơ chế Thưởng/Phạt trong cuộc sống lẫn trên mạng xã hội bằng cách :
– Chấp nhận những kết quả nhận được sau khi đã làm hết sức.
– Bình thản chấp nhận việc bạn có thể làm tốt nhưng không nhận được phần thưởng xứng đáng.
-Không để tâm trí chịu ảnh hưởng bởi sự khen ngợi hay chỉ trích của người khác trong việc bạn làm và cách bạn sống như thế nào.
-Tạo ra một cơ chế Thưởng/Phạt cho riêng mình đó là tốt hơn mỗi ngày: Cố gắng tốt hơn ngày hôm qua, nhìn nhận thiếu xót, lỗi lầm của mình và cho phép bản thân tin vào sự thay đổi cũng như tiến bộ sau những sai lầm ấy.
Khi bạn từ chối hệ thống Thưởng/Phạt thì bạn đã ngăn chặn những đánh giá bên ngoài hay sự nhìn nhận bản thân ở bên trong bằng những thước đo không nói lên toàn bộ giá trị con người bạn.
Vì giá trị của bạn nằm ở hành động trong mỗi ngày.
Rồi mỗi ngày có những hành động cụ thể như thế có được kéo dài trong 1 năm, 5 năm hay 10 năm thì mới đem tới câu trả lời cho việc “Bạn đã tạo lập ra giá trị gì trong cuộc đời mình”.
Photo : imjennifercha
Bài viết rất hay. Cảm ơn anh đã chi sẻ
Cảm ơn em nhiều <3