“Sao anh toàn đọc sách đồi truỵ thế”. Một bạn trai 17 tuổi tên T inbox nhắn tin khi thấy ảnh cuốn Lolita mình đăng trên stories.
“Trước đó em còn thấy anh đọc cả Rừng Na Uy nữa”.
Mình hỏi T ấy rằng đã đọc cả hai cuốn này chưa mà cho rằng đồi truỵ. T nói rằng mới chỉ đọc các review mà thôi.
Vì thế mình khuyên T rằng để biết được có đồi truỵ hay không thì tốt nhất là cầm cuốn tiểu thuyết đọc trước khi đưa ra bình luận hơn là dựa trên ý kiến của người khác. Mình cũng nói rằng nếu em ấy có định kiến như vậy thì sẽ thật khó có thể nhìn nhận cái hay của một tiểu thuyết với nhiều ngôn từ và nội dung nhạy cảm.
“Thì em biết đó là những cái cần để tạo nên một tác phẩm hấp dẫn, nếu bỏ đi thì mất cả hay nhưng chỉ là em không thích đồi truỵ quá thôi”. T đáp.
Lại một lần nữa T đưa ra kết luận trong khi chưa đọc lấy 1 trang Lolita hay Rừng Na Uy.
“Vậy mày có xem phim khiêu dâm không em?” Mình bình thản đặt một câu hỏi nhạy cảm.
“Phim sex thì thời buổi này ai chả xem. Mấy đứa cấp 1, cấp 2 có khi còn rành hơn cả em”.
Kết thúc buổi trao đổi, mình lại một lần nữa khuyên T hãy đọc những tiểu thuyết mà em cho là đồi truỵ vào một thời điểm thích hợp hơn, 10 năm sau cũng không là muộn đâu.
Mình không ngạc nhiên trước sự lập luận của T về cái gọi là đồi truỵ hay dung tục trong các tiểu thuyết Lolita hay Rừng Na Uy. Thực tế là trong mỗi tác phẩm này đều có nhiều những phân cảnh và ngôn từ mô tả về tình dục, nhưng đó không phải là tất cả, ngay cả trong một tác phẩm khiến người đọc tức giận khi xúc phạm luân thời đạo lý bấy lâu nay trong văn hoá người Việt.
Và mình cũng chẳng bất ngờ khi T cho rằng việc thưởng thức một bộ phim khiêu dâm là điều bình thường và dễ chấp nhận hơn khi đọc một tiểu thuyết đồi truỵ. Không chỉ thế, T còn lấy dẫn bằng chứng đa số để lý giải để phân biệt cái nào là đồi truỵ cái nào là “ai mà chả xem”. Điều này khiến mình có liên tới tới việc cách bất cứ ai trong chúng ta được học đọc, viết về khái niệm của các từ ngữ nhạy cảm liên quan đến tình dục hay hay ham muốn như dương vật, âm đạo, làm tình, giao hợp cùng cả trăm từ khác.
Tuy nhiên việc bạn hiểu và nắm rõ khái niệm hay cấu trúc của những từ này sẽ được là có khả năng hiểu và tiếp thu tốt, nhưng khi bạn viết ra những từ ngữ này nói riêng và đưa yếu tố tình dục vào trong văn chương nói chung như tiểu thuyết, truyện ngắn hay thơ ca thì bị coi là một thứ văn chương rẻ tiền, tuyên truyền thứ văn hoá đồi truyện và rẻ tiền có thể hủ hoá người đọc dù chỉ là trong suy nghĩ. Như thế việc thì cái gọi là Đọc-Viết-Hiểu chỉ dừng lại ở cái Hiểu mà thôi. Ít nhất là trong suy nghĩ của mình là như thế.
Nhưng tính đồi truỵ và rẻ tiền mà T và nhiều người lên án thì đã có mặt trong rất nhiều tác phẩm kinh điển, thơ ca, thần thoại và cả trong thánh kinh từ hàng nghìn năm trước. Thậm chí tình dục còn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành các nền văn hoá đặc sắc nhất. Vì vậy trong chia sẻ này, mình sẽ nói lên suy nghĩ của mình về chuyện này qua 3 phần của một bài viết dài hơn 5000 chữ gồm:
1. Phân tích sự xuất hiện của tình dục thần thoại, thánh kinh cho tới văn chương.
2. Sự phổ biến của tình dục và đồi truỵ trong cuộc sống hàng ngày mà mọi không nhận ra hoặc coi đó là một điều bình thường.
3. Cuối cùng là suy nghĩ của cá nhân cũng như lý do tại sao mình luôn những truyện ngắn và tiểu thuyết luôn có yếu tố tình dục trong đó bất chấp nhiều người nói đó là thứ văn chương vô nghĩa và rẻ tiền.
TÌNH DỤC TỪ THẦN THOẠI, THÁNH KINH, TRIẾT LÝ CHO TỚI VĂN CHƯƠNG.
Trong thần thoại Hy Lạp thì thần Vệ Nữ Aphrodite được sinh ra từ bọt biển tạo ra từ dương vật của thần Uranus, tổ tông của các vị thần Hy Lạp. Thần Vệ Nữ không chỉ là đại diện cho sắc đẹp, tình yêu mà còn cả tình dục nữa. Bản thân thần Vệ Nữ cũng chẳng phải là một người vợ chung thuỷ hay hình mẫu chung thủy trong tình yêu. Nàng không chỉ vụng trộm với Ares – Thần chiến tranh và là nhân tình của mình mà còn với nhiều chàng trai phàm trần nữa. Nhưng Aphrodite không phải là nhân vật dâm đãng nhất trong thần thoại Hy Lạp, mà đó chính là Zeus (Dớt) – chúa tể của các vị thần trên đỉnh Olympia.
Zeus là một vị thần với ham muốn vô độ cùng một dương vật lúc nào cũng cương cứng. Số người tình thần có, người phàm có của Zeus lên đến hàng chục, tất cả đều được mô tả chi tiết trong bất cứ một cuốn thần thoại Hy Lạp bản đầy đủ nào. Để có thể thoả mãn những cơn hứng tình của mình, Zeus không từ một thủ đoạn nào như biến thành cơn mưa vàng, làn mây, thiên nga, đôi khi thần còn biến thành một con bò. Thậm chí có những cô gái còn bị Zeus cưỡng hiếp, chưa kể đến việc Zeus có những cuộc mây mưa loạn luân với các chị gái mình là Hera và Demeter.
Những chuyện giường chiếu của Zeus hay Aphrodite chỉ là một phần trong số rất nhiều câu chuyện tình dục có mặt trong thần thoại Hy Lạp. Nếu coi một tác phẩm đồi truỵ, bệnh hoạn, vượt xa luân thường đạo lý thì thần thoại Hy Lạp xứng đáng được xếp đầu bảng, nhưng sự thực thì những câu chuyện tình dục chỉ là một phần quan trọng trong việc cấu tạo thành một trường ca dài tập một phần hư cấu pha trộn với một phần dân gian nhưng đã tạo ra rất nhiều nền văn hóa rực rỡ đến từ cảm hứng của nó như Hy Lạp, La Mã, một số tiểu quốc nhỏ xung quanh Địa Trung Hải và cả về mặt văn chương và nghệ thuật như Iliad cùng với Odyssey của Homer. Rồi từ Iliad đã tạo cảm hứng cho Virgil sáng tạo ra Aeneid – bộ sử thi quan trọng bậc nhất của La Mã cổ đại.
Còn trong các chương sách đầu tiên trong Kinh Thánh phần Cựu Ước, ngay từ mở đầu Sáng thế ký đã xuất hiện những đoạn mô tả rất nhạy cảm như “Adam và Eva trần truồng trước mặt nhau không chút xấu hổ” hay “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi”. Tiếp theo, trong sách Châm Ngôn cũng xuất hiện những tình tiết đề cập cụ thể từ việc nam nữ phải ăn ở như thế nào thì mới được coi là tôn kính Chúa Trời như “Hãy vui thích với người vợ từ thuở thanh xuân… Nguyện ngực nàng làm con vui thỏa luôn luôn, và tình yêu nàng làm con say mê mãi mãi” Thậm chí trong Cựu Ước còn đề cập đến việc có người phải chết khi giao hợp mà lại cố tình xuất tinh ra ngoài vì đó hành động bất kính. Không chỉ thế, trong các thánh vịnh và thánh của vua David và Salomon cũng nhắc tới vẻ đẹp đầy nhục cảm của phụ nữ từ khuôn mặt, mái tóc, làn da, cho tới bầu ngực.
Nếu chỉ nhìn vào những trích đoạn này, nhiều người sẽ cho rằng Kinh Thánh chẳng hơn gì một cẩm nang hướng dẫn tình dục. Nhưng ý nghĩa sâu xa của những câu chuyện tình dục được ẩn dụ và đan cài trong Thánh Kinh đem tới cho người đọc một thông điệp về sự hợp nhất giữa người nam và người nữ sau khi đã bày tỏ một tình yêu và trao hiến bản thân để cả hai nên một, từ đó xây dựng một nền tảng hạnh phúc giữa trên con cái và những sự vui vẻ mà tình dục đem lại.
Tương tự với Kinh Thánh, thì với một nền văn hoá có sự gợi mở về tình dục như Ấn Độ, nhất là về mặt tôn giáo thì tình dục lại được coi là “mĩ học tôn giáo” vừa mang tính chất nhục cảm cộng với sự huyền bí nhằm hài hoà hai yếu tố tôn giáo và thế tục, siêu thoát và trần tục và nhục cảm chính là khía cạnh trần tục của cái đẹp trong cái nhìn của Ấn Độ giáo.Trong văn hoá Ấn Độ cổ đại, cái đẹp nhục cảm tồn tại phổ biến trong thế giới. Tuy nhiên, cái đẹp nhục cảm đó gắn với khả năng sinh nở của vạn vật và lý giải thành một triết lý với sự logic không thể phủ nhận, cho dù rất phóng khoáng về mặt từ ngữ lẫn biểu đạt bằng các hình thức nghệ thuật. thậm chí tình dục và khoái lạc còn được tôn giáo Ấn Độ cấu thành một bộ luật: Theo đó, con người có quyền thoả mãn nhu cầu khoái lạc thể xác. Không có khoái lạc tình dục và hạnh phúc thể xác, cuộc sống gia đình không thể tồn tại, dòng giống sẽ bị tuyệt diệt…
Khi bạn đi du lịc khắp Ấn Độ thì sẽ bắt gặp vô số những đền đài, miếu tự có chạm khắc những hình ảnh nam nữ trần truồng và giao hợp với nhau và sự cường điệu đến phi lý khi nghệ sỹ thể hiện sự to lớn của các bộ phân sinh dụng và bầu ngực.Với người ấn Độ, nhục cảm là một giá trị thẩm mĩ mang tính xã hội chứ không chỉ là một điều cấm kỵ.
Giống như Kinh Thánh của người Thiên Chúa Giáo, quan niệm cái đẹp nhục cảm gắn với khả năng sinh sản và tình yêu là điều không thể thiếu hay tách rời với tôn giáo Ấn Độ. Thậm chí người Ấn còn cho rằng sự khoan dung về tình dục cũng là một cách thể hiện sự nhân đạo. Cái đẹp nhục cảm không chỉ là phương tiện duy trì sự sinh tồn của thế giới mà còn là phương tiện thanh lọc thế giới. Với Ấn Độ thì “Sự biểu đạt tính dục từ triết lý và cách sống rõ ràng không mâu thuẫn với trạng thái thăng hoa về tinh thần và lòng mộ đạo một cách sùng kính”.
Còn về văn chương, thơ ca hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào từ Đông sang Tây, từ cổ đại tới hiện tại mà mình liệt kê một số tác phẩm sau đây đều có một điểm chung là bị cho rằng có nhiều tính chất đồi trụy hơn là ý nghĩa văn chương như: Quý bà Bovary, Những mối quan hệ nguy hiểm, Chân dung chàng nghệ sỹ, Ulysses, Lolita, Kama Sutra, Những kẻ thiện tâm, Người tình của phu nhân Chatterley, Hồng lâu mộng, Tố nữ kinh, Xuân cung hoạ, Bắt trẻ đồng xanh, Âm thanh và cuồng nộ hay Rừng Na Uy.
Ulysses kiệt tác của James Joyce, người có ảnh hưởng đến rất nhiều nhà văn đoạt giải Nobel thì lĩnh một lệnh cấm kéo dài 13 năm ở Mỹ vì các nhà phê bình cho rằng đây là một tác phẩm dung tục nhất từ trước đến này. Khá nhiều cuốn Ulysses được tuồn vào Mỹ và khi phát hiện đã bị nhà trức trách tiêu huỷ bằng cách đốt bỏ. Còn bây giờ, Ulysses được coi là hòn đá tảng có sức nặng từ triết lý, văn phong, sự ẩn dụ và không dễ hiểu nhất trong ngôn ngữ Tiếng Anh đến nỗi có vô số người Phương Tây không đọc Ulysses nhưng cũng biết và luôn nói về nó như thể mình đã đọc.
Lolita thì bị bốn nhà xuất bản ở Mỹ từ chối cũng vì lý do đồi truỵ, tình dục và bạo lực. Thậm chí có nhà xuất bản còn trả lời tác giả Lolita là Nabokov rằng “Chúng tôi không thể đọc hết bản thảo vì nó quá suy đồi về mặt đạo đức và nếu xuất bản thì cả chúng tôi lẫn ông đều sẽ vào tù”. Vì thế Nabokov đã vượt Đại Tây Dương đem sang Pháp xuất bản. Trong những năm đầu tiên, Lolita bị cấm ở hoàn toàn ở Anh và khi xuất bản ở Mỹ một nhà phê bình đã viết bình luận rằng “Đây là cuốn tiểu thuyết hư cấu bẩn thỉu nhất từng được viết ra với sự điên loạn của một kẻ tâm thần”. Hiện tại, chỉ tính riêng ở Việt Nam thì Lolita đã được tái bản nhiều lần, còn trên bình diện thế giới thì sự ảnh hưởng của nó là không thể bàn cãi. Thậm chí, trong lĩnh vực thời trang còn xuất hiện một phong cách được nhiều bạn trẻ ưa thích được lấy cảm hứng từ nhân vật Lolita.
Về phần Hồng Lâu Mộng trong suốt một thời gian dài tính hàng trăm năm năm bị coi là tiểu thuyết tà dâm, luôn nằm trong danh sách cấm từ nhà Thanh cho tới một số chính quyền Trung Quốc cận đại.
Ít người biết được rằng, trong Tứ đại kỳ thư của Trung Quốc thì Hồng lâu mộng được coi là tuyệt thế kỳ thư mô tả sâu sắc từ con người, văn hoá cho tới tâm linh của Trung Quốc nhất. Nhưng đây lại là tác phẩm bị cấm nhiều nhất trong bốn đại kỳ thư dù nó là tác phẩm quan trọng nhất. Ngay chính Mao Trạch Đông sau nhiều lần nghiền ngẫm Hồng lâu mộng đã viết nhận xét rằng “Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhận xét gì về nó…”. Trong văn hoá đại chúng của Trung Quốc có lưu truyền một câu thơ để nói về sự hấp dẫn của Hồng lâu mộng như sau:
“Văn chương không nói Hồng Lâu Mộng
Đọc hết Thi, Thư liệu ích gì?”
Sự bí ẩn và hấp dẫn của Hồng Lâu Mộng đã dẫn đến việc ra đời một ngành học có tên tên là Hồng Học. Giới nghiên cứu tổ chức định kì Hội thảo Hồng lâu mộng có quy mô trên toàn Trung Quốc. Sở nghiên cứu Hồng lâu mộng có tạp chí chuyên san để đăng tải những nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng. giống như các tác phẩm của Shakespeare, Hồng học cũng đã trở thành một ngành học vấn ở phạm vi quốc tế.
Trong danh sách 100 tác phẩm hay nhất thế kỷ 20 của Le Monde có xướng tên Ulysses, Lolita, Âm thanh và cuồng nộ, Người tình của phu nhân Chatterley, Bắt trẻ đồng xanh. Những tác phẩm vốn bị đánh giá rằng có nội dung khiêu dâm hay đồi truỵ.
Và nếu bạn luôn có định kiến về một tác phẩm đã nghe ai đó nói hoặc đọc một bài viết đánh giá nói rằng nó khiêu dâm và đồi truỵ, thì trước khi đi tới kết luận đó bạn hãy làm theo lời khuyên của Mao chủ tịch “Đọc trước khi đưa ra nhận xét”.
TÌNH DỤC CÓ MẶT Ở NHIỀU KHÍA CẠNH TRONG CUỘC SỐNG HƠN LÀ BẠN NGHĨ ĐẤY
Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày khi tiếp xúc với truyền thông, phim ảnh và internet chúng ta đang tiếp cận và dễ chấp nhận những thông tin có tính chất nhạy cảm và đồi truỵ một cách thường xuyên mà không hề ý thức về điều đó như cách chúng ta nhìn nhận một cách gắt gỏng trong văn chương.
Những tin tức gây hiếu kỳ nhất luôn là video clip giường chiếu từ ngôi sao giải trí cho tới những cặp đôi bình thường nhất. Thậm chí nhiều người coi việc chia sẻ và phát tán những video này cho bạn bè là một hành động rất bình thường chứ không phải hành vi phát tán văn hoá phẩm đồi truỵ hay nhạy cảm trên internet. Trên facebook một vài mạng xã hội khác, có những hội nhóm từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn thành viên được lập ra chỉ để chia sẻ, bàn tán hay trao đổi về những chuyện trai trên gái dưới hấp dẫn, ly kì và gây tò mò hơn nhiều trong những tác phẩm văn học bị gắn mắc đồi truỵ.
Ngay trong thời điểm này, khi bạn đọc tới đây vẫn có nhiều tài khoản trên Instagarm hay Facebook có hàng trăm nghìn tới cả triệu người theo dõi chỉ bằng việc chia sẻ những hình ảnh khoả thân có làm mờ những chỗ nhạy cảm, nhưng không hề bị xoá bỏ hay khoá tài khoản trên các mạng xã này. Lý do vì có quá nhiều tài khoản như vậy mà Instagram không thể xử lý hết hoặc không muốn gỡ bỏ những hình ảnh khoả thân chẳng khác gì ảnh sex mang sự đồi truỵ phổ biến và được yêu thích tới mức thu hút hàng chục triệu tương tác cũng như thu hút người dùng mới trên nền tảng này. Mà có thêm người dùng đồng nghĩa với lợi nhuận với nhà phát triển, cũng như một thứ được phổ biến ở mức độ đại chúng thì sẽ được là bình thường chứ không bị gọi là khiêu dâm hay đồi truỵ.
Còn trong lĩnh vực phim ảnh, việc sắp xếp các yếu tố nhạy cảm cùng những hành vi tình dục được coi là không thể thiếu trong các seri phim dài tập cho tới bom tấn trên màn ảnh rộng. Nhiều người bàn tán về những phân cảnh chỉ kéo dài vài phút đó nhiều hơn cả nội dung của một bộ phim dài 2 tiếng hoặc hàng tập. Cũng không ít nhận định rằng đó là cách nhà làm phim câu kéo, làm mồi hay thêm vào tình tiết thư giãn trong bộ phim của mình. Thậm chí một bộ phim trên Netflix nếu không được dán nhãn “Bạo lực, chất kích thích và tình dục” thì bị coi là một thất bại. Việc sử dụng tình dục trong phim ảnh có tính chất hàn lâm cũng đến từ những Quốc gia bảo thủ và truyền thống như Hàn Quốc cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn.
Việc đưa vào phân cảnh tình dục trong phim dù ít hay nhiều cũng không thể giảm giá trị đi những gì bộ phim đó có thể truyền tải nếu thực sự nó có những giá trị đó. Trong bộ phim đoạt giải Oscar Ký sinh trùng, nếu ai đã xem đều khó có thể quên những giây phút nóng bỏng khi vợ chồng chủ ngôi biệt thự làm tình trên sofa phòng khách sau khi khó nhọc cho đứa con trai đi ngủ. Câu hỏi ở đây là trong một phim điện ảnh ở tầm Oscar như Ký sinh trùng đã có quá nhiều thứ khiến người xem phải suy nghĩ như vậy rồi, thì có cần phải thêm một phân cảnh đồi truỵ hay rẻ tiền vào để phá hỏng kết cấu của tác phẩm hay không?
Tại sao lại không? Vì đó là một điều bình thường trong một gia đình với đôi vợ chồng còn trẻ, nhiều sinh lực và ham muốn chứ?
Trong nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc và âm nhạc, vốn là những loại hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều sáng tạo và mới mẻ thì yếu tố khơi gợi tính dục còn phổ biến hơn nữa.
Từ những tượng khoả thân ở Hy Lạp và La Mã cho tới tuyệt tác sự ra đời của thần Vệ Nữ chỉ lấy mái tóc che đi chỗ kín của nàng do Botticelli vẽ hay Sự phán xét cuối cùng và Sự ra đời của Adam của Michelangelo thể hiện trên tường và trần nhà nguyện Sistine vốn là nơi Giáo hoàng thường cử hành Thánh lễ theo truyền thống Công Giáo đầy những hình nam và nữ mình trần để lộ những chỗ cần phải che đi. Vào thời điểm đó, với cái nhìn khắt khe về của Giáo hội về tính thẩm mỹ và đạo đức thì Botticelli hay Michelangelo có thể lên giàn hoả thiêu vì tội dị giáo. Nhưng đối với cái đẹp và tính nghệ thuật của những con người tài năng này thì sự dung tục hay dâm ô này lại là cách thể hiện cái hồn của các tác phẩm họ tạo ra bất chấp những phản đối hay đe doạ từ những quyền lực hùng mạnh.
Không chỉ trong thời kỳ Phục Hưng luôn đề cao vẻ đẹp thể xác, mà đó vẫn là chủ đề chưa bao giờ lỗi thời ngay cả khi hội hoạ bước vào những thập niên của thế kỷ 20 và cho tới tận bây giờ. Trong các phòng đấu giá tranh dành cho giới siêu giàu và những nhà nghệ thuật tinh tường nhất thế giới, thì những bức tranh khoả thân của Pablo Pissaso vẽ về phụ nữ nói chung và những người tình của ông nói riêng. Đó không chỉ là tuyệt tác mà còn được đóng đếm bằng cả tiền bạc khi tính ra giá trị thì những bức tranh khoả thân này được các nhà sưu tập mua với giá hàng trăm triệu đô.
Ví dụ một bức trong loạt tranh khoả thân mà Picasso vẽ người tình 17 tuổi Marie – Therese Walter của ông có tên Nude, green leaves and burt có giá 106,5 triệu Đô la, bức Fillette à la corbeille fleurie đạt tới 115 triệu đô la, nhưng kỷ lục nhất là bức Les Femmes d’Alger khi có người trả xấp xỉ 180 triệu đôla để sở hữu kiệt tác này. Cả ba bức tranh trăm triệu đô này của Picasso đều là tranh khoả thân và có nhiều chi tiết khơi gợi tính dục của người xem.
Điều thú vị là cũng trong năm 2015, khi bức Les Femmes d’Alger được đem ra đấu giá, thì có một bức tranh khoả thân khác theo đúng nghĩa đen của từ khoả thân và nhục dục là Nu Couché của Amedeo Modigliani, hoạ sĩ người Ý được bán với giá 170 triệu đô la cho hai khách VIP Trung Quốc. Thực tế Có không ít những hoạ sĩ như Picasso hay Modigliani sử dụng nhục cảm là một chất liệu quan trọng trong phong cách hội hoạ của mình. Cũng giống như những đồng nghiệp trong lĩnh thể loại văn chương, một hoạ sĩ mà chưa từng có một tác phẩm chứa đựng nhục cảm hay tình dục thì đó là một sự thiếu xót đáng tiếc.
Cuối cùng thì dù bạn có phủ nhận, làm ngơ hay công kích tính dục và tình dục trong văn chương hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào, thì vẫn nó luôn luôn hiện diện trên nhiều phương diện trong cuộc sống này bằng vô số cách thức mà bạn không hề ý thức được sự có mặt của nó.
NÓI VỀ VIỆC TẠI SAO MÌNH VẪN VÀ SẼ LUÔN VIẾT THỨ VĂN CHƯƠNG VÔ NGHĨA VÀ RẺ TIỀN THEO PHONG CÁCH CỦA MÌNH
Đây không phải là những lời bộc bạch, phân trần, mong muốn sự cảm thông hay xin phép đến với người đọc để mình có thể tiếp tục viết những truyện ngắn và tiểu thuyết có những tình tiết tình dục trong đó.
Mình không quan tâm đến những gì người khác nói về phong cách mà mình cảm thấy thoải mái, tự nhiên và sáng tạo với những chi tiết tình dục trong những truyện mình viết, dù cho một số người đọc nói rằng thứ mình viết chẳng có một chút ý nghĩa văn chương nào trong đó và vô cùng rẻ tiền.
Thứ nhất cái gọi là ý nghĩa văn chương ở đây thì nên định dưới dạng là phổ quát hay mang tính cá nhân. Nếu là dưới dạng phổ quát thì đó không phải là thứ văn chương mình hướng đến. Phổ quát theo mình hiểu ở đây là sự phù hợp với thị hiếu chung, mà nếu như vậy chẳng có sự mới mẻ hay có chỗ cho phép sáng tạo cả, và đó chắc chắn là thứ văn chương mình không hướng tới dù cho nó được gọi là có ý nghĩa.
Còn nếu ý nghĩa văn chương xét trên tính cá nhân của biên tập biên, nhà phê bình hay người đọc thì nó còn mang một sự mông lung và mờ nhạt hơn cả sự phổ quát chung nữa. Nếu một người viết bị ảnh hưởng bởi những sự bình luận hay góp ý này thì hẳn anh ta thiếu kha khá ý chí và chất riêng để có thể viết lách lâu dài. Nói thẳng ra thì anh ta không có sự tin tưởng vào phong cách mình đi đến cùng trên con đường văn chương của anh ta. Và kể cả việc cho rằng cái ý nghĩa văn chương mang tính cá nhân này là đúng trong một khoảng thời gian nhất định, thì cũng đâu phải là dấu hiệu riêng biệt của một nhà văn và phong cách của anh ta khi đi theo sự nhận xét đó? Thậm chí biết đâu khi anh ta chuyển đổi phong cách của để đáp ứng cái ý nghĩa văn chương anh đang theo đuổi lại trở thành một thứ văn chương rẻ tiền và quê mùa?
Thứ hai đó mình chỉ viết những gì là tự nhiên, những gì là chân thực mà mình được trải nghiệm trong cuộc đời này và truyền tải nó vào mỗi truyện ngắn và tiểu thuyết mình viết. Đối với mình thì văn chương là một công cụ tái hiện những hiện thực cộng thêm những sự tưởng tượng thú vị nhất để làm nổi bật một sự kiện mà bản thân mình đã trải nghiệm. Hiện tại có những nhà văn già có trẻ có vẫn viết những câu chuyện hiện thực nhẹ nhàng với một văn phong, ngôn từ đẹp đẽ và phù hợp với đa số độc giả, nhưng mình thì không như vậy.
Mình không có ý tỏ ra khác biệt nhưng nếu để viết một thứ văn chương với các ngôn từ phù hợp và các sự kiện không mang tính đồi truỵ, khiêu dâm nói thẳng ra là rẻ tiền thì mình hoàn toàn viết được một cách rất đơn giản. Nhưng mình lại chẳng tìm kiếm được niềm vui và một chút ý nghĩa cũng như bản thân mình trong thứ văn chương chuẩn chỉ. Thật ra là mình cảm thấy đạo đức giả và đang sử dụng văn chương thiếu đi tính hiện thực để tái hiện những gì đang diễn ra trong cuộc sống này.
Giả định mình có hai lựa chọn để bắt đầu một truyện ngắn hay tiểu thuyết với chất liệu là tình yêu được phát triển thành một câu chuyện như sau?
A. Kiểu tình yêu tin tưởng vào những giá trị đạo đức, lành mạnh và chung thuỷ trong đó hai nhân vật chính không hề có những mời gọi về mặt tính dục, và nếu có thì cũng đừng kể chi tiết cuộc làm tình đó nhưng cái nắm tay lãng mạn khi tỏ tình. Rồi nam chính bỗng nhiên say nắng ai đó hoặc nữ chính có những đối tượng để theo đuổi, rồi sẽ có vài chuyện xảy ra mang yếu tố thử thức nhưng cả hai vẫn giữ được sự chung thuỷ để giữ cho mỗi quan hệ được lâu dài và ổn định. Cứ thế, cứ thế trong hàng năm trời trước khi tiến tới một đám cưới có hậu.
B. Kiểu tình yêu chẳng lệ thuộc vào bất cứ định nghĩa hay khái niệm nào cả, miễn là đáp ứng được những gì mà hai nhân vật chính cần ở nhau ngay trong lúc này sau một thời gian tìm hiểu và kiểm chứng. Họ có thể đi chơi với nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện vào buổi sáng và ngủ với nhau vào buổi chiều sau một, hai lần giao hợp được mô tả hết sức chi tiết như một điểm nhấn quan trong truyện. Cũng sẽ có những bất đồng như tình huống A, có luôn cả những hiểu nhầm lẫn gian dối và phản bội nhưng cả hai sẽ học được ít nhiều các bài học để có thể tiếp tục ở cạnh nhau hay lựa chọn hai lối đi riêng.
Và thứ văn chương của mình phù hợp với giả định B dù cho rằng nó là kiểu văn chương kém sáng, rẻ tiền hay bất cứ nhận xét nào. Ít nhất nó mang tính hiện thực và đáng để viết ra với mình, đồng thời chứa đựng một cái gì đó rất riêng.
Và cuối cùng là thứ văn chương rẻ tiền của mình không hề chỉ có tình dục hay khiêu dâm trong đó, nếu ai đó đủ kiên nhẫn đọc một số truyện ngắn của mình.
Nhân tiện mình cũng chia sẻ quan điểm của mình về một truyện có những tình tiết nhạy cảm nhưng chẳng đẹp lại giá trị gì là kiểu truyện A nói về tình dục, B tiếp tục mô tả về tình dục và C vẫn lại là tình dục. Còn những gì mình viết thì yếu tố tình dục chỉ là A hoặc B trong chuỗi ABC các tình tiết, sự kiện tạo nên một truyện ngắn hay tiểu thuyết.
Nhưng rồi vẫn và sẽ có những người nhận xét rằng dù mình cố gắng làm mới phong cách đến đâu thì thứ văn chương của mình vẫn là chẳng có ý nghĩa gì và hết sức rẻ tiền.
Trong một buổi phỏng vấn với báo chí Mỹ về việc ra mắt Giết chỉ huy đội kị sỹ, Haruki Murakami có chia sẻ rằng đến tận bây giờ vẫn có vô số người chỉ trích văn chương của ông là rác rưởi, có sự lặp lại và không có gì mới mẻ nữa cả. Murakami liền kể một câu chuyện có liên quan đến một người chơi kèn saxophone nổi tiếng tên là Gene Quill có chịu ảnh hưởng từ một người chơi kèn saxophone nổi tiếng của thời trước là Charlie Parker.
Khi Gene Quill chơi nhạc trong một club jazz ở New York thì có một người chê bai nói ông chỉ chơi lại kiểu âm nhạc của Charlie Parker mà thôi. Ngay lập tức Gene Quill chìa chiếc kèn ra và nói “Cậu đi mà chơi giống Charlie Parker đi”.
“Tôi nghĩ câu chuyện này có ba điểm: thứ nhất, chỉ trích ai đó thì dễ lắm; thứ hai, tạo ra những điều nguyên bản độc đáo thật khó; và thứ ba, nhưng phải có ai đó làm chuyện ấy đi chứ. Tôi đã làm chuyện này được bốn mươi năm, đó là nghề của tôi. Tôi nghĩ mình chỉ là một người làm chuyện phải làm, như là dọn cống hay thu thuế. Vì thế, nếu có ai khe khắt với tôi, tôi sẽ đưa nhạc cụ của mình ra và bảo này, anh lấy mà chơi đi!”.
Còn mình thì sẽ không đặt laptop vào tay ai đó và nói rằng nếu bạn thấy thứ văn chương của tôi là rẻ tiền thì bạn đi mà viết thứ văn chương hạng nhất đi. Không, mình sẽ không làm như vậy, vì gần như tất cả những ai chỉ trích mình đều là những người chưa từng viết ra một truyện ngắn nào chứ đừng nói là thứ văn chương hạng nhất mà họ đó đòi hỏi ở mình.
Mình cũng tin rằng dù tạo ra những thứ mới mẻ rất khó nhưng không phải là không thể. Nếu có thể đi sâu vào thứ văn chương mình chọn và dành cho nó nhiều thời gian, đặc biệt để biến một thứ rẻ tiền thành hạng nhất thì còn phải phung phí nhiều thời gian hơn nữa.
Mình sẽ phải thử nghiệm với rất nhiều câu chuyện điên rồ mà không mong chờ được sự thấu hiểu của người đọc.
Mình sẽ phải tự bản thân khám phá ra những hạn chế, nghi ngờ và nhàm chán trong chính những thứ văn chương của bản thân trước khi cho phép một sự tiến bộ chậm rãi lớn lên và nở hoa.
Và nếu mình không tiếp tục viết những thứ rẻ tiền nhưng phù hợp với bản thân, nếu mình không cho phép tiếp tục lãng phí thời gian vào những truyện ngắn và tiểu thuyết vô nghĩa nhất thì mình sẽ không tìm ra được bản sắc và phong cách của riêng mình sau 10 năm, 20 năm thậm chí là 30 năm nữa.
Vì thế mình vẫn sẽ viết những gì là rẻ tiền và chẳng có ý nghĩa văn chương trong mắt của người khác để tìm kiếm chính bản thân mình.