5 GHI CHÉP MỖI NGÀY16/9/2021

1526-1530

1526. Hễ cứ lặp đi lặp lại một việc gì đó thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen, và càng ngày ta càng không ý thức được về nó. Nếu sáng nào cũng đánh răng đều đặn thì bạn khó mà nhớ được minh thường đánh răng như thế nào. Mọi việc cứ tự thế mà diễn ra. Tư duy của chúng ta cũng làm y như vậy, và cả cảm giác của chúng ta cũng thế nốt. Đó là điểm mấu chốt.

1527. Chúng ta có từ “cảm giác” Thời hiện tại của nó lại gợi lên dạng hiện tại tiếp diễn, gợi nhắc rằng cảm giác là cái gì đó có sự tiếp xúc trực tiếp với thực tại. Nhưng quả là nếu đưa thêm được từ “cái đã cảm giác” vào sử dụng thì sẽ rất có lợi, để nói lên rằng có cả những cảm giác lẫn cả những “cái đã cảm giác”. Có nghĩa là, những “cái đã cảm giác” chính là những cảm giác đã được ghi giữ lại.

Bạn thừa sức có thể nhớ lại sự sung sướng mà có lần bạn đã được hưởng, thế là bạn ý thức được thế nào là sung sướng. Nếu bạn nhớ lại rằng bạn đã từng bị đau, thế là hẳn bạn phải cảm thấy cái đau.

1528. Những cảm giác mang tính hoài niệm cũng là từ quá khứ mà ra. Bao nhiêu thứ cảm giác dậy lên trong ta thật ra lại đến từ quá khứ, chúng chỉ là những cái “đã được cảm giác”, những hoài cảm. Do không phân biệt được như thế nên ta thường gán quá nhiều ý nghĩa cho một số cảm giác mà thực ra chẳng mấy quan trọng. Khi chúng chỉ là những đoạn băng được phát lại, thì chúng đâu có nhiều ý nghĩa đến thế so với việc nếu như chúng là một phản ứng đối với tình huống hiện đang xảy ra trước mắt.

1529. Như vậy, không chỉ giữa suy nghĩ và cảm giác, mà cả giữa cảm giác và cái “đã được cảm giác”, và toàn bộ trạng thái của cơ thể, đều có một sự phân chia giả tạo. Tất cả những cái đó sẽ dẫn đến không ít sự lẫn lộn, hoặc đến cái gọi là sự “không mạch lạc” trong suy nghĩ hoặc trong hành động, bởi vì bạn sẽ không đạt được những kết quả mà bạn trông đợi.

Đó là dấu hiệu chủ yếu của sự không mạch lạc: bạn mong muốn làm một việc gì đó nhưng nó lại không diễn ra như bạn đã dự định. Điều này thường là dấu hiệu cho thấy ở đâu đó bạn đã nhận được một vài thông tin sai lạc. Lẽ ra phải nói: “Đúng, thế là không mạch lạc. Hãy để tôi cố tìm cho ra thông tin sai để còn thay đổi nó”, thế mới là cách tiếp cận đúng. Nhưng rắc rối là ở chỗ mọi người đâu có làm thế, mà sự không mạch lạc thì lại nhiều vô kể.

1530. Khi ai đó thích được tâng bốc nhưng rồi cũng nhận ra rằng kẻ tâng bốc kia có thể lợi dụng mình. Việc đó cứ tái diễn rồi lại tái diễn mãi. Anh ta không muốn vậy, nhưng nó cứ diễn ra. Không mạch lạc chính là ở chỗ đó, vì anh ta đâu có có ý định để cho kẻ khác lợi dụng.

Nhưng anh ta lại muốn có được một cái khác mà anh ta không chịu nghĩ cho thấu đáo: đó là cảm giác khoan khoái khi nghe những lời tâng bốc. Bạn có thể thấy rằng cái này ắt phải dẫn đến cái kia, bởi vì nếu đã chấp nhận những lời tâng bốc thi rồi anh ta cũng sẽ chấp nhận nhiều việc khác mà người kia nói hoặc làm. Anh ta có thể bị lợi dụng. Vậy tức là anh ta có một lúc cả hai: một ý đồ có ý thức, và một ý đồ khác cưỡng lại ý đồ kia. Đây là một tình huống rất phổ biến.

Photo: Joosfilm

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân