KHÔNG GIAN CHÚ Ý LÀ GÌ VÀ NÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG CỦA BẠN?

Trong cuốn Hyperfocus của Chris Bailey có đề cập đến khái niệm Attention space – Không gian chú ý được mô tả như một tấm bảng trong não bộ của con người với chức năng ghi nhớ, kết nối và xử lý thông tin trong cùng một lúc.

Trên tấm bảng và cũng là không gian chú ý này lưu giữ mọi suy nghĩ và thông tin liên tục tuôn chảy trong não bộ hay tâm trí của bạn. Tính trung bình cứ mỗi giây thì não bộ nhận được 11 triệu bit tín hiệu thông tin nhưng não bộ chỉ có thể tập trung vào 40 bit và khi tập trung hoàn toàn trong thời gian ngắn hạn thì số lượng bit mỗi người có thể xử lý được chỉ là 4 tới 7 bit hay nói một cách dễ hiểu bạn chỉ ghi nhớ được ngay lập tức một chuỗi số trong giới hạn từ 4 tới 7 con số .

Đó là lý do tại sao những chuỗi số khẩn khấp như 911, 115 hay SOS hay số điện thoại sẽ từ 7 tới 10 con số đều sẽ chia thành những cụm 3 và 4 số để dễ ghi nhớ. Ví dụ như 1900.1088 hay 0914.000.123.

Trong Không gian chú ý, mọi thứ đến và đi chỉ trong chưa tới 10 giây. Điều rất giống với khái niệm vô thường trong đạo Phật, đồng thời cũng giải thích tại sao trong một ngày bạn có thể tiếp cận vô số thông tin nhưng chỉ có những thông tin bạn chủ động để ý hoặc ghi nhớ thì mới được viết lên tấm bảng cũng chính là Không gian chú ý của bạn.

Vì thế việc nhận biết và phân biệt những gì cần tìm kiếm và ghi nhớ trong Không gian chú ý sẽ làm tăng hiệu quả sự chú ý sẽ gia tăng khả năng chú ý của bạn. Ngược lại, nếu như tấm bảng Không gian chú ý trong não bộ của bạn kín đặc những dòng chữ, con số (chính là những thông tin bạn tiếp nhận trong cùng một lúc) sẽ khiến bạn bị quá tải và không thể xử lý thông hiệu quả được.

Vậy con số 40 bit có thể xử lý được trong Không gian chú ý này có nghĩa gì với bạn?

À, vâng điều này có nghĩa là bạn chỉ có thể xử lý một việc phức tạp như soạn báo cáo, viết blog hay lập trình vốn là chiếm gần hết 40 bit bạn có thể xử lý được trong một lúc mà thôi. Chính xác nếu bạn vừa viết một bản kế hoạch tháng gửi sếp mà liên tục kiểm trả tin nhắn, lướt facebook hay tiktok thì sẽ mất ít nhất gấp đôi thời gian để có thể hoàn thành bản kế hoạch cùng theo đó là kéo theo sự mệt mỏi. Lý do là vì bạn đã phân tán sự chú ý (bit) cho nhiều tác vụ đa nhiệm cùng một lúc, điều này chắc chắn sẽ dẫn tới việc bạn nhanh chóng bị quá tải và không thể hoàn thành công việc đúng như dự kiến.

Trong Không gian chú ý thì bạn chỉ có thể xử lý được đa nhiệm khi công việc hay hành vi đó đã trở thành một thói quen. Ví dụ vừa chạy bộ, vừa giữ nhịp thở và nghe nhạc chính là một chuỗi những nhiệm vụ bạn có thể thực hiện đa nhiệm mà không cảm thấy quá tải như vừa chạy vừa cầm điện thoại xem tin nhắn và lại nghe nhạc được.

Có hai kiểu nhiệm vụ chính trong Không gian chú ý gồm:

1.Những nhiệm vụ theo thói quen vốn là các hành động bạn không cần nghĩ ngợi mà vẫn có thể dễ dàng thực hiện được.

2.Những nhiệm vụ phức tạp mà bạn chỉ có thể thực hiện được khi tập trung tối đa.

Từ đây rút ra kết luận rằng:
-Bạn chỉ có thể đa nhiệm được khi điều đó đã trở thành các thói quen. Và số lượng các thói quen có thể đưa vào Không gian chú ý mà không làm tốn các bit xử lý là rất nhiều.

-Không gian chú ý không thể xử lý cùng một lúc hai nhiệm vụ phức tạp như vừa viết lại vừa đọc tiểu thuyết được.

-Bạn có thể kết hợp 1 việc phức tạp với 1 việc đơn giản mà bạn có thể làm trong vô thức như như vừa đọc sách (phức tạp cần nhiều sự tập trung) vừa nghe nhạc không lời (Thói quen nghe nhạc mỗi ngày).

Còn tại sao lại là nhạc không lời vì với nhạc có lời thì khi đi qua Không gian chú ý sẽ kéo theo các bit xử lý để nhận biệt những từ ngữ ấy khiến bạn bị phân tán khỏi nội dung trong sách. Tóm lại là bạn nên nghe nhạc có lời khi chạy, tập tành, dọn dẹp nhà cửa. Còn khi viết lách, đọc sách hay học tiếng Anh thì bạn nên nghe nhạc không lời để dành các bit tập trung vào cho những việc phức tạp.

Và điều kỳ diệu ở đây là với những gì bạn thực hiện mỗi ngày cho tới khi nó trở thành thói quen thì bạn sẽ không cần phải tốn quá nhiều bit để xử lý nó nữa. Đó là câu trả lời cho việc tại sao một ai đó có thể giải những thuật toán phức tạp, đọc những cuốn sách đau đầu mà vẫn có thể ghi chép hoặc xử lý email được. (vốn đã trở thành một thói quen của họ). Sự vô thức là kết quả của thói quen sẽ giải phóng bạn khỏi sự hạn chế của khả năng xử lý thông tin.

Việc làm trống tấm bảng – Không gian chú ý của bạn khi thực hiện một công việc phức tạp chắc chắn sẽ khiến chất lượng công việc tốt hơn. Hãy tưởng tượng với một tấm bảng kéo dài bằng cả một bức tường mà chỉ viết một câu hỏi thì với khoảng không gian còn lại bạn sẽ tha hồ sáng tạo ra những cách thức giải quyết vấn đề mà chẳng sợ bị quá tải. Mà chất lượng công việc phụ thuộc vào thời gian bạn toàn tâm chú ý vào trong nó.

Nói cách khác, khi tập trung vào một công việc phức tạp duy nhất thì bạn càng làm nó hiệu quả và sáng tạo hơn. Nhắc lại một lần nữa là khi liên tục chuyển đổi trạng thái từ công việc này sang công việc khác bạn sẽ cần thêm 1,5 cho tới 2 lần khoảng thời gian để hoàn thành so với việc tập trung.

Cuối cùng lý do tại sao bạn cần phải hiểu, nắm rõ và kiểm soát hiệu quả Không gian chú ý của mình vì Không gian chú ý nắm giữ hai cốt lõi dẫn đến kết quả đột phá là :

Mục tiêu cần hoàn thành + tiến độ làm việc.

Nếu bạn kiểm soát, phân bổ tốt Không gian chú ý của mình thì dù trong ngày bạn xử lý 2-3 việc phức tạp thì cũng không bị quá tải cũng như giữa được sự tập trung trong thời gian dài hơn.

Và khi bạn có thể giải quyết dễ dàng những vấn đề hóc búa và hại não thì chất lượng cuộc sống từ vật chất cho tới tinh thần của bạn cũng được gia tăng rất rất nhiều lần.

Photo : britishbookreader

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân