ĐỪNG TIN VÀO CẢM XÚC CỦA BẠN

Bạn có thể đặt vào tay người khác tiền bạc, quyền lực, việc đưa ra quyết định từ ăn cái gì cho đến đi du lịch ở đâu, nhưng đừng bao giờ trao cho bất cứ ai cái quyền tự do chơi đùa với cảm xúc của bạn. Tốt nhất, bạn hãy sống mà không cần cảm xúc làm la bàn dẫn lối cuộc đời bạn, nếu không bạn nguy tới nơi rồi.

Trong bất cứ mối quan hệ nào, đặc biệt là yêu đương, thì việc bạn đặt cảm xúc quan trọng hơn những điều khác, thì bạn đã tự nhấn nút báo động cho chính bản thân và những mối quan hệ của mình.

Vì cảm xúc sẽ chi phối những quyết định của bạn đồng thời bạn đã đặt quyền tự quyết của bản thân vào tay người khác. Họ vui bạn thấy vui, họ thất thường thì bạn cảm thấy không ổn và muốn tìm cách để họ cảm thấy vui trở lại. Điều này khiến bạn hy sinh cảm xúc của chính bản mình. Nếu đối phương không đáp lại đủ những gì bạn đã làm, bạn cảm thấy tổn thương.

Cảm xúc cũng khiến bạn khó vượt ra những giới hạn của bản thân. Bạn nghĩ quá nhiều và lo sợ một cách phi lý về những gì bạn làm sẽ ảnh hưởng tới người khác, và cho rằng điều đó phá hỏng mọi mối quan hệ từ gia đình, bạn bè và người bạn yêu. Điều này còn nghiêm trọng hơn khi tất cả tự ngộ nhận rằng, đó là sự hi sinh xứng đáng cho những mối quan hệ mật thiết của mình.

Và bạn sẽ sớm nhận ra, khi có bất đồng hay hiểu nhầm, việc đầu tiên nhiều người sẽ làm là quăng đi cảm xúc mà bạn đã trao vào tay họ trước đây. Bạn không giải quyết được vấn đề, bạn còn bị cảm thấy mình bị coi như một món đồ vô giá trị, bạn tổn thương gấp đôi.

Cảm xúc là thứ bạn phải giữ cho riêng mình và kiểm soát nó, nếu không bạn sẽ phải lãnh nhận đau khổ nhiều hơn là niềm vui. Phim ảnh, xã hội, đám đông cổ vũ bạn hãy sống theo cảm xúc, vì thế bạn có thể bị mọi thứ bên ngoài tác động cuốn bạn đi tới những nơi bạn không muốn tới.

Xin lỗi, nhưng sự tỉnh trí trong thế giới này là tuyệt đối không để cảm xúc xâm chiếm vào thực tại của bạn. Cảm xúc có tác dụng lớn nhất khi bạn chiêm ngưỡng cái đẹp, đắm chìm trong tiểu thuyết, thơ ca và những thứ thuộc về thế giới riêng của bạn.

Tình yêu được bắt đầu từ cảm xúc, nhưng chính cảm xúc sẽ cũng sẽ giết chết bất cứ mối tình lãng mạn nào. Cảm xúc tạo nên cái tôi, ghen tuông, sở hữu, tức giận, đúng sai và đủ thứ khác khiến mọi tình yêu đều có thể trở thành bể khổ. Vì thế, để có được tình yêu, cảm xúc chỉ là sự khuấy động ban đầu, còn giữ được tình yêu, cần những yếu tố khác. Điều này cũng áp dụng được trong mọi mối quan hệ khác.

Với cảm xúc, bạn phân biệt mọi thứ làm hai. Giữa quý mến và căm ghét, giữa anh chị em này và những đứa khốn nạn kia, hay cô nàng ấy và ả đào nọ. Cảm xúc đặt bạn vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa yêu và ghét, giữa hợp tác và thù hận. Mọi đổ vỡ, mọi bất mãn và mọi đau khổ đều xuất phát từ cảm xúc.

Nhưng bạn không cần phải triệt tiêu cảm xúc, nếu bạn làm thế bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được những sự tinh tế hiếm hoi xuất hiện trong thế giới này. Thay vì tiêu diệt cảm xúc, hãy kiểm soát nó, thuần dưỡng nó. Khi cảm xúc nói với bạn rằng yêu cô ta đi, tốt thôi nhưng vẫn phải tỉnh táo, hay khi nó thủ thỉ với bạn rằng người kia đáng ghét quá, ý hay đấy nhưng ta cần phải xem xét lại.

Hãy nhớ mọi đánh giá, mọi cái nhìn ban đầu xuất phát từ cảm xúc không bao giờ phản ảnh hết một con người hay sự vật bạn nhìn thấy là đúng với bản chất của nó. Khi cảm xúc được kiểm soát, sẽ khởi sinh trí tuệ, khi trí tuệ xuất hiện tâm trí bạn được bình thản, và bình thản giúp bạn không yêu không ghét, không lo không buồn trước bất cứ trạng thái nào mà cảm xúc của những người xung quanh đang chi phối thế gian này.

Đừng sống theo cảm xúc, nhưng hãy thấu hiểu cảm xúc của người khác để giúp họ và giúp chính bạn trong bất cứ mối quan hệ hay công việc nào.

Photo : criss1016

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân