SỐNG THẾ NÀO KHI KHÔNG THÔNG MINH?

Trong cuốn “Kỷ luật thép của Singapore” cố thủ tướng Lý Quang Diệu khi được phỏng vấn đã cho biết ông “tin sự thông minh được quyết định bởi gien di truyền và điều đó phù hợp với thuyết tiến hoá”.

Ông lấy ví dụ chính ông và vợ mình là Kha Ngọc Chi, một trong số ít những người ông thừa nhận thông minh hơn mình, cả hai đều lấy được học bổng sang Anh học khi còn trẻ đã tặng cho ba người con Lý Hiển Long – Thủ tướng Singapore từ năm 2004 và sắp về hưu khi đang ở tuổi 70, tiếp theo là Lý Vỹ Linh, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và Lý Hiển Dương chủ tịch cục hàng không dân dụng Singapore cùng các cháu trai, gái món quà vô giá là gien di truyền chứa đựng sự thông minh của hai vợ chồng.

“Các cháu tôi đứa nào cũng IQ trên 140, từng đứa được kiểm tra kỹ lưỡng bởi con gái tôi và nó là chuyên gia về thần kinh và não bộ”. Ông Lý Quang Diệu nói.

Thậm chí ông Diệu còn trích dẫn nhiều lần câu nói “Dê trắng và dê đen cũng có thể sinh ra dê trắng, nhưng tốt nhất là nên là dê trắng với dê trắng để sinh ra thế hệ sau vượt trội hơn”.

Ông Diệu tỏ ra thông cảm với những ai không có bố mẹ là những người thông minh “Dù bạn không thích những gì tôi nói,thì rất tiếc đó lại là sự thật. Bạn chỉ có thể thay đổi bằng cách lấy một người vợ thông minh. Nếu như một luật sư mà không kết hôn với một nữ luật sư thì đó là điều ngu ngốc”. Ông đanh thép khẳng định.

Những ai biết về tiểu sử của nhà họ Lý của ông Diệu thì dù không vui khi ông nói thẳng như thế, nhưng vẫn phải đồng ý rằng những người kế tục ông đều chẳng thua kém cha mình khi xét về trí thông minh. Thủ tướng đương nhiệm Singapore – Lý Hiển Long, lúc còn là sinh viên ở Cambridge luôn nằm trong những người đứng đầu, thậm chí còn phá kỉ lục khi trả lời được rất nhiều câu hỏi siêu khó trong một cuộc thi. Tuy nhiên, Ông Diệu lại không đề cập đến một điểm quan trọng còn hơn cả gien di truyền đó là MÔI TRƯỜNG.

Vì là con của thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long đã được tiếp cận, giáo dục và được tạo những lợi thế nhất định để đạt được kết quả tối ưu nhất trong học tập từ rất sớm. Cũng giống như cha mình, Lý Hiển Long cũng là một trong 5 hoặc 6 sinh viên Singapore trong thế hệ của mình dành được học bổng đi Anh. Ông Diệu cũng phủ nhận tất cả cáo buộc rằng việc các con mình được đi du học hay nắm giữ vị trí cao trong Nhà nước là do ông sắp đặt sẵn. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên khi những bạn học khác cũng đi Anh với Lý Hiển Long chính là con cháu những nhân vật quan trọng ở Singapore.

Có một câu hỏi khi mình đọc xong Kỷ luật thép của Singapore là: Nếu các con trai Diệu chỉ là con của một người Singapore bình thường, nhưng thông minh thì liệu sự thông minh ấy có thể giúp họ thành công như bây giờ không? Tất nhiên, đối với một người cầu toàn như Lý Quang Diệu thì ông đơn giản lý giải rằng “Đôi khi cuộc sống không công bằng, nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình”.

Nhiều chuyên gia công nhận nhà vật lý người Đức gốc Do Thái Albert Einstein không phải là người sở hữu gien di truyền chứa đựng sự thông minh. Bố mẹ ông là kỹ sư điện và mở công ty kinh doanh nhỏ. Người vợ đầu tiên của Einstein là Mileva Maric – bà là nữ sinh duy nhất chuyên về vật lý và toán học cùng lớp với Einstein. Có những thông tin cho biết, có thể Mileva cũng đã góp công lớn với Einstein trong việc tất chỉnh sửa, góp ý vào những bài viết liên quan đến thuyết tương đối cùng những nghiên cứu khác của ông.

Theo cách nhìn nhận của ông Diệu “Bạn nên vui khi ai đó khen con mình thông mình như mẹ chúng” cùng sự khẳng định của khá nhiều nhà khoa học khi chứng minh rằng con cái thông minh hay không là tuỳ thuộc ở người mẹ, thì Mileva hội tủ đủ yếu tố để cùng Einstein sinh ra những người con ưu tú.

Đáng tiếc hai người con trai của họ là Hans và Eduard lại chỉ là những người bình thường, dù niên thiếu cũng bộc lộ phần nào đó tư chất thông minh. Hans trở thành một người chuyên về kĩ thuật còn số phận người em trai Eduard thì lại là một bi kịch. Eduard lúc nhỏ đã có dấu hiệu tâm thần, sau này bệnh tình trở nên nghiệm trọng hơn và sau đấy chết trong trại tâm thần khi còn trẻ.

Nói về sự thông minh sẵn có của thế hệ trước sẽ truyền lại cho thế hệ sau thì kể cả gia đình Lý Quang Diệu hay Einstein đều giống nhau nhưng lại đưa đến hai kết quả khác nhau, đồng thời kéo theo một thắc mắc khó để trẳ lời liệu “Di truyền có phải là tất cả để quyết định trí thông minh và việc thông minh liệu có thể đạt được bằng cách khác không”.

Dù điều này vẫn còn đây tranh luận lẫn tranh cãi nhưng các nhà nghiên cứu cũng không phủ nhận Gien di truyền ảnh hướng đến trí thông minh từ 30-50 phần trăm. Nửa còn lại được quyết định bằng môi trường, tác động từ bên trong lẫn bên ngoài. Nói một cách đơn giản, thông minh ngay từ nhỏ nhưng nếu không có sự nỗ lực và có được một môi trường hoàn hảo thì chưa chắc đó là một lợi thế đảm bảo cho thành công mai sau. Thực tế đã chứng minh, Khác với các con của Lý Quang Diệu, hai người con trai của Einstein lại không có được một môi trường tốt để phát huy gien thông minh của họ (nếu họ thực sự được thừa hưởng).

Còn những người con của ông Diệu và bà Chi là một điển hình cho cả việc được thừa hưởng cả trí thông minh lẫn môi trương để phát huy hết khả năng. Ông Diệu luôn khen ngợi các con là những người có cá tính cùng khả năng tự lập tốt. Đúng vậy, nhưng Lý Hiển Long hay Lý Vỹ Linh không chỉ có một người cha là thủ tướng, một người có tầm nhìn mà còn là người thầy nghiêm khắc, quyết đoán,thông tuệ,tận tình chỉ lối và đặt họ vào một môi trường tốt nhất có thể. Chính điều này có thể là yếu tố then chốt đưa tới sự thành công bên cạnh sự thông minh của các con ông Diệu. Có những dẫn trong các nghiên cứu và chứng thực dựa trên thực tế được nhắc đến trong các đầu sách khoa học chỉ ra rằng: cách tốt nhất để tiến bộ thần tốc là có một người đầy kinh nghiệm ở đằng sau quan sát, góp ý và chỉ ra những điểm tốt, điểm cần hoàn thiện hơn của mình cùng một môi trường thuận lợi và ổn định. Khi kết hợp cả hai điều này sẽ tạo nên chìa khoá dẫn đến thành công.

Alexander Đại đế là vị vua nổi tiếng nhất trong thời cổ đại, đã chinh phục gần như thế giới được biết đến trong thời điểm đó. Là con trai của một vị vua nổi tiếng là Philip II cùng người vợ tính khí thất thường đam mê những nghi thức tôn giáo là Olympias. Ngay từ tuổi thiếu niên, Alexander đã được cha dẫn đi cùng mình học cách cai trị đất nước và đánh trận. Điều này cũng thấy ở Lý Quang Diệu, ông cùng các con mình học ngôn ngữ, chơi cờ, đọc sách và hay dẫn con trai lớn là Lý Hiển Long đi gặp gỡ người dân và tham gia các cuộc tranh luận chính trị ở Síngapore.

Philip II tự biết cần phải có một người giỏi hơn để giáo dục Alexander ngoài việc cầm quân. Thế là vị vua vĩ đại này sau được vua cha sắp xếp theo học triết gia Aristotle một thời gian. Aristotle ít khi tin tưởng giới quý tộc hợm hĩnh, nhưng ông lại nhìn thấy tài năng của Alexander nên tận tình chỉ bảo, dạy dỗ Alexander học cách hùng biện,văn học, triết học … Alexander đặc biệt đam mê sử thi Iliad và sùng bái Achilles luôn luôn lấy đó để phấn đấu. Dù Alexander đã bộc lộ tài năng của mình khi chưa tròn 18 tuổi đã đánh thắng một trận lớn, được vua cha hết lời khen ngợi. Nhưng những gì Alexander học hỏi, quan sát và được chỉ dẫn tận tâm từ Philip II và Aristotle mới là nền tảng cho sự nghiệp chinh phục khi trưởng thành. Thậm chí, những kỹ năng mềm đó còn cứu thua và tính mạng của ông nhiều lần khi phải đối chọi với đối phương có quân số đông gấp bội hay sự nổi loạn của chính quân mình, thì những lời hùng biện lên tinh thần, khích lệ quân lính hiểu đã giúp Alexander thay đổi tình thế.

Còn trong trường hợp nếu như bạn không phải là người có tư chất từ gien di truyền thì liệu có trở thành “dê trắng” hay phải chấp nhận số phận như lời của Lý Quang Diệu? Trái lại việc bạn chỉ là người bình thường thì việc trở nên thông minh hơn và thành công trong cuộc sống cũng chẳng kém gì những người có tư chất.

Khái niệm 10.000 giờ được Malcolm Gladwell chỉ ra là khoảng thời gian tối thiểu để chỉ một người thành thạo một kỹ năng ở mức hoàn hảo. Kỹ năng đó là bất cứ điều gì, từ học tập, thể thao, ngôn ngữ đều phải trả giá bằng 10.000 giờ hoặc nhiều hơn thế.

Nhà soạn nhạc người Áo Mozart là một minh chứng kinh điển về định kiến thiên tài là tất cả. Mozart thành thạo chơi piano lúc 3 tuổi, 5 tuổi ông chơi nhạc trong hoàng cung và biểu diễn tài năng của mình dù các phím đàn đã bị che phủ bằng một tấm khăn. Thời điểm đó, ông được coi là thần đồng còn người trong gia đình đặc biệt là bố và chị gái mới rõ ông đã khổ công rèn luyện như thế nào để trở nên xuất chúng.

Bố Mozart vốn là một giáo viên dạy nhạc, bản thân chị gái cũng rất tài năng. Khi nhận ra khả năng của Mozart là không giới hạn, bố ông đã bỏ dạy để uống nắn, chỉ dẫn cho Mozart. Còn Mozart trước đó không hề giỏi hơn chị gái mình, nhưng đó là một động lực thúc đẩy ông dành nhiều thời gian nhất có thể cho âm nhạc ngay từ khi nhỏ. Chị gái ông, Maria viết hồi ký sau nhiều năm khi Mozart chết đề cập đến sự tập trung đến kì lạ và niềm đam mê chơi lẫn phổ nhạc của em trai mình khi mới 3 tuổi. Niềm đam mê lẫn sự tập trung này kéo dài đến 25 năm sau cũng vẫn thế. Mỗi bản nhạc của ông khi hoàn chỉnh đã trải qua hàng nghìn giờ bế tắc trên trang giấy, mà khi thu thập lại lên tới hàng trăm bản soạn dang dở được tìm thấy và lưu trữ trong bảo tàng. Thiên tài là tổng hợp của tất cả những thứ khác mà người bình thường không muốn làm chứ không chỉ là thông minh do di truyền.

Trí thông minh hay IQ cao không đồng nghĩa với việc sẽ thành công sau này nếu thiếu đi niềm đam mê, sự tập trung, tính kỷ luật và sẵn sàng tôi luyện kỹ năng của mình trong một thời gian dài. Người Việt có câu “Cần cù bù thông minh” là kết luận đơn giản thay cho những bài phân tích chi tiết nhất.

Trí thông minh có vượt trội hay không cũng không phải vấn đề dẫn tới thành công trong cuộc sống. Bạn sẽ được đền đáp khi rèn luyện bản thân và làm việc chăm chỉ. Không có cách nào khác được, dù cho sở hữu sự thông minh hơn người nhưng không thường xuyên sử dụng, nâng cao bản thân và đi quá giới hạn thì lợi thế thông minh chỉ là một khái niệm tương đối. Michael Jordan – ông vua bóng rổ Mỹ có nói rằng ” Tôi đã ném trúng nhiều lần nhưng còn ném trượt nhiều hơn và quan trọng là điều đó làm tôi không từ bỏ”.

Sinh ra không có gien thông minh không phải lỗi tại bạn, nhưng bạn sống và chết đi trong sự ngu dốt do thiếu nỗ lực thì chắc chắn đó là lỗi tại bạn. Trí thông minh giống như đám mê mờ che phủ tất cả những gì ở phía sau. Quá gần và cũng quá xa cho ai đấy muốn tìm kiếm khát vọng để trở nên hoàn thiện hơn.

Hãy vượt qua định kiến về thiên tài và trí thông minh, truyền thông và quá nhiều lời tâng bốc đã làm cho hai khái niệm đó dành được nhiều sự quan tâm và tẩy não chúng ta. Bản chất thật sự của trí thông minh là bắt đầu từ cái yêu thích và đam mê đến phát điên vì nó. Hàng ngày lập đi lập lại và đừng mong chờ thành quả sẽ đến ngay vì thành công là không chớp nhoáng.

Trí thông minh được bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, không ngừng học hỏi, kiểm soát cảm xúc và hoàn thiện bản thân. Thông minh không hề giới hạn vì nó phụ thuộc vào bản thân chúng ta, điều này khiến việc di truyền chỉ còn là một câu chuyện vui. Số phận chỉ là cái cớ và lý do chính để bạn khám phá toàn bộ những gì mình có thể trở nên và đạt được.

Gien di truyền cũng giống như trò tung đồng xu, mặt nào cũng không quan trọng vì bạn mới chính là người quyết định. Thông minh hay không đó là ở sự lựa chọn của bạn.

Photo Ig

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân