TÔI NÊN VIẾT ĐỂ KIẾM TIỀN HAY VIẾT VỀ CÁI GÌ NẾU KHÔNG PHẢI VÌ TIỀN?

Mình chơi với một ông anh viết lách không chỉ vì đam mê mà đó còn phải là một công việc kiếm ra tiền, và viết cái gì mà ra tiền thì cũng không phải chuyện áy náy gì với bản thân, dù đó là có là những cái người viết không muốn. Không chỉ ông anh chia sẻ mà còn một bạn nữ khác – một tác giả viết truyện dài kỳ trên mạng cũng nói với mình rằng “Em thích viết, nhưng viết phải kiếm ra tiền thì mới vui và theo được lâu dài”.

Ông anh cũng cho mình biết một nhận định có phần u ám rằng bây giờ không có nhiều người đọc truyện cả, truyện ngắn đã không thì tiểu thuyết lại càng không nếu không phải thể loại thị trường muốn như tâm linh, tình yêu… Đặc biệt là người đọc hiện nay rất sợ những gì mới mẻ, kì lạ hay phá cách, vì kể cả có hay thì đó cũng là một vùng đất xa lạ và gây nhiều khó khăn khi đọc

“Anh nghĩ là mày cứ nhận bất cứ công việc, dự án nào viết lách kiếm ra tiền ngay bây giờ là tốt nhất. Tất nhiên truyện ngắn hay tiểu thuyết của mình thì mày cứ viết, nhưng hãy phân chia thời gian hợp lý vì anh thấy mày mà viết cái mày thích thì mày sẽ ném hết mọi thứ khác ra khỏi đầu mày kể cả đó là công việc kiếm ra tiền, như thế anh thấy không ổn”.

Đó cũng thực tế hiện nay của mình : Mình dành nhiều thời gian cho bản thân, viết những cái không ra tiền ngay và lại còn viết nhiều là đằng khác. Còn công việc hay dự án mình nhận bên ngoài, mình vẫn làm và dành cho những việc kiếm ra tiền này sự tôn trọng và thái độ làm việc cẩn thận nhất có thể. Tất nhiên khi mình làm tốt và làm nhanh hơn, mình sẽ nhận được nhiều dự án, công việc hơn, nhưng thay vì mình tập trung vào những cái viết ra tiền nhiều nhất có thể thì mình lại vẫn muốn viết những gì mình muốn, và gần như tất cả đều chưa tiền ngay.

Cụ thể hơn là thay vì viết một bài báo xã hội theo phong cách chính thống để được đăng báo và kiếm nhuận bút, thì mình lại mang ý tưởng đó viết thành một chia sẻ trên facebook với ngôn từ và phong cách thoải mái hơn, phù hợp hơn với bạn đọc.Đổi lại thì mình mất đi cơ hội được đăng báo và có được nhuận bút, cuối cùng cái mình đã được là một tâm trạng khoái lạc khi viết ra một chia sẻ có thế hấp dẫn một số bạn đọc.

Đối với việc viết truyện hay tiểu thuyết cũng vậy. Trên mạng, báo chính thống lẫn báo mạng không thiếu mục truyện ngắn để mỗi tác giả đều có cơ hội được đăng và nhận nhuận bút. Yêu cầu của đa số các báo thì truyện phải trên dưới 3000 chữ hoặc có thể ít hơn nữa, một yêu cầu mà đối với mình là đơn giản với đa số người viết.

Thậm chí viết để đăng báo bạn còn không phải đầu tư chất xám hay tìm tòi ý tưởng để viết mà chỉ cần tìm hiểu và đi theo phong cách theo gu của mỗi trang báo. Có thể mọi người nói mình tự phụ, nhưng nhiều truyện ngắn đăng trên báo giấy mình thấy từ ý tưởng, chất lượng hay văn phong ở mức mà mỗi người viết đều có thể viết được, nếu chăm chỉ.

Cá nhân mình đã từng được đăng vài truyện ngắn mà bản thân thấy nó KHÔNG TỐT như những truyện khác của mình, nhưng các truyện ngắn đó lại phù hợp phong cách của toà soạn lẫn thị hiếu của người đọc. Nghịch lý ở đây, mình lại chỉ thích viết những gì mình muốn và bỏ qua những gì mình có thể viết và ra tiền. Mình chỉ có thể giải thích rằng viết những gì mình muốn thì mình nhìn thấy bản thân, phong cách và triết lý của chính mình. Đổi lại, khi mình viết để kiếm tiền, mình sẽ pha loãng phong cách mình ra để hoà hợp với thị hiếu chung của người đọc, của báo chí, của thị trường.

Câu hỏi ở đây là tại sao mình lại thích làm khó bản thân đến như vậy, trong khi với một Freelancer, một người viết tự do, một người không có công việc hay thu nhập cố định lại từ chối cơ hội để có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ viết? Nhiều người nói với mình rằng, viết cái gì chả là viết, viết mà kiếm được tiền tuy chán nhưng hữu ích hơn là viết mà không ra tiền chứ, suy nghĩ cố chấp như thế thì tự đào hố chôn mình thôi.

Trước khi trả lời câu hỏi này, mình muốn trích dẫn một câu chuyện của Mặc Tử bên Trung Quốc cho mọi người cùng ngẫm nghĩ và bàn luận.

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng :

“Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”

Mặc Tử đáp “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế.

Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái thời hay thế để biện hộ cho việc mình làm”

Mình không nhận việc mình luôn toàn tâm với những gì mình viết mà chưa kiếm ra tiền (Mình không có suy nghĩ là không kiếm được tiền, chỉ là sớm hay muộn với những gì mình đang viết) là một việc nghĩa, việc đúng hay là một chuẩn mực để người khác lấy đó làm mục tiêu đi theo văn chương hay viết lách. Nhưng trong hiện tại, khi mọi thứ đang trở nên khó khăn mà mình vẫn có thể kiểm soát được (Vì mình vẫn nhận được các công việc viết lách kiếm ra tiền, chỉ là mình không tận dụng toàn bộ thời gian để viết kiếm tiền) thì mình vẫn cảm thấy nên dành nhiều thời gian cho những gì muốn làm hơn, thay vì hướng bản thân đi theo một định hướng hay lựa chọn khác mà mọi người cho là tốt.

Bản thân mình tin rằng trong cuộc sống thì “Mọi thứ có lúc mọi sự có thời” chứ không phải “Gặp thời thì gọi mưa gọi gió, lỡ thời thì thánh nhân cũng hoá kẻ gàn dở”. Nếu những cố gắng của bạn chưa được đền đáp xứng đáng, thì đừng coi đấy là tại số phận hay vô duyên với tiền tài, đáng tiếc là nhiều người lại có tư duy như thế khi đứng trước những lựa chọn, mọi người sẽ chọn cái an toàn hơn dù nó biến đổi bản chất và khả năng của mình. Như thế thì bạn đang lấy cái tài của mình để phục vụ vật chất, chứ không phải dùng cái tài của mình để bắt vật chất phải quy phục bạn.

Và trong thời đại nào cũng thế, có người chọn cách nhẹ nhàng hơn thì lại có kẻ ưa thích thêm nhiều khó khăn hơn, mặc cho người đời nói rằng họ là những kẻ sinh ra không đúng thời, nhưng vẫn chỉ chú tâm làm cái việc mình giỏi nhất mà thôi. Vì khi bạn làm việc mình muốn, bạn sẽ liên tục tìm ra cách để mình giỏi hơn cũng như xây dựng được sự khác biệt với những người khác do không bị chi phối bởi hoàn cảnh, vật chất hay áp lực bên ngoài.

Và mình chỉ có thể trở thành một người viết tốt hơn, viết được lâu dài hơn, có một phong cách riêng khi duy trì viết những gì mình muốn mỗi ngày thay vì có thể kiếm được nhiều tiền hơn mỗi ngày. Đây chắc chắn là một sự lựa ngu ngốc, vì trong những năm vừa qua vì sống và làm việc theo cách này, mình đã bỏ qua, đã tự ném đi những cơ hội để kiếm được nhiều tiền hơn, để có một công việc tốt hơn.

Nhưng mình không hối hận, chưa bao giờ hối hận dù đã từng trải qua rất nhiều khó khăn vì sự thiếu ổn định này, bởi những gì mình làm, những gì mình đã lựa chọn bắt đầu đem tới cho mình cả vật chất, cả phong cách riêng và nhiều mối quan hệ mới để phát triển hơn trong hiện tại và tương lai. Và mình hoàn toàn tin rằng, nếu vào một lúc nào đó, mình lựa chọn việc viết để kiếm tiền hơn thì điều tốt đẹp này đã không đến với mình. Chắc chắn là như thế.

P/S : Mình cũng tiết lộ một thông tin có thể có ích với ai đó muốn viết báo kiếm tiền, thì hãy tập trung vào các mục ẩm thực, du lịch, văn hoá vùng miền trên khắp Việt Nam – vốn là những thể loại, đề tài mà báo chí chính thống ưa thích.

Trước đây để viết được thì yêu cầu bạn cần đi nhiều, thấy nhiều còn bây giờ hãy lên Internet, không thiếu những video mà các streamer chia sẻ về ẩm thực, du lịch và con người trên khắp Việt Nam cùng Thế giới. Bạn chỉ cần một chút chăm chỉ trong ghi ghép, trong chắt lọc thông tin, sắp xếp lại nội dung, sử dụng ngôn từ phù hợp với báo chí thì sẽ viết được một cách đơn giản và dễ dàng. Hãy thử và nhận lấy thành quả nhé.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân