Vài năm nay. mình luôn với mọi người rằng trong quan điểm của mình ở Việt Nam chỉ có một con người, một công ty với một văn hoá đặc biệt mà mình vô cùng ngưỡng mộ : đó là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng công ty VTN Architects của anh.
Thứ nhất khi đọc và xem hàng chục bài viết, phỏng vấn, video anh Nghĩa chia sẻ về suy nghĩ, quan điểm, lý tưởng, công việc thì mình thấy ở con người mình có những điều giống anh, nhưng vô cùng kiên định với cách làm của mình một cách quyết liệt dù đó có đi ngược lại đám đông.
Ví dụ con gái anh Nghĩa được anh dạy và tự học ở nhà chứ không đến trường. Có người phản đối thì anh nói giải thích rằng: “Tôi đang tìm cách giữ tuổi thơ cho nó. Hình ảnh của trẻ em bây giờ mà tôi thấy rất nhiều là béo phì, đeo kính cận, vác cái ba lô thật nặng đi học. Gia đình 2 bên cũng tạo sức ép rằng phải đi học cho có bạn nhưng đi học bây giờ cũng làm gì có bạn. Suốt ngày cắm đầu vào làm bài tập, không còn thời gian ra công viên chơi, đi bơi, thả diều, bắt chim, bắt dế…Học lúc nào cũng được, thiếu cái gì, cần cái gì thì học cái đó, đừng bắt học dàn đều ra.
Trong suốt 4 năm đại học, Võ Trọng Nghĩa chỉ đến lớp vào những tiết học mà bản thân cảm thấy cần thiết. Anh kể: “Tôi không thích những kiến thức sáo rỗng, khô cứng. Tôi chỉ học những gì mình thích nên thường chỉ nghiên cứu trong thư viện hoặc đến các văn phòng kiến trúc nổi tiếng ở Nhật xin làm thêm không cần thù lao. Tại Nhật, sinh viên khá tự do, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Con gái tôi cũng vậy, sau này lớn thấy cần học gì thì lại học thôi. Có sao đâu. Cháu thích nghe và đọc bản tin Tiếng Anh để bàn luận, trao đổi với tôi thì tự cháu đã tìm cách học đấy…”
Mình hiểu phần nào lý do tại sao anh Nghĩa lại làm thế. Vì bản thân mình cũng là đứa học hành dở dang, nhưng không phải ngu dốt mà là mình không phù hợp với trường học. Tất cả những gì mình có bây giờ là tự học, tự trải nghiệm và thực hành. Đúng như anh Nghĩa nói, cách học tốt nhất là thấy cái gì cần học thì học thì sẽ đem lại hiệu quả hơn hẳn.
Thứ hai mình cũng có suy nghĩ giống với anh Nghĩa là có một điều gì đó còn hơn cả định nghĩa về thành công, một điều mà mỗi bản thân con người đều nhận biết từ tận bên trong của mình là có một điều đó vượt lên mọi thứ khác trong cuộc đời này, và chúng ta phải tìm kiếm nó.
“Đối với tôi là sự giác ngộ, việc trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng chỉ là điều vô nghĩa”. Anh Nghĩa định nghĩa về thành công khi trả lời phỏng vấn của New York Times.
Anh Nghĩa nói “Một người dù làm lớn đến đâu, uyên bác đến đâu, giàu có đến đâu, thành công đến đâu… cũng có những đau buồn. Loài người bất kỳ là ai đều phải trải qua các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố; sinh, lão, bệnh, tử. Mọi người cứ nói sống cho hiện tại. Đúng. Cũng nhiều người nói, cứ hưởng thụ cuộc sống này đi, bận gì phải hành thiền giữ giới cho khổ. Nhưng muốn sống như vậy, cũng không đơn giản”.
Đối với anh Nghĩa, để không bị những đau khổ, danh vọng, vật chất trong cuộc đời ngắn ngủi này thì con người nên tu tập, tích lũy “qua nhiều kiếp”mới giải thoát con người khỏi khổ đau. Hay ít nhất, nó cũng khiến mỗi người thay đổi về thể chất, về tính cách.
Còn về bản thân mình, nếu ai đó hỏi rằng trước đây tại sao mình có thể kiên nhẫn với những gì mình làm trong suốt một thời gian dài mà chưa đem lại hiệu quả gì, thì mình chỉ đơn giản giải thích rằng:
Thông qua những gì mình đang làm mỗi ngày, mình sẽ nhận biết đồng thời tiến tới một điều lớn lao và có giá trị hơn chính những gì mình đang làm. Không phải tiểu thuyết, không phải truyện ngắn, sản phẩm công nghệ, mà sự thấu hiểu trọn vẹn những gì mình trải nghiệm trong cuộc đời này. Có lẽ nó cũng giống với sự giác ngộ mà anh Nghĩa vẫn đang đi tìm trong khi vẫn làm kiến trúc.
Thứ ba là về thiền – bí mật đã đem sự thành công của Võ Trọng Nghĩa trong lĩnh vực kiến trúc, văn hoá của công ty và trong cả cuộc sống riêng của anh.
Quan trọng hơn, thiền giúp anh tìm kiếm sự tập trung cùng sự giác ngộ. Từ năm 2012, Võ Trọng Nghĩa đã dành ít nhất 2 tiếng mỗi ngày để thiền và giữ 5 giới. Dù thời điểm đó công ty và sự nghiệp của anh đang gặp khó khăn, nhưng anh vẫn quyết định ưu tiên hành thiền mỗi ngày. Lý giải thành công của bản thân công ty minh, anh Nghĩa trả lời rằng:
“Tôi muốn mọi người hiểu được việc chúng tôi tập trung vào thiền định và giới luật. Nếu bạn có thể thiền vài giờ, mọi thứ sẽ trở nên thật rõ ràng. Bạn sẽ trở nên siêu việt hơn so với bản thể cũ của mình. Kiến trúc cũng trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi không làm việc quá lâu, mà tập trung thanh tẩy tâm trí và thanh tẩy tâm hồn. Đó là lý do tại sao công ty chúng tôi làm việc hiệu quả đến vậy”
Tiếp theo trong một bài phỏng vấn khác: “Hiện tại nhờ thiền nên tôi làm việc hết sức tập trung. Khi đã đắc thiền rồi quay ra làm kiến trúc thấy quá đơn giản. Bởi nỗ lực có sẵn, kham nhẫn có sẵn, sự tập trung có sẵn…”
Anh Nghĩa tôn trọng và yêu thiền đến mức công ty Vo Trong Nghia Architects của anh bắt buộc nhân viên phải thiền và giữ 5 giới. Những người vào làm việc tại đây phải qua một khoá thiền 14 ngày, mỗi ngày thiền 4 tiếng. Sau đó hằng ngày, mọi người đều dành 2 tiếng để thiền, người nào thiền được nhiều hơn, có thể giảm giờ làm xuống.
Anh chia sẻ trước đây cơ cấu nhân sự tại Vo Trong Nghia Architects là 40% người nước ngoài, 60% người Việt để giao thoa và sáng tạo. Nhưng sau khi áp dụng về thiền thì người Việt lại giỏi hơn trong khi lương chỉ bằng một nửa. Thế là anh tăng lương cho người Việt và giờ công ty chỉ còn một người Nhật và một người Đức gốc Việt, còn chủ yếu là kiến trúc sư học ở nước ngoài về.
Sau anh Nghĩa 4 năm, thì năm 2016 là một thời điểm mình phải chịu rất nhiều áp lực lớn như startup phải dừng lại, nợ một món tiền lớn sau khi khởi nghiệp, công ty làm full time thì giải thể và lúc ấy mình viết được rất ít để có thể kiếm ra tiền vì không tập trung được. Nhưng mình vẫn quyết định sẽ không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ ai cả. Tất cả đều là sai lầm của chính mình đến từ việc thiếu năng lực trong mọi chuyện.
Dù có một cục nợ, nhưng mình vẫn không kiếm một công việc để kiếm tiền trả nợ. Thay vì thế sáng mình đọc và ghi chép, chiều luyện tập thể chất và tối ngồi thiền. Lúc ấy mình chỉ có thể thiền được 20 phút là tối đa, bây giờ thì là 60 phút.
Sau đó mình đã biết được cách tập trung hơn, làm việc hiệu quả hơn và có sự bình thản trước mọi chuyện xảy ra không đúng như ý muốn. Tới bây giờ, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều đối với mình. Và khi đọc về việc trong mấy năm kể từ khi mở công ty, anh Nghĩa hầu như không có khách hàng tìm đến, phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa công ty nhưng vẫn quyết định đi theo sự lựa chọn của anh. Điều này đã làm tâm hồn mình reo lên vui sướng vì tìm thấy sự đồng điệu ở một con người khác.
Cuối cùng là sự cô độc. Nhà văn, kiến trúc sư hay tu tập đều là những người cô độc. Nhưng sự cô độc này giúp cho tâm trí được sáng tạo, thanh thản và nhận biết vạn vật theo cách trọn vẹn nhất.
“Đúng là tôi gần như không có bạn nhưng tôi không thấy cô độc. Trước khi thiền, chưa bao giờ tôi có thể nhìn thấy một dòng sông êm đềm đến thế, đẹp đến thế. Trước khi thiền, cũng chưa bao giờ tôi thấy một người đi qua trong tầm mắt mình đáng cảm thông đến như vậy… Sức chịu đựng của tôi cũng ngày càng lớn. Những thị phi không còn ý nghĩa gì. Bạn sẽ cảm thấy một sự tự do tuyệt vời và sung sướng cực kỳ”.
“Nhưng không còn ai để chia sẻ, đó cũng là sự trả giá ?” Một nhà báo hỏi anh.
“Không. Sáng ra pha ly trà nhìn dòng sông trôi, tôi thấy cuộc đời bình yên. Chính sự yên ắng, nhẹ nhàng đó khiến tôi tập trung tuyệt đối vào việc mình muốn làm”.
Cô độc đối với mình là lìa bỏ những thứ không cần thiết như tivi, mạng xã hội, internet một cách tối đa để có thể tập trung vào đọc, học và tu tập bản thân mà những điều này đều đòi hỏi sự yên tĩnh, một mình để có thể thực hành một cách tốt nhất.
Cô độc cũng không có nghĩa là chẳng có bạn bè, anh em hay chẳng yêu thương một ai đó. Trái lại, sự cô độc đem tới sự bình thản, nhạy bén trong tâm trí sẽ giúp bạn có thể sống một mình, làm việc một mình nhưng cũng giúp bạn sáng suốt chọn ra được ai sẽ là những người bạn có thể chia sẻ và ở cạnh một cách vui vẻ, trọn vẹn nhất trong cuộc đời này.
Ngày hôm nay cũng giống như vài năm trước, mình vẫn mong muốn có thể trở thành một con người tập trung như anh Nghĩa, cũng như xây dựng được một công ty có văn hoá riêng biệt nhưng hiệu quả và sáng tạo như công ty của anh – Một công ty Việt Nam của một người Việt Nam dù quy mô vẫn nhỏ bé trong đất nước mình nhưng lại nhận được sự tôn trọng và công nhận trên toàn thế giới.
Một số câu nói của anh Nghĩa mình thích :
– Giữ 5 giới cơ bản là không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm (trong cùng một thời điểm chung thủy với một người), không sát sinh (không nhất thiết phải ăn chay) và không uống bia rượu, hút thuốc lá. “Thoát khỏi tham sân si phải đắc tầng thánh rất cao. Còn chuyện một người đi tu nổi cáu là hoàn toàn bình thường, đừng cố gắng không nổi cáu.
– Thiền nó kỳ diệu ở chỗ đó. Làm cứ làm, học tiếng Anh cứ học, mọi cái đều rất rõ ràng, rất tốt. Không phải làm là thôi học và ngược lại
– Đừng nhầm tưởng con đường tu tập là dễ dàng. Không thể có chuyện đau khổ rồi vào đó dựa dẫm được đâu. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, trí tuệ và dấn thân nghiêm túc. Người ta còn phải đau khổ rất nhiều trên con đường giác ngộ. Nên đã đắc thiền rồi quay ra làm kiến trúc thấy quá đơn giản. Bởi nỗ lực có sẵn, kham nhẫn có sẵn, sự tập trung có sẵn
– Thiền là một sự chú tâm. Bạn cứ hình dung thế này, động cơ của mình là 100 phân khối, thiền nó làm thành 1.000 phân khối, 10.000 phân khối. Như ánh sáng mặt trời, nếu nó chiếu như thế này, nó không có năng lực gì cả. Nhưng nếu có một cái kính lúp khổng lồ hội tụ lại một điểm thì nó sẽ đốt cháy mục tiêu.
– Tôi không xem tivi, không dùng smartphone vì đó sự lệ thuộc kinh khủng khiếp vào mọi thứ. Sự lệ thuộc đã giết chết hết sáng tạo.
– Tôi cũng không quan tâm quá nhiều đến việc người ta nói gì. Đức chúa Jesus mà còn có lúc bị người ta mang ra đóng đinh mà. Con người hay nhiều thành kiến và định kiến áp đặt lên những sáng tạo của người khác. Cái mới thường là thiểu số và số đông không phải bao giờ cũng đúng.
– Tôi không vội đâu, không có gì vội. Điều gì đến sẽ đến. Đến ngày đó, đến giờ đó, ắt sẽ đến. Có duyên thì cũng rất là dễ và rất là nhanh. Có cái tưởng chừng rất là chậm nhưng lại rất là nhanh và ngược lại.
– Nếu bạn có thể thiền vài giờ, mọi thứ sẽ trở nên thật rõ ràng. Bạn sẽ trở nên siêu việt hơn so với bản thể cũ của mình.
– Nếu bạn tập trung cao độ, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ bình yên. Mọi ý tưởng thiết kế sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ ra ý tưởng thiết kế. Nó không chỉ là sự tập trung – đó là sự tập trung cao độ.
– Tôi có thể tập trung trong vòng 3 tiếng liên tục. Chỉ cần tâm trí thông suốt, bạn có thể dễ dàng nghĩ ra ý tưởng thiết kế nếu muốn. Thay vì vò đầu bứt tai về ý tưởng thiết kế, tôi chỉ ngồi thiền. Và sau 5-10 phút, tôi sẽ tìm ra ý tưởng thiết kế mình muốn.
Photo : Gia đình anh Nghĩa ở Myanmar cùng một số công trình kiến trúc công ty anh thiết kế.
Bài viết có trích dẫn nhiều nguồn trên internet và video.