Có không ít cuốn sách hay video truyền cảm hứng nói về hướng nghiệp, động lực hay tâm lý có nội dung khuyên người đọc hãy chủ động thử mọi công việc, lĩnh vực để biết được việc bạn mong muốn làm cuối cùng là gì thay vì đâm đầu chú tâm vào một việc duy nhất ngay từ đầu trong một thời gian dài.
Và danh hoạ yểu mệnh Vincent Van Gogh luôn được nhắc đến là một tấm gương điển hình là một con người nổi tiếng cả thèm chóng chán. Ông đã thử sức trong khá nhiều lĩnh vực trước khi xác định trở thành một hoạ sĩ ở tuổi 27 mà không trải qua một trường lớp đào tạo nào, để đi tới kết luận rằng thử nghiệm, chọn lọc mới tạo thành tài năng chứ không phải đam mê đến ám ảnh về một lĩnh vực nào đó.
Nhưng theo mình thì điều này không hoàn toàn là chính xác. Đúng là Van Gogh trước khi chuyên tâm với công việc vẽ tranh với một tốc độ điên cuồng khi trong 2 tuần có thể phác hoạ hơn 120 bức tranh đã được đào tạo trở thành một nhà môi giới và tư vấn nghệ thuật, thợ đóng khung và chạy việc trong những xưởng tranh, rồi một nhân viên kế toán dang dở, một vài công việc lao động đơn thuần trong các năm tháng phiêu bạt ở Châu Âu, thậm chí là hàng năm trời tự học và nghiên cứu thần học với mong muốn trở thành một mục sư. Thực tế Van Gogh đã bỏ ra 2 năm để cố gắng trở thành nhà diễn thuyết và giáo lý viên Thiên Chúa giáo khi dạy trẻ em và diễn thuyết tại mỏ than. Tuy nhiên, dù trong bất cứ công việc và hoàn cảnh nào, Vincent Van Gogh vẫn mài sắc những kỹ năng đã giúp ông chỉ trong gần 10 năm ngắn ngủi đã tạo nên một danh tiếng mãi mãi trong hội hoạ như :
1. Khả năng quan sát chi tiết từ ngọn cỏ, bông hoa cho tới các công trình kiến trúc khổng lồ và nhất từng cử động thân thể và mỗi biểu cảm của con người là một thói quen liên tục được trao dồi của Van Gogh từ khi ông chỉ là một đứa trẻ. Chính nhờ sự quan sát này đã tạo ra một phong cách hiện thực và “cuồng bạo” về những chi tiết cận cảnh từ trong những bức phác hoạ cho tới các bức tranh hoàn thiện sau này của Van Gogh.
2. Gia đình Van Gogh có những hoạ sĩ và nhà kinh doanh hội hoạ, tiêu biểu là người bác ruột cũng có tên là Vincent Van Gogh là một nhà buôn tranh rất thành công ở Châu Âu. Được tiếp xúc với hội hoạ từ rất sớm, Vincent không chỉ bắt đầu vẽ như một hình thức giải trí mà ông còn nắm rõ rất nhiều kiến thức về hội hoạ cũng như hình thành cho mình một phong cách riêng từ các hoạ sĩ ông yêu thích. Thậm chí nếu Van Gogh chuyên tâm với công việc tư vấn nghệ thuật ngay từ năm 17 tuổi thì ông đã có thể trở thành một nhà tư vấn và kinh doanh rất thành công khi đi theo sự hướng dẫn của những người trong gia đình.
3. Luôn tìm kiếm những hình ảnh mạnh mẽ về mặt thị giác dù cho có phải đi bộ tới 20 dặm một ngày. Rất nhiều đêm Van Gogh đã trốn khỏi nhà để đi bộ trên những cánh đồng với bầu trời đầy sao trên đầu. Khi trưởng thành, ông cũng ưa thích đi bộ hàng chục dặm để có thời gian quan sát thiên nhiên nhiều nhất có thể. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng đã tạo nên sự ấn tượng và vẻ đẹp vô cùng chân thực và gần gũi với thiên nhiên trong các tranh phong cảnh của Van Gogh.
4. Ngay từ lúc niên thiếu, Van Gogh đã không ngừng ký hoạ những gì mình quan sát lẫn sao chép những bức tranh và phong cách của các hoạ sĩ ông yêu thích. Trong rất nhiều những bức thư gửi cho gia đình, em trai và bạn bè Van Gogh luôn gửi kèm theo những bức phác hoạ mô tả về nơi mình sống hay những cảnh đẹp khiến ông ấn tượng trên các những tấm thiệp nhỏ bằng lòng bàn tay.
Nhưng 10 năm lang bạt khắp Châu Âu và thử sức trong mọi lĩnh vực đó lại không hề uổng phí với Van Gogh. Ông đã tìm được một phong cách hội hoạ không giống bất cứ ai mà ban đầu bị cho là điên rồ và táo tợn hơn bất cứ danh hoạ nào Van Gogh ưa thích và chính các hoạ sĩ nổi tiếng đương thời. Dù không được học hành bài bản, nhưng khả năng quan sát phi thường, sự tập trung đến ám ảnh đã đem tới cho Van Gogh một phong cách riêng biệt mà chính ông ban đầu còn không ý thức được mà chỉ cho rằng nó phù hợp với mình.
Và điều này đã được thể ngay từ những tháng đầu tiên khi Van Gogh quyết định sẽ trở thành một hoạ sĩ. Ông có một người bạn quý tộc tên là Rappard được đào tạo chính quy trong một trường đại học về mỹ thuật ở thủ đô Brussels của Bỉ. Nhờ gia cảnh giàu có, Rappard còn có một xưởng vẽ riêng là nơi mà Van Gogh ngày đêm túc trực ở đó để tự học vẽ tranh.
Trong một lần về Rappard về quê nhà Van Gogh chơi, cả hai liền rủ nhau ra một đầm lầy để phác hoạ một bức tranh. Rappard vẽ đúng theo những gì mình học được ở trường đại học, anh chia bức tranh thành ba phần bằng nhau trên một bố cục tổng thể vốn là chuẩn mực trong tranh phong cảnh gồm bầu trời, ngôi làng và bãi đầm lầy bằng những nét phác hoạ nhẹ nhàng và dễ nắm bắt. Một bức phác hoạ đơn giản nhưng tóm lược được toàn bộ tổng thể trong cái nhìn của một hoạ sĩ.
Còn Van Gogh lại thể hiện một cách vô cùng điên rồ. chàng hoạ sĩ bị cho là lập dị này không quan tâm đến bầu trời hay ngôi làng như Rappard mà chỉ tập trung vào những hình ảnh gần nhất đang đập vào thị giác của mình : đầm lầy. Van Gogh vẽ toàn bộ những gì mình thấy ở vũng nước trước mắt như cây sậy, hoa với lá súng trên mặt nước, những sự phản chiếu của các cành xây xung quanh với sự dữ dội như thể mọi nét vẽ dường như không có giới hạn nào đang cuộn trào trong bức phác hoạ. Đây không phải là cách các hoạ sĩ được học cũng như chẳng có một cuốn sách mỹ thuật nào dạy như thế cả. Thậm chí khả năng quan sát của Van Gogh còn bắt kịp được hình bóng một con chim đang lao xuống đầm lầy để tìm kiếm những sinh vật nhỏ bé.
Cả Van Gogh lẫn Rappard lúc đó đều chỉ coi bản phác hoạ của mình là một tác phẩm xoàng xĩnh trong một ngày luyện tập. Và nhất là sự mới lạ của Van Gogh còn bị đánh là nhược điểm lớn trong việc trở thành một hoạ sĩ. Nhưng Van Gogh không thay đổi, thậm chí sau này Van Gogh còn nâng tầm cái phong cách với màu sắc mạnh mẽ một cách “dã thú” của mình lên một mức độ cao hơn.
Nhưng khi ấy người ta cho là dấu hiệu của một gã hoạ sĩ bị tâm thần và thực sự là Van Gogh đã có thời gian ở trong trại thương điên.
Còn bây giờ thì cả thế giới công nhận những bức hoạ dã thú ấy là kiệt tác và định hình một phong cách mới mẻ trong lĩnh vực hội hoạ. Van Gogh tự sát ở tuổi 37 nhưng giờ đây ông đã được phong thánh trong làng nghệ thuật và chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong ngôi đền hội hoạ.
Photo : Bức phác hoạ đầm lầy màu chì của Rappard và trên nền giấy ngả vàng của Van Gogh