Có một thực trạng ở QAZ khi phát triển YAH đó là anh em lập trình không có khái niệm phân biệt YAH một startup, mà giống một project khi code sẽ nhận lương giống như outsource.Nghe như chẳng có vấn đề gì vì làm gì thì làm nhưng kết quả vẫn phải cho ra những dòng code và code chạy được là được. ĐIều này tuyệt đối đúng, nhưng đúng về mặt kĩ thuật còn về một cái nhìn tổng thể thì là thiếu xót. Viết mã tốt là điều cần thiết nhưng không phải là yếu tố duy nhất để tạo nên startup.
Như các phần trước mình đã nói, khái niệm startup thời điểm đấy ở Việt Nam chưa được phân tích và hình dung rõ ràng như bây giờ. Ai startup đúng nghĩa đen giống như đi trên con đường tối, vừa đi vừa dò, lạc lối rồi lại quay lại từ đầu đi tiếp. Trên thế giới, lúc đó facebook vừa mới IPO – trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán – là đích đến cuối cùng trên con đường startup. Thật ra vẫn còn một con đường khác nữa cũng là một lựa chọn của startup là được một cộng ty, tập đoàn lớn mua lại. VÌ thế anh em trong team YAH vừa làm vừa bàn luận trong sự mơ hồ về con đường sau này khi YAH ra mắt sẽ thế nào. Thành công thì tất nhiên là có tiền, có anh em trong cuộc họp đầu tuần mạnh đứng lên nói “Có công ty trả em mức cao hơn, nhưng em thấy hứng thú với YAH nên sẽ ở lại. Vậy sau này bọn em sẽ được gì ạ?”. Sếp lắng nghe và chỉ đáp lại ngắn gọn nhưng đủ thoả mãn câu hỏi “Tất cả mọi người đều sẽ có phần”. Thế là dù anh em coder vẫn khá mông lung, nhưng trước sự đảm bảo về lương bổng hiện tại và sau này nên tất cả đều tiếp tục công việc. Thậm chí, mình tin rằng các anh leader trong mấy nhóm code cũng không theo kịp giám đốc và hiểu rõ “Thế nào là startup”.
Mình sẽ lý giải tại sao anh em lúc ấy lại mơ hồ về startup và luôn trong tình trạng bị động như thế. Các anh em khi trải qua thời già 4-5 năm học là học lập trình chứ không phải là cách làm việc với nhóm và mở rộng khả năng bao quát, khả năng quản lý hay tầm nhìn trong công việc. Code là điều kiện bắt buộc để bước vào thế giới công nghệ, nhưng để tạo ra sản phẩm để đưa ra thị trường thì code chỉ là một bước trong cả hàng chục bước đi đến đích. Tiếp theo là rất ít các anh em có khả năng tự học để nâng cao kĩ năng của mình. Trong thế giới lập trình, việc dừng lại chỉ biết viết mã trong ngôn ngữ mình nắm rõ để kiếm được công việc là cái nhìn hạn chế rất lớn. Team marketing và idea YAH do chính anh Hoàng quản lý nên mình đã chứng kiến nhiều lần phỏng vấn nhân viên của sếp. Sếp luôn hỏi các bạn, các anh là có khả năng học ngôn ngữ mới và nâng cao tay nghề không. Đa phần các bạn đều nói muốn nâng cao trình độ nhưng không biết bắt đầu thế nào. Sếp nói rằng sẽ bảo leader chỉ thêm và đưa tài liệu ebook đọc. Những anh leader trong QAZ ít nhiều đều do chính anh Hoàng chỉ thêm về lập trình và cách học nâng cao trình độ.
Startup không chỉ là lập trình như các anh em vẫn nghĩ mà nó còn nhiều hơn như thế. Từ việc tham gia vào việc lên kế hoạch, cấu trúc, thiết kế, làm việc nhóm và định hướng tầm nhìn. Có thể các việc này là dành cho các sáng lập viên và quản lý, nhưng để tiến xa trong nghề thì việc học hỏi các kỹ năng mới là điều quan trọng nhất.
“Ngủ trước 12 giờ thì không bao giờ là code giỏi đâu”, Một lần đi ăn anh Hoàng nói với mình thế khi mình luôn bày tỏ việc học code.”Cũng giống như chú viết lách từ năm 15,16 tuổi thì anh cũng code từ thời điểm đó và đến bây giờ dù là sếp nhưng vẫn phải tìm cách để code tốt hơn nữa. Anh tự tin nói rằng mình là một trong những thằng code giỏi nhất Việt Nam”. 2 năm sau đó, khi không tìm được lập trình IOS ưng ý, sếp mình đã tìm hiểu và tự code trong khoảng hơn 2 tháng. Code của YAH sếp mình cũng tham gia code và đưa ra yêu cầu cao trong việc code như phải “dễ hiểu, đẹp, gọn gàng”.
Việc có sếp giỏi thì cũng là cái bất lợi. Khi sếp không tốt ở mặt nào đó thì cả tập thể cũng sẽ chẳng có ai đứng ra để thay sếp làm đầu tàu. Cụ thể anh Hoàng vốn ít nói, hoặc nếu nói thì sự truyền đạt cũng không được rõ ràng nên việc truyền cảm hứng, khích lệ hay duy trì anh em thì còn phải cố gắng nhiều. Mình để ý thấy ai đã là tay to trong việc viết mã thì đổi lại thì khả năng diễn đạt bằng lời không liên quan đến vấn đề kỹ thuật cũng bị bào mòn ít nhiều. Ngoài ra trong văn hoá làm việc ở Việt Nam, kể cả đó là một công ty công nghệ nữa thì việc đứng ra góp ý về cái không tốt của sếp thì đó vẫn là một mạo hiểm đối với nhân viên.
YAH tiến triển chậm bởi sếp mình cực kì cầu toàn trong sản phẩm. Nếu không hài lòng một chức năng nào, hoặc không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nữa, hay cung có thể lại đưa ra một ý tưởng khác vào YAH là lại kéo thời gian ra mắt dài ra. Có một anh em khi ngồi trà đá thở dài nói sếp nhiều ý tưởng và khó tính quá nên làm mãi không xong. Cá nhân mình làm việc trực tiếp với sếp nên thông cảm với các anh em viết mã. Đổi lại mình cũng nhìn nhận trên phương diện của sếp là người bỏ tiền ra và kì vọng rất nhiều vào YAH nên việc cầu toàn và cần thay đổi cái này với cái khác cũng dễ hiểu. Công việc có thể chậm, nhưng vẫn tiếp tục, ít nhất đó là dấu hiệu để đi tiếp.
Design mới của YAH là người lớn tuổi nhất công ty, người nhận lương cao nhất và cũng là nhân viên nữ duy nhất trong QAZ. Chị Huyền Anh sinh năm 1979, hơn anh Hoàng 6 tuổi và hơn mình đúng 10 tuổi. Trước đây chị Huyền Anh và anh Hoàng làm chung một chỗ. Khi anh Hoàng qua Anh làm việc thì chị Huyền Anh cũng chuyển sang một công ty có khác có vốn đầu tư nước ngoài. Khi chị Huyền Anh đến công ty vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết do chính sếp giới thiệu. Mọi người đều vỗ tay chào mừng chị. Ấn tượng đầu tiên của mình về chị Huyền Anh là chị trẻ hơn tuổi rất nhiều, khả năng tập trung trong công việc của chị không thua gì sếp và quan trọng hơn chị Huyền Anh hoà đồng, thân thiện dễ dàng trao đổi trong công việc. Qua những lần đi ăn với nhau khi team idea – marketing và design nhập lại thì mình mới hiểu tại sao anh Hoàng lại nhất quyết đợi chị Huyền Anh đến vậy.
Về kỹ năng trong design thì chị Huyền Anh hội tụ được cả cái nhìn thẩm mỹ lẫn sự thực tiễn. Chị biết điềm dừng lại hợp lý giữa một bản design mộng mơ, lãng mạn và sự hiệu quả, đơn giản khi trải nghiệm. Cũng giống như anh Hoàng, chị Huyền Anh không hề ngừng học hỏi và nâng cao tay nghề. Chị kể với mình rằng trước khi nhận lời về QAZ và hiểu đại khái về YAH thì chị đã đi học một khoá về Thiết kế giao diện di động, máy tính bảng vì anh Hoàng không chỉ muốn YAH chỉ trên nên tảng web. Ngoài ra chị cũng code được, đó là sự khác biệt rất lớn. Về sau giao diện của YAH khi có chị Huyền ANh tham gia đã không còn là đẹp và rườm rà nữa mà thay tối giản theo thiết kế phẳng, lúc ấy là chuẩn mực trong giao diện thiết kế.
Trong thời điểm này, mình đã manh nha về một sản phẩm mạng xã hội, mình gọi là Me and World và sau này là CLopic khi biết rằng YAH đã khác đi rất nhiều chứ không còn là ý tưởng ban đầu nữa. Mình cũng nghĩa ra được nhiều cái hay ho, thú vị khi làm Yah. Một trong những tháng lương mình có thêm bonus là anh Hoàng đánh giá rất cao list ý tưởng mình đưa ra. Nhưng như mình đã nói, YAH khi hoàn thiện đã không phải là YAH giống nhu trong tưởng tượng của mình và YAH cũng không phải là của cá nhân mình nên những ý tưởng ấy anh Hoàng đã không sử dụng đến, hoặc chưa sử dụng.
Khi có một ý tưởng hình thành, việc đầu tiên là phải cụ thể hoá nó. Minh bắt đầu viết và sắp xếp lại các ý tưởng trước đó rồi nghĩ đến phải làm thế nào để thực hiện , mình liên tục đặt các câu hỏi như kiếm đầu ra tiền để làm, ai sẽ làm với mình, liệu có khả thi không? …
Ảnh là chị Huyền Anh.