ARRIVAL – THẤU HIỂU MỘT CÔNG ÁN

 

*Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lý, “nằm ngoài phạm vi của lý luận”. Công án không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lý luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức.

MỘT BỘ PHIM PHI TUYẾN TÍNH CHẲNG CÓ NỔI MỘT PHA HỖN CHIẾN NHƯNG TUYỆT HAY.

Arrival là bộ phim về hay nhất về thể loại UFO, Alien, sinh vật ngoài Trái Đất mình từng xem. Mô típ quen thuộc trong các phim Trái Đất đại chiến quái vật ngoài hành tinh, dù loài người có bị đánh tan tác, bị tàn sát như sâu bọ, bị huỷ diệt không ngóc đầu lên được thì cuối cùng cái kết vẫn là một pha lật kèo ngoạn mục. Còn trong Arrival thì cảnh hành động nghèo nàn đến mức chỉ có đúng một cảnh phim bom nổ cùng âm thành tràng đạn bắn ra từ những khẩu M4A1, nhưng không có bất cứ thiệt hại nào về nhân mạng, trừ cái chết của một Heptapod được đặt tên là Abbot – sinh vật ngoài hành tinh. Trớ trêu thay Abbot chết vì cứu hai con người vốn không biết một âm mưu đặt bom của những người lính – đồng loại của hai con người kia nhằm giết chết các sinh vật ngoài hành tinh họ căm ghét.

Cái hay của Arrival lại nằm ở ý tưởng và nội dung chứ không phải là kỹ xảo, ở việc phim đi ngược lại hoàn toàn mô típ nhàm chán của dòng phim UFO xâm lăng-huỷ diệt- loài người đoàn kết hoặc thường là Mỹ tự tay xử lý mọi việc – chiến thắng huy hoàng. Thay vì thế là một sự đổ bộ trong im lặng từ hành động lẫn cách quan sát của 12 vật thể lạ hình bán nguyệt màu đen, nhưng đem tới một khung cảnh không kém phần căng thẳng khi con người phải cùng nhau giải mã sự xuất hiện của người ngoài hành tinh để gửi tới thông điệp “Chúng mày/các bạn đến đây với mục đích gì? Chiến tranh hay giao lưu hữu nghị hoặc vì bất cứ lý do nào”.

Arrival đã gây dựng một loạt những điểm ấn nhấn vô cùng thú vị và hấp dẫn xoay quanh việc đối thoại để hiểu và tương tác với nhau giữa con người và một dạng sinh vật sống có trí thông minh ở mức cao, cao đến mức sự im lặng cùng ngôn ngữ phi tuyến tính với hình vòng tròn chứ không phải đường thẳng nằm ngang như bất cứ ngôn ngữ của loài người mà Heptapod – sinh vật ngoài hành tinh giao tiếp. Đối với con người, sự đơn giản của thứ ngôn ngữ vòng tròn không thể nhận dạng đâu là A, đâu là B, đâu là bắt đầu và kết thúc, là một câu hay là một chữ trong mỗi tròn. Thứ ngôn ngữ của Heptapod mang sự thách đố chẳng khác gì sự vô vi trong cõi thiền, trái ngược với bản tính ưa hoạt động của loài người không thể hiểu được. Và vì không thể hiểu, chính con người bị chia rẽ, bị xung đột và sử dụng phản xạ tự nhiên để chống lại điều bí ẩn – Gây chiến trước khi bị tiêu diệt.

Bộ phim được dẫn dắt bằng nhịp điệu phi tuyến tính và phi thời gian gây nhiều bất ngờ nhưng dễ hiểu hơn nhiều so với Tenet. Thậm chí Arrival còn có nhiều điểm khá giống với Intersetella khi lấy cốt lõi của phim nằm ở những cái vô lý nếu nhìn nhận theo sự tuyến tính từ A đến B rồi từ B đến C theo cách thông thường. Còn trong Arrival C có thể là A hay là B trong mà vẫn vô cùng ăn khớp với nhau, nhưng trên hết là không rối rắm, khó hiểu và đi vào ngõ cụt như vài bộ phim có chiều sâu mỏng manh khác. Thời gian phi tuyến tính trong Arrival giúp nhân vật chính có thể nhìn thấy kết quà của hành động và quyết định của mình quá khứ và tương lai trong một tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Nói ngắn ngọn, thời gian trong Arrival thì hiện tại cũng chính là quá khứ và tương lai khi nhìn ở một góc độ khác.

Bên cạnh đó những ẩn dụ, ý nghĩa được cài cắm trong Arrival mà mình hiểu theo sự suy luận cá nhân đã khiến mình đưa ra đánh giá rằng đây là một trong những phim hay nhất mình xem trong mấy năm gần đây.

TẤT CẢ ĐỀU LÀ MỘT VÀ NGAY BÂY GIỜ.

Mở đầu Arrival là khung cảnh êm đềm khi nhân vật chính Louise Banks – tiến sĩ ngôn ngữ học chào đón đứa con đầu lòng cô đặt tên là Hannah. Hannah chỉ sống đến năm 12,13 tuổi và cô bé bị bệnh chết.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó cả Louise Banks và con gái đều có nhiều kỷ niệm đẹp đẽ và những tháng ngày êm đềm được tái hiện bằng các thước phim đầy màu sắc trên và các khung cảnh trong tự nhiên. Rồi Louise Banks suy sụp, buồn bã khi trông nom con gái trong bệnh viện và tan nát con tim khi ở bênh cạnh chứng kiến Hannah chết. Cô lao vào công việc và sau đó dẫn đến sự kiện chính trong Arrival là sự xuất hiện lần lượt 12 vật thể lạ – UFO màu đen hình bán nguyệt trên khắp Trái đất.

Lousie Banks cùng Ian Donnelly, một nhà khoa học vật lý và máy tính được quân đội Hoa Kỳ chọn là nhà ngoại giao đi nói chuyện với hai sinh vật ngoài hành tinh. Trong khoảng 2 tháng Lousie và Ian ngày nào cũng đối thoại với hai sinh vật 7 chân mà họ gọi là Heptapod được đặt tên là Abbot và Costello. Trong khoảng thời gian đó, Louise sử dụng những phương pháp, cách thức để giao tiếp với các Heptapod. Mỗi một khoảng khắc Louise và Ian truyền đạt được thông điệp của mình, nhận được sự đáp lại của các Heptapod bằng một ngôn ngữ phun ra từ chiếc xúc túc có hình tròn đầy bí ẩn và ma mị gây cho mình sự hồi hộp và thoả mãn như đang theo dõi những đoạn hành động đầy bom đạn và cháy nổ. Ngoài ra phim còn tạo ra một cảm giác siêu thực, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc và cứ như mọi thứ đã được biết trước vậy. Mỗi khi Louise và Ian thực hiện một hành động hay cử chỉ nào, họ đều nhận được sự khích lệ và tán đồng của Abbot và Costello như thể đôi bên sắp phá vỡ bức tường ngăn cách bằng ngôn ngữ và chữ viết.

Điểm đột phá đến khi Ian hỏi Lousie trong khi ngủ, cô có mơ đến chữ viết của các Heptapod không như cái cách cô làm việc cật lực để hiểu được nó không? Và Lousie nói rằng anh đang ám chỉ đến “Giả thuyết Sapir-Whorf: Ngôn ngữ bạn nói và viết ảnh hưởng đến tư duy và suy nghĩ của bạn?”.

Đây chính là khoảnh khắc giác ngộ của Louise, cô đã thấu hiểu công án ngôn ngữ của Heptapod không đi theo trật từ A đến B, hay từ trái sang phải, cũng không có cái gọi là “thì” chỉ quá khứ- hiện tại – tương lai và chỉ một hành động, hoặc trạng thái, hoàn cảnh đã diễn ra. Louise từ lúc này không phải hiểu chữ viết của Heptapod theo cách tuyến tính thông thường của con người nữa, cô tư duy và suy nghĩ như một Heptapod và nhận ra rằng cô và những sinh vật này là một chứ không có sự khác biệt nào cả. Đều tồn tại và đang cố gắng chia sẻ một thông điệp – Thấu hiểu.

Chữ viết của Heptapod muốn nói rằng tất cả đều là một và diễn ra ngay bây giờ. Lúc này người xem mới vỡ ào ra rằng những tái hiện về quá khứ của Louise với con gái, với hiện tại và cả tương lai của cô được sắp xếp xen kẽ nhau không phải là những ám ảnh về một cuộc hôn nhân thất bại, cái chết của con cái mà là tất cả đều xảy ra đồng thời với nhau trong sự phi tuyến tính tuyệt đẹp giống như ngôn ngữ hình tròn của Heptapod – Không có bắt đầu và cũng không có kết thúc như trong Kinh Thánh phần Khải huyền có chép “Ta là Alpha và Omega, là khởi đầu và cũng là kết thúc”. Không có sự phân chia trong thời gian, trong ngôn ngữ và cả sự hiện hữu đối với nhận thức của Heptapod.

NHỮNG ẨN DỤ TRONG ARRIVAL

“Language Is The First Weapon” và “There is no time” là hai câu được nhắc đi nhắc lại trong Arrival và đó cũng chính là thông điệp của các Heptapod gửi đến con người nhưng lại bị hiểu nhầm là lời tuyên chiến. Bất đồng ngôn ngữ và hiểu lầm suýt dẫn đến chiến tranh trong Arrival là một ẩn dụ về việc ngôn ngữ là một con dao hai lưỡi. Sức mạnh của sự phi tuyến tính trong thời gian và ngôn ngữ của Heptapod chính là vũ khí và cũng là món quà của họ đem tặng đến con người. Khi đã từ bỏ một ngôn ngữ và thời gian theo tuyến tính A đến B thông thường, thì sẽ nhận thấy rằng trong mỗi thời điểm ở hiện tại bạn sẽ nhìn thấy cả tương lai lẫn quá khứ và tất nhiên cả hậu quả/kết quả hành động của chính mình. Và Louise đã cứu thế giới khi nhận ra được giá trị của món quà và cũng là vũ khí để các sinh vật trong vũ trụ nhận thức được sự tồn tại và kì diệu của chính vũ trụ mà nó đang hiện hữu và là một phần trong bức tranh tổng thể.

Sự ẩn dụ của 12 phi thuyền của Heptapod theo suy nghĩ của mình chính là 12 tháng hợp thành 1 năm ngụ ý sự phân chia cũng là hợp nhất. Về mặt tôn giáo thì Chúa Jesus có 12 tông đồ và các tông đồ này vâng theo ý Chúa đã đi khắp thế gian để nói về một ngôn ngữ mới – ngôn ngữ của Tình yêu thương lẫn nhau không phân biệt chủng tộc hay quốc gia.Trong Thần số học, con số 12 đại diện cho cách để đo lường thời gian và vũ trụ cũng như những điểm trùng hợp trong Arrival. Số 12 mang ý nghĩa thấu hiểu mọi thứ đang diễn ra và vượt qua chúng. Ngoài ra, bạn cũng luôn có những ý tưởng hết sức độc đáo mà đôi khi, bạn cũng không thể tưởng tượng được rằng mình đã nghĩ ra nó.

Trong Arrival, các thì hiện tại – quá khứ – tương lai đều xoay quanh Louise Banks để tạo ra chuỗi nguyên nhân – kết quả ban đầu tưởng nhưng như logic theo trật tự của dòng thời gian nhưng hoá ra lại là sự phi tuyến tính đầy hấp dẫn. Mở đầu của Arrival cũng là kết thúc của phim khi Hannah chính là con của Lousie và Ian sau này. Khi Lousie thấu hiểu được ngôn ngữ của Heptapod, cô cũng đã nhìn thấy được tương lai – kết quả khi tư duy về một thời gian phi tuyến tính cũng như công nhận mọi thời điểm đều diễn ra cùng một lúc trong khoảnh khắc này. Cô cũng đồng thời ý thức được sự đau khổ về việc con gái mình – Hannah sẽ chết, về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc giữa cô và Ian sau này sẽ chẳng thế tránh được nhưng Lousie vẫn thấy cảm ơn vì những gì đã đến với cô. Niềm vui, nỗi buồn hay sự đau khổ hoà quyệt với nhau như một hơi thở đến rồi đi.

Trong phim, các phân cảnh ở những địa điểm, thời điểm khác Lousie luôn bắt đầu ở phía khung hình bên trái, thể hiện sự tuyến tính A-B, trái – phải như cách chúng ta thường tư duy. Nhưng mỗi khi ở trong phi thuyền đối diện với Heptapod và trong những ký ức – tương lai của Louise khi nhớ về con gái thì cô lại được đặt ở giữa – tượng trưng cho sự phi tuyến tính tạo nên một sự hoà lẫn cùng những hình ảnh đối chiếu ẩn dụ rất đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Có cảm giác bạn đang xem một bộ phim được trình chiếu một góc nhìn cả quá khứ – hiện tại- tương lai mà vẫn không bị rối và khó hiểu.

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ THÚ VỊ
GIỮA ARRIVAL VÀ TENET

Dù Arrival chiếu từ năm 2016, nhưng đến bây giờ mình mới xem và sau khi xem xong mình cảm thấy thật thú vị khi mấy tuần trước cũng xem một bộ phim phi tuyến tính nói về đảo ngược thời gian là Tenet.
Trong Tenet hiện tượng đảo ngược thời gian đến từ thuật toán phức tạp của tương lai, còn Arrival phi tuyến tính sẽ xuất hiện khi bạn thấu hiểu ngôn ngữ cao cấp hơn của một chủng loài đến từ ngoài vũ trụ.
Tenet sử dụng khoa học để lý giải hiện tượng đảo ngược thời gian, còn Arrival dùng cái nhìn của tư duy mới khi không lệ thuộc vào sự giới hạn của ngôn ngữ và chữ viết cùng cách diễn giải không đi theo quy luật thông thường để dẫn dắt người xem đi vào cái phi tuyến tính của thời gian.
Hannah – tên con gái của Lousie đọc và viết khi đảo ngược đều giống nhau là ẩn ý nói về không có “thì” đối với thời gian trong Arrival. Còn Tenet khi đảo ngược cũng là Tenet- Cái bắt đầu cũng là kết thúc.

VÀ MỘT ĐIỀU NỮA

Arrival là bộ phim gây ấn tượng mạnh cho mình đến mức đã phải gác lại nhiều công việc viết lách khác để dành thời gian viết review này. Tất nhiên cũng giống như các review khác, mọi thứ đều là sự suy diễn và lập luận của cá nhân mình. Đây chỉ là đây chỉ là một review mang tính chia sẻ chứ không phải mang tính đối chiếu hay bản đồ để lý giải các chi tiết trong Arrival. Các bạn có thể xe để tìm kiếm, xâu chuỗi và đưa ra suy nghĩ riêng về tình tiết và các ẩn dụ của phim mà không cần phải xem xét xem có đúng hay hợp lý với những gì mình viết hay không.

Arrival thực sự là một sự bất ngờ đối với mình. Trên một khía cạnh nào đó, có lẽ Arrival còn hay hơn cả Tenet khi nội dung và cốt truyện thể hiện được một sự bất động trong cả suy nghĩ lẫn hành vi nhưng đem tới ấn tượng mạnh mẽ đến vậy. Arrival không chỉ đem lại sự thú vị khi nhìn nhận thời gian là phi tuyến tính nhưng đồng thời cũng là đồng nhất, mà trong phim còn có cả tính thiền và sự giác ngộ nữa.

*Giả thuyết Sapir-Whorf: Ngôn ngữ bạn nói và viết ảnh hưởng đến tư duy và suy nghĩ của bạn.

Giả thuyết này cho rằng đặc tính của một ngôn ngữ có ảnh hưởng đối với những suy nghĩ quen thuộc của những người nói ngôn ngữ đó. Những kiểu mẫu khác trong ngôn ngữ gây ra kiểu mẫu khác trong suy nghĩ. Giả thuyết này phản đối quan niệm dùng ngôn ngữ để miêu tả thế giới một cách hoàn toàn khách quan, vì nó chấp nhận rằng cấu trúc của một ngôn ngữ nào đó uốn nắn những suy nghĩ của cộng đồng nói ngôn ngữ đó.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân