BẪY THU NHẬP TỪ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ ĐANG HUỶ HOẠI TƯƠNG LAI CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM

4,5 năm trở lại đây, khi ngày nào cũng đi qua những tuyến đường, khu vực có một loạt các trường đại học hay tập trung nhiều văn phòng, trụ sở hành chính ở Hà Nội hay Sài Gòn, thì bản thân mình ngạc nhiên khi thấy rất đông các nhóm thanh niên trên từ 20 tới 30 tuổi mặc những chiếc áo màu xanh, đỏ hay vàng đứng rải rác khắp cả tuyến tụ tập nói chuyện, ăn uống hay chơi game để chờ nổ đơn trên các ứng dụng đặt đồ ăn hay gọi xe.
 
Chứng kiến cảnh tượng này hàng ngày, mình tự hỏi vì lý do gì mà nhiều người trẻ đến vậy không kiếm một công việc nào đó để ổn định và nhàn nhã hơn thay vì trở thành “xe ôm hay giao đồ công nghệ cao” cứ lang thang, vật vạ, bạ đâu ngồi đấy cả ngày ngoài đường như thế này?
 
Nhưng đúng là chỉ có người trong cuộc mới có thể biết được rằng đó là một công việc đem lại một thu nhập cao, lại tự do thời gian và dễ dàng đến mức nhiều thanh niên có bằng đại học trong tay sẵn sàng từ chối những công việc mức lương khởi điểm chỉ bằng một nửa dù nhẹ nhàng hơn rất nhiều, dù rằng có nhiều rủi ro và cái giá đánh đổi không hề rẻ. Thậm chí là có thể huỷ hoại cả tương lai của người đó.
 
BẪY THU NHẬP TỪ NHỮNG ỨNG DỤNG GỌI XE VÀ ĐẶT ĐỒ ĂN
 
“Thôi, làm văn phòng lương chỉ có 9 triệu thì tôi chạy Grab cho nhanh. Vừa làm vừa chơi một tháng cũng được hơn chục triệu.”. Q, (Một người bạn giấu tên mình quen) 30 tuổi sống ở Hà Nội đã có hơn 4 năm chở khách và giao đồ ăn trên các ứng dụng như Grab, Now, Beamin bĩu môi khi có bạn giới thiệu làm nhân viên bàn giấy cho một nhà máy nằm ở ngoại ô mà bạn Q đang làm ở đó.
 
Dù người bạn đó hết sức thuyết phục Q rằng công việc rất nhàn hạ, bữa trưa thì đã có nhà bếp nấu không phải đi đâu mà lại tiết kiệm được một khoản. Thậm chí anh bạn còn hứa hẹn với Q rằng thừa gian rỗi nhiều đến mức Q cày game hàng giờ cũng được, nhưng Q nhất quyết từ chối.
 
Q nói rằng việc chở khách hay giao đồ ăn cho các ứng dụng công nghệ nếu chăm chỉ thì thu nhập có thể lên tới 16-18 triệu, thậm chí là hơn 20 triệu tính cả các khoản thưởng sau 10 chuyến, 20 chuyến chở khách hoặc giao hàng. Q kể rằng trong nhóm giao đồ ăn Q chơi cùng, có nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học và cầm tấm bằng trong tay nhưng vẫn muốn kiếm tiền thông việc nhận đơn và giao đồ ăn trên mạng hơn. Lý do rất đơn giản và thiết thực là sinh viên mới ra trường lương cơ bản trên dưới 5,6 triệu không đủ để trang trải cuộc sống ở Hà Nội, mà phải làm 8 tiếng mỗi ngày vô cùng căng thẳng chứ không nhẹ nhàng như chạy xe và giao đồ.
 
Chạy ship hay giao đồ ăn thì thu nhập phụ thuộc vào việc có chăm chỉ hay không mà thôi. Làm nhàn nhã như Q thì mỗi tháng đút túi hơn chục triệu đã trừ đi các chi phí như xăng xe, tiền nạp thẻ điện thoại, còn nếu chăm chỉ thì có thể lên tới 15 tới 20 triệu là chuyện bình thường. Như vậy thì đã gấp 3,4 lần mức lương cơ bản rồi. Nhưng đằng sau khoản thu nhập dường như rất hợp lý đó thì nhiều người đang đánh đổi công sức, thời gian, tuổi trẻ và chính cuộc đời của chính mình.
 
Để có thể đạt tới khoản thu nhập trên dưới 20 triệu từ chạy xe hay giao đồ ăn trên các ứng dụng thì một người phải mất ít 10 tới 12 giờ mỗi ngày để có được khoản thu nhập xấp xỉ 600-700 nghìn/ngày, đồng thời phải chấp nhận một số yếu tố khác trong đó chứa đựng không ít rủi ro và thiệt thòi.
 
ĐẦU TIÊN chính là đến từ chính sự cạnh tranh giữa những người chạy xe và giao đồ với nhau. Hiện tại, chỉ cần quan sát thì cũng dễ dàng nhận ra rằng số lượng cá nhân tham gia vào thị trường chạy xe và giao đồ ăn trên các ứng dụng ngày một đông hơn. Không chỉ có người trẻ (trong độ tuổi 20-30) mà cũng rất đông những người trung niên (từ 40 cho tới trên dưới 60) dịch chuyển từ mô hình xe ôm, shipper truyền thống sang ứng dụng công nghệ cũng chiếm một tỷ lệ phần trăm không nhỏ trong tổng số những người đang tham gia mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ. Tất nhiên khi cung vượt lên so với cầu thì thời gian chờ “nổ đơn” sẽ lâu hơn.
 
Điều thứ HAI là dù trong một ngày thuận lợi, một người chạy xe hoặc giao đồ có thể nhanh chóng đạt tới 18,19 lần chạy hay giao chỉ còn 1,2 lần nữa là đạt được mức thưởng (Thông thường các ứng dụng gọi xe và giao đồ luôn có cả mức thưởng khi một người đạt tới con số 10,15,20… lần hoàn thành đơn hàng. Hiện nay Grab thì khoản thưởng sau một chuyến sẽ được chuyển đổi bằng ngọc. Ví dụ 1 đơn giao đồ ăn được 25-30 ngọc, 1000 ngọc sẽ nhận được thưởng 360 nghìn đồng tức là một đối tác của Grab phải giao được 34 đơn hàng trong một ngày). Nhưng có không ít các đối tác nói rằng đơn số 20 thường lâu hơn rất nhiều với 19 đơn kia.
 
Thậm chí có những người phải đợi tới 1 hay 2 giờ đồng hồ là chuyện thường. Q còn nhận định rằng, chạy xe và giao đồ trên ứng dụng công nghệ không khác gì đi câu hoặc chơi cờ bạc cả. Một ngày có thể trôi chảy giao trên 20 đơn, thậm chí 30 đơn nhưng có những ngày thì lại không được thuận lợi như thế vì nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới hiệu suất như thời tiết, có quá nhiều người cùng chạy trong một thời điểm, khách hàng huỷ đơn…
 
Điều thứ BA là để có thể hoàn thành trên 20 đơn hàng để nhận được mức tiền công cộng với thưởng xấp xỉ 500 nghìn một ngày như đối với Q thì phải chạy ít nhất 8 tới 10 tiếng. Q nói rằng cậu biết có nhiều bạn trẻ tuổi hơn mình, sức khoẻ ổn định hơn có thể chạy tới 15-16 tiếng một ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
 
“Nhưng thời gian chết thì rất nhiều. Ví dụ để có thể lấy và giao một đơn hàng nhanh hay lâu thì tuỳ thuộc vào đó là món gì. Pizza thì tầm 20-25 phút chờ, còn bún phở thì chưa tới 5 phút. Rồi khách hàng nếu là dân văn phòng thì lại đợi thêm 5-10 phút bắt thang máy xuống lấy đồ. Nói chung đi từ nhà hàng tới chỗ khách hàng thì nhanh, nhưng khoảng thời gian chờ thì lại rất lâu. Cả trưa mà nổ 2,3 đơn như thế là sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt tới 20 chuyến. Nhưng vẫn phải chấp nhận còn hơn là huỷ đơn, vì huỷ đơn thì bên ứng dụng sẽ phạt bằng cách cho đợi dài cổ mới có đơn tiếp theo”. Q cho biết.
 
Và cả ngày chỉ có hai thời điểm vàng để nhận được nhiều đơn hàng nhất là từ 11 giờ 30 phút tới 13 giờ trưa. Buổi chiều thì tầm 17 giờ 30 tới 19 giờ 30. Ngoài khung giờ này thì số lượng đơn sẽ rất ít hơn, nên thời gian để tích luỹ số đơn để đổi ra khoản thưởng lớn sẽ lâu hơn. Nhưng các đối tác của Grab, Now hay Beamin vẫn phải bật ứng dụng trong chế độ chờ trên điện thoại chứ không thể tắt hay chuyển sang một ứng dụng khác để chạy xe vào thời gian chết đó được. Nếu làm như thế, theo Q thì khả năng rất cao là sẽ rất lâu hoặc không có đơn nào chuyển tới bạn trong ngày hôm đó nữa, và thế là cả ngày hôm ấy coi như công cốc vì khoản thưởng chiếm gần một phần đáng kể thu nhập trong lĩnh vực này.
 
“Mọi người nhìn vào thì thấy bọn tôi rong chơi, nhàn nhã, nhưng không phải vậy đâu. Vì tiền này, tiền kia cũng như cách luật lệ của bên công ty (ứng dụng) buộc phải thế nên tôi cùng nhiều anh em mới vạ vật cả ngày ngoài đường”.
 
Q nhận định rằng dù chạy xe và giao đồ thời gian chết nhiều và tiềm ẩn những rủi ro nhưng đa số vẫn chấp nhận coi đó là một công việc toàn thời gian và ổn định vì mức thu nhập đem lại xứng đáng để đánh đổi. Q cũng chia sẻ thêm là công việc này ảnh hưởng không nhỏ tới cơ sức khoẻ, nhưng… lười khi nghĩ tới việc phải bắt đầu lại và thay đổi một công việc khác vì chưa chắc có thể đem tới mức thu nhập như bây giờ, cũng như những khó khăn ban đầu nhất định phải trải qua khi chuyển sang công việc mới.
 
VỪA DÍNH BẪY THU NHẬP LẪN BẪY LƯỜI TƯ DUY
 
Hiện tại, những người được gọi là các đối tác của Grab, Now, Baemin cùng hàng chục ứng dụng khác như Q dù ý thức hay không thì vẫn đang chấp nhận một thực tế rằng: sẵn sàng đổi nhiều thời gian lấy tiền bạc và tương lai của mình. Bản thân Q cùng nhiều bạn trẻ trong độ tuổi 20-30 tuổi cũng hiểu việc có thể kiếm được gần 1 triệu 1 ngày thông qua việc chạy xe hay giao đồ công nghệ là rất mất thời gian, tổn hại đến sức khoẻ nhưng vì cái giá để đánh đổi quá hấp dẫn đến mức nó che mờ cả tâm trí lẫn tương lai của Q và nhiều người khác.
 
Việc từ bỏ một mức thu nhập được cho là hấp dẫn để đổi lấy một công việc văn phòng, bàn giấy hay kỹ thuật có mức lương khởi điểm khiêm tốn khiến nhiều người bỏ qua. Một phần vì áp lực trong cuộc sống, phần khác đã quen với sự nhàn nhã làm thì làm, nghỉ thì nghỉ của việc chở người và giao đồ. Điều này có thể đúng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì Q cùng nhiều thanh niên khác đang huỷ hoại tương lai của mình khi phó mặc công việc và quyền tự quyết cho những công ty công nghệ.
 
Thứ nhất là bản chất của công nghệ sẽ luôn luôn thay đổi một cách chóng mặt và không thể lường trước được trong mấy tháng tiếp theo sẽ như thế nào chứ đừng nói là sẽ đảm bảo được một công việc ổn định trong hàng năm trời như nhiều người vẫn nghĩ. Bản thân một giám đốc cấp cao của Uber – ứng dụng gọi xe số một ở Mỹ và Thể giới cũng thừa nhận rằng :
 
“Chạy xe cho Uber không thể ổn định và được coi là một công việc lâu dài, mà chỉ nên coi đó là một cách để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nhàn rỗi”.
 
Tuy nhiên khi mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên các ứng dụng gọi xe và giao đồ phổ biến ở Việt Nam lại phổ biến và được coi như một công việc chính, có thu nhập ổn định và có thể thay thế các công việc khác.
 
Thứ hai việc kiếm tiền dễ dàng thông qua việc chờ người và giao đồ trên các ứng dụng không chỉ lấy đi công sức và thời gian của những thanh niên như Q, mà còn mài mòn dần dần khả năng tư duy, cũng như tước đoạt những cơ hội có thể tiếp cận các công việc tốt hơn trong thời gian tới. Không phải những thanh niên đang chạy và giao đồ bên ngoài kia không hiểu tình thế và những áp lực đang đợi mình trong tương lai, nhưng khi phải giải bài toán phải bắt đầu lại từ đầu thì lấy đâu ra thu nhập để bù vào khoản không chạy xe hay giao đồ nữa?
 
Nghĩ tới đây thì đa phần tất cả đều ngừng sự tư duy lại vì chẳng ai muốn từ bỏ khoản tiền kiếm được trong hiện tại, nhưng cũng phủ nhận những ngày tháng tiếp theo sẽ là như thế nào nếu cứ mãi như vậy? Thật ảm đạm khi Q thừa nhận rằng nhiều bạn trẻ hơn anh đều có suy nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ, cứ lo cái trước mắt đã, đến đâu thì đến, biết là có nhiều bất cập hay vấn đề nhưng mỗi ngày chỉ cần chạy xa là có tiền trong tay rồi là chẳng muốn nghĩ xa xôi gì nữa.
 
Và cuối cùng điều nghiêm trọng nhất không chỉ là nhiều người trẻ đang thấy kiếm tiền dễ dàng qua chạy xe và giao đồ ăn trên ứng dụng bị dính bẫy thu nhập và lười tư duy thì còn từ bỏ cả những gì mình đã mất hàng năm trời để đạt được kiến thức học ở đại học, bỏ luôn cả 12 năm học và rất nhiều hy sinh, kỳ vọng và mong muốn của gia đình khi có thể nhờ học thức để có được cuộc sống tốt hơn.
 
Việc lựa chọn một công việc kiếm được nhiều tiền nhưng dễ dàng luôn bị đánh đồng với sự giúp đỡ gia đình và tự lo cho bản thân. Điều đó có thể chấp nhận được khi những thanh niên trẻ tuổi, có triển vọng và tương lai chỉ coi công việc chạy xe hay giao đồ có tính thời vụ hay nhất thời chứ không phải là lâu dài trong hàng năm trời. Nhưng thực tế, rất nhiều người trẻ lại đang làm ngược lại điều đó. Họ chấp nhận đánh đổi dù biết rằng việc mình đang làm sẽ huỷ hoại tương của chính họ.
 
KIẾM TIỀN BẰNG ỨNG DỤNG GIAO ĐỒ CÓ THỂ LÀ MỘT NGHỀ NHƯNG TƯƠNG LAI CỦA BẠN QUAN TRỌNG HƠN
 
Không có gì là mãi mãi, nhưng Q và nhiều thanh niên khác không thể ngờ rằng điều họ lo sợ lại xảy ra nhanh đến vậy. Covid19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn đã khiến Chính phủ ra công văn yêu cầu các công ty, ứng dụng chở người và giao đồ ăn ngừng hoạt động để hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Sau đó một thời gian thì đến Hà Nội cũng đã yêu cầu các ứng dụng ngừng hoạt động trong 14 ngày để kiểm soát dịch trong thành phố.
 
Gọi xe và giao đồ từ một công việc được mô tả là làm chơi chơi cũng đủ tiền ăn uống, cà phê nay đã lộ ra những nguy cơ đối với hàng trăm nghìn đối tác của các công ty công nghệ. Không ra được đường là không kiếm được tiền, nhưng vì nhiều người đã mất khả năng tư duy, đã không chuẩn bị hay lên kế hoạch cho một hướng đi khác mà đặt niềm tin vào một viên pha lê mong manh, dễ vỡ và khi đã vỡ thì tan ra thành hàng trăm mảnh.
 
Khi mình gọi cho Q để nghe cậu ấy kể về công việc thì Q cho biết đã ở nhà từ 20 ngày nay vì biết tin một người bạn trong nhóm giao đồ ăn là F1 sau khi nhận pizza ở một cửa hàng ở Tô Hiến Thành. Q bi quan khi cho rằng sau 14 ngày giãn cách thì chưa chắc tình hình có thể bình ổn như trước ngay lập tức, để các công ty công nghệ có thể được nới lỏng và cho phép các đối tác như Q hoạt động trở lại. Khi được hỏi liệu Q có muốn nhân dịp này để chuyển sang một công việc khác ổn định hơn không thì Q tặc lưỡi đáp.
 
“Khó lắm, bây giờ chẳng nghĩ được gì nữa. Thôi cứ đợi qua năm nay đã rồi tính”.
 
Q đã cảm thấy bất an và thiếu an toàn trong công việc mình đã gắn bó được vài năm, nhưng anh vẫn chưa nhận ra rằng càng chần chừ thì càng để lỡ thời điểm có thể thay đổi một cách rốt ráo. Mình tự hỏi liệu Q cùng nhiều bạn trẻ khác sẽ suy nghĩ lại khi mọi thứ bình ổn lại, các ứng dụng lại được phép hoạt động và lại kiếm được tiền một cách dễ dàng như trước không?
 
Nếu có thì rất tốt, còn nếu không thì là một câu chuyện ảm đạm ở phía trước đang đợi Q và những thanh niên trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời mình.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận