CÂU CHUYỆN VỀ GIỚI TINH HOA VÀ TẦNG LỚP BÌNH DÂN AI SẼ LÀ NGƯỜI THỐNG TRỊ TRONG MỌI THỜI ĐẠI?

1 năm trước, mình thường xuyên trao đổi và nói chuyện với một người bạn đang học cao học ở trường đại học thuộc top 2 Đài Loan. Chuyện ẩm thực có, chuyện bạn ấy luôn nhận được lời gạ tình của các ông chú Đài Loan có, và nhiều câu chuyện thú vị tốt nhất đừng nên kể ra khác.

Trong rất nhiều câu chuyện hai đứa chia sẻ với nhau, T có kể với mình rằng T cảm thấy bị ấn tượng mạnh mẽ trước một đứa trẻ tầm 15,16 tuổi sinh ra trong một gia đình rất giàu có, được liệt vào tầng lớp trâm anh thế phiệt ở Sài Gòn. Cậu bé ấy mê hoặc T từ cử chỉ, thái độ, lời nói, kiến thức mà T cho rằng tất cả những điều đó chỉ có thể đến từ tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam.

T vốn là một người theo chủ nghĩa duy vật, luôn ưu
tập trung thời gian để kiếm tiền và dành sự tôn trọng lớn về giá trị của tiền bạc. Sau sự ấn tượng đó càng củng cố quan điểm của mình rằng một cuộc sống tốt đẹp thì là một cuộc sống được xây dựng trên nền tảng vật chất sung túc. Và từ việc dư thừa của cải sẽ là bước tiến leo cao trong xã hội, hoặc chuẩn bị cho con cái của mình một nền tảng tốt để bước vào một tầng lớp mới.

T có hỏi mình nghĩ gì về điều này. Mình đáp rằng việc một ai đó may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có, nền tảng tốt, lại có là tầng lớp tinh anh trong xã hội thì đúng như T phân tích : Đã có sẵn bước tiến thuận lợi để dễ dàng hơn trong việc tạo dựng một sự nghiệp thành công và một cuộc sống tốt đẹp.

Nhưng không vì thế mà tất cả lại không cố gắng nhiều để chứng minh mình xứng đáng với may mắn đó cũng như thế hiện giá trị của bản thân họ. Trong những mối quan hệ của mình luôn có những bạn như thế, nền tảng gia đình tốt nhưng các bạn ấy giỏi thực sự chứ không hẳn là phụ thuộc vào gia đình. L là người anh em đã cùng startup với mình trong những năm trước, cậu ấy cũng có một nền tảng tốt nhưng L cũng có thực lực riêng của bản thân. Vì đi theo con đường công nghệ, L đã từ chối một lựa chọn rất tốt nếu theo đúng ngành nghề của gia đình.

Cá nhân mình là một người có xuất phát điểm không như mong muốn, nhưng mình có thể nói rằng mình không thành kiến với vị trí xuất phát tốt hơn của người khác cũng như trách móc số phận của bản thân. Cả hai đều không phải là vấn đề đối với mình để có thể vươn tới một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Sau khi nghe T chia sẻ thì mình có đặt một câu hỏi là : Nếu có hai đứa trẻ có điểm xuất phát với nhau, nhưng sau này lại đạt được thành công như nhau thì T thấy đứa trẻ nào đáng nể hơn.

“Tất nhiên là đứa trẻ ở tầng lớp dưới hơn rồi”. T trả lời không do dự “Nhưng đó là một câu chuyện hiếm lắm Nhân ạ, nhiều đứa trẻ tầng lớp dưới sẽ dễ dàng buông thả bản thân khi không có sự giáo dục đầy đủ”. Mình cũng đồng ý với T điều đó và cả hai đi đến một kết luận tạm thời cho câu chuyện : Có nền tảng tốt thì sẽ đảm bảo hơn trò cuộc sống sau này, nhưng nếu ai mà không có sự đảm bảo đó mà thành công thì rất đáng nể vì người đó đã nỗ lực ít nhất gấp đôi!

Trong thực tế, có những con người có thật và những câu chuyện tồn tại một cuộc so tài giữa tinh hoa và phần còn lại của thế giới trong cùng một thời điểm như giữa John D. Rockefeller và J.P Morgan hay Steve Jobs và Bill Gates – câu chuyện muôn thủa.

Chính bản thân Bill Gates cũng thừa nhận rằng ông may mắn sinh ra trong gia đình giàu có với bố là luật sư, mẹ là doanh nhân đã cho ông không chỉ được đi nghỉ hè ở những chỗ đắt tiền mà qua nền tảng của gia đình Bill Gates đã được tiếp xúc máy tính – vốn là thứ xa xỉ trong thời điểm đó từ sớm. Bằng chính tài năng lẫn điểm tựa vững chắc của gia đình, Gates được chú ý từ khi ông còn rất trẻ trước thi vào Havard một cách dễ dàng và thuận lợi.

Còn Steve Jobs thì được hai vợ chồng ở California không dư dả tài chính nhận nuôi. Nhà chức trách chỉ cho phép nhận làm con nuôi với điều kiện sau này hai người phải cho Jobs học đại học. Từ bé, Steve Jobs trong một lần cùng cha nuôi sơn dãy hàng rào trắng trước nhà,ông đã được dạy rằng “Con phải làm tốt cả mặt trong lẫn mặt ngoài dù người ta không nhìn thấy”. Jobs ghi nhớ điều này và đó là lý do tại sao các sản phẩm của Apple đều chỉn chu, hoàn hảo từ khâu đóng hộp cho tới các bo mạch, linh kiện bên trong đều được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt.

Giống như Gates, Jobs cũng là một đứa trẻ thông minh và sáng dạ. Nhà trường đề nghị bố mẹ nuôi cho ông nhảy lớp nhưng bố mẹ ông đã từ chối. Lớn lên, Steve Jobs gia nhập đại học Reed nhưng sau vài tháng ông bỏ học để tham gia rất nhiều hoạt động không liên quan và bị cho là nhảm nhí như viết thư pháp, thiền định, chơi LSD và cần sa để tìm kiếm cảm hứng sáng tạo trước khi thành lập Apple.

“Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy được ích lợi gì của việc học đại học. Tôi chẳng có câu trả lời nào về việc sẽ làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng tin rằng trường đại học có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó. Tôi đã tiêu tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ phòng khi về hưu vào trường đại học. Vì vậy, tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng, rồi mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi”. Steve Job kể lại khi đọc diễn văn ở đại học số một bờ Tây là Stanford.

Năm 1980 khi Apple IPO đạt giá trị 1,8 tỷ đô-la, 6 năm sau đến lượt Microsoft của Bill Gates lên sàn chứng khoán nhưng chỉ đạt giá trị 61 triệu đô-la, tức là còn kém tới vài lần so với giá trị cổ phiếu Apple mà Steve Job nắm giữ, khoảng 280 triệu đôla. Nhưng sau đó, sau một loạt sai lầm cá nhân của Jobs lẫn công ty, Apple bị tụt lại một khoảng cách xa đến mức suýt phá sản với Microsoft cho tới tận 2008, khi Apple ra mắt iPhone thì mới dần dần soán ngôi Microsoft. Sau khi Apple đạt giá trị 2000 tỷ đô-la, thì Microsoft cũng nhanh chóng xếp sau đối thủ của mình khi cũng đạt được con số 2000 tỷ.

Nhưng trước khi cuộc chiến phân chia làm hai thái cực, hai thế giới giữa Bill Gates và Steve Jobs thì gần 100 năm trước đó, hai ông trùm dầu mỏ là Rockefeller với ngân hàng là Morgan đã đụng độ nhau còn kịch tính hơn.

Khác với Rockefeller, là con trai một người bán rong lừa đảo, phải nghỉ học sớm kiếm tiền thì Morgan được sinh ra trong gia đình gia giáo, giàu có được giáo dục ở những trường nổi tiếng đắt đỏ nhất tại Mỹ và Châu Âu. Khi cả hai đều trở thành trùm tư bản theo những lối đi khác nhau, thì họ gần như là địch thủ từ lối sống cho đến cách hành xử.

Morgan chìm đắm trong giới thượng lưu và sự xa hoa từ nhỏ nên rất ghét lối sống tiết kiệm, tối giản của Rockefeller. Còn Rockefeller trong lần đầu tiên gặp Morgan đã nhận xét rằng “Đó là một con người kiêu ngạo và khinh thường người khác. Tôi không thể hiểu được tại sao những người thượng lưu phải tỏ ra như vậy”.

Trong một cuộc làm ăn sẽ làm rung chuyển thế giới lúc đó, Morgan bắt buộc phải mua lại một công ty quặng của Rockefeller để hợp nhất một vụ thâu tóm lớn. Trong vụ thâu tóm này, Morgan đã biến Andrew Carnegie trở thành người giàu nhất thế giới lúc ấy khi mua lại cổ phần của công ty thép của Carnegie giá 300 triệu đôla – tương đương khoảng 7 tới 8 tỷ đôla bây giờ. Nhưng trước khi thương vụ diễn ra thành công, Morgan phải gặp Rockefeller để thương lượng.

“Tôi không muốn gặp ông ta”. Morgan trả lời cố vấn của mình.

“Ông muốn chuyện riêng gây ảnh hưởng đến thương vụ vĩ đại này sao?”.

“Tôi không biết nữa”.

Morgan sau này thừa nhận rằng tiền bạc không phải lý do, mà chính Rockefeller mới là lý do. Morgan quá kiêu ngạo và cảm thấy bị sỉ nhục khi phải hạ cái tôi để nói chuyện làm ăn với Rockefeller, một người không đến từ tầng lớp thượng lưu như mình. Nhưng vì tiền, vâng lại là tiền thì cuối cùng Morgan cũng đã có lời đề nghị với Rockefeller về vụ mua lại công ty với giá 5 triệu đô-la lúc đó. Với 100 nghìn đôla vào những năm 1890, bạn có thể mua cả một lâu đài 200 phòng ngủ giữa New York.

Và Rockefeller đã dạy cho Morgan một bài học về nhân cách lẫn tiền bạc. Ông nói với Morgan rằng mình uỷ thác cho người con trai mới 27 tuổi toàn quyền quyết đinh trong thương vụ này. Sau đó, Morgan khệnh khạng hỏi con trai Rockefeller rằng “nói đi chú bé, cậu muốn bao nhiêu” thì John, Jr Rockefeller đáp lại “Thưa ông Morgan, rõ ràng có sự hiểu nhầm ở đây. Đó là ông muốn mua còn chúng tôi thì không muốn bán”. Cuối cùng sau khi tham vấn ban lãnh đạo, Morgan đồng ý trả 88,5 triệu đô-la so với 5 triệu đô-la ban đầu để thâu tóm công ty quặng của Rockefeller. 8 năm trước khi mua lại công ty quặng này, Rockefeller chỉ phải bỏ ra 10 đô-la cho 1 cổ phiếu, còn khi bán lại cho Morgan thì lên tới 160 đô-la một cổ phiếu.

Rockefeller vốn nghi ngờ về giá trị của tầng lớp tinh hoa dù ông là người giàu nhất trong những người giàu nhất nước Mỹ lúc ấy. Nhưng Rockefeller lại trốn tránh xã hội thượng lưu như tránh tà dù đó là nơi mà nhà Morgan, nhà Carnegie,nhà Vanderbilt, nhà Stillman – sáng lập tập đoàn ngân hàng Citicorp hay các doanh nhân mới nổi như Henry Ford, Thomas Edison và chính em ruột Rockefeller đang điều khiển tài chính thế giới và cho những ông hoàng bà chúa Châu âu vay mượn các số tiền khổng lồ. Thay vì chơi với các tên tuổi này, Rockefeller chọn sống ở cạnh những con người bình thường nhưng có giáo dục tốt và mộ đạo nghiêm chỉnh – hai giá trị Rockefeller cho rằng quan trọng hơn là xuất phát điểm tốt như sinh ra trong một gia đình giàu có.

Platon từng nói rằng “Giá trị của một con người nằm ở việc anh ta tận dụng những gì mình có trong đôi tay và trí óc của mình”. Vì thế dù xuất phát ở vị trí nào, ở tầng lớp nào, bạn đều có thể đạt được những gì mình muốn. Tất nhiên có sự khó khăn nếu bạn không may mắn rơi vào một gia đình nghèo so với một người khác là con cái gia đình giàu có. Nhưng sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi tại bạn, mà chết đi trong nghèo khổ thì là lỗi của bạn.

“1 người trung bình chỉ đặt 25% năng lượng và khả năng của mình vào công việc. Thế giới ngả mũ cho những người dành 50% khả năng và vượt xa trên đỉnh vinh quang là những con người cống hiến 100% năng lượng của mình”. Andrew Carnegie trả lời cho lý do tại sao ông thành tỷ phú dù xuất phát điểm là người nhập cư vào Mỹ.

Nếu bạn không may mắn, thì bạn phải làm thôi việc chăm chỉ thôi. Nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải huy động tất cả những khả năng và nguồn lực của mình, không còn cách nào khác cả.

Photo : Bill Gates trò chuyện với Steve Jobs khi đã trở thành tỷ phú đô-la trước tuổi 40.

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận