Được gì khi Startup thất bại – Post 13

Do đã thống nhất từ trước, thành viên trong team dev do Hùng leader đang ở thời điểm làm đề án tốt nghiệp nên tốc độ Clopic sẽ chậm so với dự kiến. Điều này mình cũng đã dự tính từ trước, trong thời gian làm một sản phẩm lớn như Yah với hai team lên đến hơn 20 người thì việc từ 9 tháng nhảy lên gần 2 năm, nên mình cũng tự nhủ không có gì phải vội vàng. Dù sao bước khó khăn nhất cũng đã đi qua rồi, khi đã bước một bước dài như như thế thì cuộc hành trình có thế nào cũng chỉ là một cái đích.
 
Long và mình cứ đến cuối tuần thì gặp nhau, Long cho mình biết tiến độ của team code trên FPT Hoà Lạc đến đâu. Sau rất nhiểu buổi trò chuyện, dần dần Clopic bây giờ không còn dựa trên ý tưởng ban đầu của mình nữa mà trở thành Clopic của minh và Long, là của một team. Một trong những chức năng mà mình với Long trao đổi, thảo luận, bất đồng và rồi chấp nhận đặt cược nhiều nhất chính là chức năng Clock trên Clopic.
 
Cái hay và cái dở của Clock là nó quá mới mẻ khiến người dùng bối rối ngay khi login vào Clopic và thấy một cái đồng hồ quả lắc to đùng chi chít vạch đỏ và xanh. Anh Hoàng là sếp bên QAZ khi biết về Clopic có hỏi mình một câu “Nói cho anh biết thật ngắn gọn về chức năng sản phẩm của chú”. Lúc đó mình mới biết tóm gọn về Clopic và diễn đạt rành mạch, dễ hiểu với mọi người khó khăn thế nào. Mất một lúc lâu thì cuối cùng mình cũng đưa ra câu trả lời với anh Hoàng về Clopic là “Kết nối mọi người trong một địa điểm cụ thể bằng hình ảnh theo thời gian thực”.
 
Điều khó khăn và hoang đường nhất khi Startup là bọn mình cùng rất nhiều người khác nghĩ rằng “thói quen trải nghiệm của người dùng bằng một sản phẩm tốt”. Nó giống như việc Warren Buffett ví von rằng nếu ai đó cho ông ấy 100 tỉ Đôla để tạo nên một công ty nước ngọt đánh bại Coca Cola, thì ông ấy cũng bó tay vì trong tiềm thức người dùng Coca đã gắn chặt vào não rồi. Facebook và Instagram là sự lựa chọn đầu tiên ở Việt Nam vào thời điểm đó. Mọi mạng xã hội hay ứng dụng khác chỉ là điểm thêm chút thú vị và tò mò mà thôi. Để chống lại định mệnh, mình với Long đã quyết định giữ nguyên chức năng Clock nhưng bổ sung một giao diện newfeed quen thuộc như instagram và facebook. Ngoài ra bọn mình cũng tính rằng bản update sẽ thay đổi Clock sau khi đã có được feedback của users
 
Những hôm cuối tuần bọn mình cũng đi gặp các nhóm startup khác cùng mấy chỗ đầu tư nước ngoài. Tất cả đều nói Clopic thú vị nhưng rất khó vì bây giờ ai cũng né tránh startup mạng xã hội vì đối đầu với facebook là điều ngu ngốc nhất. Đó cũng là điều mà Long với mình thừa nhận, bọn mình đang tạo ra một sản phẩm, một startup đi tới cái kết đã biết từ trước. Mình có nói với Long rằng mình muốn sự thất bại nếu nó đến vì thực sự niềm vui khi làm Clopic đã là phần thưởng lớn nhất khi mình chấp nhận toàn bộ rủi ro này.
 
“Các anh em cứ làm đi, khi thất bại thì mọi người sẽ biết là do anh chứ không phải tại em anh”. Minh vỗ vai Long nói về trách nhiệm khi Clopic sẽ chẳng đi đến đâu. Cũng đơn giản thật, khi cái gì đó thất bại thì cũng chỉ cần 1 người phải đứng ra là đủ. Tuy nhiên trong sự thống trị của facebook và instagram lúc đó vẫn có một bất ngờ lớn không ai đoán trước được cả – Đó là sự xuất hiện của Snapchat.
 
Snapchat đã gây ra một cơn cuồng phong thực sự ở Mỹ, nơi mà thị trường quan trọng nhất đối với mọi sản phẩm theo cách mà mọi người chê bai là vớ vẩn, trẻ con và nhảm nhỉ. Thật ngu dốt là mình cũng thuộc về những người chê bai snapchat khi biết về nó. Năm 2011 Evan Spiegel cùng một người bạn đã tạo ra một ứng dụng mà ban đầu gần như không có người sử dụng, và khi đến với Shark tank Mỹ cũng bị từ chối. 2013 ứng dụng bị từ chối đó tên là Snapchat được facebook ngỏ ý mua lại với giá 3 tỉ đô, nhưng Evan đã từ chối. Hiện tại Snapchat đã IPO và được định giá trên dưới 15-20 tỉ đôla. Ngoài snapchat ra thì thời điểm đó còn có Slack, Tinder cũng được đánh giá rất cao. Ngay chính Việt Nam thì thành công của Flappy Bird cũng là động lực để bọn mình dũng cảm đi trên con đường 99% sẽ thất bại.
 
Mấy hôm sau, Long gửi cho mình một email, một tâm thư nói về từ lúc mới quen cho đến hiện tại. Long đã cho mình thấy những gì mình không thấy khi cứ mặc kệ thất bại mà bắt đầu Clopic. Kèm theo đó là sự phân tích của Long về mọi mặt và vấn đề team Clopic sẽ phải giải quyết. Dĩ nhiên có cả bức tường thay đổi thói quen người dùng. Mình thực sự xúc động và cảm thấy rất nhiều động lực khi đọc xong email đó. Những dòng chữ mà Long viết cho mình đã thay cho tấm lòng của Long và sự thấu hiểu những khó khăn, cô độc trên con đường startup.
 
Và Long cũng đã đem đến sáng lập thứ ba của Clopic là Thanh. Một người chuyên về tính toán tối ưu cho máy chủ và là người chịu trách nhiệm cho sever Clopic. Thanh cũng giống như mình và Long, mong muốn startup nhưng chưa tìm được team và ý tưởng hợp lý. Khi nghe Long nói chuyện về Clopic, Thanh đã nhanh chóng gặp mình và quyết định gia nhập sau một buổi trò chuyện. Ngoài ra Thanh cũng giúp mình gánh vác một phần chi phí vận hành sever. Thế đấy, startup giống như một cơn nghiện, bạn sẽ bị nó dụ dỗ và mê hoặc đến mất hết cả lý trí ở một mức độ nào đó
 
Facebook, Apple, Microsoft, snapchat hay bất cứ startup ban đầu nào cũng nên có ít nhất hai người. Bạn có thể là thiên tài, nhưng ý tưởng và tầm nhìn về sản phẩm khi được kết hợp với một người cũng giống như bạn sẽ đem lại một cái gì đó gần như là vượt xa hơn rất nhiều. Đó là lời khuyên của mình gửi đến tất cả những bạn đang chuẩn bị startup. Đừng mong chờ một tương lai đầy ắp người sử dụng và nhiều tiền bạc. Chỉ có những bế tắc, cô độc và vấn đề phải giải quyết bên cạnh những người sáng lập với bạn mà thôi.
 
“Bạn sẽ không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào sự tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới”. câu nói của Paul Kalanithi, tác giả cuốn Khi hơi thở hoá thinh không, cũng là những gì bọn mình mong chờ ở Clopic sẽ đem cả lũ vượt qua giới hạn của bản thân.
Ảnh Long, mình và Thanh khi đưa team Clopic đi Tam Đảo
 
 
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân