Được gì khi startup thất bại – post 14

 

Việc hoàn thiện Clopic team chỉ là bước khởi đầu trong cả trăm bước tính từ ý tưởng cho đến lúc ra mắt sản phẩm. Đây không phải là sự ví von mà là mình lấy từ thực tế trong kế hoạch mà Long đã lên cho team từng bước cụ thể. Việc cả team code đều trên FPT Hoà Lạc là một trở ngại về mặt địa lý, mỗi lần mình đi và về đều không dưới 60-70km trong nhiệt độ trung bình từ 32-37 độ C suốt mùa hè cho đến mùa thu 2015. Có lần Long với mình bất đồng trong việc mô tả chuyển động của chức năng Clock từ “Kéo thả” thành “chạm và lướt” thì mình cũng phóng xe lên Hoà Lạc gặp Long và team code nói chuyện không đầy 10 phút rồi hộc tốc quay về Hà Nội trước khi trời đổ mưa. 

Kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi Clopic hoàn thiện đến 90 phần trăm thì mình chở 4 hộp pizza sau xe mang lên party với anh em. Bình thường đi chỉ mất 50 phút nhưng hôm đó nơm nớp pizza đổ nên đi lâu tới 1 giờ 30 phút. Lên đến nơi thì pizza hơi khô nhưng cả lũ vẫn ăn uống vui vẻ và nói chuyện sau khi hoàn thiện thì team code sẽ thế nào. Mình có nói với Hùng rằng ngoài việc bảo trì Clopic thì trong kế hoạch tới sẽ có nhiều chức năng cần nâng cấp và bổ sung cũng như chuẩn bị cho phiên bản Android. Song song là Hùng sẽ hợp tác với Thanh trong việc tối ưu code với sever do Thanh phụ trách. Mình đưa ra hai lựa chọn với Hùng là tiếp tục đưa ra mức thù lao để mình chuẩn bị hoặc sẽ nhận một phần sở hữu Clopic với tiền mặt. Hùng nói sẽ suy nghĩ và trả lời sau.

Tiếp tới là chuyện sẽ đặt máy chủ – sever ở Việt Nam hay ở đâu. Mình rút tiền bài học đau đớn từ YAH nên ngay từ đầu nhất quyết sẽ đặt máy chủ ở Singapore hoặc Mỹ. Thanh nói rằng như thế tốc độ sẽ chậm và chi phí sẽ cao hơn. Long muốn mình đi chuẩn bị giấy tờ trước đã rồi mới quyết định đặt máy chủ ở đâu. Đó cũng là thiếu xót của YAH khi hoạt động mà không được cấp phép. Nhưng sau 2 tuần, cả mình lẫn Long đều bỏ cuộc vì thủ tục cấp phép rắc rối và lằng nhằng. Vì thế sau khi cân nhắc, Thanh đã thuê máy chủ của Amazon đặt ở Mỹ với giá thành đắt gấp đôi so với Việt Nam. Đó là cái giá phải trả để Clopic tạm thời không phải đối mặt với rắc rối về giấy tờ và pháp lý.

Ngoài ra khi nhìn lại thiết kế của Clopic thì có những cái trước đây thì ổn còn bây giờ phải thay đổi. Mình và Long qua gặp chị Huyền Anh và với kinh nghiệm và kĩ năng hiếm có, chị đã chỉ cho hai đứa thấy những điểm ảnh mờ và vỡ mà cả hai đều chẳng nhìn ra. Mình và Long nhờ chị Huyền Anh thiết kế lại Clopic và làm bộ filter mới cho chức năng chụp ảnh. Chị Huyền Anh nói sẽ không lấy một mức thù lao nào cả, nhưng mình và Long đã tặng chị 5 phần trăm cổ phần của Clopic. Chị nói rằng đã làm được gì đâu mà được ưu ái như vậy, nhưng với cá nhân mình, chị là vũ khí bí mật sau này cho Clopic.

Tiếp đến là bọn mình phải giải quyết bài toán vốn hoạt động. Trong khoảng thời gian 2014-2015, Clopic đã tiêu tốn gần 200 triệu. Số tiền đó do mình, Long và Thanh bỏ ra. Ngoài ra anh Hoàng, sếp của mình bên QAZ ủng hộ 15 triệu. Theo tính toán thì 18 đến 24 tháng tiếp theo Clopic sẽ không thể ra được lợi nhuận vì bọn mình không hề có kế hoạch nhận quảng cáo. Mình ghét quảng cáo và cảm thấy nó làm mất giá trị của sản phẩm. Điều này là dựa trên quan điểm của cá nhân và mình đã thuyết phục Long với Thanh mình sẽ có cách duy trì Clopic mà không cần nhận quảng cáo. Nếu ai đã từng đọc cuốn Lean startup – Khởi nghiệp tinh gọn thì sẽ nhận ra mình đã phạm sai lầm chí tử vì chẳng quan tâm đến bài toán lợi nhuận ngay từ đầu cho startup. Tiền mặt chính là xương sống của startup và là máu giúp cho sự duy trì của sản phẩm trước khi lê lết đến thành công. 

Vậy mình sẽ làm gì để bơm  máu cho Clopic mà không cần phải quảng cáo?

Mình tham gia vào startup khác và đó cũng lại là một sai lầm. 

 

Ảnh Clopic team ăn pizza trên Hoà Lạc

Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận

Trần Đức Nhân