Được gì khi startup thất bại – Post 3
Thời điểm viettruyen.vn bắt đầu chững lại thì cũng là lúc công ty mình bắt đầu tuyển một loạt coder mới. Mỗi ngày lên công ty đều có những bạn chờ sếp lên hoặc các anh leader phỏng vấn. Tất cả đều được nhận làm hoặc học việc. Tư duy của anh Hoàng tin rằng dù trong hiện tại chuyên môn chưa được tốt nhưng con người sẽ tiến bộ nếu có ý chí phấn đấu và quyêt tâm học hỏi trong nghề. Lúc ấy QAZ Ware không thiếu những coder cứng sẵn lòng chỉ bảo cho bạn nào học hỏi. Mình vẫn nhớ anh Hoàng lấy vài bản CV của các bạn mang đến để … che cửa kính khi buổi chiều nắng gắt.
“Quan trong gì CV, khi làm là biết được hay không thôi”. Anh Hoàng cười khi cầm mấy bản CV trong tay quạt.
Nhân viên mới dù biết ít hay biết nhiều thì cũng đều ngay lập nhảy luôn vào mảng outsoure lúc đó không hề thiếu. Ngoài ra QAZ ware cũng tuyển nhân viên cho một project khác, một startup đầy tham vọng với tên gọi ban đầu là YAH. (Bọn mình hay gọi nó là Yêu Anh Hoàng).
Đó cũng là lúc anh Hoàng gọi mình với anh Kiên lên tầng nói chuyện về YAH. Trước đó trong một hôm 7-8 giờ tối cả công ty chỉ còn mỗi mình và anh Hoàng vẫn ngồi lại thì anh Hoàng cho mình xem plan ban đầu về YAH. Khi ấy mình là một con nghiện công việc, luôn đến công ty trước 8h30 và ra về lúc 8 giờ tối. YAH là một mạng xã hội có nhiều mạng xã hội + website trong nó. Ví dụ viettruyen + zing + nhaccuatui + youtube… bằng cách YAH tự tổng hợp tin tức lấy từ hàng chục website khác ( Lúc ấy mình không phải coder nên không quen với các từ chuyên nghành như bọ thụ thập dữ liệu, thuật toán đối chiếu, tỉ lệ %…. ). Nói đơn giản, lúc đó facebook là một phần nhỏ của facebook bây giờ, còn YAH thời điểm đó nó nhắm đến như một facebook tối ưu hơn.
Anh Hoàng nói rằng từ dữ liệu cho đến user viettruyen sau này sẽ đồng bộ với YAH khi YAH hoàn tất. Đối với mình vì trước đó đã thấy được tầm nhìn và tham vọng của sếp nên đón nhận tin này rất hồ hởi. Anh Kiên thì điềm tĩnh hơn và thận trọng trước tin thông tin này hơn. Anh Kiên phân tích hiện tại sự lan toả của facebook là không thể ngăn cản, nếu làm một sản phẩm cạnh tranh với facebook điều vô vọng, thay vào đó nên hướng đến một thứ đơn giản, mới mẻ và biến nó trở thành tiện ích thứ hai của người dùng Việt Nam sau facebook. Hiện tại trong thời điểm đó, các website như zing, vnexpress, kenh14, 24h, trong giới văn phòng thì có Skype là những sản phẩm được người dùng hàng ngày với facebook. Ngoài ra còn có những mạng xã hội của người Việt như yume.vn, tamtay.vn, nhungtruyennganhay… cũng có được số lượng nhất định.
Cá nhân mình thì còn nhìn nhận thêm Pinterest và Instagram. Mình thực sự choáng ngợp trước giao diện và của hai startup này. Instagram sau 1 năm hoạt động đã đạt đến 50 triệu user và facebook đã mua lại với giá hơn 1 tỉ Đôla mà nếu như họ không vội vàng bán mà để đến tận bây giờ thì giá trị của Instagram không dưới 30 tỉ Đô. Vào thời điểm cuối năm 2011 đầu 2012 thì số lượng smartphone vẫn chưa phổ biến và có cấu hình tốt như bây giờ và instagram cũng không phải là cái gì đó gây được chú ý đối với người Việt.
“facebook mạnh nhưng không có nghĩa hết phần cho anh em ta”. Anh Hoàng trong sự phấn khích nói. “Tin anh đi, YAH khi ra mắt nó sẽ là sự khác biệt rất lớn ở Việt Nam.
Sau đó anh Hoàng cũng nghe mình và anh Kiên nói về tình hình của viettruyen. Mình có đề cập đến việc cải thân và thêm vào một vài chức năng và nói rằng user vẫn đăng ký nhưng không lại quá lâu vì những lý do đã đề cập ở post 2. Anh Hoàng gật gù nói rằng tối sẽ giao việc cho team code xử lý những việc liên quan đến kĩ thuật. Điều này diễn ra rất chậm, không có một chức năng nào đề xuất hoàn thành vì team đã được kéo vào hoàn thiện YAH. Tối hôm đó, chính thức mình và anh Kiên tham gia vào YAH trong vai trò front-end, marketing, nghiên cứu thị trường, đưa ra ý tưởng và test sản phẩm. Việc nhiều nên đãi ngộ cũng tăng lên, anh Hoàng nói mình và Kiên từ bây giờ viết lên google doc những việc đã làm trong tháng để nhận thêm bonus tiền lương.
Trái với sự phấn khích của mình khi biết về việc sẽ làm một thứ oách đến như thế thì anh Kiên lại thận trọng hơn. Ý kiến cá nhân của mình về chuyện là bởi anh Kiên chỉ muốn dành toàn bộ tâm huyết và thời gian cho viettruyen – vốn là startup mà anh ấy đồng sáng lập và bỏ ra nhiều điều vì nó. Thậm chí mối quan hệ căng thẳng với gia đình là tại anh Kiên đam mê viết lách, chưa có ý định làm một chỗ ổn định theo ý bố mẹ. Lúc đó anh Kiên chỉ kiếm được khoảng 3-4 triệu trong khi với kĩ năng và làm một công việc khác đúng chuyên ngành ngoại thương thì có thể kiếm được gấp đôi con số đó. Có thể anh Kiên không phát điên lên vì YAH như anh Hoàng và mình, nhưng những gì đã bỏ ra vì viettruyen, anh Kiên xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.
Cuối cùng thông tin về YAH đã được thông báo đến cho mọi thành viên ở QAZ Ware. Công ty từ khoảng 15-20 bây giờ lên tới gần 40 người. Có những thành viên outsoure làm fulltime ở nhà mình chưa bao giờ gặp, chỉ biết nói chuyện qua Skype. Cuối tuần hôm đó, theo ý kiến của anh Quốc Anh, một trong hai design chính QAZ ware thì mọi người sẽ tụ tập ăn vịt nướng ở Linh Đàm coi như chạy rốt đa cho YAH và cũng là dịp để anh em gặp gỡ lẫn nhau. anh Hoàng chỉ định mình, anh Kiên và anh Giang design chính YAH sẽ làm việc với nhau và chính sếp trực tiếp điều hành nhóm. Anh Giang là một trong những người có tính cẩn thận nhất mà mình từng làm việc. Mỗi lần mình muốn xem bản design mới của YAH để đóng góp, trao đổi ý tưởng thì anh Giang luôn đợi anh Hoàng xác nhận của Skype mới gửi mail cho mình bản mới nhất.
Hôm đó lại trùng với ngày chủ toà nhà mời các công ty thuê văn phòng ăn bữa cơm với gia đình. QAZ thuê 2 tầng nên có bốn suất, anh Hoàng, hai anh leader và mình lên tầng thượng ăn cơm với các thành viên công ty khác và gia đình chủ.
Chủ toà nhà là là một bác nữ trên dưới 60 tuổi, người gốc Cao Bằng nếu như mình không nhầm ăn nói rất lưu loát, chọn từ ngữ xã giao rất chuẩn và luôn nói về lợi ích chung của chị, của cô với các bên thuê văn phòng trong toà nhà. Bữa cơm cũng được nấu theo kiểu vùng núi, ăn ngon. Đó là lần đầu tiên mình được tham dự vào một bữa tối kiểu doanh nghiệp như thế, lắng nghe bàn này, bàn kia nói đến các dự án chóng tiền tỉ đến chóng cả mặt. Các công ty khác thuê cùng toà nhà đều không phải là công nghệ mà liên quan đến xây dựng, ngân hàng, tư vấn nội thất nên tự dưng thầy từ đâu ra bốn ông thanh niên đi dự tiệc không giày tây, không sơ mi trắng mà ai cũng đeo balo to đùng đầy ngạc nhiên. Các tay sâu rượu của mấy bàn đó đều qua mời rượu và giới thiệu về công ty và dịch vụ với mấy anh em. Mình vẫn nhớ có một anh bên công ty xây dựng hỏi “Thế các em kiếm tiền kiểu gì với cái gọi là công nghệ thông tin?”.
Sau buổi ăn cơm, anh Bình, leader nhóm outsoure thứ nhất về trước vì nhà xa không qua với anh em được. Ba người còn lại phi nhanh xuống Linh Đàm thì thấy các anh em đã ngà ngà say rồi. Cá nhân mình cũng không uống được nữa vì phải uống ba,bốn chén vodka ở toà nhà. Lúc đó mọi người cũng đã ngây ngất gần hết, tất cả đều đang nói về chủ đề mà dân công nghệ thèm khát nhất – Gái. Mình lúc đó đã biêng biêng nên lấy lý do chuồn sớm.
Cách anh Hoàng tuyển chọn người dựa trên niềm tin và sự tiến bộ chứ không phải qua CV, cũng như tạo ra môi trường học việc thoải mái cho sinh viên mới ra trường vào thời điểm năm 2012 là điều mình ấn tượng vô cùng. Cho đến bây giờ, mình vẫn biết nhiều công ty công nghệ, chưa nói gì đến các công ty ở mảng khác đều yêu cầu các bản CV càng dày, càng chi tiết càng tốt. Năm 2015, mình có qua bên 24h phỏng vấn nhận một công việc fulltime nhưng ở nhà và bên đó kinh ngạc khi biết mình không mang CV đến mà chỉ gửi qua email cùng cách nói chuyện liên tục đặt câu hỏi cho người tuyển dụng.
Trong thời điểm triển khai YAH, anh Hoàng cũng liên tục đưa nhân viên đi ăn, trà đá, trà sữa để gắn kết mọi người và chia sẻ vision của mình. Sếp luôn tạo môi trường làm việc thoải mái từ thời gian cho đến luật lệ. Chính xác ở QAZ Ware luật duy nhất làm tốt việc của mình được giao. Nếu ai muốn về sớm hoặc nghỉ thì chỉ càn báo qua leader hoặc sếp đều được chấp nhận.
Mình học hỏi ở anh Hoàng rất nhiều trong thời gian làm YAH và thời gian làm việc ở QAZ ware thoải mái đến mức dù sau này có nhiều chỗ đưa đãi ngộ tốt hơn, môi trường chuyên nghiệp hơn, công ty ở tầm vóc lớn hơn cũng không nhấc mình nổi khỏi QAZ.