MÌNH HỌC ĐƯỢC GÌ KHI ĐỌC LẠI CÁC TÁC PHẨM CỦA MURAKAMI?

Thứ văn chương và nhịp điệu trong những truyện ngắn cho tới tiểu thuyết của Haruki Murakami luôn là thứ mình ưu tiên đọc lại nhất. Văn chương của Murakami có thể nói rằng nó trôi qua tâm trí mình như một dòng nước yên ả, không bị ứ đọng hay tắc nghẽn ở đâu dù tình dục, triết lý và các tình tiết siêu thực luôn luôn diễn ra từ ngòi bút hay trên những ngón tay của Murakami.
 
Mỗi khi đọc lại, mình luôn tìm đọc lại mình tìm ra được nhiều điều thú vị, và điều mình thích nhất là Murakami không chỉ viết một thứ văn chương hấp dẫn mà ông ấy còn chia sẻ nhiều suy nghĩ về việc viết lách, việc sáng tác một tác phẩm hấp dẫn và việc làm thế nào để trở thành một tiểu thuyết gia với người đọc thông qua tiểu thuyết và các nhân vật. Nói theo cách đơn giản, mình học được cách viết tiểu thuyết thông qua việc đọc tiểu thuyết của Murakami.
 
Ba hôm nay mình đọc lại 1Q84 – tiểu thuyết mình thích nhất của Murakami và luôn tủm tỉm cười khi bắt gặp những suy nghĩ và chia sẻ của tác giả về việc lách được khéo léo cài đặt vào trong các cuộc trò chuyện và nội tâm của các nhân vật chính. Khi đọc những đoạn có liên quan đến viết lách đó mình thì mình đã cười không chỉ vì nó toát lên một khí chất vô tư và bất cần khi cho rằng “Thứ văn chương đáng giá là viết một thứ gì cái mới mẻ và bỏ qua những yếu tố khác”. Đây chính là sự động viên vô hình cho những gì mình đang làm từ một tác giả mình yêu thích thông qua tác phẩm của ông ấy.
 
Nhưng không chỉ thế, khi đọc những chương, những đoạn có liên quan đến viết lách trong 1Q84 mình còn cảm nhận được sự truyền thụ của Murakami cho những ai quyết định rẽ ngang cuộc đời để trở thành một tác giả best seller như ông. Murakami thúc đẩy ai đó trong chúng ta hãy mạnh dạn viết, hãy tự tin chia sẻ thế giới nội tâm của mình qua văn chương, qua những tác phẩm có sự diễn đạt hấp dẫn và nhiều tình tiết thú vị như chính ông cũng đã học hỏi nhiều tác giả khác và từ đó trở nên được yêu thích như bây giờ.
 
Quan trọng hơn, Murakami luôn nhắn nhủ với người đọc rằng mình không phải là một người viết giỏi, một người có tài năng văn chương ngay từ đầu. Murakami chỉ có thể trở thành một tiểu thuyết gia ăn khách với nhiều sáng tạo và hài hước khi chìm đắm trong quá trình viết kéo dài hơn 40 năm nay mà thôi.
 
Một số chia sẻ về việc viết lách trong 1Q84 mà mình đã thay đổi một chút so với nguyên tác để phù hợp với bài viết :
 
“Ưu điểm lớn nhất mà người viết có thể làm là đừng bắt chước bất cứ ai, đừng cố gắng thể hiện thông qua việc viết để trở thành bất cứ ai đó”.
 
“…Giọng văn thô ráp, không tinh tế tỉ mỉ, từ ngữ chọn dùng vụng về kém cỏi ngay từ ban đầu cũng đừng thất vọng. Ít nhất hãy viết một câu chuyện hấp dẫn, có sự độc đáo đem tới một cảm giác mới mẻ, sâu lắng dù đó là một tác phẩm kỳ dị người đọc không thể hiểu ngay được”.
 
“Có hai loại tác phẩm, loại thứ nhất tương đối hay và tốt. Loại thứ hai thì chẳng đáng một xu, kiểu này chiếm áp đảo. Để viết ra loại thứ nhất, bạn phải khiến người đọc muốn đọc lại từ đầu một lần nữa”.
 
“Nếu tác giả không có ý định viết ra những câu văn hay, hoặc ít ra cố gắng học lấy cách viết văn cho hay thì dù có bỏ ra nhiều thời gian rèn giũa cũng không tiến bộ được”.
 
“Văn chương một là sinh ra đã có tài, hai là phải nỗ lực, khổ công mài dùa bản thân trong khi viết thì mới viết hay đươc. Thích viết văn và nỗ lực viết chính là những tố chất quan trọng nhất để trở thành nhà văn”.
 
“Bản thảo ban đầu là một bản thảo sơ hở trăm bề. Việc tiếp theo sau khi viết xong là cắt bỏ đi những chỗ không có cũng được trong bản thảo sau đó bổ sung vào những chỗ cần mạch lạc và rõ ý hơn. Đây là một trò chơi trí tuệ. Trước tiên là đặt ra thời gian cho việc cố hết sức thêm những chỗ có thể, sau đó lại lược bỏ đi càng nhiều càng tốt. Hãy kiên trì lặp đi lặp lại như vậy thì bản thảo dần dần sẽ đạt được sự ổn định và hoàn thiện nhất có thể tới mức muốn viết thêm hay giảm đi cũng rất khó”.
 
“Khi sửa xong rồi hãy đọc kỹ lại một lần nữa, nếu có thể hãy cắt đi những chỗ thừa thãi, bổ sung thêm vài nơi diễn đạt còn chưa đầy đủ, chữa những phần câu trên câu dưới chưa được hài hoà, cho tới khi bản thân hài lòng thì thôi”.
 
“Giống như đang lựa chọn gạch men sao cho phù hợp với khe hở nhỏ trong nhà tắm, hãy cẩn trọng lựa chọn những từ ngữ thích hợp nhất, kiểm tra từ nhiều góc độ khác nhau xem đã vừa khít hay chưa. Nếu chưa đủ khít, thì lại điều chỉnh một chút hình dạng viên gạch. Chỉ một chút khác biệt rất nhỏ trong sắc thái thôi cũng đủ đem lại sức sống trong lời văn hoặc huỷ diệt nó”.
 
“Hãy đọc nhiểu tiểu thuyết nhất có thể, thông qua việc đọc bạn sẽ học được nhiều điều để lần tới khi viết tác phẩm cho riêng mình, chắc chắn sẽ có ích”.
 
“Trong quá trình viết lách, bạn sẽ nhận thấy trong sâu thẳm lòng mình có một nguồn mạch lặng lẽ tuôn trào. Không phải kiểu suối nước chảy ào át, mà giống như dòng chảy nhỏ róc rách giữa những tảng nham thạch gồ ghề. Mặc dù lượng nước không nhiều, nhưng dòng chảy cứ tí tách không ngừng nghỉ. Không cần quá nôn nóng thành công, cũng không phải sốt ruột bồn chồn, chỉ cần nhẫn nại chờ đợi nó chảy đẩy cái vũng trên tảng nham thạch là được.
Khi nước suối dâng đầy thì có thể dùng tay vốc lên. Việc còn lại chỉ là ngồi trước bàn làm việc, biến đổi thứ bạn đang có trong tay thành từ ngữ văn chương. Thế là, câu chuyện liên tiến triển một cách tự nhiên”.
 
“Nhà văn chân chính phải là người tìm ra câu chuyện ấn giấu trong mình, diễn đạt nó ra bằng những ngôn từ chuẩn xác”.
Lan tỏa nếu thấy hay nhé:

Viết một bình luận